Việc loan báo Tin Mừng Gia Đình là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo Hội, vì mặc khải của Thiên Chúa đã chiếu sáng trên tương quan giữa người nam và người nữ, trên tình yêu của họ dành cho nhau và trên hoa trái của mối tương quan này. Ngày nay, một cuộc khủng hoảng trên diện rộng về văn hóa, xã hội và thiêng liêng đã đặt thách đố cho Giáo Hội về công cuộc phúc âm hóa gia đình, vốn là tế bào sống còn của xã hội và cộng đoàn Giáo Hội. Việc loan báo Tin Mừng Gia Đình này diễn ra tiếp theo sau cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Những thách đố mới cho việc truyền bá Đức Tin Kitô Giáo và tiếp theo sau Năm Đức Tin, vốn do Đức Biển Đức 16 đề xướng.
Tổng Công Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường về đề tài: Những Thách Đố Mục Vụ cho Gia Đình trong Bối Cảnh Tin Mừng Hóa, vốn ý thức rằng “Thánh Truyền, khởi nguồn từ các tông đồ, tiếp tục lưu truyền trong Giáo Hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (DV, 8), nay được mời gọi suy tư về con đường phải đi để thông chuyển đến cho mọi người chân lý về tình yêu hôn nhân gia đình cũng như đáp lại rất nhiều những thách đố được đặt ra (cf. EG, 66). Gia đình là một nguồn mạch và nguồn suối sự sống vô tận trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội là loan báo nét đẹp của lời mời gọi hãy yêu nhau, vốn nắm giữ một tiềm năng lớn lao đối với xã hội và Giáo Hội. Để giải quyết tình trạng cấp thiết này, các Hội Đồng Giám Mục ở khắp nơi trên thế giới được mời gọi, cum et sub Petro (tạm dịch: “cùng với và dưới quyền thánh Phêrô”), khiêm nhường lắng nghe Chúa Thánh Thần và suy tư về những thách đố mục vụ hôm nay.
Ý thức đầy đủ rằng đời sống gia đình rốt cuộc không bị xác định bởi những khó khăn, và rằng con người không phải chỉ có vấn đề, Giáo Hội sẵn lòng nhìn nhận những nỗ lực đã được thực thi, chính yếu bởi những người trẻ, để mang đến một mùa xuân tươi mới cho gia đình. Điều này có thể được nhìn thấy trong những chứng từ cảm động nơi các cuộc gặp gỡ trong Giáo Hội, ở đó ước muốn canh tân đời sống hôn nhân gia đình được diễn tả cách rõ nét, tiên vàn nơi các thế hệ trẻ. Qua ước muốn này, Giáo Hội được kêu gọi đưa ra những nâng đỡ và hướng dẫn, ở bất cứ nơi đâu mình hiện diện, trung tín với lệnh truyền của Chúa nhằm loan báo nét đẹp của tình yêu gia đình. Đức Thánh Cha đã khuyến khích mỗi người hãy nhìn về tương lai với một niềm hy vọng và đề nghị một phương thức làm việc giúp duy trì và thắt chặt tình yêu trong gia đình, cụ thể là hãy nói “Tôi có thể không? Liệu tôi có thể?”, “Cảm ơn” và “Tôi xin lỗi” và không bao giờ để chuyện cãi nhau hay hiểu nhầm còn đó mà lại chẳng khiêm nhường xin tha thứ, khi mặt trời đã lặn.
Ngay từ buổi đầu triều đại của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ: không bao giờ! Chính chúng ta mới là người mệt mỏi khi xin Người tha thứ” (Angelus, 17.3.2013). Điểm nhấn về lòng xót thương này đã có một tác động mạnh mẽ trên cả những vấn đề liên quan có đến hôn nhân và gia đình; theo đó, vốn tách xa khỏi mọi thứ chủ nghĩa luân lý, điểm nhấn này xác chuẩn quan điểm Kitô giáo về cuộc sống và mở ra những khả thể mới cho tương lai, bất chấp những giới hạn của cá nhân hay những tội lỗi phạm phải. Lòng xót thương của Thiên Chúa giúp mở ra một cuộc hoán cải liên lỉ và một cuộc cái sinh không ngừng.
(Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, The Pastoral Challenges of the Family in the Context of Evangelization (Instrumentum Laboris), Bản dịch Việt ngữ của Lê Hoàng Nam, SJ, phần Giới Thiệu)
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin Ngài dủ lòng thương đến các gia đình chúng con. Xin ban cho chúng con tràn đầy ơn thánh của Chúa, để giữa những khó khăn gặp phải trong đời, mọi người trong gia đình chúng con và các gia đình trên thế giới này, tìm gặp được bình an, niềm vui và hạnh phúc trong tình yêu thương hiệp thông và hiệp nhất. Amen.
Câu hỏi phản tỉnh
– Gia đình tôi có hạnh phúc? Điều gì làm cho gia đình tôi được hạnh phúc?
– Điều gì đang cản trở gia đình tôi sống hạnh phúc? Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để vượt qua?