Vượt qua bao vất vả và khó khăn trên đường đi cũng như kiếm nơi chốn để dung thân, Giuse và Maria ắt hẳn cũng cảm thấy yên ủi ít nhiều khi cuối cùng Con Thiên Chúa cũng chào đời trong bình an. Tuy nhiên, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, Thánh Gia nào đã được yên thân.
Sợ rằng sẽ mất ngai vàng vào tay tân vương của Do Thái mới chào đời, vua Hê-rô-đê đã cho người lùng giết Hài nhi Giêsu cho bằng được. Chưa kịp nghỉ ngơi sau khi vất vả lo cho Giêsu chào đời, Giuse và Maria đã phải lên đường đến đất khách quê người ở Ai-cập để hy vọng có cơ may được sống sót. Ra đi như thế quả thật liều lĩnh và nguy hiểm vì Maria vẫn chưa hồi phục sau khi mới sinh, em bé Giêsu còn đỏ hòn nằm nôi nhưng họ chẳng còn chọn lựa nào khác. Cả đến khi, vua Hê-rô-đê đã băng hà, Giuse cũng lại phải tất tả để đưa mẹ con Giêsu về lại Do Thái. Nhưng ông đã chọn Na-da-rét làm nơi sinh sống cho cả gia đình chứ không dám trở về Bê-lem là nguyên quán của mình nữa vì e sợ sẽ bị con của vua Hê-rô-đê lại ám hại. Ổn định nơi làng quê Na-da-rét, Giuse và Maria bắt đầu nuôi dạy hài nhi Giêsu khôn lớn nên người. Tuy nhiên, trong chuyến đi lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt qua lúc Giêsu được mười hai tuổi, cả gia đình đã một phen hú vía vì ông bà đã lạc mất con yêu. Nỗi lo mất con ám ảnh ông bà suốt ba ngày dài vì tìm con mải miết mà chẳng thấy. Chưa kịp mừng khi tìm lại được con nơi thành thánh Giê-ru-sa-lem, ông bà không khỏi ngạc nhiên vì câu trả lời của Giêsu. Ngài ở lại Đền thờ là để chu toàn sứ mạng Chúa Cha đã giao phó. Từ lúc có trí khôn, Chúa Giêsu đã hết lòng vâng lời cha mẹ và Ngài ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Từ lúc hài nhi Giêsu chào đời, Maria và Giuse dường như ít có những giây phút thảnh thơi. Chưa ổn định ở nơi chốn này, họ đã phải lên đường nay đây mai đó để đổi lấy sự an toàn cho hài nhi Giêsu. Kinh nghiệm của Thánh Gia gắn liền với những chuyến đi và mỗi chuyến đi ghi khắc trong họ biết bao kỉ niệm. Ắt hẳn là những khi Thánh Gia có dịp hàn huyên, Giuse và Maria đã kể lại kinh nghiệm “sống trên đường” như thế cho Giêsu. Và điều đặc biệt hơn nữa mà Giuse và Maria không thể không thuật lại cho Giêsu chính là hoàn cảnh hết sức đặc biệt mà ông bà đã sinh hạ Người. Những lời chia sẻ ấy của ông bà ắt hẳn đã khơi gợi lên lòng biết ơn và tình yêu thương đặc biệt của Giêsu dành cho cha mẹ. Thấu cảm nỗi đoạn trường của Giuse và Maria khi làm cha mẹ của chính mình, Giêsu đã hằng vâng phục và hiếu thảo với các ngài.
Các bạn thân mến
Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội, mà con người luôn quá đề cao cái tôi của mình, ngần ngại khi phải vâng phục. Điều đó dẫn đến bao nhiêu là hệ quả tai hại, đặc biệt là trong đời sống gia đình. Con cái không còn sự vâng phục đối với cha mẹ. Giống như người con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin mừng Luca, các bạn chỉ mong sao mau lớn, không phải để dấn thân phục vụ xã hội, để giúp đỡ cha mẹ, nhưng để được “thoát” ra khỏi mái gia đình, mà ta cứ tưởng là đang giam cầm ta. Giới trẻ chúng ta cứ lầm tưởng vâng phục là nhu nhược, vì thế cứ luôn mang trong mình một tâm trạng phản kháng. Từ đó trong gia đình, cha mẹ và con cái ngày càng xa cách nhau. Gia đình, tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội đang có nguy cơ bị tan vỡ.
Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu đã phải học khi làm người đó là sự vâng phục. Ngài không chỉ vâng phục Thiên Chúa Cha để từ trời cao nhập thể làm người. Nhưng để trở nên một con người thực thụ, vị Thiên Chúa làm người cũng phải ngoan ngùy vâng phục để đón nhận biết bao kiến thức của con người. Theo Giuse học nghề thợ mộc, Ngài cũng phải tuân theo chỉ bảo của cha để có thể trở nên người thợ lành nghề. Có siêng năng phụ giúp mẹ công việc nhà, Ngài mới hiểu nấm men sẽ kích hoạt thế nào để làm cho cả khối bột dậy men. Ngài đã học từ hai con người cụ thể là cha mẹ của mình biết bao điều bổ ích cũng chính nhờ sự ngoan ngùy tuân phục của chính mình. Và hơn hết, Ngài tuân phục chẳng phải vì sợ roi đòn hay hình phạt nhưng ý thức đây là nghĩa cử cao quý nhất để bày tỏ sự hiếu thảo với mẹ cha.
Các bạn thân mến, nếu cùng chiêm ngưỡng sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu với cha và mẹ, ta sẽ thấy rằng vâng phục không phải là thái độ của một tâm hồn nhu nhược. Trái lại, chính lúc sống vâng phục cha mẹ là lúc ta sẽ mạnh mẽ nhất, vì đã chiến thắng được chính bản thân mình. Cha mẹ cả một đời hiến thân vì ta, các ngài chẳng đòi hỏi ta phải ghi ơn để đền đáp nhưng các ngài chỉ mong muốn ta vâng theo lời chỉ dạy của các ngài. Bởi lẽ, kinh nghiệm sống của các ngài sẽ giúp chúng ta vững chải sải bước trên đường đời ngõ hầu có thể thành nhân theo ý Chúa muốn. Đó là đạo làm con mà ta cần học đòi và bắt chước theo gương vâng phục của Đức Giêsu.
Jos. Nguyễn Huy Mai