Phanxicô Xaviê – Một linh đạo truyền giáo

Lm. Giuse Hoàng Sĩ Quý, S.J.

Trong 10 năm truyền giáo, thánh Phanxicô Xaviê vượt chừng 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia, Nhật Bản, và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa.

Vì thánh Phanxicô Xaviê đặc biệt là nhà truyền giáo ở Châu Á, nên tại thành phố Hồ Chí Minh, để phát động một phong trào truyền giáo mới trong toàn vùng gồm phân nửa dân số thế giới mà chỉ mới có vài ba phần trăm Công giáo này.

Không thể có nhà truyền giáo lừng danh Xaviê nếu đã không có Inhã, người mà Xaviê luôn nhớ ơn và coi như cha và thầy rất đáng mến, mà mỗi lần đọc thư thì quỳ xuống và khóc.

Phanxicô Xaviê và “bản anh hùng ca truyền giáo”

Trong bài giảng ngày 10/4 nói trên, Đức Hồng y Đặc sứ Đức Thánh Cha nhận định rằng : thánh Xaviê “đã để lại dấu ấn không phai mờ trong cả lịch sử Hội thánh lẫn lịch sử loài người khi mang Danh thánh Chúa Giêsu và biểu tượng chữ Thập đến những thế giới mới, đồng thời đề cao trước những vùng trời ấy phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa…”. Và Đức Hồng y so sánh thánh nhân với thánh Phaolô khi mà cả hai được thúc bách từ bên trong bởi lệnh truyền của Chúa :”Hãy đi giảng dậy muôn dân”, để rồi cả hai cùng xuôi ngược đại dương, mang Tin  mừng đến tận cùng trái đất hầu hoán cải các tâm hồn cho Chúa.[3]

Nói như thế, ĐHY chỉ muốn nhắc lại nhận định của nhiều sử gia, chẳng những họ so sánh Xaviê với Phaolô, mà còn với cả Christophe Colomb và Á-lịch-xăng đại đế nữa. Vâng, Xavier Léon-Dufour đã gọi cuộc phiêu lưu vĩ đại của Xaviê là “Sử thi thánh Phansinh Xaviê”[4], cuộc phiêu lưu ấy chỉ kéo dài 10 năm, nhưng trải ra trên chiều dài 100.000km đại dương, có khi trên những con thuyền mảnh mai, từ Ấn Độ đến các đảo to nhỏ thuộc Malaidia và Inđônêdia ngày nay, đến tận Nhật Bản, rồi sau cùng đến cửa ngõ Trung Quốc. Mà không chỉ là phiêu lưu suông kiểu Marco Polo, mà phiêu lưu tác chiến với kế hoạch dự phác, với chiến thuật phù hợp, với tổ chức để duy trì, khiến những giáo điểm như Nhật Bản dù bị bách hại gay gắt, vẫn âm thầm tồn tại suốt cho tới hôm nay. Và để đạt được các mục tiêu như thế, Xaviê đã làm như thánh Phaolô, gian lao cực nhọc gần như suốt ngày đêm, bất chấp mạng sống luôn bị đe dọa bởi hải tặc và bão biển, bởi những thổ dân dữ tợn và những phe đảng chém giết nhau. Để rồi khi nhận ra rằng, cái dân tộc Nhật Bản hiếu học, trọng danh dự  và văn hóa cao kia lại rất ngưỡng mộ văn minh Trung Quốc, thì với con mắt nhìn xa thấy rộng của một chiến lược gia bậc thầy, Xaviê dự tính chinh phục Nhật Bản (và hẳn là nhiều nước Đông Á khác nữa) bằng cách chinh phục cây đại thụ Trung Hoa này[5]. Và thế là Xaviê gần như một mình đến cắm trại ở hòn đảo nhỏ Thượng Xuyên, cửa ngõ của Quảng Đông, nhằm vận động cho kỳ được giấy phép vào truyền giáo, dù lúc ấy bệnh nặng, lại không thầy thuốc và gần như không ai săn sóc, không luôn cả cơm ăn và áo ấm để mặc.

Chính vì luôn trên đướng, giãi nắng dầm sương, đương đầu cùng gió bão trên biển, gió tuyết bên Nhật, lại làm nhiều mà ăn ngủ quá ít, nên Xaviê không khỏi chết trẻ như Alexandre đại đế, chết ở tuổi 46,  không trên giường êm nhưng trên chiến tuyến, đúng như Mã Viện mơ ước xưa:  Làm trai chí ở bốn phương, chết ở xa trường, lấy da ngựa bọc thây. Vâng, cuộc đời bôn ba và cái chết bi tráng ấy, cùng với những công cuộc truyền giáo kỳ diệu, trong 10 năm với 100.000 người thuộc nhiều dân tộc và ngôn ngữ chịu phép rửa sau khi đã được dạy dỗ kỹ, quả đáng được gọi là Sử thi hay Anh hùng ca (épopée).

Có điều đây không phải vị anh hùng mà người ta nể sợ, nhưng thánh nhân mà bất cứ ai gần gũi cũng sinh lòng cảm mến, đến nỗi để tránh sự tiếp đón quá nồng nhiệt, Xaviê phải trốn khỏi Ternate ban đêm, đến nỗi khi biết cha còn sống sau chín tháng bặt vô âm tín, cả pháo đài Malacca đã tổ chức cuộc rước kiệu tạ ơn.[6]

Vâng, không như Christophe Colomb chỉ phiêu lưu vì thú vui thám hiểm, không như Alexandre chỉ chiến đấu vì tham vọng thống trị, Xaviê không hề nghĩ đến mình mà chỉ sống vì Chúa mà cha muốn tôn vinh, vì người xung quanh mà cha muốn phục vụ, vì các dân tộc không quen biết mà cha muốn cứu giúp. Đường đường là đại sứ tông tòa (nonce apostolique) cho cả phương Đông rộng lớn, lại được vua Bồ Đào Nha gửi gấm đặc biệt nữa, thế mà trên tàu biển cha đã không ngồi ăn với các sĩ quan cao cấp, nhưng ngày đêm sống bên thủy thủ và săn sóc những người nghèo đau bệnh, giặt cả quần áo dơ của họ. Mà không phải với nét mặt nghiêm nghị nhưng vui tươi, như Nunès Barreto nhận xét:

-“Cha nhã nhặn dễ mến biết chừng nào! Cha luôn cười, nét mặt luôn vui tươi và điềm đạm. Cha tuy cười luôn, mà chẳng cười bao giờ, khi mà sự vui tươi của cha luôn có dáng dấp thiêng liêng… Quả là cha không cười, không bao giờ cười, vì cha luôn hướng nội, chứ không mở tràn ra (s’épancher) với thụ tạo.”[7]

Không những lôi cuốn được những kẻ sống quanh mình, mà còn bằng những lá thư, Xaviê đã làm dậy lên một luồng gió truyền giáo ở cách đó một năm đường biển: Âu Châu! Quả thế, những lá thư viết từ Ấn Độ hay Nhật Bản, trong đó cha kể truyện truyền giáo và kêu gọi tiếp viện, những lá thư rực lửa ấy của cha đã khiến cho cả triều đình Bồ Đào Nha phải say sưa đọc trước, rồi từ đó được gửi đến Rôma, được các nơi khác sao dịch, ấn loát và tung ra, khiến nhiều người, trong đó có cả những giáo sư Sorbonne đã bỏ hết để lên đường, gia nhập các đoàn quân truyền giáo. Trong số những tên tuổi lớn có Nadal, sau này sẽ thành cánh tay mặt của thánh Inhã, thay cho đứa con cưng Xaviê mà thánh tổ định gọi về làm trợ lý cho mình. Vâng, tham vọng truyền giáo của Xaviê vô cùng lớn, như Palmio nhận định khi có người muốn hãm bớt sự cuồng nhiệt của đám trẻ vì đọc cha mà bị coi là mơ mộng hão huyền:

-“Sao, đó là lòng can đảm anh đặt vô đám trẻ ấy để đưa họ vào cánh đồng, vũ trang chỉ bằng sự nhút nhát, sợ sệt, nghi ngờ, yếu hèn như thế sao? Anh nghĩ với hạng người thấp kém như vậy, Xaviê có thể mang chân lý vào Nhật Bản mà thu lượm được chiến lợi phẩm lớn như cha đã làm ư? Trái lại, những hòn đảo chi chít của biển rộng phương trời xa ấy xem ra còn quá hẹp đối với hạt giống Phúc âm Xaviê có sẵn trong kho của mình. Hãy đọc các thư cha gửi cho cụ Cử Inhã của chúng ta và cho các tu huynh ở Bồ Đào Nha thì rõ : tất cả là hy vọng, táo bạo, là lửa, là bão và sấm sét. Cái lòng hăng say muốn thiêu cháy thế giới ấy đúng là ký hiệu riêng của Thánh Thần khi từ trời đáp xuống trên các tông đồ…”[8]

*

Xaviê làm việc quá sức, không có giờ nghỉ trong ngày, không có ngày nghỉ trong tuần hay trong tháng: khi thì tranh luận hộ giáo, khi thì dậy giáo lý hay dậy đọc kinh, Có ngày cha làm phép rửa cho cả một làng, làm mỏi rời cả tay. Ban đêm tuy có thể nghỉ ngơi, nhưng cha ngủ rất ít, từ hai đến bốn giờ thôi, còn để thì giờ trao đổi với Chúa trong nguyện cầu: Chúa, đó là nguồn an ủi duy nhất cho cha sau cả ngày lao nhọc, sau biết bao khó khăn, nguy hiểm! Vâng, vì Chúa Xaviê có thể hy sinh hết, nên Chúa càng làm cho Xaviê say đắm thêm khi tâm sự với Ngài. Chúng ta hãy tiến vào nội tâm bí ẩn của Xaviê qua lời cha gián tiếp thổ lộ:

-“… Lắm khi tôi nghe một người kia nói [chắc đây là cha rồi!] khi sống giữa những Kytô hữu ấy :”Ôi lạy Chúa! Xin đừng cho con nhiều an ủi quá! Nhưng bởi vì Chúa ban niềm an ủi lớn cho con trong tình thương vô biên của Ngài, nên xin Chúa hãy mang con về trong vinh quang [thiên quốc] của Chúa đi : bởi thật khổ khi không được thấy mặt Chúa sau lúc Chúa đối xử thân mật đến thế với thụ tạo của Ngài!”[9]

Những lao nhọc và gian khổ quá mức khiến Xaviê già đi trước tuổi, nhưng niềm hưng phấn thiêng liêng lại tăng thêm sức chiến đấu cho cha, như lời cha thổ lộ sau chuyến du giáo Nhật Bản:

-“Tóc em đã bạc hết, nhưng xét về sức khỏe xác thể, em cảm thấy như dồi dào hơn bao giờ hết.”[10]

Quả thật, tuy là con người hành động, nhưng cha cũng cũng cực kỳ hướng nội với những huyền nghiệm vừa sâu, vừa gây nhiều phấn chấn để cha lao mình hăng say hơn nữa vào công cuộc chiến chinh. Do đó, để hiểu những hành động này, cần phải đi sâu vào nội tâm ấy, và đây là Linh đạo truyền giáo Phansinh Xaviê.

Có điều linh đạo của Xaviê, cũng như của các Giêsu-hữu khác, trong căn bản chính là linh đạo Inhã, một linh đạo tông đồ chính hiệu. Vả lại, chính Inhã Loyola đã tốn nhiều thời gian và công sức để chinh phục chàng Xaviê đầy tham vọng trần tục, rồi bằng tập Linh thao viết từ kinh nghiệm thiêng liêng của mình đã biến đổi hẳn con người đầy lửa ấy thành một chiến sỹ truyền giáo không mệt mỏi. Vâng, dấu ấn Inhã để lại rất sâu nơi tâm hồn Xaviê, khiến Xaviê luôn coi Inhã như người cha và người thầy rất đáng mến của mình, khiến anh lấy việc đọc đi đọc lại thư Inhã là giải trí không thể thiếu, còn chữ ký của Inhã thì anh cắt lấy, cho vào túi nhỏ luôn đeo trên cổ.

Chính vì quan hệ vô cùng sâu đậm giữa hai người như thế, nên dù vạn dặm cách xa nhau, hai bên thường suy nghĩ rất giống nhau, y như có thần giao cách cảm thiêng liêng vậy. Nếu Inhã muốn anh em dòng năng thư từ cho nhau để duy trì sự hiệp nhất khi mà do công việc họ phải phân tán quá mỏng, thì Xaviê cũng thúc đẩy anh em viết thật dài, thật chi tiết cho mình, còn mình thì hứa cũng làm như vậy. Mà quả thực, nhiều bức thư của Xaviê dài thoòng, có lẽ cả trăm trang viết tay. Thế rồi, trong Hiến pháp, Inhã muốn học viên phải coi việc học là quan trọng bậc nhất, khiến để đủ thì giờ học, họ chỉ cần dành một giờ mỗi ngày cho cầu nguyện thôi, còn để duy trì sự kết hợp với Chúa, ngài nhấn mạnh vào tháng Linh thao và việc xét mình hằng ngày. Dù trong đời không được đọc  Hiến pháp, Xaviê cũng quy định y hệt như thế cho học viên thuộc quyền cha : một giờ cầu nguyện mỗi ngày, chú trọng vào việc xét mình hằng ngáy và nuôi dưỡng minh bằng tháng Linh thao! Lại những từ ngữ Inhã quen dùng cho cầu nguyện là “cảm nhận” và “nếm” cũng năng được gặp dưới ngòi bút của Xaviê như thế. Và nếu Inhã có thói quen ghi hết những kinh nghiệm thiêng liêng ấy, thì Xaviê cũng thường khuyên người dưới làm như vậy.[11]

Từ Linh đạo tông đồ Inhã

Linh đạo Dòng Tên là linh đạo Inhã (spiritualitas ignatiana), Dòng Tên hiểu như vậy, và mọi người cũng hiểu theo như vậy. Ấy chỉ  vì linh đạo ấy đặt nền (a) trên tập Linh thao do Inhã trước tác từ  chính kinh nghiệm thiêng liêng của mình, và (b) trên bộ Hiến pháp DT cũng do Inhã soạn dần qua trao đổi thân mật với Chúa.

Linh đạo ấy cũng là linh đạo tông đồ, bởi lẽ trước hết Inhã Loyola là con người hành động. Trong cuộc sống trước, anh có tham vọng tiến thân tại triều đình Tây Ban Nha và muốn làm những việc phi thường để phục vụ một bà chúa nào đó mà anh thầm thương mến. Sau này, được chấp nhận vào cuộc sống tối thân mật với Chúa, tưởng như anh sẽ đi sống ẩn để hưởng hạnh phúc trong cầu nguyện, thế nhưng anh lại bị thúc bách phải đi gặp loài người để nói về Chúa cho họ, để thay đổi thế giới và “làm vinh danh Chúa hơn nữa”. Thậm chí khi vì muốn sống với những kỷ niệm về Chúa, anh quyết đi Giêrusalem, nhưng rồi tại Giêrusalem anh lại định chinh phục lính Thổ Hồi giáo cho Đức Giêsu mà anh mến thương. Cứ xem trong thời gian theo ý bác sỹ phải về dưỡng bệnh đau bao tử ở quê hương (với khí hậu quen thuộc), anh cũng không thể ngồi yên, mà lao vào công việc dạy giáo lý và chiến đấu với những đồi phong bại tục đang hoành hành trên xứ sở. Sau đó tại Venise, trong khi chờ các bạn khác đến, anh cũng can thiệp vào công việc lập dòng của giám mục Carafa (sẽ trở thành giáo hoàng Phaolô IV), để rồi phãi lãnh nhận hậu quả sau này. Cuối cùng, về đến Rôma, gặp lúc mất mùa đói kém, cha phải vất vả nuôi ăn 9.000 người mỗi ngày, đồng thời vì thấy quá nhiều gái điếm trong thành phố, cha lại phải kiếm nhà gom dần họ lại để đổi đời cho họ…. Tất cả chỉ vì Inhã là con người hành động, lại là một hiệp sỹ nên  gặp chuyện bất bình thì không thể ngồi yên.

Linh đạo Inhã là con đường do kinh nghiệm riêng cha  khai phá trong Chúa. Cha đổi đời theo Chúa chỉ với mớ kiến thức giáo lý thô sơ của thời thơ ấu và với những hiểu biết sơ sài trong hai  cuốn sách về cuộc đời Chúa và một số thánh, sách viết giống tiểu thuyết chứ không có tính chuyên khảo. Vâng, tất cả hành trang thiêng liêng của anh chàng khi ấy chỉ là tham vọng muốn ăn chay đánh tội vượt cả hai thánh Phansinh và Đaminh. Và cái thánh của anh còn ấu trĩ đến nỗi anh tưởng, đã là hiệp sỹ, dù hiệp sỹ Công giáo, anh phải đâm chết người đồng hành Hồi giáo chỉ vì  anh này dám xúc phạm dến bà chúa mới của lòng anh là Đức Trinh nữ Maria!

Thế mà tại khu làng nhỏ Manresa, không người hướng dẫn thiêng liêng thật sự, anh đã leo được tới đỉnh Cácmen, với những huyền thị tuệ trí, như về Ba ngôi chẳng hạn. Vâng, dù có khi anh bối rối lương tâm đến muốn tự sát, mà cũng không ai giúp gì được. Quả thật, chỉ một mình Thiên Chúa đã hướng dẫn chàng trai còn khù khờ trên đường thiêng liêng  này, như anh cảm nhận rất rõ, rằng :”Thiên Chúa đối xử với anh theo cách người thầy đối xử với đứa trẻ khi dạy dỗ nó”. Theo anh nghĩ, đó có thể là “do sự ngu muội, cứng đầu của anh”, có thể “vì anh chẳng có ai chỉ bảo cả”, hoặc giả cũng vì “Thiên Chúa muốn dùng anh để phục vụ Ngài”. Quả Inhã thấy rất rõ Thiên Chúa đối xử với anh như một người thầy, đến nỗi nếu hoài nghi điều ấy,  thì đó là “xúc phạm đến Thiên Chúa”.[12]

Quả thật tại Manresa, Inhã đã sống liên miên với biết bao huyền thị (visions), về Thiên Chúa Ba Ngôi hay nhân tính Chúa Giêsu, về Đức Maria hay về tạo thế, về cả quỷ nữa. Rồi lại còn những mạc khải diệu kỳ trên bờ sông Cardoner, với sự hiểu biết thâm sâu mà dù cả một đời học hỏi không thể sánh tày. Thế mà chẳng ai đủ sức hướng dẫn anh, giúp anh biết phân biệt cái gì do Chúa, cái gì do Ác thần. Cuối cùng, anh chỉ còn biết dựa vào phán đoán của mình, với sự soi dẫn đặc biệt của Chúa. Nhờ đó mà anh phát minh ra các nguyên tắc phân định thần căn (discernement des esprits) danh tiếng trong Linh thao.

*

Hiến pháp Dòng Tên nói lên rõ nhất tính tông đồ của linh đạo Inhã, hiến pháp ấy cũng là một công trình thiêng liêng gần như Linh thao. Vì đây không đơn giản là một trước tác pháp lý, mà là kết quả của 16 năm cầu nguyện : Inhã đã mang từng ý tưởng ra dò hỏi Chúa, nhất là trong thánh lễ. Cứ lấy ngay khoản luật thanh bần dành cho các nhà thờ dòng mà xem thì đủ biết. Chỉ vẻn vẹn một câu hỏi ngắn : Các nhà thờ ấy được phép có lợi tức (revenus) hay không để tự duy trì? Vâng, chỉ một câu hỏi như thế mà Inhã phải bỏ ra cả 40 ngày để cầu nguyện, cầu khi chuẩn bị, khi dâng lễ, khi cám ơn, tất cả chiếm gần trọn buổi sáng, cùng với biết bao huyền thị và vượng cảm (consolations). Cân nhắc giữa những vượng cảm (consolations) và suy cảm (désolations) đi đôi với các ý nghĩ, Inhã phải luận ra đâu là đúng ý Chúa : “Có hay không có lợi tức”, xem phải chăng đây chỉ là lựa chọn giữa một bên là khôn ngoan trần thế và bên kia là phó thác trong tay Chúa, nhờ đó giữ trọn đức thanh bần, nó đi đôi với sự bấp bênh của ngày mai?

Vâng, cả Hiến pháp cũng nhắm những mục tiêu thiêng liêng y như Linh thao : Nếu Linh thao nhấn vào tinh thần, thì Hiến pháp  đặt ra những khuôn thước để sống tinh thần ấy. Thế mà Hiến pháp lại toát ra rất rõ hướng đi tông đồ của Dòng Tên.

Hướng đi tông đồ ư? Điều ấy đối với các tu hội ngày nay chẳng có gì là đặc sắc cả, vì phần lớn các dòng lập sau thế kỷ XVI đều là dòng hoạt động. Thế nhưng vào thời Inhã, thì tu hành đồng nghĩa với sống chiêm niệm. Quả thế, sau ba thế kỷ bắt bớ, trong đó làm chứng đồng nghĩa với tử đạo[13], thì kể từ Hòa bình Constantin trở đi, không còn cơ hội chết thật vì đạo nữa, người ta đi tìm cái chết thiêng liêng : chết đi với đời bằng cuộc sống cầu nguyện và khổ hạnh, cách biệt hẳn với thế gian.

Mãi tới thế kỷ XIII mới xuất hiện những dòng bán chiêm niệm : Phansinh và Đaminh, họ  dành ra một phần thời gian cho các hoạt động tông đồ. Dù sao khi ấy và mấy thế kỷ sau này, Giáo hội vẫn coi cầu nguyện là nền tảng của đời tu, và việc cầu nguyện chung là thần tụng (office divin) không thể thiếu cho bất cứ cộng đồng tu trì nào.

Có điều một tu sỹ đang hoạt động tông đồ dở dang, nhất là xa nhà dòng, đâu có thể mỗi lúc lại cắt ngang trở về để nguyện các giờ ba (9 giờ sáng), giờ chín (3 giờ chiều). Bởi thế, trong Hiến pháp, thánh Inhã bãi bỏ việc cầu nguyện chung, và đây là điều có thể làm dựng tóc gáy những người sống vào thời của ngài. Do đó, nếu Giáo chủ Phaolô III vì rất yêu quý Dòng Tên và tin vào tổ sư Inhã nên chấp nhận dễ khoản luật cách mạng nói trên, thì giáo chủ kế vị là Phaolô IV lại buộc Dòng trở về với tập tục cầu nguyện chung, và như thế cho đến hết triều đại Ngài.

Tuy bãi bỏ cầu nguyện chung, nhưng thánh tổ lại nhấn vào cầu nguyện riêng, kể cả hãm mình riêng, mà mỗi người tùy hoàn cảnh hay sức khỏe tự hoạch định lấy cho mình sau khi hỏi ý kiến linh hướng, và nếu cần, đặt mình dưới sự quyết định của bề trên (Hiến pháp, số 582). Ngay trong việc hãm mình này, cha cũng vì hành động tông đồ mà không cho phép làm phương hại đến sức khỏe.

Vì Giêsu-hữu phải hoạt động giữa đời, lắm khi một mình và ở chốn xa xôi nữa, nên Inhã nhấn vào một huần luyện dài lâu và cam go, sao cho mỗi tu sỹ thật sự trưởng thành về mặt thiêng liêng và nhân bản để có thể sống vững vàng tự mình được. Do đó, tu sinh phải trải qua những tháng linh thao, hầu nhiễm lấy cho mình thật sâu những tâm tình cao đẹp của Đấng Cứu thế, để rồi sau khi ra làm việc một thời gian, lại phải qua một năm nhà tập thứ ba để hoàn tất chương trình đào tạo. Trong cả kỳ tập trước và năm tập III này (cách nhau hằng chục năm), họ phải trải qua nhiều tháng tập nghiệm (expériments) : như một tháng hành hương ( phải đi bộ suốt, lại phải ăn mày mà sống và gặp đâu ngủ đấy), và một tháng săn sóc bệnh nhân trong các trại tế bần (hospices) vốn cũng là nhà thương dành cho người cô đơn cùng túng.

Chẳng những vững vàng về mặt thiêng liêng, Inhã còn muốn Giêsu-hữu học nhiều, nhất là về mặt giáo lý (doctrine), hầu đạt hiệu quả tông đồ cao nhất. Vâng, thể theo hướng nhắm của thánh tổ, dòng quy định rằng bao nhiêu có thể, mỗi người ít nhất phải có cử nhân triết học và thần học[14] trước khi đi vào chuyên môn.

Lại cũng vì nguyên tắc Tất cả cho tông vụ ấy, Dòng Tên không có tu phục riêng, mà mặc như giáo sỹ địa phương quen mặc, nhờ đó dễ hòa đồng với họ. Có lẽ do nguyên tắc thích nghi vì tông vụ này, cả trong ăn mặc lẫn nguyện cầu, mà dù bên Ấn Độ hay Trung Quốc, Dòng Tên dễ đi tiên phong trong việc Hội nhập văn hóa,  vì thế hay bị hiểu lầm.

Vì tông vụ mà phải sống lắm khi rất phân tán, nên để giữ sự hiệp thông, thánh Inhã khuyến khích sự trao đổi thư từ và nhấn mạnh vào đức vâng lời. Không phải thứ vâng lời mù quáng, mà vâng lời có ý thức để ý hợp tâm đầu giữa trên dưới hai bên. Vâng, Inhã muốn một quản trị cha con, trong khi Xaviê đòi bề trên phải khiến cho người dưới cảm mến mà vâng phục.

Sự vâng lời vừa cần để sống theo ý Thiên Chúa, vừa có ích để hết thảy tập hợp xung quanh một người, nên nó cũng củng cố sự hiệp nhất của một cộng đồng đông đảo (HP. 659 và 621) và tăng thêm sức mạnh cho việc tông đồ chung. Nhưng đội hình Dòng Tên không đứng tách riêng, mà luôn ở giữa lòng Hội thánh, khi mà Giêsu-hữu không chỉ vâng lời các bề trên của mình, mà sự vâng lời ấy còn đi đến tận Giáo hoàng nữa. Nguyên tắc Inhã đề ra là Sentire cum Ecclesia, Cảm thông cùng Hội thánh. Mà Hội thánh trong thế kỷ XVI đang bị chao đảo bởi cuộc nổi dậy của Tin Lành. Trong tình huống ấy, Đức Thánh Cha chính là biểu tượng của sự đoàn kết trong con đường chính thống. Do đó với Inhã, cảm thông và hiệp nhất với Giáo hội cũng là tập hợp xung quanh vị đại diện Chúa Giêsu dưới trần gian. Chẳng rhế mà cha và nhóm đến Rôma để tìm ý Chúa qua sự sai phái của Giáo hoàng, sau khi không thể đi Giêrusalem được. Để rồi khi viết Hiến pháp, cha lại đặt Dòng chính thức dưới sự sai phái trực tiếp của vị dứng đầu Hội thánh bằng lời đoan nguyện (khấn) thứ tư. Xem ra cha cũng mô phỏng trật tự Giáo hội trong cấu trúc dòng của mình.

Những khi ở xa bề trên như trường hợp Xaviê, đương sự càng phải là người trưởng thành mọi mặt để có thể tự quyết định trước mặt Chúa, nhờ khả năng phân định thần căn nó là đặc điểm của linh đạo Inhã. Phải, lúc cầu nguyện chính là lúc Inhã trao đổi với Chúa về công việc của Dòng, còn Xaviê thì trao đổi với Chúa về công việc truyền giáo : Qua những vượng cảm và suy cảm liên quan đến các ý nghĩ, hai vị cố luận ra đâu là thánh ý Ngài.

*

Nếu Hiến pháp biểu hiện rất rõ một hướng tu tông đồ, thì nền tảng thiêng liêng của nó lại là cuốn Linh thao. Vâng, nếu Linh thao thích hợp cho cả tông đồ lẫn đan sỹ, thì xem ra nó thuận âm (consonant) hơn với tâm tình của những ai thiên về hành động. Vả chính tác giả của nó đã là con người hành động rồi, mà Linh thao lại được viết từ kinh nghiệm nội tâm của anh.

Inhã xuất thân là một chàng mã thượng, mà lý tưởng là tiến thân bằng lưỡi gươm. Anh lại rất dũng cảm nữa, và đây là sự dũng cảm “của người phương Bắc” theo ngôn ngữ Đức Khổng : dũng cảm trong chinh chiến. Tại thành Pampelune, sau khi 1000 lính thiện chiến duy nhất đã bỏ thành ra đi, mà quân địch lại quá mạnh với 12.000 bộ binh, 800 kỵ binh và 29 khẩu đại pháo, nhờ sự khích lệ của Inhã, số người còn lại vẫn quyết kháng cự. Thế nhưng  cuộc chiến không cân sức ấy chỉ kéo dài được 6 giờ, cho tới lúc ông tướng bất đắc dĩ là Inhã ngã xuống: một viên đạn đại bác làm gãy chân anh. Dẫu sao, cử chỉ anh hùng của chàng trai đã khiến quân Pháp phải nể phục : họ săn sóc anh, rồi cho khiêng anh về tận lâu đài Loyola để dưỡng thương.

Tại đây, vì không có tiểu thuyết, anh đành giải khuây với hai cuốn sách : Cuộc đời Chúa Giêsu Truyền kỳ mạn lục (Légende dorée, Flos sanctorum hay Truyện lạ các thánh). Chúa đã dùng mấy cuốn sách ấy để gợi lên trong anh những cảm nhận xem như là lạ đối với anh, những cảm nhận làm anh an vui thiêng liêng, không như bất cứ cảm nhận nào trước đó : sự bắt đầu cho những nhận xét có tính “phân định thần căn”, và từ ngữ “cảm nhận” (đi đôi với “nếm”) với hương vị riêng quen thuộc của linh đạo Inhã hẳn cũng bắt đầu từ đấy. Để rồi từ đấy tham vọng của anh đổi chiều hoàn toàn : anh muốn nên thánh, muốn ăn năn đền tội hơn cả mấy thánh anh đọc truyện. Gần một năm được Chúa đích thân dậy dỗ ở Manresa đã chỉnh lại tham vọng thiêng liêng của anh. Anh chỉ còn muốn hiến thân phụng sự một mình Chúa, làm hết những gì có thể “cho vinh danh Chúa hơn” (ad majorem Dei gloriam). Tiếng “phụng sự” và khẩu hiệu AMDG có một vang vọng đặc biệt trong từ vựng Inhã, và được hình tượng hóa rất rõ trong hai bài suy niệm then chốt của Linh thao : “Vương quyền” và “Hai sắc cờ”. Vâng, đây là chọn lựa chiến đấu dưới bòng cờ chữ Thập, với khí giới của Chúa Giêsu là sỉ nhục và thanh bần, với lòng quảng đại tối đa có thể, nó được biểu hiện qua hai bài suy niệm tiếp theo là “Ba loại người” và “Ba cấp khiêm hạ”.

Vâng, Linh thao không chuyên rèn luyện các đức tính như siêu thoát (détachement) và hãm mình như “Gương Chúa Giêsu” và các sách tu đức khác thời ấy. Linh thao tập trung hết vào con người Chúa Giêsu mà Inhã yêu mến và muốn phụng sự như một hiệp sỹ đối với đấng minh quân của mình. Vâng, Linh thao chỉ giúp dõi theo Chúa trong cuộc sống trần gian, trong các mầu nhiệm Nhập thể, Thánh giá và Phục sinh của Ngài, nhờ đó thấm lấy tâm tình Ngài, tinh thần Ngài, cũng như sẵn sàng chịu khổ bằng những khổ hình Ngài chịu, để cùng Ngài chiến đấu cho vinh quang Chúa Cha. Linh thao quả đúng là cuốn binh pháp  của chiến tranh thiêng liêng. Nó phù hợp nhất cho những con người hành động mà tâm hồn lại quảng đại. Chính vì rực lửa phụng sự như thế, nên dù bị cuốn hút bởi sự ngọt ngào của huyền nghiệm trải qua liên miên tại Manresa, Inhã đã không đi tu ẩn mà lao mình vào các cuộc săn bắt linh hồn, dù gặp rất nhiều nguy cơ vào thời nhiễu nhương tôn giáo của thế kỷ XVI ấy.

Để chiến đấu vì Chúa, thì trong cụ thể cũng phải biết Chúa muốn gì ở mình, về nếp sống cũng như từng chọn lựa của mình. Linh thao chính là cuốn sách giúp chọn lựa lối sống và hành động, giúp ta đi vào trạng thái bất thiên (indifférence), chỉ muốn Ý Chúa, để rồi bằng những nguyên tắc Phân định thần căn (discernement des esprits), qua suy luận hay bằng cách cân nhắc giữa những vượng cảm và suy cảm, tìm ra đâu là đúng ý Chúa về mính.

Con người Inhã là con người của những chọn lựa dứt khoát và quảng đại. Một khi đã chọn Chúa, anh xoay liền 180o, không tiếc gì với Chúa hết, khiến Chúa Thánh Thần có thể vào cuộc trực tiếp và hoàn toàn, để chỉ trong một thời gian kỷ lục đưa anh tới đỉnh cao lành thánh và chuẩn bị anh cho một công trình lớn của Ngài.

Đến linh đạo truyền giáo Xaviê

Xaviê là một tiềm năng lớn, nên cũng là đồ đệ cưng nhất của Inhã. Vì cảm phục và mến yêu Inhã, mà anh coi như cha, Xaviê nhuần thấm sâu xa con đường thiêng liêng của thầy. Có điều mỗi người là một nhân cách đặc biệt, lại hoạt động ở những môi trường rất khác nhau : Inhã giữa thế giới Công giáo châu Âu thân quen, nên hoạt động mục vụ; còn Xaviê giữa thế giới ngoại dân phương Đông xa lạ về mọi mặt, nên hoạt động truyền giáo. Chính vì thế, linh đạo tông đồ mà Xaviê tiếp thu từ Inhã, cha phải biến chế cho phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình.

Bởi lẽ cánh đồng truyền giáo quá rộng, mà thợ làm vườn nho lại quá ít, nên nếu Inhã quy định có đi đâu, gắng đi hai người để hỗ trợ cho nhau, thì theo Xaviê, nếu có hai người, mỗi người cần đi riêng, hầu hiệu quả nhân lên nhiều hơn. Cũng vì một mình phải lao vào các vùng và việc đầy bất trắc và nguy hiểm, nên nếu Inhã đòi mỗi Giêsu-hữu phải trải qua những tập nghiệm cam go, thì  Xaviê lại van xin, rằng người được cử đến Á châu phải là người được thử nghiệm dài lâu hơn, khổ cực hơn, hầu có hể vượt thắng mọi ngại ngùng và sợ hãi.[15]

Thế rồi, vì truyền giáo là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, nên Xaviê nhấn rất mạnh vào lòng tin tưởng, phó thác trong khiêm nhường, cũng như tìm ơn Chúa và sự đỡ nâng của Ngài trong cầu nguyện.

*

Nổi bật nhất nơi Xaviê là ngọn lửa truyền giáo nó thiêu đốt tâm hồn cha từng giây phút, y như  Phaolô xưa kia vậy:

-“ Tình yêu Chúa Kytô thúc bách tôi… Chúa chết vì mọi người, để ai sống không còn sống cho mình nữa, mà cho đấng đã chết và sống lại vì họ.” (2Cor.5.14-15)

Tình yêu mãnh liệt ấy đã thôi thúc Phaolô, rồi Xaviê, bất chấp nguy hiểm và gian lao để chiến đấu vì vương quốc Chúa:

-“Hỏi ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu Chúa Kytô? Phải chăng là cùng khổ, lo sợ, đói khát, cơ cực, gươm đao, nguy khốn? …, Vâng,…tôi chắc chắn rằng, dù sống hay chết, dù thiên thần hay mãnh quỷ, dù hiện tại hay tương lai, dù sức mạnh, lực lượng của trời cao hay vực thẳm…, không gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa biểu hiện nơi Đức Giềsu Kytô Chúa chúng ta.” (Rom.8.35,38)

Xaviê cũng có những ngôn từ như thiêu như đốt như thế, và quả thực lắm bức thư của cha đã thiêu cháy tâm hồn giới trẻ châu Âu thời bấy giờ, như một trích đoạn sau đây từ lá thư gửi cho Inhã ở Rôma:

-“Tại những vùng đất này, có biết bao người không biết đến ánh sáng chân lý Phúc âm, chỉ vì không ai giảng dạy cho họ. Biết bao phen con muốn gào lên với các đại học bên ấy, nhất là đại học Paris, như thể con đang ở Sorbonne, vâng, con muốn lấy hết sức lực gào lên như một người điên vậy.

“Con sẽ hét lên với những người muốn học hỏi thật nhiều hơn là muốn dùng học vấn của mình để giúp đỡ những ai đang cần đến họ. Quả thật, chỉ do sự thờ ơ của họ mà biết bao linh hồn phải đọa đày vĩnh viễn, khi mà đáng lẽ những linh hồn ấy phải được bất tử và hạnh phúc bởi được Thiên Chúa tạo nên (vì mục đích này)…

“… Trong những vùng đất nói trên, có quá nhiều người trở về với đức tin Chúa Giêsu Kytô, đến nỗi lắm khi con làm phép Rửa đến mệt và mỏi nhừ tay, cả giọng nói cũng khàn đi khi xướng lên các điều phải tin, phải giữ, và dạy đi dạy lại các kinh đọc đã được dịch sang tiếng bản xứ…”[16]

Tuy thư này được đề gửi cho thánh tổ và bạn đồng tu ở Rôma, nhưng tới triều đình Bồ Đào Nha, nó liền bị giữ lại để họ thi nhau đọc, đến nỗi Rôma phải đòi. Kế đó người ta dịch, in và phân phát đi. Mà không phải chỉ một bức thư như thế với ảnh hưởng lớn như vậy. Nói chung, các bức thư của Xaviê đều có lửa của tâm hồn Xaviê, và lửa ấy lây lan rất nhanh, khiến một sách tiểu sử viết về cha mang tựa đề lạ lùng là : “Hãy đi và thiêu cháy thế giới”[17].

Nhà truyền giáo kh6ng thể là người ngồi văn phòng như cha sở được. Họ phải đến với người ta, chứ không chờ người ta đến với mình. Mà đây là đến với những người xa lạ, quen sống với những tin tưởng trong vùng và nghi kỵ trước các tôn giáo đến từ xa. Có khi đây còn là những người man rợ, tính khí không thuần, những lãnh đạo các tôn giáo địa phương không muốn mất thế đứng, những vua quan chỉ muốn dân tùng phục một mình mình chứ không muốn chia sẻ ảnh hưởng với bất cứ thế lực nào. Khi những khó khăn chồng chất lên như thế, hỏi mấy ai đủ gan để dấn thân và phiêu lưu đây? Nên cần phải có những tâm hồn gan lỳ, lại không tìm danh lợi hay quyền lực cho mình, mà chỉ tìm vinh quang cho Chúa thôi. Và đây phải là những lò lửa yêu Chúa, và vì yêu Chúa  mong muốn Chúa được mọi người kính yêu. Ngoài ra, những người như thế còn phải trải qua một huấn luyện đặc biệt, nhửng tập nghiệm cam go và lâu dài như Xaviê đòi hỏi.

*

Nét nổi bật thứ hai nơi chiến sỹ truyền giáo Xaviê là tình cộng đồng. Thánh Inhã khuyến khích anh em Dòng phải hiệp nhất với nhau như một cơ thể, cũng như Phao lô quan niệm Hội thánh là một cơ thể như thế: cơ thể Chúa Kytô. Nhưng Hội thánh vì trải rộng năm châu, nên ý tưởng Hội thánh dễ thành thuần trừu tượng. Vậy, cũng như theo thánh Gioan: kẻ không yêu nổi anh em mà hắn  thấy, không thể nào yêu Thiên Chúa mà hắn không thấy được, thì : Kẻ không yêu nổi cộng đồng nhỏ của hắn, thì cũng không thể yêu Hội thánh toàn cầu hắn không thể nào chạm tới!

Thế mà yêu Dòng Tên, thì có thể nói, ngoài thánh tổ Inhã ra, không thể ai sánh kịp Xaviê cả. Dĩ  nhiên, và rất tự nhiên, anh yêu nhất các “đồng chí” đầu tiên, và trong nhóm bảy người này, anh yêu Inhã như đấng sinh thành thiêng liêng của mình. Xaviê vốn là người nhạy cảm, lại quá cô độc nơi đất khách quê người. Anh nhớ anh em, càng nhớ hơn nữa khi thấy trước không còn ngày tái ngộ. Và anh chỉ còn biết tìm an ủi trong những kỷ niệm về thời gian chung sống và đồng lao cộng khổ bên nhau:

-“Sự giải trí của em ở xứ sở này, là năng tưởng nhớ đến các anh, ôi các anh thân yêu của em! Em nhớ tưởng những tháng ngày xưa, những tháng ngày mà do lòng thương xót của Chúa, em được biết và sống với các anh…” (EX.20/14)

Nhớ thì phải mong gặp lại, nhưng vì không trông còn ngày gặp lại, nên Xaviê muốn được bù đắp phần nào bằng thư từ. Anh đòi các bạn viết cho mình dài vào, chi tiết vào, và về từng người một. Viết thật dài “để có thể đọc ba ngày”, “để có thể đọc tám ngày”, anh nài nỉ như thế. Và anh hứa cũng sẽ làm như vậy. Mà quả thực hễ có chuyến tàu đi là anh viết lia viết lịa, viết hết cho nhóm ở Rôma lại nhóm ở Bồ Đào Nha, v.v.. Mà viết dài nhất với thì giờ cho phép, có thư  chiếm cả hăm mấy trang khi in ra, tức gần trăm trang viết tay. Còn khi nhận được thư thì anh đọc đi đọc lại mỗi khi kiếm được thì giờ. Riêng chữ ký của anh em trong thư thì anh cắt riêng ra, đặt bên tờ giấy khấn nguyện (khấn dòng) anh luôn đeo bên mình[18].

Nhớ đến thế, mà không trông gặp lại nữa, hẳn là Xaviê đau khổ lắm. Thế nhưng về lâu về dài, đi sâu vào Chúa và tìm được ở Chúa nhiều an ủi rồi, anh hiểu rằng chỉ Chúa là cần, và sự có mặt thân tình của Chúa đã đủ cho anh. Vâng, anh bằng lòng hy sinh việc gặp lại cha Inhã và anh em!

Thế nhưng về cuối đời, chẳng những cảm nhận sự có mặt thường hằng của Chúa, Xaviê còn cảm nhận luôn sự có mặt thường hằng của anh em, do đó sự gặp mặt thể xác không cần thiết nữa, như anh bộc lộ trong bức thư anh gửi cho bạn Simon Rodriguez năm 1552, chỉ mấy tháng trước khi anh qua đời:

-“Xin Thiên Chúa là Chúa chúng ta tập họp chúng ta lại trong vinh quang thiên quốc, vì em không rõ chúng ta còn gặp nhau trên cõi đời này hay không. Thế nhưng, anh Simon ơi, em đã ghi sâu hình ảnh anh trong lòng em rồi. Vì em nhìn thấy anh thường hằng trong tâm trí em, nên việc thấy anh trong thân xác, mà xưa em mong mỏi biết bao, nay không còn làm em bận tâm mấy nữa: đó bởi vì em luôn thấy anh hiện diện trong tâm hồn em.” (EX.102/2)

Trong tâm hồn nhạy cảm, nay đã thành nhạy cảm thuần thiêng liêng ấy, chẳng những Xaviê thấy sự có mặt khá cụ thể của dăm bảy anh em đầu tiên, mà mọi anh em trong dòng. Vâng, rất cụ thể, vì chẳng những đây là các anh em chung chung, nên khá trừu tượng, mà từng người riêng rẽ, rất mật thiết, như thấy rõ trong bức thư thật dài Xaviê gửi cho các anh em ở Goa năm 1549:

-“Thôi, anh kết thư vậy nhé, kết mà không thể ngừng nói lên tình yêu lớn lao anh dành cho từng người và hết thảy các em. Nếu trái tim những kẻ yêu thương nhau trong Chúa có thể nhìn thấy nhau ở cõi đời này, thì, hỡi các em thân mến, các em có thể nhìn thấy nhau thật rõ trong lòng anh đấy. Giả như  nhìn vô trái tim anh mà các em không nhận ra mình trong đó, thì chỉ là vì, dầu anh rất quý trọng các em, các em khiêm tốn mà coi rẻ mình, nên không [dám] nhận ra  mình trong đó đấy thôi, chứ không phải vì hình ảnh các em không sâu đậm trong linh hồn anh và trái tim anh đâu.” (EX.90/60).

Đọc những lá thư như vậy, người ta có cảm tưởng như đây là thư tình trai gái viết cho nhau, và tuy nói thật những cảm nghĩ của mình, họ nói theo nhiệt tình và nói văn vẻ, nên phóng đại theo tưởng tượng. Thế nhưng đây là thư của một vị thánh, nên không thể có hoa ngữ. Vì thế, chỉ có thể kết luận về một cảm nhận thật, nhưng một cảm nhận huyền nhiệm (mystique). Thánh Tiên sa Avila, về thứ huyền nghiệm cao nhất là Hôn nhân thiêng liêng, nói đến một hiện diện sâu xa, cụ thể và thường hằng của Chúa với hồn trong chính cuộc sống thường ngày của đương sự,  cả trong lúc đương sự bận rộn. Với Xaviê, đây không chỉ là hiện diện cụ thể và thường hằng của Chúa thôi, mà của luôn cộng đồng anh em trong Chúa nữa. Vâng, đây là Huyền nghiệm cộng đồng (mystique communautaire), có một không hai, chắc thế!

Đây là cộng đồng của những bạn đường Chúa Giêsu, của Dòng được mang tên cực trọng Giêsu khi mà trong huyền thị La Storta[19], Chúa Cha tỏ ý muốn đặt thánh Inhã (và các bạn trong đó) “cùng với Đức Giêsu”. Cộng đồng thân yêu, căn cứ điểm và chỗ dựa cho Xaviê trên con đường chiến chinh ấy, luôn nằm trong Giáo hội, như sự  cụ thể hóa của chính Giáo hội:

-“Trong khi chờ đợi, nhờ hạnh nghiệp (mérites) của Hội thánh Mẹ chúng ta, cái Hội thánh mà anh em là thành phần sống động, cái Hội thánh mà em đặt hết sự nương cậy vào, em tin Chúa Kytô sẽ nghe lời em và đoái thương sử dụng thứ công cụ vô ích là em cho việc gieo trồng niềm tin vào Ngài giữa các ngoại dân.” (15/15)

*

Điều cuối cùng phải nói về linh đạo truyền giáo của Xaviê là tinh thần thích nghi vì lợi ích tông đồ. Đọc truyện ngài với tâm thức con người thời nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngài nghĩ như thánh Augustin rằng : hễ ai không biết Chúa Kytô và chịu phép Rửa đều sa hỏa ngục hết. Thật ra, đó là quan điểm của mọi Kytô-hữu (Châu Âu) thời ấy. Vâng, vào thời ấy, không thể đòi người ta có thái độ Hội nhâp văn hóa và Đối thoại tôn giáo như sau Vatican II.

Thế nhưng dù vào thời ấy, vì lợi ích tông đồ, Thánh Inhã đã dám bỏ tu phục riêng, tu phục mà không dòng nào không coi trọng, bỏ luôn thần tụng đọc chung càng được coi như thành phần nền tảng của đời tu, đồng thời giảm nhẹ đời sống  chung (để dòng có thể phân tán mỏng và đi rất xa) nó là dư âm của đan viện.

Xông pha truyền giáo giữa những vùng trời rộng lớn với biết bao thói tục khác lạ, Xaviê thấy càng phải thích nghi hơn nữa. Nếu Inhã muốn đi đâu đi hai người, thì Xaviê xin, nếu có được hai người thì hai người ấy sẽ đi riêng để nhân đôi kết quả. Và nếu về tu phục, Inhã để tùy theo phong tục, thì dù bản thân thích ăn mặc như kẻ nghèo nhất, Xaviê vẫn dùng vải lụa và đi cáng (như  các người Nhật quý phái quen làm) để có thể được một lãnh chúa (daimyo) tiếp đón và cho phép truyền giáo. Lại cũng để các nhà sư Phật giáo khỏi coi khinh, Xaviê đã ăn nhạt, nghĩa là kiêng ăn thịt cá. Thế rồi tại trường học ở Goa, dành cho cả người Ấn lẫn người Âu, cha hạ thấp kỷ luật một phần để học sinh bản xứ có thể giữ. Vâng, con đường Xaviê khá đậm nét thích nghi, dù sự thích nghi ấy chưa được sống động hóa bởi cái linh hồn cần thiết của nó là sự tôn trọng các văn hóa, để thích nghi thành Hội nhập văn hóa. Vâng, cha coi nhẹ hình thức chỉ vì lợi ích các linh hồn thôi. Chắc hẳn hướng đi phóng khoáng là Thích nghi ấy đã mở đường cho những thích nghi bán hội nhập sau này của De Nobili bên Ấn, của Matthieu Ricci (vô được Bắc kinh 30 năm sau khi nhà tiên phong Xaviê qua đời) bên Trung Hoa. Và nếu những thích nghi ấy, ít là bên Trung quốc, không gặp quá nhiều trở lực, thì ắt hẳn bộ mặt Giáo hội tại giang sơn của “Ông Con Trời” cũng như ở Nhật và Việt nam đã đổi khác.

Kết luận

Xaviê đã qua đi, nhưng như Phaolô, cha đã để lại một tinh thần, một tấm gương, và phần nào : một con đường! Nếu nhân ngày kỷ niệm sinh nhật Xaviê, chúng ta muốn phát động một luồng gió Truyền giáo mới, thì cuộc đời và tinh thần ấy phải trở thành bài học cho hôm nay.

Các chủng viện xưa nay quen đào tạo những người coi văn phòng, giúp Giữ đạo hơn là những nhà tiên phong phổ đạo. Những “cha sở” tương lai ấy không đủ lửa để đốt cháy thế giới đâu. Cần phải mở riêng những chủng viện truyền giáo,  chọn đưa vào đó những người trẻ hăng say có chí phiêu lưu và dám dấn thân. Và những nhà truyền giáo tương lai này phải trải qua những tập nghiệm cam go, khắc nghiệt[20]. Để đào tạo được những người “thép đã tôi thế đấy”, cũng phải chọn những linh hướng và bề trên đặc biệt, những người có kinh nghiệm truyền giáo và mang sẵn lửa truyền giáo trong tim, để bằng lửa ấy, họ có thể thắp cháy tâm hồn đám trẻ được đặt vào tay họ.


[1] Ngày mồng 3/12 là ngày sinh trên Trời và lễ kính thánh  Phansinh Xaviê, nhưng năm nay ngày ấy lại nhằm ngày chúa nhật, nên phải tránh.

[2] Xx. Truyện Người hành hương số 96 và Nhật ký thiêng liêng số 67. Tập trên là do Inhã kể lại (và một tu sỹ viết ra) do sự thôi thúc của dòng; còn tập sau là một đoạn nhật ký mà cha thư ký cứu được từ lò sưởi (thánh Inhã định thiêu hủy toàn bộ nhật ký thiêng liêng của ngài).

[3] Xx. CGvDT tuần san 14-20/4/06, tr.29.

[4] Saint Francois Xavier, DDB,1997, tr. 7 và 18.

[5] Xx. J. Brodrick, Saint  Francois  Xavier, Spes, Paris, 1954, tr.449.

[6] Sđd., tr.20.

[7] Documenta indica, 7/12/1552.

[8] Sđd., tr.41.

[9] EX. (Epistolae xaverianae, Thư từ của Xaviê) thư số 20/đoạn 13.

[10] EX. 96/53.

[11] Xx. Xavier Léon-Dufour, sđd., tr. 118-120.

[12] Truyện người hành hương, số 27.

[13] Khiến cho tử đạo, và duy nhất tử đạo được gọi là nhân chứng, chứng nhân (martus, martyr).

[14] NC (Normes complémentaires, Quy định phụ) số 92 và 121.

[15] EX. 60/2; 47/2; 52/7; 137/9. Rồi 63/2 và 85/13.

[16] EX. 20/8.

[17] Loui De Wohl, Va et  incendie le monde : Saint Francois Xavier, Mame, 1955.

[18] Xx. EX.55/10.

[19] Trong đoạnthư 20/14, Xaviê ám chỉ huyền thị La Storta khi coi Dòng được khai sinh  qua mạc khải của Chúa cho một mình cha Inhã.

[20] Dòng Tên thời đầu đã xướng xuất và thực thi nhựng tập nghiệm kiểu ấy.  Nhưng sau này, một vài tập nghiệm như ăn mày phải bỏ vì không còn phù hợp với thời đại nữa, và một hai tập nghiệm khác được giảm nhẹ khi mà phần đông làm những công việc không đòi hỏi nhiều can đảm và gian lao. Thế nhưng ai muốn truyền giáo trong các vùng đất  khó xâm nhập, thì thiết nghĩ không thể không đưa họ trở về với những tập nghiệm khắc nghiệt, giống những gì mà Dòng Tên xưa phải trải qua..

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *