Ngày thứ hai: Thánh Phanxicô Xaviê – Tình Yêu Mang Tên Tình Huynh Đệ

 1 “Dòng Tên là Dòng yêu thương,”[1] câu nói thời danh của thánh Phanxicô Xaviê đã trở thành di sản cho những Giêsu hữu hậu duệ. Khi định nghĩa như thế, thánh nhân đã góp phần tô điểm thêm “tổng luận” tình yêu của mình. “Dòng yêu thương,” trước hết vì Dòng được Thiên Chúa yêu thương khai sinh gìn giữ, sau nữa vì Dòng cưu mang những con người hết mực yêu thương nhau. Dòng Tên không gì khác hơn là một gia đình, nơi tràn chứa tình yêu. Từng thành viên thụ nhận tình yêu của Thiên Chúa, và họ yêu nhau theo gương mẫu của Thầy Giêsu. Đó là lý do vì sao các cha sáng lập đã tự nhận mình là Compagnia di Gesù (Đoàn Giêsu) lúc ban đầu, và sau này là Società di Gesù (Dòng Giêsu)[2]. Là thành viên trong gia đình Dòng Tên, thánh Phanxicô Xaviê hầu chắc đã có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu này, thứ tình yêu mà ta nôm na gọi là tình bạn trong Chúa hay tình huynh đệ thánh thiêng.  

Tình bạn chỉ nảy sinh qua cuộc gặp gỡ, điều này đúng với trường hợp của chàng Phanxicô. Ngài và thánh Phêrô Favre đã là bạn cùng phòng trước khi Inhã chuyển tới ở chung. Dù phải mất ít lâu nhưng Thiên Chúa cũng đã liên kết họ thành “bộ tam” ăn ý. Favre tâm sự: “Sống với nhau trong cùng căn hộ với cái bàn dùng chung và hầu bao xài chung, rút cuộc chúng tôi là một trong ước ao, trong ý muốn và quyết tâm kiên định để chọn một cách sống như nhau.”[3] Cách riêng trong tương quan với Inhã, Phanxicô trở nên “một nửa linh hồn”[4] của ngài, đến nỗi tác giả David Mitchell phải cho rằng: “(hai người) đã làm cho lịch sử buổi đầu của Dòng Tên trở thành lịch sử rộng khắp của hai con người xứ Basque.”[5] Về sau, nhóm “bộ tam” quy tụ thêm các thành viên khác. Họ được liên kết bằng tình bạn thiêng liêng và tình bạn ấy cứ lớn dần lên mãi.[6]

Vậy Phanxicô đã yêu mến anh em mình thế nào? Có một lần chính ngài đã bộc bạch tình yêu của mình cho cha Cypriano, một bề dưới cứng đầu và không khiêm nhượng: “Cypriano ơi, nếu cha biết tôi viết cho cha những điều này với thứ tình yêu nào, thì cha sẽ ngày đêm nhớ tôi, và có thể cha sẽ khóc lóc khi hồi tưởng về tình yêu lớn lao tôi dành cho cha […].”[7] Cũng thế, rải rác trong những chứng từ của bạn hữu và bút tích của ngài, ta biết Phanxicô đã luôn đau đáu một tình huynh đệ nhân bản mà đượm thắm. Nhớ ngày còn bên nhóm bạn tiên khởi, Phanxicô có dịp để thi thố tình yêu của mình ngay trong cảnh ốm đau bệnh tật. Lainez kể: Xaviê và Rodriguez bị ốm và được đặt nằm chung trên một chiếc giường bệnh. Cả hai đã có một cuộc thi thố nhỏ về đức ái. Một trong hai đang khổ sở với cơn sốt chỉ suy nghĩ làm sao để giữ ấm cho người bạn chung giường đang run lên, còn người kia thì tìm cách gỡ mấy tấm chăn khỏi cơ thể nóng hực của bạn mình.[8] Họ không nghĩ cho bản thân, họ nghĩ tới điều anh em đang cần và dám sống cho điều mình nghĩ.  

Khi khoảng cách trở thành ngăn trở cho những cuộc gặp gỡ, nỗi nhớ niềm thương bắt đầu rộn rạo trong lòng Phanxicô. Qua những dòng thư phương xa, ngài thú nhận ngài rất nhớ những người anh em yêu quý. Ngài cắt những chữ ký, cái tên do chính tay anh em viết, nối chúng lại với lời khấn của mình rồi đặt vào một gói nhỏ đeo trước ngực, thậm chí “đính vào tim ngài”[9]. “Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi […] (tôi) cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình.”[10] Với thánh nhân, chỉ là chữ ký, cái tên cũng đủ trở thành hiện tích của người mình yêu mến. Khoảng cách không giết chết tình bạn, trái lại, “nó biến đổi con tim Phanxicô, như thể từng người anh em đã được ngài mang vào tim đưa đến Ấn Độ.”[11] Cả khi đọc thư của anh em, ngài thổ lộ: “Tôi vui mừng lắm, […] tôi có cảm tưởng như mình được đưa đến chỗ anh em, hoặc là anh em được đưa đến chỗ tôi, nếu không phải về thể xác, ít là trong tinh thần.”[12] Ngài còn tha thiết xin anh em biên thư để sửa dạy ngài; ngài còn nói: “xin để ý viết cho tôi thật dài vì tôi thích thú đọc được thư của anh em,” và vì ao ước biết tin tức của anh em.[13] Yêu xa khổ thế đấy, vì Phanxicô chỉ mong được ở gần, không những về mặt thể lý mà còn về tinh thần.

h2Nhưng tình yêu Phanxicô dành cho anh em không chỉ là thứ tình nhân loại, đó còn là tình huynh đệ siêu nhiên. Theo tác giả John W. O’Malley, nhóm bạn Giêsu hữu tiên khởi đã được liên kết với nhau nhờ kinh nghiệm thiêng liêng từ Linh Thao.[14] Thật vậy, chính Inhã cũng đã thừa nhận nhóm bạn là “những người (ngài) đã lôi kéo vào việc phụng sự Thiên Chúa nhờ Linh Thao.”[15] Đích nhắm của Linh Thao là lôi kéo thao viên theo sát giá trị của Đức Kitô hơn, để rồi vì tình yêu với Người, họ học lấy lối sống của Người.[16] Đi qua cùng một kinh nghiệm, Phanxicô yêu mến anh em vì ngài yêu Đức Kitô, thế thôi. Họ cùng yêu Đức Kitô và họ nói cho nhau nghe về Ngài. Cụ thể, sau thánh lễ khấn 15.08.1534 ở Monmartre, nhóm bảy thành viên đã dành cả ngày để chia sẻ với nhau những điều thuộc linh với niềm vui lớn lao trong tâm hồn.[17]

Lạ lùng hơn, tình huynh đệ của Phanxicô thật thiêng liêng bởi vì ngài dám nói tiếng nói ngôn sứ để giúp anh em nên hoàn thiện. Không chỉ với những chỉ dẫn hằng ngày về truyền giáo, mục vụ và tu đức,[18] ngài còn khuyên răn: “hãy chăm lo đặc biệt về chính mình,” “hãy sống khiêm tốn, khôn ngoan và hợp lý,”[19] thậm chí là những lời quở trách và sửa dạy: “Cha đã quen thói làm theo ý riêng, nên ở đâu cha cũng gây gương xấu cho mọi người. (…) Vì yêu mến Chúa, tôi xin cha chế ngự ý riêng (…) dùng những năm tháng còn lại để chỉnh đốn thâm sâu, trở nên dễ chịu, hiền lành, kiên nhẫn và khiêm tốn.”[20] Cuối cùng, ngài nhắc rằng “phải nhớ mình là thành viên của Dòng Tên”[21] như một nguyên tắc tổng quát giúp mỗi người hành xử hợp lẽ, đơn giản vì “Dòng Tên là Dòng yêu thương.”

Tình bạn ngài dành cho anh em cũng thật thiêng liêng qua những khao khát hướng thượng được diễn tả trong những bức thư. Ngài thiết tha xin anh em cầu nguyện cho mình.[22] Thiên Chúa luôn có chỗ trong tương quan liên vị của Phanxicô. Đọc qua bút tích của ngài, hầu như mọi lá thư đều kết bằng ước ao thánh thiện được đoàn tụ cùng anh em trên thiên quốc.[23] Thế nên Phanxicô đâu chỉ ước ao gần anh em nơi dương thế, ngài ước ao được “nên một”[24] với anh em trong cung lòng của Thiên Chúa. Đó mới là đích đến của tình huynh đệ thánh thiêng mà ngài hằng ủ ấp.

Thánh Phanxicô Xaviê đã có một tình huynh đệ đẹp như thế đó. Nó vừa thắm đượm tình người mà cũng cháy lửa siêu nhiên; cả những lúc vai kề vai cũng như những ngày xa cách. Tình yêu ấy không chỉ dành cho nhóm bạn tiên khởi mà còn mở ra xuyên thế hệ. Đối với Phanxicô, dường như tình yêu là yếu tố chi phối tình bạn và cũng là cốt lõi của Dòng Giêsu, tức là, “thiếu tình yêu thì không có đoàn Giêsu.”[25] Bén rễ sâu từ tình yêu Thiên Chúa và được ôm ấp trong tình yêu của gia đình Dòng Tên, thánh Phanxicô Xaviê lên đường viết tiếp “tổng luận” của mình bằng tình yêu ngài dành cho anh chị em đồng loại.

Xin quý độc giả đón đọc bài tiếp theo: Phanxicô Xaviê – vị thánh hằng yêu mến các linh hồn.

Bài viết trước: Ngày thứ nhất: Phanxicô Xaviê – Người Say Yêu Thiên Chúa


[1] Câu nói đầy đủ: “Con nghĩ rằng ‘Dòng Tên’ là Dòng yêu mến và hiệp nhất tâm hồn”, chứ không phải là ép buộc hay sợ hãi như nô lệ.” Đây là lời Phanxicô đã viết cho cha Inhã.

x.Thư gửi thánh Inhã, Cochin 12.1.1549, trích trong Bút Tích Phanxicô Xaviê, Hoàng Sóc Sơn, S.J., dịch và giới thiệu (An Tôn & Đuốc Sáng, 2007), 413.

[2] Ở đây, các cha đầu tiên dùng ‘Società’ thay vì ‘Ordo’, có lẽ vì các ngài muốn nhấn mạnh đến tính gia đình và cộng đoàn của Dòng Chúa Giêsu.

Ở Việt Nam, ‘Dòng Chúa Giêsu’ (nguyên nghĩa) được đổi thành ‘Dòng Tên’ vì lý do hội nhập văn hóa.

[3] Monumenta Historica Societatis Iesu. Monumenta Fabri. 6-13. Esp. 8. trích bởi Javier Osuna, S.J., Friends in the Lord (The Way Series 3, 1974), 48.

[4] Thánh Phanxicô là “một nửa linh hồn” của thánh Inhã có thể hiểu là sự tâm đầu ý hợp giữa hai người. Khi Hiến Pháp Dòng chưa được Inhã viết ra, Phanxicô đã phải lên đường đi Ấn Độ. Thế nhưng, khi so sánh đối chiếu, có thể nhận thấy sự tương hợp kỳ lạ giữa Bút Tích và Hiếp Pháp, xét về đặc sủng và cung cách hành xử của người Dòng Tên. Nói khác đi, thánh Phanxicô đã thấm nhuần tinh thần của cha Inhã. Thêm nữa, trong khi cha Inhã yên vị tại Rôma để quản trị Dòng, thánh Phanxicô, một trong hai người bạn đầu tiên, đã hiện thực hóa mảng tông đồ truyền giáo mà thánh Inhã hằng ấp ủ.

[5] David Mitchell, The Jesuits, A History (New York: Franklin Walts, 1981), 25.

[6] Hoàng Sóc Sơn, S.J., Đôi Nét Lịch Sử Dòng Tên, quyển I (An Tôn & Đuốc Sáng, 2007), 12, 17.

[7] Monumenta Xaveriana (Madrid, 1912), trích bởi Jóeph de Guibert, S.J., The Jesuits, Their Spiritual Doctrine and Practice (St Louis: The Institute of Jesuit Sources, 1994), 189.

[8] James Brodrick, S.J., The Origin of the Jesuits (Chicago: Loyola University Press, 1986), 60.

[9] Mark A. Lewis, S.J., “Friends in the Lord”, đăng ở www.americamagazine.org, ngày 5.12.2005

[10] Thư gửi anh em Dòng Tên, Ambon 10.5.1546, Bút Tích, 289.

[11] Mark A. Lewis, S.J., “Friends in the Lord”

[12] Thư gửi anh em Dòng Tên, Malacca 10.11.1545, Bút Tích, 273.

[13] Bút Tích, 147, 280, 420.

[14] John W. O’Malley, The First Jesuits (Cambridge: Harvard University Press, 1993), 32.

[15] Thánh Inhã, Tự Thuật, số 82.

[16] Thánh Inhã, Linh Thao, số 167.

[17] Philip Caraman, Ignatius Loyola (San Francisco: Harper & Row, Publishers, 1990), 89.

[18] Có rất nhiều Huấn Thị được thánh Phanxicô gửi đến anh em Dòng Tên ở Roma, ở vùng truyền giáo, tập sinh, và các cha thuộc quyền. x.  Bút Tích, 368tt, 464tt, 524tt, 708tt.

[19] Bút Tích, 573, 480.

[20] Thư gửi cha Alonso Cipriano, Goa 4.1552, Bút Tích, 703.

[21] Huấn thị gửi cha Gaspar Berze, 4.1549, Bút Tích, 478.

[22] Bút Tích, 289, 797

[23] Bút Tích, 299, 428.

[24] Ga 17,20tt.

[25] Đây là nhận định của cha Xaviê Léon-Dufour. x. XLD 110, trích trong Bút Tích, 409.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Dòng Tên Việt Nam: Thánh lễ Truyền chức Linh mục năm 2024

  Vào ngày 03 tháng 12 năm 2024, trong bầu khí hân hoan mừng kính …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *