ĐỒI TRANH LẶNG LẼ
Ttruyện ngắn
Viết cho hương hồn K.O.
Và những nạn nhân vô danh của căn bệnh thế kỷ…
Con hẻm dẫn vào ngôi nhà mới của tôi vắng hoe. Ánh đèn leo lét từ những cây cột điện của thị trấn không đủ sáng để len vào con hẻm sâu hút. Đến giữa chừng con hẻm, tôi chợt nghe có tiếng khóc thút thít. Lại gần, tôi nhận ra một cô bé đang co người trong góc tối.
– Sao vậy bé ?
– Anh… anh là người mới đến đây phải không?
Đó là ấn tượng tôi còn giữ lại về cuộc gặp gỡ đầu tiên với bé Ngọc.
—o0o—
Tôi không quen với đời sống phố thị. Từ nhỏ, tôi đã là đứa con của núi rừng, đã quen với cái khoáng đãng bạt ngàn, đã hít thở hương đồng gió núi, đã yêu bầu trời mênh mông thăm thẳm ánh sao đêm.
Gia đình tôi chuyển đến thị trấn này để đi tìm cuộc sống mới. Đời sống phố thị có lẽ sẽ hứa hẹn nhiều cơ hội để tiến thân. Nhưng trước mắt, khung trời của tôi bị giới hạn bởi những bức tường cao nghều nghệu. Con đường làng bấp bênh bên sườn núi được thay bằng con hẻm xi măng dài ngoằn cộc lốc. Trong luồng khí mà tôi hít thở mỗi ngày, luôn có mùi tanh nồng của phố chợ, có vị ngột ngạt của hơi người. Nhớ làm sao hương đồng gió núi !
Bé Ngọc từ nhỏ đã sống trong khung trời phố thị ấy. Nó luôn mơ về một vùng quê ngoại xa xôi. Khung trời mơ ấy giống như những hoài niệm của tôi. Điều ấy đã nối kết hai chúng tôi với nhau.
Được quen với bé Ngọc, tôi dần vơi nỗi buồn xa quê. Mỗi chiều, nó dẫn tôi ra khỏi thị trấn để bước vào một thế giới khác. Ở cuối con đường rải nhựa dang dở, chúng tôi len lỏi qua những bãi cỏ tranh, qua đống ngổn ngang những phế liệu thải ra từ khu thị trấn, để leo dần lên ngọn đồi nhỏ. Ngọn đồi một mình trơ vơ, được đặt ra bên ngoài tiến trình đô thị hóa. Đó là nơi duy nhất còn giữ được màu xanh của cỏ tranh và cây bụi. Bé Ngọc gọi đó là rừng, là thế giới bình yên của hai anh em chúng tôi. Cánh rừng của bé Ngọc gợi lại trong tôi những ký ức êm đềm của quê hương tuổi thơ. Cánh rừng ấy cũng cho nó giây phút thanh thản sau những đổ vỡ trong gia đình.
Mẹ bé Ngọc là một phụ nữ bạc mệnh. Từ Miền Tây xa xôi, bà đến thị trấn này làm ăn và gặp bố nó. Bé Ngọc là mối dây ràng buộc, và hai người phải lấy nhau khi chuyện đã rồi. Mười mấy năm cuộc đời làm vợ là mười mấy năm bà sống trong dằn vặt. Bà mong một ngày được trở về quê để thắm nên hương tạ lỗi với ông bà. Nhưng cuộc sống phố thị làm gì có chỗ cho những người hoài hương!
Bé Ngọc học hết cấp I thì mẹ nó đổ bệnh. Nó phải nghỉ học để ở nhà chăm lo cho mẹ. Được một thời gian, bố nó sinh tật nhậu nhẹt và thường gây sự với mẹ con nó. Ông chửi thời vận không mỉm cười với mình, chửi cuộc sống phố thị làm ông ngột ngạt, chửi mẹ con nó ăn bám làm ông phải khổ… Những lúc ấy, nó chỉ biết trốn ra ngoài để khóc một mình, để khỏi phải chứng kiến cảnh mẹ nó một mình vừa chống chọi với cơn bệnh, vừa chịu đựng ông chồng bất đắc chí.
Rồi Mẹ nó qua đời và được chôn trên ngọn đồi tranh bên rìa thị trấn. Hai anh em tôi lại đến đấy thường xuyên hơn. Bé Ngọc nói mẹ nó thích hoa Tigôn. Thế là hai đứa lụi cụi dựng một giàn hoa nhỏ bắt qua ngôi mộ. Khi những sợi Tigôn đầu tiên chưa kịp bò qua giàn hoa, bé Ngọc đã có mẹ mới. Đó là một người đàn bà phục phịch có cặp mắt láo liêng, khuôn mặt lúc nào cũng lòe loẹt son phấn. Ngày đầu về nhà, bà bẹo má bé Ngọc đầy ẩn ý: “con bé xinh đáo để!”.
Có mẹ mới, gia đình bé Ngọc bước vào những tháng ngày bình lặng hơn. Nó không còn phải nghe lời nặng tiếng nhẹ từ người lớn, nó được chăm chút chu đáo hơn. Thế nhưng dường như cũng từ đó, một nỗi lo sợ mơ hồ bắt đầu phủ lấy cuộc đời bé Ngọc. Nỗi sợ ấy cứ xoắn lấy nó mỗi khi nó chạm phải ánh mắt của người đàn bà xa lạ mà nó phải gọi là mẹ…
Đó là những tháng ngày bình yên. Mỗi chiều, bé Ngọc vẫn lặng lẽ bên tôi trên ngọn đồi tranh lặng lẽ. Giàn Tigôn đã rợp bóng trên ngôi mộ mẹ nó. Chung quanh ngôi mộ, bé Ngọc còn trồng thêm một vòng hoa tường vy xanh mướt. Nó vốn thích màu tím. Chứng kiến những cánh hoa li ti lóng lánh màu tím nhú ra khỏi mầm nụ, nở tươi trong sắc nắng, rồi tàn lụi dần dần, nó òa khóc ngon lành trên vai tôi. Cuộc đời nó cũng nhỏ bé và mỏng manh như cánh hoa. Nó cần một chỗ thân thiết để tựa nương. Nó sợ một ngày nào đó tôi sẽ xa nó, nhẹ nhàng và bí ẩn như lúc tôi đến. Nó sợ cuộc đời mình cũng sớm nở chiều tàn như cánh hoa… Những giọt nước mắt của nó thấm ướt vai áo và thấm thật sâu vào lòng tôi. Tôi đã từng nguyện sẽ như giàn hoa Tigôn, suốt đời rũ bóng che chở, để hàng tường vy giữ mãi giữ được màu hoa tím dịu dàng.
Nhưng cuộc đời không như là mơ, tôi còn con đường tương lai của tôi, con đường ấy đưa tôi ngày một xa nó.
Hết cấp III, tôi chuyển lên thành phố để học tiếp. Buổi chiều cuối cùng hai đứa bên nhau, nó cứ lặng lẽ. Tôi đã không đủ can đảm để nhìn sâu vào đôi mắt ướt thăm thẳm buồn của nó. Tôi cũng lặng lẽ bên nó. Buổi sáng tiễn tôi ra xe, nó cầm tay tôi, nở một nụ cười lặng lẽ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy nó cười, nụ cười lung linh trong nắng sớm. Vài tia nắng xuyên qua mái tóc nó, óng ánh. Nó đứng đó, nhỏ nhoi lặng lẽ. Tôi đi…
Lá thư đầu tiên, cũng là lá thư duy nhất tôi nhận được từ bé Ngọc trong suốt thời gian học hành, chỉ vỏn vẹn hàng chữ: “bé buồn lắm, nhớ anh lắm, chúc anh học giỏi, sớm trở về !”
Tôi đã không thể trở về sớm như mong đợi. Những tin tức nhận được từ gia đình làm tôi lo ngại. Bố mẹ tôi không phải là mẫu người làm ăn buôn bán, đời sống phố thị phồn hoa dường như không dành cho chúng tôi. Gia đình tôi rơi vào vòng xoay của những người cho vay nặng lãi. Việc học của tôi thực sự trở thành một gánh nặng cho gia đình. Bố viết thư, hỏi tôi có thể tranh thủ mấy ngày hè tìm việc gì làm, để có thể tự lo cho việc học và đời sống của mình. Thế là tôi ở lại thành phố, vùi mình trong vòng xoáy học hành và công việc.
Cuối cùng thì việc học của tôi cũng hoàn tất. Sau lễ tốt nghiệp, tôi háo hức trở về nhà trong tâm trạng của một người vinh quy bái tổ. Những năm ở thành phố tôi mới thấm thía những câu thơ của Chế Lan Viên: “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn… tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Tôi chưa gắn bó nhiều với vùng thị trấn của mình, nhưng dù sao đó vẫn là nơi để tôi trở về. Nơi đó có gia đình tôi, có bé Ngọc. Nơi đó tôi đặt tình yêu của mình. Nơi đó tôi sẽ chọn làm quê hương.
………
Tôi hỏi thăm về bé Ngọc, mẹ tôi chỉ chép miệng chỉ ra đồi tranh…
Ngọn đồi vẫn lặng lẽ, đứng bên rìa mọi thăng trầm biến đổi của dòng đời. Cái khác lạ đầu tiên đập vào mắt tôi là ngôi nhà tranh nhỏ nằm phía sau hai ngôi mộ. Giàn Tigôn trước nhà xanh mướt, mơn mởn những dãi hoa hồng nhạt. Những cành tường vi tím thẫm bừng sức sống. Chỉ có căn nhà là lặng lẽ. Tôi đẩy cửa bước vào. Trong không gian vuông vức, chỉ có độc một chiếc giường tre tạm bợ. Trên giường là chiếc hộp giấy và một phong thư…
“Anh ơi, bé Ngọc biết là anh sẽ về. Xin lỗi anh, vì bé đã chờ suốt một khoảng thời gian dài, nhưng lại ra đi vào giây phút cuối. Bé không đủ can đảm để chào anh, để được một lần nữa nắm tay anh, để nói với anh là bé nhớ anh nhiều lắm… bé thấy mình không xứng đáng ! Bé đi đây. Bé sẽ thực hiện ước mơ của mẹ, sẽ tìm về quê ngoại để sống những ngày còn lại của đời mình… Trước đây đã có lúc bé nghĩ rằng mình không còn gì để mất, cho đến khi bé có cu Tuấn. Cu Tuấn không biết bố mình là ai, bé cũng không biết cha nó là ai. Nhưng nó là tất cả, là lẽ sống của bé…
Cho đến khi bé biết rằng mình đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, và cu Tuấn cũng cùng chung số phận với bé… Anh ơi ! bé không có tội, nhưng bé vẫn thấy mình không xứng đáng để gặp anh. Gởi lại anh ngọn đồi tranh lặng lẽ, trên này bây giờ có thêm phần mộ của bố. Những ngày cuối đời, ông đã dằn vặt ăn năn nhiều vì đã cùng mẹ kế đẩy bé vào con đường này… Dù sao thì ông vẫn là bố. Gởi lại anh những tâm nguyện mà bé chưa làm được. Bé đi…
Học Viện Dòng Tên – Thủ Đức 29.12.2007
Cao Gia An, S.J.