Học viện thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam khai giảng năm học mới 2013-2014

P1130630

SJVN – Vào lúc 10 giờ sáng ngày 01.06.2013, Học viện thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam đã cử hành Thánh Lễ kính Chúa Thánh Thần, khai giảng năm học 2013-2014 tại nhà nguyện của Học viện.

Thánh Lễ do cha Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ, Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam chủ tế. Cùng cử hành Thánh Lễ với cha Giám tỉnh có cha Viện trưởng Học viện, cha Thụ uỷ huấn luyện, quý cha giáo sư, quý cha khách và toàn thể học viên nội và ngoại trú đang theo học tại Học viện.

Trong phần giảng lễ cha Viện trưởng Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, SJ, đã chia sẻ về “cuộc cách mạng bên trong của Thánh Thần” khi Chúa Thánh Thần làm cho các môn đệ, từ tâm trạng lo âu, buồn phiền và bế tắc trở thành những con người được đổi mới, được siêu thoát và tràn đầy nhựa sống. Dưới đây là nguyên văn bài giảng của cha Vinh Sơn:

CUỘC CÁCH MẠNG BÊN TRONG CỦA THÁNH THẦN

(Cv. 2: 1-11; 1Cor 12: 3b-7.21-13; Ga 14: 15-16. 23b-26)

Vinc. Phạm Văn Mầm, S.J.

QUÝ VỊ CÓ THỂ NGHE BÀI GIẢNG Ở ĐÂY: Bai giang cua cha Vien Truong

Anh em thân mến,

P1130633Lời Chúa hôm nay phác họa cho chúng ta hai bức tranh khác nhau về đời sống theo Chúa Giê-su của các tông đồ: bức tranh đầu tiên mô tả các môn đệ trong tâm trạng lo âu, buồn phiền và bế tắc; ngược lại, bức tranh thứ hai sinh động giới thiệu các tông đồ như những con người được đổi mới, siêu thoát và tràn đầy nhựa sống.

Bài Tin mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta những yếu tố làm nên bức tranh buồn. Trước diễn từ ly biệt của Chúa Giê-su, các tông đồ đã rơi sâu vào sự hụt hẫng và không khỏi hoang mang vì những dự phóng của riêng họ về tương lai đang xa dần. Nói là dự phóng riêng là vì chưa bao giờ dự phóng của họ đồng nhất với dự phóng của Chúa. Cứ xem những lần phản ứng của họ trước lời loan báo về con đường của Chúa thì sẽ rõ. Bức tranh tăng thêm vẻ u ám khi đến “Giờ của Chúa.” Các tông đồ không còn là mình: không giữ được căn tính (là môn đệ của Chúa Giê-su), chiều kích cộng đoàn vỡ vụn, và như là hệ quả việc dấn thân của họ cho sứ mạng mà Chúa dày công giáo dục chỉ là thứ hàng xa xỉ.

Bài Tin mừng không chỉ chỉ ra những yếu tố làm nên bức tranh buồn mà còn cho thấy tia sáng về một bức tranh sinh động sẽ được phác họa bởi Thánh Thần. Đức Giê-su hứa với các tông đồ là sẽ gởi Thánh Thần đến với các ông. Chính Thánh Thần “sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều thầy đã nói với anh em.” (Ga 14: 26) vì Ngài “luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 17). Khi nói những lời như thế, Đức Giê-su đang làm cho lời loan báo xưa của ngôn sứ Edzekiel trở thành hiện thực: “Ta sẽ cất khỏi chúng trái tim chai đá ban cho chúng một trái tim bằng thịt.”  “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi, ta sẽ ban xuống thần khí của Ta” (Ed 11:19 &36: 26-27). Cuộc cách mạng từ bên trong sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su được tôn vinh. Thánh Thần sẽ là tác nhân cho tiến trình nội tâm hóa này từ bên trong.

Thật vậy, với Thánh Thần, bức tranh sinh động ba chiều về đời sống nội tâm của các tông đồ được cả sách Công Vụ lẫn thư Roma trong bài đọc hôm nay giới thiệu. Các tông đồ đã tìm lại được căn tính của mình: “chính Thần khí chứng thực rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 16). Thánh Thần là nguyên nhân nội tại giúp các tông đồ tản mát quy tụ thành cộng đoàn hiệp nhất: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2: 3). Và họ bắt đầu dấn thân cho sứ mạng làm chứng: “họ bắt đầu nói một thứ ngôn ngữ mà ai nghe cũng hiểu” (Cv 2: 4). Nói một cách khác, đỉnh cao của tiến trình nội tâm hóa mà Thánh Thần thực hiện nơi các tông đồ là “khả năng tận hiến hoàn toàn tuyệt đối cho Thiên Chúa.” Thánh Phaolo diễn tả khả năng tận hiến này theo một cách thức khác: “Đối với tôi, sống chính là Đức Kito” (Pl 1: 21). Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2,20). Cuộc cách mạng nội tâm của Thánh Thần nơi các môn đệ là giúp họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kito (Rm 8: 29).

Khả năng tận hiến hoàn toàn tuyệt đối cho Thiên Chúa làm nên sức mạnh tông đồ: các tông đồ sau khi được biến đổi, họ can đảm trình bày sứ điệp Phục Sinh mà không sợ hãi. Điều này có nghĩa là họ xác tín vào sứ mạng Lời phải được loan báo. Chứng từ của họ trở nên rõ ràng, không mờ tối: mọi người ai nghe các tông đồ nói cũng đều hiểu, dù họ đến từ những phương trời khác nhau và hoàn cảnh khác nhau.

Khả năng tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa thúc đẩy tiến trình sáng tạo tông đồ: sáng tao tông đồ là kết quả của tiến trình hội nhất mà Thánh Thần mang lại. Các tông đồ đã không chỉ rao giảng trong các hội đường Do thái, mà còn đến với cả thế giới Dân ngoại. Thánh Phaolo là biểu tượng sống động của các tông đồ về sự sáng tạo vượt biên cương để rao giảng Tin mừng. Ngài đã đến với dân chúng sống trong nền văn hóa Hy Lạp để loan báo về Đức Giê-su Phục Sinh. Khả năng tận hiến trọn vẹn này còn giúp tiến trình nhận định các sứ mạng tông đồ phù hợp với ý Chúa. Thật vậy, các tông đồ đã cùng nhau đi đến một quyết định: người dân ngoại tin vào Đức Giê-su không buộc phải cắt bì theo tập tục của người Do thái (Cv 15: 28-29).

Anh em thân mến,

Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, ngày khai giảng năm học 2013-2014, chúng ta có được gợi hứng định hướng cho việc huấn luyện của chúng ta. Tiến trình huấn luyện của chúng ta là một tiến trình tiệm tiến ở chiều sâu: theo đó, việc huấn luyện tri thức chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho chúng ta dần dần đi vào sự hội nhất thiêng liêng ở chiều sâu. Chính chiều sâu thiêng liêng này mới giúp chúng ta xác định căn tính của chúng ta, gia tăng sức mạnh tông đồ, thúc đẩy sáng kiến phục vụ ơn cứu độ và thúc đẩy chúng ta dám đi đi đến những biên cương mới mẻ mà Thánh Thần khai mở. Chỉ với chiều sâu thiêng liêng này những bức tranh sinh động ba hay bốn chiều mới được phác họa trong bối cảnh xã hội và giáo hội hôm nay.

Cha cựu Bề Trên Cả Dòng Tên, Pedro Arrupe, khẳng định chính chiều sâu thiêng liêng và chiêm niệm này “sẽ quyết định đến điều gì khiến anh có thể bước xuống giường vào mỗi sáng, điều anh sẽ làm vào mỗi tối, cách thức anh sống những ngày cuối tuần, những điều anh sẽ đọc, những người anh quen biết, những gì làm tổn thương trái tim anh, và điều nào khiến anh bất ngờ với niềm hoan lạc và lòng biết ơn. Hãy chìm đắm trong tình yêu, hãy ở lại trong tình yêu và nó sẽ quyết định mọi thứ khác”.

Hay như cha đương kim Bề Trên Cả Dòng Tên, Adolfo Nicolas: “Tất cả các giê-su hữu được mời gọi để hướng đến chiều sâu thiêng liêng. Chúng ta có rất nhiều tài năng riêng khác nhau nhưng chúng ta phải luôn cố gắng đào sâu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với thế giới trong đó Thiên Chúa vẫn đang lao tác. Giáo Hội mong chờ nơi chúng ta chiều sâu tương quan này. Chìm sâu trong Thần Khí Thiên Chúa thì quan trọng hơn mọi năng khiếu, bằng cấp hay kỹ năng. Nó cũng chính là điều làm cho hoạt động tông đồ của chúng ta được hiệu quả.”

Xin Chúa Thánh Thần, tác nhân của công cuộc đổi mới và nội tâm hóa mọi sự, giúp cho hành trình năm học mới này đi vào sự hội nhất ở chiều sâu thiêng liêng này.

Tin và ảnh: Chỉnh Trần, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *