Lên Đồi Với Chúa 3: GỬI CHO NGƯỜI CHỐI CHÚA

Bác Phêrô kính mến,3_phero

Cháu là người luôn ngưỡng mộ và quý mến bác. Ngưỡng mộ vì lòng nhiệt thành đi theo Thầy Giêsu nơi bác; và quý mến vì tinh thần hối lỗi chân thành của bác. Bác đúng là mẫu người đã bước theo Thầy Giêsu đến hết cuộc đời. Con đường thập giá luôn đòi người theo lòng nhiệt thành để quyết tâm vượt khó và sự khiêm tốn để hoán cải không ngừng trước sự công phá của Satan. Còn nhớ trong sân của vị thượng tế đêm đó, nếu không hối hận sau ba lần chối Thầy thì cuộc đời của bác chắc không khác gì Giuđa – kẻ bán Chúa. Trước cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu, cháu muốn gửi đến bác đôi dòng tâm sự. Ước mong với tấm gương của bác, cháu quyết tâm làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Có được môn đệ mạnh mẽ và hăng say là niềm an ủi cho người Thầy. Chắc Thầy Giêsu vui lắm khi nghe bác khẳng khái tuyên bố: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.[1] Trong vai trò niên trưởng, bác hiên ngang đứng mũi chịu sào để bảo vệ cho Thầy, vì đêm nay “đàn chiên sẽ tan tác.” Thầy Giêsu tinh tế và trìu mến biết bao khi nhắc khéo bác: “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.[2] Là người hùng, bác đời nào chối Thầy phản Chúa! Và anh em của bác cũng hết mực trung thành với Thầy.

Nhưng tinh thần thì hăng hái mà xác thịt lại yếu đuối vô cùng! Cuộc khổ nạn của Thầy vừa bắt đầu, anh em của bác vội chạy mất dép, chỉ còn bác với Gioan theo Thầy xa xa. Chen lấn giữa đoàn người, bác nghĩ thầm: “Chẳng ai nhận ra mình đâu!” Rồi nhờ quen biết, bác mạnh dạn tiến vào trong sân để có thể nhìn Thầy dễ hơn. Tâm trí hoảng sợ, lòng dạ rối bời, bầu không khí lúc ấy càng khiến bác hoang mang hơn. Trong tâm thế ấy, bác đã phũ phàng chối Thầy của mình.

Bất ngờ một người tớ gái đến hỏi: “Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?[3] Một câu hỏi xã giao hay cắc cớ, thưa bác? Đối với người khác, đó là một câu chào để tạo mối tương quan; nhưng với bác trong hoàn cảnh này, lời chấp nhận sẽ là mối nguy hại cho bác. Khổ nỗi cô bé ấy hỏi lớn quá khiến nhiều người nghe được, nên bác đành chối Thầy lần thứ nhất trước mặt mọi người: “Tôi không biết cô nói gì!” Vậy mà mấy ngày trước bác thề sống chết với Thầy! Đúng là “có gặp hoạn nạn mới biết chân tình!” Tương quan gắn bó thân thiết ba năm trời với Thầy, giờ bắt đầu bị rạn nứt. Thử hỏi ai đủ can đảm để chấp nhận lời quy gán nguy hiểm ấy? Bởi lẽ, người nào liên lụy tới ông Giêsu lúc này, sẽ khó lòng thoát khỏi vòng lao lý. Nên sau lời chối này, bác chủ động đi ra cổng để tránh khỏi những ánh mắt nghi kỵ xét dò.

Nhưng tránh vỏ dưa, bác gặp vỏ dừa. Bác lại bị một tớ gái khác hỏi hóc búa hơn: “Bác này cũng theo ông Giêsu người Nadarét đấy.”[4] Hóc búa vì ai ai cũng thừa biết danh xưng và nguồn gốc của “tội nhân” trong kia. Nhớ lại ngày xưa, bác quyết tâm từ bỏ mọi sự để bước theo “Giêsu –người Nadarét đấy”; vậy mà giờ đây, theo ông Giêsu lại là nỗi ám ảnh đáng sợ với bác dường nào! Tận thâm tâm, chắc bác không muốn chối Thầy phũ phàng đến vậy. Điều đáng tiếc là bác công khai thề không biết Thầy trước bàn dân thiên hạ: “Tôi không biết người ấy.[5] Bác ơi, không biết Giêsu nghĩa là đi vào cõi chết; chối từ Giêsu nghĩa là loại bỏ một mối tương quan sống còn của kiếp người.

Người đời có thể thông cảm với bác trong hai lần chối trước, nhưng “quá tam ba bận” thì họ tin rằng bác đã xác tín tránh xa Thầy. Chẳng may cho bác là đám đông cứ muốn thách thức niềm tin của bác với Thầy Giêsu. Họ nhìn chằm chằm vào bác và lớn tiếng: “Ðúng là bác cũng thuc bn h. C nghe ging nói ca bác là biết ngay.[6] Lúc này bác không thể thoát khỏi tài nhận diện của họ. Họ nhận ra giọng của bác và cả sự nổi danh của bác nữa. Bởi lẽ ba năm vừa rồi bác nổi tiếng như cồn khi theo Thầy Giêsu. Do đó, họ đã xác định được gốc tích của bác. Đúng là một khi bị dồn vào bước đường cùng, người ta có nguy cơ trở thành một con hổ hung dữ để kháng cự bằng mọi giá. Bác đã thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy”. Mọi sự đã quá rõ! Bác đã ruồng bỏ Thầy Giêsu. Tương quan Thầy-trò bị bác đơn phương cắt đứt. Ai có thể nối lại mối dây giữa bác với Người?

Cảm ơn chú gà đã cất lên tiếng gáy hệt như một hồi chuông báo hiệu cho bác đã đi sai đường. Đúng hơn, tạ ơn “ánh mắt tinh tế và trìu mến” của Thầy Giêsu đã kéo bác trở về nẻo chính đường ngay. Ánh mắt ấy có sức mạnh lạ kỳ giúp bác sực nhớ lời Thầy đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.[7] Bác ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Bác khóc như một em bé hối lỗi vì không nghe lời cha mẹ. Giọt nước mắt của bác tuôn chảy, gột rửa hết những vẩn đục trong tâm hồn, hết những “lời độc địa” vừa rồi. Và nhờ đó, sau này bác đã nên một vị tông đồ vĩ đại, một Giáo Hoàng tiên khởi và một trụ cột tuyệt vời giúp Thầy Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người.

Kính thưa bác Phêrô,

Câu chuyện chối Thầy của bác cũng là vấn đề nổi cộm của thời đại chúng cháu hôm nay. Người ta không chỉ chối Chúa bằng học thuyết, bằng lời nói, bằng hành động mà còn bằng cả sự dửng dưng tôn giáo đáng sợ! Ước gì nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy Chí Thánh, chúng cháu cũng nhận được sức mạnh, có được tình yêu để can đảm nói cho mọi người: “Tôi là môn đệ của Chúa Giêsu, tôi muốn làm chứng cho Người…”

Gửi đến bác đôi dòng tâm sự…

[1] Mt 26, 33.

[2] Mt 26, 34.

[3] Mt 26, 69.

[4] Mt 26, 71.

[5] Mt 26, 74.

[6] Mt 26, 73.

[7] Mt 26, 34.

 

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Kỳ tới: THƯ PHILATÔ GỬI GIÊSU

Kiểm tra tương tự

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *