Đọc và chia sẻ Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 11

Sự mới mẻ vĩnh hằng

11. Canh tân việc rao giảng có thể cống hiến cho các tín hữu, cũng như cho những người nguội lạnh và không sống đạo, một niềm vui mới trong đức tin và hiệu quả trong hoạt động truyền giáo. Tâm điểm của sứ điệp rao giảng sẽ vẫn luôn luôn là một: Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Thiên Chúa không ngừng đổi mới những người con trung thành của Người, bất kể ở lứa tuổi nào: “Họ sẽ trèo lên cao bằng đôi cánh đại bàng, sẽ chạy mà không mệt, sẽ đi bộ mà không xỉu” (Is 40:31). Đức Kitô là “Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14:6); Ngài “vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 11:33), nhưng sự giàu có và vẻ đẹp của Ngài thì vô biên. Ngài mãi mãi trẻ trung và là nguồn mạch vĩnh hằng của cái mới. Hội Thánh không ngớt kinh ngạc trước “chiều sâu của sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa” (Rm 11:33). Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng “sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa giống như một khu rừng quá sâu và bao la khiến cho linh hồn dù đã biết nó nhiều đến đâu cũng vẫn có thể tiến sâu mãi vào trong đó”.[7] Hay như Thánh Irênê viết: “Với việc đến trần gian này, Đức Kitô mang theo với Ngài tất cả sư mới mẻ”.[8] Với sự tươi mới này, Ngài luôn luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và các cộng đoàn chúng ta, và cho dù sứ điệp Kitô giáo đã từng biết đến những thời kỳ đen tối và sự yếu đuối của Hội Thánh, sứ điệp ấy sẽ không bao giờ già đi. Đức Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn là “mới”.

timthumb.php

Giáo Hội, ngay từ sáng sớm ngày lễ Ngũ Tuần, mới chỉ là một nhóm nhỏ của Do Thái Giáo, chừng 120 người (Cv 1, 15), đã gây xôn xao khiến mọi người đang ở Giêrusalem tuốn đến……chỉ vì cái nhóm nhỏ ấy đã dùng tiếng nói của mọi dân nước MÀ LOAN BÁO NHỮNG KỲ CÔNG CỦA THIÊN CHÚA.

Giáo Hội đã loan báo những gì?

Giáo Hội vẫn là những con người chân đứng trong trời đất này, giữa một thế giới đầy gươm giáo, nhưng lại loan báo một trời mới đất mới vừa được tác sinh trong THẦN KHÍ , tâm điểm của sứ điệp rao giảng đã và sẽ vẫn luôn luôn là một: Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Thánh Phêrô trong bài giảng đầu tiên đã tuyên xưng : “Đức Giêsu mà anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Ngừơi vào thập giá…Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại. Tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho người Thánh Thần đã hứa để ngươi đổ xuống, đó là điều anh em đang thấy đang nghe (Cv 2,32-33).

Anh em đã thấy Thánh Thần đầy tràn trên chúng tôi,

Anh em đang mghe Thánh Thần dùng miệng chúng tôi mà loan báo kỳ công của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu: “toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2,36).

Đức Kitô là Tin Mừng vĩnh cửu, Ngài vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nhưng để có thể khám phá ra sự giầu có và vẻ đẹp của ngài thì người môn đệ phải đi vào chính bước đường của những ngườii đã đi theo Ngài. Hành trình theo một diển tiến như đã được phác thảo trong bài giảng của Phêrô : “anh em hãy sám hối. và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38).

Sám hối – tôi phải rời bỏ bước đường của mình để có thể bắt đầu một bước đường mới. Nói cách đơn giản: tôi là một tội nhân, tôi đã là con mồi hay dễ trở thành con mồi cho những ham muốn xác thịt, gian tà, tôi cần được nâng dậy. Ai sẽ cho tôi sức mạnh để tôi có thể tiến bước?

Chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, nơi đây, cuộc đời tôi được khắc ghi Danh Thánh. Lời Chúa trong 1Ga đưa tôi vào niềm vui của Tin Mưng :“ai tin rằng Đức Giêsu là đấng Kitô, người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 5,1), từ nay tôi có thể cất tiếng gọi Thiên Chúa Cha với Giêsu và trong Giêsu : ABBA, Cha ơi!

Cùng lúc tôi nhận được ân huệ là Thánh Thần, chính Thánh Thần sẽ chỉ dậy và uốn nắn để tôi trở thành ngôn sứ, có một con tim biết lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn dạy bảo và thi hành ý muốn của Ngài trong mọi sự. Tông đồ Phêrô đã quả quyết điều này khi lập lại lời của ngôn sứ Gio-en: “ta sẽ đổ đầy tràn Thần khí trên tôi nam tớ nữ của ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ (Cv 2,18).

Với một con tim mềm mại để lắng nghe, càng ngày, Chúa càng tỏ cho tôi biết sâu hơn về những điều lạ lùng Ngài đã và đang thực hiện, để tôi lên đường loan báo Tin Mừng trong tư cách chứng nhân. Trên đường, tôi luôn bị chất vấn về điều này : một lúc nào đó, nếu tôi không có tai để nghe, khi ấy tôi sẽ chỉ nói điều mình nghĩ, ưa lý sự, đến nỗi đứng trên bờ ruộng rồi mà cứ lo cãi vã, hoặc dửng dưng mặc cho lúa rụng. Vô tình, tôi lại là người vô trách nhiệm trước đồng lúa đã chín vàng đang chờ thợ gặt. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. thật đáng tiếc nếu tôi có mặt trên cánh đồng mà không có khả năng gặt hái, một tay ngang.

Nhóm thợ đầu tiên , được đào luyện tại Giê-ru-sa-lem qua việc

Chuyên cần lắng nghe lời Chúa

Hiệp nhất trong Thánh Thầnh

Siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể,

Cầu nguyện không ngừng. (x. Cv 2,42)

 

Nhờ vậy, khi phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri (Cv 8,1), đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Syp và thành An-ti-ô-khi-a (Cv 11,19) , thì lại là cơ hội để những người phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Thiên Chúa (Cv 8,4).

Đây cũng chính là bước đường và là khuôn mẫu cho các tín hữu hôm nay, bởi lẽ, “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra”, và chúng ta sẽ có được “những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay”.

                                                                                                                        MM Tân S.J. chia sẻ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *