LỄ THÁNH I-NHÃ
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ
25/07/2013
Anh em quý mến,
Hôm nay tỉnh Dòng chúng ta mừng lễ Thánh Tổ Inhã.
Tạ ơn Chúa vì chúng ta được tụ họp với nhau để tham dự thường huấn, và để cùng nhau mừng lễ Thánh Tổ. Tạ ơn Chúa vì bầu khí xã hội chính trị như hiện tại, vì như thế chúng ta mới được tụ hội với nhau.
Tạ ơn Chúa vì số lượng thành viên của tỉnh Dòng mỗi ngày một tăng.
Tạ ơn Chúa vì thường huấn lần này về Huấn Luyện, mỗi người chúng ta có dịp để nhận ra những nét chính yếu mà mỗi người phải phấn đấu để huấn luyện chính mình dưới sự trợ giúp của Thánh Thần.
Trong Thánh Lễ này, chúng ta tiếp tục tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho nhau, cho toàn Dòng. Xin cho chúng ta được nên những Giêsu hữu như lòng Chúa mong ước.
Giây phút này, chúng ta ý thức mình là tội nhân, xin Chúa tha thứ và cho chúng ta được giao hòa với Chúa và với anh chị em chúng ta.
Anh em rất thân mến,
Là Giêsu hữu, chúng ta có người mẫu là thánh Inhã, nếu không kể Đức Giêsu là người mẫu lý tưởng và tuyệt vời của tất cả Kitô hữu.
Con đường thánh Inhã đi để gặp gỡ Thiên Chúa, cũng là con đường mỗi anh em Dòng Tên chúng ta cũng sẽ đi, vì chúng ta theo linh đạo Inhã. Với thánh Inhã, Linh Thao là món quà quý nhất mà một người Dòng Tên có thể cho người khác. Một nghĩa nào đó, Linh Thao như quà tặng Thiên Chúa ban cho Dòng Tên và Giáo Hội.
Ba ngày thường huấn vừa qua, tỉnh Dòng chúng ta đã học hỏi trao đổi về Huấn Luyện: huấn luyện Giêsu hữu nói chung và huấn luyện mỗi người cách đặc biệt. Theo quan điểm của tôi, Linh Thao là một phương thế tuyệt vời Thiên Chúa huấn luyện thánh Inhã; và qua Linh Thao, Ngài huấn luyện mỗi thao viên, và đặc biệt, mỗi Giêsu hữu.
Huấn luyện, nhằm giúp mỗi người chúng ta trở nên người như Thiên Chúa muốn. Hiểu như vậy, huấn luyện anh em chúng ta, là việc của Thiên Chúa. Chúng ta, ngay cả những nhà huấn luyện, là những dụng cụ Thiên Chúa dùng để giúp huấn luyện những người Thiên Chúa muốn và nhờ chúng ta.
Thánh Inhã là một nhà huấn luyện Thiên Chúa dùng, cho những người theo linh đạo Inhã, và cho mỗi Giêsu hữu cách đặc biệt.
Thiên Chúa đã bận tâm về con người: Ngài đã tạo dựng con người, Ngài có ý định và chương trình cho mỗi người, Ngài liên tục can thiệp giúp con người được nên người như Ngài muốn. Thiên Chúa luôn yêu thương con người, Ngài muốn con người hạnh phúc nên khi con người phạm tội (làm tổn thương tha nhân và chính mình, mình không thể hạnh phúc vì tội) thì Thiên Chúa đã sai Con của Ngài nhập thể làm người để cứu con người, để con người giao hòa với Thiên Chúa và con người, để con người hạnh phúc, đời này và đời sau.
Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, yêu thương tha nhân, yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu, như Đức Giêsu yêu thương con người.
Con người được hạnh phúc một khi con người biết về Thiên Chúa, biết về tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, trở lại với Thiên Chúa, sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, cộng tác với Chúa để giúp tha nhân biết Thiên Chúa và biết Thiên Chúa yêu thương họ.
Trong cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện trong Linh Thao, chúng ta được huấn luyện để trở nên giống Thiên Chúa, trở nên người tuyệt vời như Thiên Chúa (anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5:48). Bây giờ, chúng ta hãy xem một bài cầu nguyện trong Linh Thao, và qua đó Thiên Chúa huấn luyện thánh Inhã và chúng ta như thế nào. Chúng ta nhìn bài cầu nguyện “nhập thể” trong Linh Thao.
Chúng ta mong ước được nên giống Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, mỗi ngày hơn: “xin ơn được hiểu biết hơn về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài.” Thánh Inhã nói: xin điều tôi muốn (id quod volo), xin điều tôi ao ước. Ở đây chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự huấn luyện về con tim, về ước muốn, về ý chí.
Trong ba điểm cầu nguyện: nhìn, nghe, quan sát con người “tội lỗi” trên trần gian, Thiên Chúa Ba Ngôi, và Đức Mẹ, để nên giống Đức Mẹ và Thiên Chúa hơn.
Nhìn nghe quan sát con người trong tình trạng tội, thù hằn hãm hại anh em mình, được diễn tả qua lời nói, qua cung cách hành xử với nhau, để thấy những hành vi không đẹp, để tránh, và để yêu thương con người như Thiên Chúa muốn.
Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người. Nhìn nghe quan sát Ba Ngôi Thiên Chúa, để thấy Thiên Chúa bận tâm về con người, để thấy Thiên Chúa yêu thương và quyết định cứu độ con người, để thấy Thiên Chúa làm mọi việc để cứu con người, ngay cả sai ngôi Con nhập thể làm người để cứu con người. Qua biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người, cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Cái biết đúng đắn về Thiên Chúa ảnh hưởng có tính quyết định trên hạnh phúc của con người. Bài cầu nguyện “chiêm niệm để được tình yêu” dạy chúng ta: nếu Thiên Chúa đã yêu thương tôi, ban cho tôi hết ơn này đến ơn khác, thì tôi phải làm gì để đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa (LT 234). Một thái độ cần thiết phải có đối với Thiên Chúa yêu thương tôi, là tôi phải tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa.
Tự hủy. Ngôi Lời tự hủy để yêu thương. Qua biến cố Thiên Chúa làm người, cho thấy Thiên Chúa tự hủy để yêu thương con người. Đức Giêsu cũng đã âm thầm sống 30 năm ở Nadarét, đã đi rao giảng như một người nghèo và tùy thuộc tất cả nơi Thiên Chúa. Nhìn ngắm Đức Giêsu sống nghèo, như một lời mời gọi để mỗi người sống đơn sơ như Đức Giêsu. Sống đơn sơ thanh bần, loan báo Tin Mừng như Đức Giêsu rao giảng nghèo. Bài cầu nguyện “Hai Cờ Hiệu” mời gọi chúng ta chọn nên giống Đức Giêsu trong khó nghèo, khổ nhục (LT 149).
Yêu thương. Yêu thương là muốn điều tốt nhất cho người mình yêu, là tôn trọng người yêu. Qua biến cố Thiên Chúa hỏi ý kiến Đức Maria trong Tin Mừng Luca 1:26-38, cho thấy Thiên Chúa yêu thương tôn trọng Đức Maria. Qua việc nhìn ngắm Đức Giêsu đối với chị phụ nữ khóc dưới chân Chúa, chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương và tha thứ tội lỗi cho con người. Yêu thương, là cách đối xử nhân bản giữ con người với nhau. Yêu thương, là thái độ căn bản mà một anh em trong cộng đoàn đối xử với nhau.
Tất cả những điều trên: biết hơn về Thiên Chúa, tự hủy, yêu thương, là những điều chúng ta sống mỗi ngày, mỗi ngày mỗi tiến bộ, mỗi ngày một bắt đầu lại sau khi thấy mình rõ hơn qua cầu nguyện, xét gẫm, xét mình mỗi ngày, mỗi nửa ngày, từng giây phút (qua xét mình riêng).
Linh đạo như cơ cấu (cầu nguyện, xét gẫm, xét mình) là điều thánh Inhã dạy chúng ta. Chúng ta thực hiện từng giây phút (qua xét mình riêng), mỗi nửa ngày (xét mình trưa), ngày sống (xét mình tối), chúng ta học với Thánh Thần qua cầu nguyện (với biến cố xảy ra trong ngày, với Kinh Thánh, lời góp ý phê bình của tha nhân).
Cầu nguyện mỗi ngày, xét mình mỗi ngày, làm Linh Thao hằng năm, để làm mới tôi, để trở lại với Chúa, để hoàn thiện hơn.
Ước gì mỗi anh em chúng ta từng ngày thực tập linh đạo Inhã, để mỗi anh em chúng ta nên người như thánh Inhã mong ước.