“Anh em cứ xin thì sẽ được…” (5.3.2020 – Thứ năm sau Chúa Nhật I Mùa Chay)

 

“Anh em cứ xin thì sẽ được…”
(Mt 7, 7-12)

 

7 « Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. »

9 « Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? »

12 « Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó. »

***

Để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta, đặc biệt là trong cách Ngài làm thỏa mãn lòng ước ao của chúng ta, Đức Giê-su khởi đi từ kinh nghiệm sống của người nghe, là chính chúng ta. Đó là kinh nghiệm về tình bạn và nhất là tình phụ tử:

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?

(c. 7-10)

Đây là một Tin Mừng và Tin Mừng này sẽ mang lại niềm vui cho chúng ta: tình thương chúng ta dành cho nhau giúp chúng ta hiểu và xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Tuy nhiên, kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta cho thấy rằng, xin điều gì đó với ai, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, thì chúng ta có nhiều hi vọng nhận được, hơn là xin điều gì đó với Chúa! Chẳng hạn, chúng ta về gia đình xin mẹ đổ bánh xèo, là mẹ đổ ngay ; có khi không cần xin, chỉ nói thèm ăn thôi ; hơn nữa, mẹ còn hỏi : « Con có thích ăn gì không, để mẹ làm ? »

* * *

Tuy nhiên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su nói ngược lại với kinh nghiệm sống của chúng ta : nếu trong tương quan cha con hay mẹ con nơi gia đình, việc xin-cho xẩy ra cách hiển nhiên, chẳng hạn xin « bánh » hay xin « cá », thì trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, việc xin-cho lại càng hiển nhiên hơn, lại càng dễ hơn :

Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao ?

(c. 11)

Chúng ta gặp khó khăn khi không nhận được đúng với điều chúng ta xin với Chúa, đó là vì chúng ta xin Chúa « đổ bánh xèo » cho chúng ta ! Khi chúng ta xin điều này hay những điều tương tự, đó là lúc chúng ta « làm khó » Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa. Bởi lẽ, chúng ta xin Chúa thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta ; giống như dân Do Thái trong sa mạc, đòi Chúa cho ăn bánh, ăn thịt… Và như chúng ta đều biết, nhu cầu hưởng thụ của con người, nhất là thời nay, thì vô cùng vô tận : được cái này, thì sẽ thèm cái kia ; được một, thì sẽ đòi hai ; được cái nhỏ, thì sẽ đòi cái lớn… Và nếu chúng ta xin Chúa những thứ này, thì không sớm thì muốn chúng ta sẽ kêu trách Chúa, nghi ngờ tình thương của Chúa và bỏ rơi Chúa, bỏ rơi Chúa ở trong tim, trong nội tâm chúng ta. Bởi vì trong thâm tâm chúng ta hay có tiếng nói này : « Nếu Chúa không ban, thì con sẽ bỏ Chúa, con đi thờ thần khác, Chúa khác linh hơn ». Chắc chắn, đây là tiếng nói của Con Rắn, của Ma Quỉ.

Nhưng chúng ta sống đâu chỉ bằng thỏa mãn những nhu cầu, chúng ta còn sống bẳng tương quan nữa : yêu thương, cảm thông, chia sẻ, gánh vác cho nhau, tha thứ, lắng nghe, liên đới, đón nhận, bao dung… Chúng ta không thể sống, mà thiếu những tương quan này, trong gia đình cũng như trong đời tu. Và đó chính là « những điều tốt lành », mà Cha trên trời không bao giờ thiếu và luôn sẵn sàng ban cho chúng ta bất cứ lúc nào.

Và đó cũng là hoa trái mà Thánh Thần mang lại cho chúng ta, bởi vì Thánh Thần trong yếu tính là tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa chúng ta với nhau, Người hiệp nhất, nối kết, hòa giải và làm chúng ta nên một, như chúng ta được tạo dựng là một, như Thiên Chúa Ba Ngôi là một. Và về ơn Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Luca :

Phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?

(Lc 11, 13)

* * *

Thật ra, Chúa vẫn ban cho chúng ta mỗi ngày « những điều tốt lành » này, cách dồi dào và dù chúng ta có xin hay không, xứng đáng hay không :

  • Đó là rất nhiều ơn huệ sự sống, ơn huệ trời đất và môi trường sống, ơn huệ lương thực, như lời Thánh Vịnh diễn tả : « Chúa ban lương thực cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương » (Tv 136, 25)
  • Đó là những ơn huệ Chúa ban cho chúng ta qua trung gian của rất nhiều người, nhất là những người thân yêu trong gia đình và trong Cộng Đoàn và Hội Dòng, để làm cho chúng ta sống mỗi ngày.
  • Và đặc biệt, đó là ơn huệ Lời Chúa và chính Sự Sống của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, vốn là những lương thực tuyệt hảo nhất, từ đó Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi thành sự sống yêu thương giữa chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau.

Và chỉ khi chúng ta kinh nghiệm sâu sa nơi bản thân và cuộc đời của mình tình yêu và lòng thương xót của Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô (x. Rm 8), ngang qua dấu chỉ « những điều tốt lành », chúng ta mới có thể sống một cách quảng đại và trong niềm vui, đi bước trước chia sẻ « những điều tốt lành » mình nhận được, như chính Người mời gọi chúng ta :

Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.

(c. 12)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 22-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 6, 22-11-2024 (Lc 19,45-48)  Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 22/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Nhà của Chúa “Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *