TMLGG 13: Càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức

Nghe Audio

Các bạn trẻ thân mến,

Nếu tóm kết quãng đời hơn 30 năm ẩn dật của Chúa Giê-su ở Nazaret, người ta không tìm thấy lời nào đẹp hơn lời này của thánh Luca: “còn Ðức Giêsu, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52).

Cậu Giê-su đã được sinh ra và lớn lên như bao con người. Ngài có một ngôi làng làm quê hương với những người hàng xóm láng giềng và những bạn bè cùng trang lứa. Ngài cũng đi học, ít nhất để biết đọc biết viết và đặc biệt học để có một cái nghề. Trong bầu khí của Do Thái Giáo, Ngài tôn thờ một Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Như bao người, Ngài đã trải qua cuộc sống âm thầm trong cần mẫn và tươi vui.

Năm lên 12 tuổi, Giê-su cùng với cha mẹ và nhiều người khác hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Cuộc hành hương từ quê hương Nazareth (miền bắc) lên Giê-ru-sa-lem (miền nam) mất khoảng 1 tuần đi bộ. Đây là lần đầu tiên trong đời, Giê-su được hành hương với tư cách là một người lớn. Hãy nhìn những bước chân hớn hở của Giê-su, những bước chân như vừa đi vừa chạy. Sự rộn rã của Giê-su một phần bắt nguồn từ sự rộn ràng của lễ hội, phần khác vì được lên nhà Cha của mình. Bước chân đầu tiên chạm đến đền thờ như một bước ngoặc mới cho cuộc đời của cậu. Từ đây cậu bé Giê-su được nhìn nhận là một người lớn, được tham gia vào các cuộc tế lễ dâng lên Thiên Chúa, được nói lên cảm nhận của mình về một Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa là đề tài chính mà người ta nói với nhau trong những ngày này. Giê-su nghe người ta nói, và Giê-su cũng muốn tham gia chuyện trò với họ.

Cuộc trò chuyện quá thú vị, đến nỗi Giê-su đã dám liều rời cha mẹ để tiếp tục câu chuyện còn đang dở. Cậu bé 12 tuổi không sợ bị lạc ở một nơi cách quê nhà hơn 150km đường bộ. Nếu nói bằng ngôn ngữ ngày nay của bạn trẻ thì “Giê-su chịu chơi thật!”. Động lực nào đã khiến một cậu bé liều đến thế? Không có động lực nào khác hơn là một niềm xác tín về Cha. Với niềm xác tín, cậu đã làm những bậc thầy Do Thái phải ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên khi gặp một cậu bé đối đáp khôn ngoan như thế. Dĩ nhiên, Giê-su không phải là một thần đồng giải đáp thắc mắc của họ, nhưng họ ngạc nhiên vì những câu trả lời sâu sắc từ một cậu bé tuổi 12. Dường như chính những thầy dạy Do Thái cũng rạo lên niềm vui vì cuộc trò chuyện với Giê-su về Thiên Chúa.

Ngoài những câu chuyện thú vị hiếm hoi, Giê-su vẫn sống âm thầm. Ngài học cách làm người qua những sinh hoạt và công việc thường ngày. Ngôi làng Nazareth ắt hẳn để lại ấn tượng rất sâu nơi cậu bé Giê-su, từ những tương quan họ hàng láng giềng đến tương quan nghề nghiệp, từ mối bận tâm riêng tư của gia đình đến những băng khoăn chung của xóm làng. Giê-su như bao nhiêu người khác, sống trong một ngôi làng và đóng góp cho ngôi làng ấy.

Các bạn trẻ thân mến,

Nếu được so sánh hiện tại của mình với các giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ dễ dàng thấy mình trong thời kỳ ẩn dật của Ngài. Đôi khi chúng ta tự hỏi, cuộc sống thầm lặng của mình thế này có ý nghĩa gì? Sống trên đời, mình phải làm một điều gì đó nổi trội chăng? Với những câu hỏi như thế, chúng ta đã có câu trả lời qua cuộc đời hơn 30 năm của Giê-su tại Nazareth. Giê-su đã sống âm thầm một cách không vô nghĩa. Ngài sống một cuộc sống bình thường nhưng không tầm thường.

Làm sao để cuộc sống thường ngày trở nên đầy ý nghĩa? Đôi khi tính thường nhật làm chúng ta quên đi sự quý giá của giây phút hiện tại. Những công việc nhỏ nhặt hằng ngày và cả sự đơn điệu lặp đi lặp lại có thể khiến người ta nhàm chán. Nhưng thật thú vị nếu sự đơn điệu được đặt trong toàn cảnh của cả cuộc đời. Mỗi giây phút, mỗi tương quan, mỗi công việc trở nên một mắt xích không thể thiếu của cả một tấm lưới cuộc đời. Nếu không có những mắt xích đẹp, sẽ không có một tấm lưới đẹp. Mắt xích tách rời riêng biệt sẽ đơn điệu, nhưng đan kết ngay hàng sẽ bền chặt. Cuộc sống toàn bộ của chúng ta cũng được chuẩn bị từ những chi tiết nhỏ như thế của hiện tại.

Thời gian ẩn dật, Giê-su đã chuẩn bị tương lai cho Ngài, còn chúng ta, chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai chính mình? Một nền tri thức để vào đời, một lối tư duy để làm việc, có đủ chưa? Con người chúng ta là xác và hồn. Sự cần thiết chuẩn bị cho thân xác, cũng áp dụng cho cả hồn. Sự phát triển kiến thức khoa học cũng cần bồi dưỡng bởi kiến thức tâm linh. Là một môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta có hài lòng về sự hiểu biết của chúng ta về Ngài. Là thành viên trong Giáo Hội của Ngài, ta có hài lòng về sự hiểu biết của chúng ta về GH.

Hơn nữa, sự hiểu biết liên quan đến khối óc, nhưng con người còn có cả con tim. Nếu chỉ đầu tư đến khối óc, dần dần chúng ta sẽ có một cái đầu thật to với một con tim thật nhỏ. Chúng ta đã đầu tư gì cho con tim với đồng loại và con tim cho Thiên Chúa?

Giê-su đã lớn lên hằng ngày với sự khôn ngoan của trí tuệ, cao lớn của thân xác và ân nghĩa cùng Thiên Chúa và người khác. Ước mong người trẻ hôm nay cũng biết đầu tư cho chính mình một cách toàn diện như Giê-su, để khi lớn lên về con người, chúng ta cũng lớn lên về con Thiên Chúa.

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *