DỪNG !
“Dòng đời ngược xuôi,
Chúa ơi con biết về đâu, về đâu cho con gặp Ngài?”
(Lm. Duy Thiên)
Dẫu dòng đời ngược xuôi mấy nữa, con người vẫn luôn có những nhịp dừng. Có những nhịp dừng bắt buộc như gặp đèn đỏ giao thông. Có những nhịp dừng ngoài ý muốn như nằm dưỡng bệnh. Song cũng có những nhịp dừng đầy chủ động ví như những dấu lặng trong bản nhạc. Dừng để lấy hơi, nghỉ ngơi hay rong chơi. Dừng để toan tính, dự phóng tương lai. Dừng để nhìn lại chính mình, và để tìm kiếm Chúa. Dừng có nhiều mục đích lắm. Và tùy theo đích nhắm mà thời gian của nhịp dừng lâu mau khác nhau.
Thánh Inhaxiô – tổ phụ Dòng Tên – đã có một nhịp dừng lạ lùng khi tính bị động và chủ động trên cứ đan quyện lấy nhau. Đó là một nhịp dừng vào năm 30 tuổi khi ngài nằm dưỡng thương ở lâu đài Loyola. Một nhịp dừng ngoài ý muốn, đã vậy còn kéo dài cả 10 tháng trời ròng rã[1]. Buồn, chẳng biết làm gì, ngài chủ động tìm đọc tiểu thuyết. Thư viện của lâu đài không có tiểu thuyết, ngài đành đọc Truyện các thánh và Gương Chúa Giêsu. Đọc rồi nghĩ suy, suy hoài cũng chán, ngài nghĩ ra trò tiêu khiển mới: quan sát những tư tưởng chạy trong đầu và những cảm xúc nổi lên trong lòng mình.[2] Có lẽ ngài đâu ngờ rằng ngài đã bắt đầu bước vào cõi nội của tâm mình. Ngài đang bị kéo vào một kinh nghiệm định vị lại chính mình và tìm gặp Thiên Chúa.
Trong vạn giờ cô tịch trên giường bệnh, ngài có cơ hội duyệt xét lại những kỷ niệm quá khứ, những toan tính tương lai và tình trạng hiện tại. Nhờ thế, ngài giật mình tỉnh ra: “Có lẽ ta đã quá ích kỷ khi chỉ lo xây tạo cho cái Tôi của ta được nổi tiếng bằng bao danh ảo mà thế gian vứt cho.”[3] Tư tưởng này đẩy xô suy nghĩ nọ: “Còn có mục đích nào khác cao quý hơn chăng? Phục vụ Chúa như thánh Đaminh và Phanxicô chẳng hạn?”[4] Tuy nhiên, cái thấy của trí là một chuyện, mà cái cảm của tâm lại là chuyện khác. Ban đầu, chuyện phụng sự Chúa chẳng làm cho ngài cảm thấy hứng khởi, ngài vẫn nuôi hy vọng sớm lành vết thương, lập kỳ tích và cưới công chúa. Cứ nghĩ đến thành công, vinh dự, cưới xin giàu có là ngài lại thấy mình có động lực để vượt qua những ngày dài đau bệnh này.
May mắn thay, không dừng lại với những phản ứng bề nổi kia, Inhaxiô tiếp tục đào sâu để tìm động cơ của chúng. Ngài miên man tự hỏi: “Ủa! Làm sao những suy nghĩ lại có thể làm cho tôi vui? Có ai đứng sau những cảm xúc dấy lên trong tôi không?” Với tỷ tỷ phút lặng thinh ghi nhận, ngài khám phá ra nội tâm mình là mảnh đất ngon mà cả “ma quỷ và Thiên Chúa” đều muốn giành lấy.[5] Thế thì, quyết định của ta thật quan trọng trong cuộc giằng co này. Bởi nếu ta chọn nghiêng về phe nào thì sức mạnh sẽ nghiêng hẳn về phe đó. Và nếu ta càng quảng đại chiến đấu cho phe Thiên Chúa thì ắt hẳn ta sẽ trở nên thánh thiện và tuyệt vời. Cảm nghiệm này đã làm thay đổi hoàn toàn lẽ sống của Inhaxiô. Ngài thấy được an ủi, hứng khởi và tràn ngập quyết tâm dấn thân để sống và chiến đấu cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
Thế đó, dịp dừng đầu tiên này là một nhịp dừng bất đắc dĩ, nhưng lại mang đậm chất hoán cải đầy bất ngờ. Để rồi về sau, ngài đã phát biểu kinh nghiệm dừng ấy bằng hai nhịp Hồi tâm trưa và tối đều đặn mỗi ngày.
Ôn lại nhịp dừng của thánh Inhaxiô xưa để thấy tầm quan trọng của việc dừng và ơn huệ diệu kỳ Chúa ban qua nhịp dừng ấy. Dừng để ý thức những ý hướng đang chạy trong đầu mình. Dừng để cảm nhận những xúc cảm, tâm tình: buồn – vui, thất vọng – thao thức, đau khổ – sẻ chia, giận ghen – tha thứ… đang nổi sóng trong lòng mình. Thế giới của ý hướng, của xúc cảm là thế lực chi phối mạnh mẽ lời ăn tiếng nói, cách hành xử và mọi quyết định của ta; nhưng tiếc thay, nó lại là thế giới dễ bị lãng quên nhất. Cho nên, chẳng lạ gì khi ta cứ khao khát yêu người mà phản ứng bên ngoài của ta diễn tả điều ngược lại; khi ta muốn tận tâm phụng sự Chúa mà cứ đấu đá nhau trong việc nhà Chúa; khi ta thực lòng muốn làm hòa mà mặt mày cứ lạnh căm, gượng ngịu. Thấy ta phân mảnh, mâu thuẫn, không nhất thống để biết ta cần Chúa, cần được cứu độ. Có khiêm tốn như thế, ta mới quý trọng từng ơn huệ Chúa ban để đổi mới ta hằng ngày nên thánh thiện hơn, tròn đẹp hơn, và dễ mến hơn. Dừng thôi!
Kính nhớ thánh Inhaxiô
07 – 2013
Bảo Ân, S.J.
[1] Ngài bị thương ở Pamplona vào tháng 5/1521, rồi dưỡng thương ở Loyola mãi đến tháng 3/1522 thì rời đi.
[2] Tự thuật, số 6 – 9.
[3] Tự thuật, số 1.
[4] Tự thuật, số 7.
[5] Tự thuật, số 8.