Bài chia sẻ của ĐTC tại buổi gặp mặt các gia đình ở Philippine

RV2739_Articolo“Các gia đình rất thân mến,

Những người bạn trong Đức Kitô thân mến của tôi,

Tôi rất biết ơn về sự hiện diện của các bạn tại đây tối nay và vì chứng tá tình yêu các bạn dành cho Đức Giêsu và cho Giáo Hội. Tôi cảm ơn Đức Cha Reyes, Chủ Tịch Ủy Ban về Gia Đình và Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục, vì những lời chào mừng ngài thay mặt các bạn dành cho tôi. Và, một cách đặc biệt, tôi cảm ơn tất cả những ai đã trình bày chứng tá và đã chia sẻ đời sống đức tin của mình cho chúng tôi. Giáo Hội tại Philippines thật có phúc với nhiều phong trào tông đồ dành cho gia đình.

Kinh Thánh ít khi nói về thánh Giuse, nhưng cứ mỗi khi nhắc đến, chúng ta thường thấy Ngài luôn trong lúc nghỉ ngơi, như khi thiên thần mặc khải ý Chúa cho Ngài trong những giấc mơ. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy thánh Giuse không phải chỉ nằm nghỉ một lần, nhưng là hai lần. Tối nay, tôi muốn được nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả các bạn, ý tôi là nghỉ ngơi trong Chúa cùng với các gia đình và tôi nhớ gia đình của tôi, bố mẹ, ông và cố của tôi. Hôm nay, tôi muốn nghỉ ngơi với các ban và tôi muốn cùng suy tư với các bạn món quà gia đình.

Nhưng trước hết, tôi muốn nói một chút về giấc mơ… Mỗi người cha và người mẹ đều mơ về con của mình khi chúng còn trong dạ suốt chín tháng. Mơ về cuộc sống sau này của bé. Không thể có một gia đình không có những giấc mơ như thế. Khi bạn đánh mất khả năng mơ, bạn cũng đánh mất khả năng yêu và năng lực yêu này cũng mất. Tôi mời gọi các bạn, tối nay, khi xét mình, hãy tự vấn xem: “Tôi có mơ về con cái của tôi không? Tôi có mơ về tình yêu của người bạn đời không? Tôi có mơ về bố mẹ và gia đình không? Mơ và mơ trong một gia đình là điều rất quan trọng. Xin đừng đánh mất khả năng mơ theo cách này. Và bạn sẽ tìm ra được những giải pháp cho các vấn đề gia đình bạn dành thời gian để suy tư, suy nghĩ về chồng/vợ và chúng ta cùng mơ về những đặc tính tốt đẹp chúng ta có. Thậm chí đừng bao giờ đánh mất những điều mơ mộng khi còn hẹn hò.

Sự nghỉ ngơi của Giuse đã mặc phải ý Chúa cho ngài. Trong khoảnh khắc nghỉ ngơi với Chúa này, khi chúng ta tạm dừng những bổn phận và hoạt động hàng ngày, Chúa cũng nói với chúng ta. Chúa nói với chúng ta nơi bài đọc mà chúng ta vừa mới nghe, nơi lời cầu nguyện và chứng tá của chúng ta, và trong sự thinh lặng của con tim chúng ta. Chúng ta hãy phản tỉnh về điều Chúa đang nói với chúng ta, đặc biệt là trong đoạn Tin Mừng tối nay. Có ba khía cạnh của đoạn này mà tôi muốn mời gọi các bạn cùng suy xét: nghỉ ngơi trong Chúa, thức dậy cùng với Giêsu và Maria, và trở thành một tiếng nói ngôn sứ.

Nghỉ ngơi trong Chúa. Nghỉ ngơi là điều rất cần thiết cho sức khỏe tâm trí và thể xác chúng ta, và thường rất khó có được vì rất nhiều nhu cầu đè nặng trên chúng ta. Nhưng nghỉ ngơi cũng là điều rất thiết yếu cho sức khỏe thiêng liêng để chúng ta có thể nghe tiếng Chúa và hiểu được điều Người muốn nói với chúng ta. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn để trở thành vị dưỡng phụ của Đức Giêsu và hiền phu của Maria. Là những người Kitô hữu, các bạn cũng được mời gọi, giống như thánh Giuse, để dành cho Giêsu một mái nhà. Các bạn xây dựng một mái ấm cho Ngài trong con tim, gia đình, giáo xứ và cộng đoàn của các bạn.

Để có thể nghe và đón nhận lời mời gọi của Chúa, xây dựng một mái nhà cho Giêsu, các bạn phải có khả năng nghỉ ngơi trong Chúa. Các bạn phải dành thời gian mỗi ngày để nghỉ ngơi trong Chúa để cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi trong Chúa. Nhưng các bạn có thể nói với tôi: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn cầu nguyện, nhưng có nhiều việc phải làm quá! Con phải chăm sóc cho con cái; con phải làm việc nhà; con mệt mỏi đến độ thậm chí chẳng thể ngủ ngon được.” Điều này có thể đúng, nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết được điều quan trọng nhất trên tất cả mọi sự là: thánh ý của Chúa dành cho chúng ta. Và chúng ta sẽ đạt được nhiều hiệu quả trong các hoạt động, trong những bận rộn với lời cầu nguyện của chúng ta.

Nghỉ ngơi trong lời cầu nguyện có tầm quan trọng rất đặc biệt đối với các gia đình. Chính nơi gia đình mà lần đầu tiên chúng ta học được cách cầu nguyện. Đừng quên điều đó, khi gia đình cầu nguyện cùng nhau, ở cùng nhau. Nơi đó, chúng ta đến để biết Chúa, để trở thành những người nam người nữ của đức tin, để thấy chính mình như là những thành viên của đại gia đình của Chúa, là Giáo Hội. Nơi gia đình, chúng ta học cách yêu, tha thứ, quảng đại và rộng mở, chứ không đóng kín và ích kỷ. Chúng ta học cách vượt lên trên những nhu cầu của riêng mình, để gặp gỡ những người khác và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ. Đó là lý do vì sao việc gia đình cùng cầu nguyện với nhau là điều rất quan trọng! Đó là lý do vì sao các gia đình rất quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội! Nghỉ ngơi trong Chúa chính là cầu nguyện, cả gia đình cùng với nhau.

Tôi xin mạn phép chia sẻ với các bạn một điều rất riêng tư vào tối nay. Tôi rất yêu mến thánh Giuse, vì ngài là một người có tinh thần thinh lặng rất mạnh mẽ, và trên bàn làm việc của tôi, tôi có hình của ngài đang ngủ. Dù là ngủ nhưng ngài vẫn luôn chăm lo cho Giáo Hội và ngài có thể làm thế, tại sao không? Khi tôi gặp phải một vấn đề hay khó khăn gì, tôi viết lên một mẫu giấy nhỏ và đặt nó dưới bức tượng để ngài có thể mơ về nó.

Phương diện thứ hai là thức dậy với Giêsu và Maria. Những khoảnh khắc quý giá để nghỉ ngơi, tịnh dưỡng với Chúa trong cầu nguyện là những khoảnh khắc mà có lẽ chúng ta muốn kéo dài mãi. Nhưng như thánh Giuse, một khi chúng ta đã nghe được tiếng Chúa, chúng ta phải trỗi dậy, chúng ta phải thức dậy và hành động trong gia đình, chúng ta phải thức dậy và hành động (x Rm 13,11). Đức tin không tách chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng đưa chúng ta đi vào nó sâu hơn, điều này rất quan trọng. Chúng ta phải đi vào thế giới cách sâu xa nhưng với sức mạnh của lời cầu nguyện. Thực ra, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa ngự trị trên thế giới này.

Cũng như món quà Thánh Gia được trao phó cho Thánh Giuse, thì món quà gia đình và vị trí của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa cũng được trao phó cho chúng ta. Thiên Thần Chúa đã mặc khải cho Giuse những mối nguy đang đe dọa Giêsu và Maria, buộc họ phải trốn sang Ai Cập và rồi sau đó định cư ở Nazaret. Cũng thế, trong thời đại của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy nhận ra những mối nguy đang đe dọa gia đình và mời gọi chúng ta hãy bảo vệ các gia đình khỏi những hiểm họa.

Hãy cẩn trọng với sự thực dân hóa của ý thức hệ mới. Có một ý thức hệ mà chúng ta phải cẩn trọng vì nó đang cố hủy hoại gia đình. Nó không được sinh ra từ giấc mơ mà chúng ta có từ Thiên Chúa, từ lời cầu nguyện và từ sứ mạng mạng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Nó đến từ bên ngoài. Đó là lý do vì sao tôi gọi là sự thực dân hóa. Chúng ta đừng đánh mất tự do để nhận lấy sứ mạng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Và cũng như người dân của chúng ta đã có thể nói “không” với thời kỳ thực dân hóa, thì các gia đình chúng ta phải phải khôn ngoan, và mạnh mẽ nói “không” với những kiểu ý tưởng thực dân hóa có thể hủy hoại gia đình này và xin thánh Giuse chuyển cầu để biết khi nào nói “vâng”, khi nào nói “không”.

Có rất nhiều áp lực trên đời sống gia đình ngày nay. Tại Philippines này, có vô số các gia đình vẫn còn chịu nhiều đau khổ từ thảm họa thiên tai. Hoàn cảnh kinh tế cũng khiến cho các gia đình phải xa cách nhau do phải di cư và tìm kiếm công việc, và những vấn đề tài chính đã khiến cho các chủ gia đình phải nỗ lực rất nhiều. Trong khi nhiều gia đình sống trong tình trạng quá nghèo, những người khác lại sống theo chủ nghĩa vật chất và có lối sống hủy hoại đời sống gia đình và những đòi hỏi cơ bản nhất của luân lý Kitô giáo. Đó là kiểu thực dân hóa ý thức hệ. Gia đình cũng bị đe dọa bởi những nỗ lực không ngừng của một số người muốn tái định nghĩa lại chính thể chế hôn nhân, bởi chủ nghĩa tương đối, bởi nền văn hóa phù du, bởi việc thiếu đi tinh thần mở ra với sự sống.

Tôi nghĩ đến Chân Phước Giáo Hoàng Phaolo VI trong những lúc có những thách đố về việc dân số gia tăng. Ngài biết những khó khăn, kinh nghiệm gia đình và đó là lý do vì sao trong Tông Huấn của mình, ngài đã bày tỏ lòng thương cảm cho những trường hợp cụ thể và ngài dạy các giáo sư cũng phải tỏ lòng thương cảm các đặc biệt. Ngài thấy được những thiếu sốt và khó khăn có thể gây ra cho gia đình trong tương lai. Giáo Hoàng Phaolo VI là người rất can đảm, ngài là một vị mục tử tốt lành, ngài đã cảnh báo chiên của mình về đàn sói đang đến và trên Thiên Đàng, ngài đang chúc lành cho chúng ta hôm nay.

Thế giới cần những gia đình tốt và mạnh mẽ để vượt qua những đe dọa này! Nước Philippines cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ nét đẹp và chân lý về gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và trở thành một sự nâng đỡ và mẫu gương cho các gia đình khác. Mỗi một đe dọa cho gia đình là một đe dọa cho chính xã hội. Tương lai của nhân loại, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II thường nói, hệ ở các gia đình (x Familiaris Consortio, 85). Vì thế, hãy bảo vệ gia đình của các bạn! Hãy nhìn thấy nơi các gia đình là gia sản to lớn nhất của đất nước và hãy luôn nuôi dưỡng các gia đình bằng lời cầu nguyện và ơn sủng của các bí tích. Các gia đình sẽ luôn có những thử thách của mình, các bạn đừng thêm vào thử thách cho các gia đình nữa! Thay vào đó, hãy trở thành những mẫu gương sống động của tình yêu, sự tha thứ và quan tâm. Hãy trở thành những đền thờ tôn trọng sự sống, loan báo sự thánh thiêng của mỗi sự sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Thật là một ơn lớn lao cho xã hội nếu mỗi gia đình Kitô hữu sống tròn đầy ơn gọi cao quý của mình! Vì thế, hãy thức dậy cùng với Đức Giêsu và Mẹ maria, và bước đi trên con đường Chúa đã vạch ra cho mỗi người các bạn.

Cuối cùng, Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta về bổn phận Kitô hữu của chúng ta trong việc trở thành tiếng nói ngôn sứ giữa cộng đoàn chúng ta. Thánh Giuse đã lắng nghe lời Thiên Sứ và đáp lại lời mời gọi của Chúa chăm lo cho Giêsu và Maria. Như thế, ngài đã đặt phần mình vào kế hoạch của Chúa, và trở nên một phúc lành không chỉ cho Thánh Gia, nhưng còn cho tất cả nhân loại. Cùng với Maria, thánh Giuse trở thành một kiểu mẫu cho trẻ Giêsu khi Người lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng (x. Lc 2,52). Khi các gia đình đưa các em nhỏ vào trong thế giới, giáo dục chúng trong đức tin và những giá trị vững chắc, và dạy bảo chúng đóng góp cho xã hội, chúng trở nên một phúc lành cho thế giới chúng ta. Gia đình có thể trở thành một phúc lành cho thế giới. Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hiện diện và thiết thực qua cách chúng ta yêu và qua những việc tốt chúng ta làm. Chúng ta mở rộng nước của Đức Kitô trên thế giới này. Và khi làm như thế, chúng ta cho thấy mình đang sống trung tín với sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận nơi bí tích Rửa Tội.

Trong suốt năm này, năm mà các giám mục của các bạn thiết lập là năm của người nghèo, tôi mời gọi các bạn, những gia đình, hãy đặc biệt lưu tâm đến lời mời gọi trở thành những môn đệ thừa sai của Đức Giêsu. Điều này có nghĩa là luôn sẵn sàng để vượt qua phạm vi gia đình mình và chăm lo cho những anh chị em đang thiếu thốn. Tôi xin các bạn hãy đặc biệt tỏ bày mối bận tâm dành cho những ai không có một gia đình của riêng mình, cách riêng là những người già cả và những trẻ em không cha mẹ. Đừng bao giờ để họ cảm thấy bị tách biệt, cô đơn và bỏ rơi, nhưng hãy giúp họ nhận biết rằng Chúa không bao giờ quên họ. Tôi rất cảm động sau thánh lễ sáng nay khi đi thăm một tổ ấm dành cho trẻ không có bố mẹ. Có bao nhiêu người trong Giáo Hội đã hoạt động để ngôi nhà này trở thành một tổ ấm, một gia đình? Đây là điều tôi có ý nói đến khi nói về ý nghĩa mang tính ngôn sứ của gia đình. Các bạn có thể nghèo về vật chất, nhưng các bạn có rất nhiều ơn để trao ban khi các bạn trao ban Đức Kitô và cộng đoàn Giáo Hội của Người. Đừng che giấu đức tin của các bạn, đừng che giấu Đức Giêsu, nhưng hãy mang Người vào trong thế giới và trao ban chứng từ đời sống gia đình của các bạn!

Những người bạn trong Đức Kitô thân mến của tôi, hãy biết rằng tôi luôn cầu nguyện cho các bạn! Hôm nay, tôi cầu nguyện cho các gia đình, tôi cầu xin Chúa tiếp tục giúp các bạn đào sâu tình yêu các bạn dành cho Ngài, và xin cho tình yêu này có thể được biểu lộ trong tình yêu các bạn dành cho nhau và cho Giáo Hội. Đừng quên là Đức Giêsu đang ngủ, đừng quên là thánh Giuse đang ngủ. Đừng quên sự bảo trợ của Thánh Giuse. Hãy luôn cầu nguyện và đem hoa trái lời cầu nguyện của các bạn vào trong thế giới để tất cả mọi người đều có thể biết Đức Giêsu Kitô và tình yêu nhân lành của Người. Xin các bạn cũng hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi thực sự cần những lời cầu nguyện của các bạn và luôn luôn tin vào những lời cầu nguyện ấy. Cảm ơn rất nhiều!”

Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *