Vấn nạn Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Bạn thân mến,

Sau khi Thượng Hội Đồng bắt Đức Giêsu, tờ mờ sáng họ giải Người đến tổng trấn Philatô. Một trong nhiều lý do họ cho rằng Giêsu phải chết đó là Thầy Giêsu xưng mình là Đấng “Mêsia”. “Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêsia” là tiếng Híp Ri, có nghĩa là “được xức dầu”. Theo ngôn từ của thánh Gioan tông đồ, “Mêsia” là “Đấng được Thiên Chúa tuyển trọn” (Ga1,34), được Thiên Chúa sai đi thực hiện sứ vụ cứu thế (Ga4,42) với tư cách ngôn sứ, tư tế và quân vương. Đấng ấy sẽ là vua Ít-ra-en, vua người Do Thái.

Vì không tin Thầy là Đấng Mêsia thật, và vì Thầy gọi Đức Chúa của người Do Thái là Cha nên họ quy án cho Thầy nói phạm thượng. Biết sao được, vì thực sự căn tính của Thầy là thế. Thầy đâu thêm thắt điều chi ngược với căn tính của mình. Chỉ có điều nhiều người lúc này không trân nhận Thầy là Con Thiên Chúa, không chấp nhận Thầy là vua nên họ đang tố cáo Thầy gắt gao. 

Dù Thượng Hội Đồng cáo buộc Thầy Giêsu nhưng Philatô vẫn không thấy Người có tội. Trong dinh, Philatô khảo cung Thầy. Đó là câu chuyện giằng co, căng thẳng giữa hai người quanh vấn đề “Đức Giêsu có phải là vua không?”

Trước câu hỏi này, chúng ta nhớ lại biến cố Giáng Sinh. Ngày Thầy mở mắt chào đời tại Bêlem, các nhà chiêm tinh thấy ngôi sao báo hiệu một vị vua vừa mới ra đời. Dong dủi theo ánh sao đến Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê Cả: “Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu?” Đó là câu hỏi xúc phạm mang tính thách đố, bởi rõ ràng vùng này đã có vua Hêrôđê, nếu có hoàng tử hạ sinh thì người biết đầu tiên phải là nhà vua hoạc dân Do Thái chứ.

Với tin động trời ấy, nhà vua rối bời, cả thành Giêrusalem bàn tán xôn xao. Chẳng lẽ vị vua họ hằng cầu mong nay đã đến. Họ hy vọng tràn trề. Phần vua Hêrôđê, ông liền triệu tập thượng tế và kinh sư hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trích sách Mikha: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mk5, 1-3).

Sau khi biết mình bị các nhà chiêm tinh lừa, Hêrôđê đùng đùng nổi giận truy tìm giết lầm còn bỏ xót các con trẻ ở Bêlem và vùng lân cận từ 2 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, ông đâu biết rằng Vua Giêsu đã chốn sang Ai-Cập.

Trước mặt Philatô lúc này, Thầy cũng không chối căn tính ấy. Philatô nhìn Thầy và hỏi: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Thầy hỏi lại: “Ngài tự nói điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Dĩ nhiên Philatô chỉ nghe lại lời ấy từ người Do Thái đang tố cáo Thầy ngoài kia. Lúc ấy Philatô thắc mắc Thầy đã làm gì? Hỏi thế nhưng Thầy cho tổng trấn biết Vương Quốc của vua Giêsu không thuộc chốn này.

Philatô không màn đến câu trả lời này của Thầy, vấn đề ông vẫn băn khoăn là Thầy có thực sự là vua không. Dĩ nhiên Thầy trước sau vẫn trả lời: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Thật lạ cho một người cầm cân nảy mực như Philatô lại băn khoăn: “Sự Thật là gì?” Tôi chợt hỏi ai đang là người xét xử vụ án này: Philatô hay thầy Giêsu?

Không riêng gì Philatô, trước giờ người ta vẫn hoài nghi về nguồn gốc của Thầy. Ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng dọn đường cho một Đấng Mêsia uy phong lẫm liệt, sẵn sàng tra tay chặt bất cứ cây nào không sinh quả tốt và quăng chúng vào lửa. Đấng ấy sẽ cầm nia trong tay mà sẩy lúa của Người, lúa tốt thì cho vào kho, còn lúa lép thì đốt đi trong lửa không hề tắt. (Mt 3, 10-12). Trong tù, ông sai môn đệ đến hỏi Thầy có phải là Đấng Mêsia, là Vua phải đến không, hay họ phải chờ một Đấng nào khác! Thầy không trả lời trực tiếp, nhưng trích Cựu Ước mà tiên tri I-sa-i-a đã loan bao về Mêsia: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Trong hàng ngũ các tông đồ cũng thế. Rất nhiều lần các ông vẫn chưa hiểu Thầy. Trên đường rảo bước lên vùng phía bắc cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Thầy dò hỏi xem người ta nói Thầy là ai? Là những người giao tiếp với các tầng lớp dân chúng, các môn đệ nghe người ta đồn Thầy là người này người kia. Ai cũng nhầm lẫn hoặc mơ hồ về căn tính của Thầy. Ông Phêrô đại diện nhóm thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thầy khen ông, khen cả nhóm đã nói chính xác căn tính của Thầy! Nhưng liền sau đó, Thầy báo cho các ông tin liên quan đến Đấng Mêsia phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ, và sau cùng bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phêrô cản Thầy, Thầy mắng ông là Xa-tan. Cả nhóm cúi mặt hoang mang về căn tính của Thầy khi nghe về thân phận Đấng Kitô, vị Vua lại phải chịu chết sao?

Về phía người dân, dĩ nhiên họ không tin Thầy là Đấng Kitô, là vua của họ. Có chăng đó chỉ là con số nhỏ nhoi, là quân thu thuế và phường tội lỗi, những người thân cận với Thầy, những người được Lời Thầy cải hóa. Rồi khi nghe vua Giêsu nói những lời chướng tai, họ cũng bỏ Thầy. (Ga6, 54-56).

Giới lãnh đạo tôn giáo thì dĩ nhiên họ quyết liệt phủ nhận căn tính Mêsia của ông Giêsu. Họ không ít lần đuổi Người ra khỏi đền thờ, nhiều lần gài bẫy để hãm hại Người, không ít lần bàn luận xem phải “thanh toán” Giêsu như thế nào. Cuối cùng họ đã triển khai một kế hoạch: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga11, 50). Lúc này nơi dinh Philatô, họ vẫn đang hô ngào đòi kết án đấng tự xưng mình là vua.

Tóm lại, căn tính Mêsia của Thầy vẫn luôn làm người ta đau đầu ức óc. Dẫu cho Cựu Ước có nhiều lần nói về Thầy, nhưng lúc này thiên hạ chưa hiểu được, lãnh đạo tôn giáo nhất quyết giết Thầy. Biết sao được khi Thầy đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia đến cứu chuộc con người bằng giá máu. Do đó, Thầy không chối Thiên Tính của mình. 

Thực ra căn tính quân vương của Đức Giêsu không chỉ là vấn nạn thời đó. Hôm nay cũng là một chủ đề nhức nhối đối với người Do Thái sùng đạo. Trong bầu không khí tôn giáo người dân đang hướng về Đấng Mêsia, làm sao họ chấp nhận Đức Giêsu là người phàm mắt thịt lại là làm vua của họ. Bởi thế thời đại hôm nay, căn tính của Thầy vẫn luôn tạo nên những con sóng trái chiều. Làm sao để đối thoại tôn giáo với nhau, khi một bên là Kitô giáo tin Thầy là Đấng Thiên Sai, là Vua muôn loài; bên kia là Do Thái giáo vẫn đang mong chờ Đấng Mêsia, vị vua khả kính của họ.

Là người Công giáo, là con của Chúa, là môn đệ của Thầy Giêsu, là thần dân của Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, tôi nói Thầy Giêsu là ai? Ước gì khi tuyên xưng trân nhận Giêsu là Chúa muôn loài, là vua muôn vua, chúng ta được chung phần với Người. Bởi đó, thánh sử Gioan kết luận về tất cả những gì ngài viết ra để cho thấy: “Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia mang đến cho thế gian đức tin và sự sống đời đời.” (Ga20,31).

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, ngày 26 tháng 11

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *