“Tại anh em kém tin!” (9.8.2014 – Thứ bảy, sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên)

“Tại anh em kém tin!”
(Mt 17, 14-20)

1. Bệnh tật

Trước hết chúng ta được mời gọi hình dung ra người cha có đứa con trai bị kinh phong và cảm thông với nỗi khổ của hai cha con.

Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.

(c. 15)

Bệnh tật làm cho người con đau khổ, nhưng đau khổ của người con cũng là nỗi khổ của người cha, và chung quanh người cha, còn có người mẹ, anh chị em, bạn bè và những người thân yêu. Tình cảnh này vẫn diễn ra hằng ngày chung quanh chúng ta, và có khi diễn ra cho chúng ta hay diễn ra ngay trong nhóm, trong cộng đoàn hay trong gia đình của chúng ta.

Bệnh tật hay tai nạn và thậm chí cả sự chết gây ra đau khổ, nhưng như chính chúng ta có kinh nghiệm, lại là cơ hội tạo ra tình liên đới, quan tâm, chăm sóc, đôi khi đi đến hòa giải nữa, nghĩa là tạo ra tình thương. Thế mà, ở đâu có tình thương ở đó có Chúa hiện diện và tình thương sẽ còn mãi (x. 1Cor 13). Ngoài ra, đau khổ còn khơi dậy lòng tin: không chỉ là lòng tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa trong cuộc sống này, nhưng tin nơi Chúa là Đấng Hằng Sống, mạnh hơn sự chết, như Người đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25).

Nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã đến liên đới với “cuộc đời bể khổ” của thân phận loài người chúng ta để củng cố niềm tin và khởi dậy niềm hi vọng được sum họp và sống mãi bên nhau trong Chúa.

2. Ma quỉ

Tuy nhiên, cách Đức Giê-su chữa lành em bé, mời gọi chúng ta vượt qua căn bệnh thể lý để nhận ra những thứ bệnh gây ra bởi ma quỉ:

Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

(c. 18)

Thật vậy, ngày nay, hơn bao giờ hết, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám như trường hợp bé trai trong bài Tin Mừng, nhưng bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, đam mê phương tiện, trò chơi và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không hướng đến những giá trí nhân bản cao quí, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống…. Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, như chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe nói. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa?

Và để chữa lành khỏi những căn bệnh do ma quỉ gây ra, chỉ có lòng tin vào Lời Chúa mới làm được mà thôi, bởi vì Lời Chúa là Ánh Sáng và Sự Sống tất yếu đánh tan bóng tối và sự chết, như Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại:

Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?

(c. 17)

Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin!”

(c. 19-20)

3. Lòng tin và cầu nguyện

Các môn đệ không chữa được, và chỉ có Đức Giê-su mới chữa nổi, nhưng Người chỉ cho chúng ta con đường để trừ quỉ, đó là lòng tin gắn liền với cầu nguyện: “mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9, 23); “Giống quỉ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29). Và như chính Đức Giê-su tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay:

Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

(c. 20)

Vì lòng tin và cầu nguyện mở lòng, mở tai và mở miệng của chúng ta ra với Chúa, và để cho chính Chúa hành động, vì Người là Ngôi Lời chữa lành tình trạng tật nguyền, Người là ánh sáng xua tan bóng đêm, Người là sự sống mạnh hơn sự chết. Như người cha đáng thương, theo lời kể của Tin Mừng theo thánh Mác-cô (9, 24), chúng ta hãy thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, con tin!
Nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Manna: Nghe tiếng chào (Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, năm C – Lc 1,39-45)

Lời Chúa: (Lc 1,39-45) 39 Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *