“Có phải Ngài là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một ai khác” (Lc 7,19), đó là câu hỏi mà Gioan khi đang ở trong ngục đã sai hai môn đệ của ông đến gặp và hỏi Đức Giê-su. Một đàng ông tin vào Đức Giê-su, vì chính ông đã làm chứng cho mọi người khi ông làm phép rửa cho Ngài ở sông Gio-đan; nhưng đàng khác, ông lại ngờ ngợ về công trình của Đấng Cứu Thế sao mà chậm chạp quá.
Các bạn trẻ thân mến,
Hình ảnh của Gioan dường như cũng ẩn hiện đâu đó nơi chúng ta. Một đàng chúng ta tin vào Thiên Chúa, nhưng đàng khác không ít lần sự hồ nghi về Ngài cũng xuất hiện nơi sâu thẳm lòng chúng ta.
Với tư cách một người tin, chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và Ngài luôn đồng hành, nâng đỡ chúng ta. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn có đó những thách đố, thất bại và đau khổ khiến chúng ta nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trước những khó khăn và đau khổ quá lớn, chúng ta thường tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại để điều ấy xảy ra? Nếu Ngài hiện hữu, có phải Ngài là một vị Thiên Chúa quyền năng, hay đơn giản Ngài chỉ là một vị thần bất lực? Và dĩ nhiên, dù khi đặt ra những câu hỏi như thế, chúng ta vẫn mong nhận được câu trả lời và sự trợ giúp từ chính Ngài. Nhưng đôi khi, dường như Ngài vẫn thinh lặng.
Gioan đã chấp nhận rút khỏi sân khấu để Đức Giê-su được nổi lên, nhưng có vẻ Giê-su đã không hiểu thiện ý của ông. Gioan đã khiêm tốn nhận mình không xứng đáng để cởi quai dép cho Người, và ông chấp nhận “tôi phải nhỏ lại, và Ngài phải lớn lên”(Ga 3, 30), thế mà cho đến bây giờ, lúc sứ mạng và cuộc đời ông sắp chấm dứt, Đức Giê-su vẫn chưa làm gì cả. Ông đã loan báo về ngày Đấng Mê-si-a đến, ngày ấy mọi người sẽ bị xét xử, cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây và sẵn sàng chặt bỏ những ai tội lỗi gian ác. Còn Đức Giê-su, Ngài lại tiếp đón phường tội lỗi và ăn uống với họ (Lc 15, 2). Thay vì chặt bỏ, Ngài lại đi tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,10). Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi (Mt 12, 20). Gioan không thể hiểu được một Đấng Mê-si-a như thế. Đối với Gioan, Thiên Chúa dường như vẫn thinh lặng trước những gian ác của thế gian. Có lẽ không phải ông không tin, nhưng những gì đang xảy ra vượt quá sức hiểu và chờ đợi của ông.
Đức Giê-su đã khen ông Gioan là người lớn nhất trong số những kẻ lọt lòng mẹ, nhưng Ngài nói thêm, kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông (x. Lc 7, 28). Chính Gioan cũng cần phải được tái sinh. Xét về mặt con người, được sinh ra bởi người mẹ, thì không có điểm nào có thể chê được nơi Gioan. Nhưng để hiểu và sống trong Nước Trời, người ta phải vượt lên sự thừa kế tính người – được sinh ra bởi người mẹ, họ phải được sinh ra lại bởi Thánh Thần. Chỉ khi được sinh ra bởi Thánh Thần, họ mới có thể hiểu được lối hành xử của Thiên Chúa.
Gioan hỏi “có phải Ngài là Đấng phải đến không?”, nhưng Chúa Giê-su đã không trả lời “có” hay “không”. Ngài chỉ nêu ra những gì đã loan báo về Ngài và chính lúc này mọi sự được ứng nghiệm: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng (Lc 7, 22). Hóa ra, Gioan chỉ trông đợi một Đấng Mê-si-a với một góc nhỏ trong căn tính của Ngài, còn một phần rất lớn của căn tính ấy ông lại quên mất. Có lẽ không phải Gioan không biết những điều đã tiên báo về một Đấng Mê-si-a nhân hậu, nhưng vì tình cảnh quá bi đát khiến ông không còn nhớ điều ấy nữa. Ông chỉ trông đợi có một phần, trong khi Thiên Chúa đến và thực hiện tất cả những gì Ngài đã hứa, chứ không phải chỉ một phần.
Các bạn thân mến,
Đôi khi chúng ta mong Thiên Chúa làm mọi sự theo lòng trông đợi của chúng ta, nhưng dường như Thiên Chúa vẫn lặng thinh trước những trông đợi và khẩn cầu tha thiết của chúng ta. Đọc lại kinh nghiệm của Gioan, chúng ta thấy ông đã tha thiết mong đợi thế nào. Ông đã liều đánh đổi cả tính mạng để làm sao mong đợi của ông sớm trở thành hiện thực. Thế nhưng Thiên Chúa có cách của Ngài. Người ta chỉ có thể hiểu được cách hành xử của Thiên Chúa chỉ khi họ đứng ở vị trí cầu cứu và tin rằng Thiên Chúa có cách tốt nhất để giúp họ.
Khi giúp đỡ một ai đó, chúng ta có đủ thánh thiện để vui vẻ nhận những yêu cầu, sai vặt và cả những càm ràm từ chính những người xin chúng ta giúp đỡ không? Có thể chúng ta chấp nhận những yêu cầu lịch sự, nhưng những lối càm ràm và sai vặt thì khó mà chấp nhận được. Đã đứng ở vị thế cần đến người khác mà lại làm ra vẻ sai khiến người ta, thì ai có đủ kiên nhẫn để giúp đỡ họ được. Vậy mà không ít lần chúng ta lại đối xử với Thiên Chúa như thế. Có thể nói, Ngài đã trở nên đối tượng được sai vặt qua những lời cầu nguyện như thể ra lệnh của chúng ta. Và cũng không ít lần chúng ta hờn dỗi với Ngài chỉ vì Ngài đã không đáp ứng lời cầu xin của chúng ta. Và cũng có thể chúng ta giận dữ với Thiên Chúa như thể Ngài cần đến chúng ta. Tuy nhiên, Ngài không mất kiên nhẫn mà bỏ mặt chúng ta. Trái lại, Ngài đang làm mọi sự tốt nhất cho chúng ta, dù cho chúng ta không hiểu hết được.
Để kết thúc, lời kinh Tiền Tụng 4 trong Thánh Lễ rất thích hợp và rất đẹp để chúng ta dâng lên Chúa trong lúc này:
Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
Hà Thanh Bình