MM Tân, S.J.
Hội thánh được cưu mang và được khai sinh trong cầu nguyện.
Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với Đức Maria…(Cv 1,14)
Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng…và cầu nguyện không ngừng
Ngày ngày chuyên cần đến đền thờ cầu nguyện.
Hội Thánh sơ khai, khi phải đối diện với một biến cố, luôn cầu nguyện, nhìn vào thực tế đang diễn ra,
lắng nghe CHÚA nói ngang qua Thánh Kinh, rồi cùng nhau thực hiện:
“trong những ngày ấy, Phêrô đứng lên…lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm…vậy phải làm thế này…
(Cv 1,15-19).
Hội Thánh cầu nguyện để tìm kiếm và đã tìm thấy ý Chúa ngang qua mọi hoàn cảnh.
Khi Phêrô và Gioan bị bắt và được thả ra, đứng trước sức ép của Thượng Hội đồng Do Thái cấm không được lên tiếng hay giảng dạy về Danh Giêsu nữa, các tín hữu không họp nhau tìm cách đối phó, mà cầu nguyện.
Nhận biết mình yếu đuối và bất lực, thì bảo nhau nhìn lên Chúa là Đấng đầy quyền năng, đã tạo dựng biển khơi và muôn vật trong đó (Cv 4, 24), cùng nhau mở Thánh Kinh, và cộng đoàn đã nhìn thấy những gì đã được báo trước về Thày thì nay cũng đang ứng nghiệm với đoàn môn đệ, vậy thì cũng như Thầy, người môn đệ không bỏ cuộc, không tháo lui, ơn xin duy nhất cộng đoàn thân thưa với Chúa là
“xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả mạnh dạn …nhân danh tôi tớ Thánh của Ngài là Đức Giêsu Kitô”.
Họ cầu nguyện xong thì nơi họ họp nhau rung chuyển, ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa (Cv 4,29-31).
Lời cầu của Hội Thánh, lời cầu từ những con tim chân thành, khao khát muốn biết và thực hiện điều Chúa muốn, lời cầu ấy có sức rung động ngai toà Thiên Chúa, và tất cả đã nhận được ơn huệ là Thánh Thần, mạnh dạn công bố Lời hằng Sống.
Hội Thánh sơ khai, ngay trong buổi đầu còn non trẻ, đã phải đối diện với nhiều đe doạ, nhưng vẫn đứng vững nhờ cầu nguyện.
Vậy thì gia đình, trong tư cách Giáo Hội tại gia hôm nay, bước vào năm phụng vụ mới, nếu đem so sánh và muốn sống lại bước đường Hội Thánh sơ khai, thì nét trùng khớp vẫn là cầu nguyện!
Hội Thánh sơ khai chỉ có một nỗi lo là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, vì thế khi bị ngăn cản không được rao giảng nhân danh Giêsu, thì Hội Thánh khẩn nguyện, nép mình vào Lời quyền năng để rồi cứ vậy mà rao giảng.
Trong khi phần đông các gia đình công giáo, không nói ra, nhưng phân chia cuộc sống thành hai mảng: nửa theo Chúa, nửa chạy theo thói đời, vô tình, đặt trọng tâm đời sống nơi công việc làm ăn sinh sống, và suốt ngày bị công việc cuốn trôi, vui buồn sướng khổ nơi công việc, từ đó dễ bị nhiễm theo thói đời, bỏ quên lời Chúa đã từng dặn dò: Đừng yêu thế gian (1Ga 2,15-16).
Nếu đời sống gia đình một thời đã được Tin Mừng hoá thì nay xem ra đang bị tục hoá.
Đã đến lúc phải lội ngược dòng, đi lại bước đường của mình trong tư cách là giáo hội tại gia, khao khát ơn TÁI SINH – TÂN TIN MỪNG HOÁ,
Và điểm khởi xuất phải chăng là lòng kính sợ Thiên Chúa.
Trong truyền thống đạo hiếu của cha ông, lòng kính sợ Thiên Chúa xác định tính cách của một con người, những kẻ trời không tha thì đất cũng không dung, và coi như không được làm người.
Đối với bà con dân tộc thì sự hiện diện thần linh làm nên cung cách và xác định mọi tương giao trong cuộc sống, từ đó lời cầu luôn chân thành, bà con hết lòng vâng giữ những gì đã khấn nguyện. Thật vậy, khi tìm đến với bà con người Stiêng để loan báo Tin Mừng cho họ, lúc bấy giờ đã xong mùa phát rẫy và bắt đầu gieo hạt, rất nhiều gia đình sẵn sàng trở lại, nhưng tất cả đều hẹn tới tháng 11 sau mùa thu hoạch, thì ra trong ngày gieo hạt, mỗi nhà đều khấn và hứa, được nhiều thì cúng nhiều, được 100 xá lúa thì sẵn sàng cúng con trâu. Tôi cứ hay nói đùa là bán con trâu mua được trăm xá lúa, nói như thế thì nguyện ước có khác gì chuyện đổi trao, không chỉ vô ơn và bất kính với thần linh, mà còn không cảm nhận được tâm tình và niềm vui ngày dăng cúng nữa.
Tháng 11 gặp lại, bà con rủ nhau vào đạo, bước đầu chưa có nhà nguyện, bà con thường họp nhau trong một gia đình. Cái nhà của người dân tộc vừa thấp, vừa bề bộn, nhưng Đấng Linh Thiêng đâu có chê bỏ cảnh này, vì thế vào giờ cầu nguyện, bà con vẫn dễ dàng chìm sâu trong Thiên Chúa:
Từng người một vào nhà, quì gối lặng lẽ vài phút, rồi mới đứng dậy, hoà chung lời kinh với mọi người. Trong cái thanh tịnh của núi rừng về đêm, một ngọn đèn dầu leo lét, nhìn nhau không rõ mặt, không sao, càng dễ tỏ lòng trước Thiên Chúa. Thật vậy, lời kinh được cất lên từ những con tim đơn nghèo, nghe rung động cả núi rừng, len lỏi qua từng tàn cây kẽ lá, để rồi vươn tới trời xanh, tới tận cung lòng Thiên Chúa.
Lời cầu của những tấm lòng đã quen kính sợ thần thánh, có thể chiếm một chỗ nơi cung lòng Thiên Chúa,
Tương tự như Corneliô, đại đội trưởng ngoại giáo, Sách Cvtđ khi kể về ông đã phác thảo những đường nét rất đẹp : ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện, ông được mọi người nhìn nhận là một người công chính và biết kính sợ Thiên Chúa, và được toàn dân Do Thái chứng nhận là tốt.
Một hôm, vào khoảng giờ thứ chin, trong một thị kiến, ông thấy rõ ràng một thiên sứ của Thiên Chúa vào nhà ông và nói : “…lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu tới Thiên Chúa khiến người nhớ đến ông… (Cv 10,3-4).
Thật lạ lùng, cầu nguyện đã đưa ông vào tận cung lòng Thiên Chúa, ông đã chiếm một chỗ nơi tâm trí của Người…. khiến Người nhớ đến ông, dẫn đưa ông đến với Hội Thámh, trao cho ông Tin Mừng cứu độ :
“ông hãy đi mời một người tên là Simon, cũng gọi là Phêrô”
“Lập tức tôi đã sai người đến mời ông, và ông đã có lòng tốt đến đây,
VẬY BÂY GIỜ TẤT CẢ CHÚNG TÔI ĐANG Ở TRƯỚc MẶT THIÊN CHÚA, để nghe tất cả những gì người đã truyền cho ông” (Cv 10,33).
Cầu nguyện trước tiên hết là lắng nghe Chúa nói, trong tư thế của người biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa, lắng nghe với một con tim vâng phục.
Từ đó Thánh Thần có thể khai mở một lễ Hiện Xuống mới : Phêrô còn đang nói thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa.
Nghe Chúa nói,
Nói với Chúa,
Nói về Chúa,
Giờ cầu nguyện trong gia đình phải là mái trường để Thánh Thần rèn luyện và dẫn dắt, đặt mọi người trên bước đường làm môn đệ, và cũng trong cầu nguyện, tất cả cùng ra đi loan báo LỚI HẰNG SỐNG đã chiêm ngắm, lắng nghe và lãnh nhận,
Một khi đã quì gối thì không thể không bước tới
Kinh Thánh nói gì? “lời Thiên Chúa ở gần, ngay trên miệng, ngay trong lòng…
Một khi đã được Tin Mừng Hoá thì miệng sẽ tuyên xưng
Bước tới là phải quì gối,
Đêm về hay sáng sớm, cầu nguyện để lắng nghe và để biết chắc gia đình minh vẫn đang bước đi trong quyền năng Thánh Thần,
Cầu nguyện mỗi ngày, đễ mỗi ngày là một lễ Hiện Xuống mới, để gia đình, Giáo Hội tại gia luôn chìm sâu trong Thánh Thần.