Để chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Phục Sinh, giáo xứ Thiên Thần đã tổ chức ba buổi tĩnh tâm vào lúc 18 giờ 00 các ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy. Đợt tĩnh tâm này do cha Martin Nguyễn Đình Khải, SJ. giảng phòng. Với giọng nói rõ ràng, ấm áp và truyền cảm, cha đã mang đến cho cộng đoàn giáo xứ Thiên Thần ba buổi tĩnh tâm hấp dẫn và bổ ích với chủ đề “Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ”.
Khởi đầu buổi tĩnh tâm cha giảng phòng đã gợi nhắc lại ý nghĩa của việc tĩnh tâm:“Tĩnh tâm là thời gian chúng ta dành để tĩnh lại, là thời gian để chúng ta loại bỏ khỏi mình những lo toan trong cuộc sống; để nhìn lại đời sống của chúng ta. Nhìn lại để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu; nhìn lại để nhận ra những điều tôi đã làm được và những điều tôi chưa làm được; nhìn lại để nhận ra những điều tôi đã làm tốt và cũng để nhận ra những gì tôi có thể làm tốt hơn.”
1/ Bài giảng tĩnh tâm ngày đầu tiên cha Martin chia sẻ với cộng đoàn về một trong những hiện trạng của Xã Hội hôm nay: CĂN BỆNH VÔ CẢM
Trong Sứ điệp mùa chay năm 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết như thế này: “Bao lâu tôi còn tương đối mạnh khoẻ và dễ chịu, thì tôi chẳng nghĩ đến những người không được khoẻ mạnh. Ngày nay, thái độ vô cảm ích kỷ này mang một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ toàn cầu hoá thói vô cảm. Đây là một vấn đề mà người Kitô hữu chúng ta cần phải đương đầu.” Điều mà Đức Thánh Cha nói đây có lẽ cũng là điều đòi chính chúng ta cần quan tâm, nhìn lại và đặt vấn đề.
Hằng ngày, qua báo chí khiến người ta không khỏi bàng hoàng về sự suy đồi đạo đức mà biểu hiện rõ nhất là sự vô cảm của con người. Người ta lo ngại “bệnh vô cảm” đang có sức lây lan rất lớn, len lỏi khắp mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.
Ngày 11/3, báo VNEXPRESS đã đăng một bài với tựa đề: Bữa ăn cá thối và lũ trẻ đánh hội đồng bạn học. Trong đó, tác giả bài báo đã đề cập đến 2 sự kiện: thứ nhất, đó là câu chuyện về một công ty đã chở 12 kg thịt heo đã thối rữa và 72 kg cá diêu hồng bốc mùi hôi thối đến cung cấp cho Trường tiểu học Long Bình, Bình Dương. Thế nhưng mà khi được phỏng vấn về vấn đề này, bà Trên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bàu Bàng (Bình Dương) nói: “Thịt cá bị chảy nước vàng, bốc mùi chẳng qua là không được tươi sống, không đạt chất lượng thì đổi lại thôi, chuyện bình thường mà!” Chuyện bình thường mà! Một câu trả lời rất vô tâm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một phụ huynh không chợt phát hiện và la lên? Chuyện bình thường mà! Và câu chuyện thứ 2 là một nhóm các em nữ sinh đánh hội đồng một em chỉ vì em đó không vâng lời lớp trưởng đi đánh nhau! Điều ngạc nhiên là biết bao nhiêu bạn học đứng xung quanh, cổ võ và tham gia vào; một số khác thì quay phim và tung lên mạng Internet. Có lẽ cũng có người nói: “ối dời! chuyện của học trò mà, không có gì đâu?” Bình thường mà! không có gì đâu! Những từ ngữ rất đời thường, và không ít người trong chúng ta vẫn dùng hằng ngày. Thế nhưng hãy thử hỏi, đó có phải là những chuyện bình thường, hay không có gì hay không? Hay đơn giản bởi vì đó là những chuyện xảy ra cho ai đó, xảy ra ở đâu đó không liên quan gì đến tôi?
Hãy đối diện với những thực tế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Càng ngày, chúng ta càng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng, những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chuyện nữ sinh đánh nhau được các bạn cổ vũ nhiệt tình, chuyện bác sĩ thờ ơ, tắc trách làm chết bệnh nhân, chuyện bảo mẫu, cha mẹ bạo hành con trẻ đến chết, chuyện những vụ án giết người man rợ… Có khi nào chúng ta hỏi: chuyện quái gì đang xảy ra vậy? Hay chúng ta đang có thái độ như Đức Thánh Cha nhắc tới: “Bao lâu tôi còn tương đối mạnh khoẻ và dễ chịu, thì tôi chẳng nghĩ đến những người không được khoẻ mạnh.” Hay nói cách khác, “bao lâu tôi và những người trong gia đình tôi được mạnh khoẻ, tôi không quan tâm đến những người khác, dù họ có không khoẻ!” tôi có thấy mình vô tâm, vô cảm không?
Có một sự vô cảm khác đó là sự bàng quan, thờ ơ với những điều tốt đáng ra phải làm! Có một lần tôi nói chuyện với mấy anh giữ xe ở sân nhà thờ, có một anh đã nói với tôi như thế này: bây giờ giúp người cũng khó lắm cha ơi. Và anh đưa ra một ví dụ: khi anh gặp một cô gái tự gây tai nạn trên đường vì cán phải cục đá; té ra đường và nghất xỉu; máu me lênh láng, nhưng không ai đứng lại để giúp cô gái đó cả. Anh dừng lại và đưa cô ấy vào bệnh viện; cầm điện thoại của cô ấy để liên lạc với gia đình, gọi cảnh sát để lập biên bản. Và anh ấy nói, anh đã mất cả ngày công để làm việc đó. Làm việc tốt khó lắm! phức tạp lắm! thiệt lắm! Thế mà thử hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra cho cô gái bị tai nạn, nếu anh ấy không đưa cô vào bệnh viện? chúng ta thường nghĩ đến những điều tôi thiệt, mất; nhưng có khi nào chúng ta nghĩ đến những điều tôi đóng góp; những điều tôi được khi làm việc tốt?
Khi đối diện với những chuyện này chuyện kia trong cuộc sống, khi biết người này, người kia làm điều xấu, bất lương; thế nhưng thử hỏi: đã bao nhiêu người dám lên tiếng; đã bao nhiêu người dám nói lên tiếng nói của lương tâm? Bình thường, chúng ta tránh dây dưa vào những chuyện “không đâu”; tránh dây vào những việc “của người ta”; tránh dây vào những việc “không liên quan đến mình”. Thế nhưng hãy tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng chỉ lo cho mình? Điều gì sẽ xảy ra cho cô gái gặp tai nạn trong câu chuyện tôi kể ở trên, nếu anh thanh niên kia tiếc 1 ngày công? 1 ngày công của anh đã đáng giá một mạng người. Có đáng không? Đáng lắm chứ ạ!
Xã hội ngày nay rất cần những con người có tâm; rất cần những người có tấm lòng nhân hậu để chữa lành căn bệnh vô cảm đang hoàn hành trong xã hội. Thế mà, tình thương, đức ái chính là điểm cốt lõi trong giáo huấn của Chúa. Mười điều răn có thể tóm lại trong hai điều: kính mến một Đức Chúa trời trên hết mọi sự; và yêu người như mình ta” Niềm tin Ki-tô giáo mời gọi chúng ta hãy có một tấm lòng hướng đến tha nhân. Niềm tin Ki-tô giáo mời gọi chúng ta sống bác ái. Những hoạt động của Giáo Hội Công Giáo cũng hướng người ta về điều tốt lành, bác ái. Mùa chay chính là thời gian Giáo Hội mời gọi chúng ta sống bác ái. Mục đích chính của việc ăn chay không phải là để tiết kiệm, hay giữ dáng; nhưng là để giảm bớt đi những nhu cầu thường ngày của mình, và dành phần tiết giảm đó cho việc bác ái. Lời Chúa nói: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ. (Mt 9,13)
Lòng nhân ấy có thể được diễn tả trên bình diện cộng đoàn, ở cấp độ giáo xứ; bằng việc góp công, góp sức vào việc xây dựng Giáo xứ; không chỉ là những việc trong nhà thờ; nhưng là những việc phục vụ lẫn nhau; để biến những sinh hoạt trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta trở nên lời chứng cho Chúa giữa lòng đời và lòng người hôm nay.
Để kết thúc, tôi mời từng người trong cộng đoàn chúng ta cùng suy nghĩ: tôi đã làm gì và đã cho nhau cái gì với lòng bác ái, chân thành? Tôi đã làm gì xứng là người Ki-tô hữu? Tôi đã làm gì để cho thấy tôi là thành viên của Giáo Xứ?
Hãy suy nghĩ và tìm ra hướng sống góp phần vào đời sống giáo xứ chúng ta.
2/ Bài giảng tĩnh tâm thứ hai có chủ đề: PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Hôm nay, chúng ta cùng suy xét những yếu tố giúp xây dựng đời sống giáo xứ, đặt nền tảng trên đời sống gia đình. Giao đình là những tế bào của Giáo Xứ, gia đình như những viên gạch góp phần làm nên giáo xứ chúng ta. Thế nên Phúc Âm hoá Giáo Xứ không thể tách rời khỏi phúc âm hoá đời sống Gia đình.
Một ngày kia, Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống“. (Mc 12, 38 – 44)
Thật sự, rất khó để nói về đời sống gia đình. Bởi vì khi đề cập đến gia đình trong văn hoá Việt Nam, chúng ta thường nghe đến những điều “phải”: người cha trong gia đình phải như thế này; người mẹ trong gia đình phải như thế kia; cha mẹ phải quan tâm giáo dục con cái; cha mẹ phải là những người đứng đắn; người đứng đầu cộng đoàn phải là người có tư cách; còn con cái phải vâng lời, v.v…. Chúng ta có rất nhiều những trách nhiệm từng người phải mang. Những trách nhiệm ấy có thể coi là những món tiền lớn từng người đã đóng góp cho đời sống gia đình, cho đời sống cộng đoàn giáo xứ chúng ta. Tôi xin phép không nói về những món tiền lớn ấy. Thế nhưng, tôi xin hỏi, đâu là 2 đồng xu đáng giá mà Chúa nói đến?
Có một câu chuyện cảm động như thế này:
Hai vợ chồng nghèo có một cậu con trai. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng cũng vẫn có những niềm vui, tiếng cười nho nhỏ. Thế nhưng, khi cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.
Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:
Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.
Người mẹ đáp: “Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.”
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…
Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần… […]
Câu chuyện phần nào cho chúng ta thấy hình ảnh của người những bậc làm cha mẹ Việt Nam: hy sinh rất nhiều cho con cái, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho con cái. Nếu quy ra tiền, Người mẹ trong câu chuyện đã bỏ hàng đống tiền để lo cho con: bà đã hy sinh tuổi xuân, dù bệnh tật bà vẫn muốn con tiến tới trên con đường học vấn. Thế nhưng, ở trong câu chuyện ấy, điểm nhấn, điểm bản lề của câu chuyện không phải là những hy sinh bà đã dành cho con, nhưng đó là cái tát của bà dành cho con: cái tát đó chính là 2 đồng xu quý giá của cuộc đời bà: bà đã hy sinh cho con và bà cũng dám cương quyết với con; bà thương con và bà nhìn thấy điều tốt hơn cho con bà.
Tới đây, tôi mời quý vị, hãy suy nghĩ hai câu hỏi sau:
Thứ nhất, tự hỏi mình: tôi có thật sự yêu thương những người thân trong gia đình tôi không cách đúng đắn? Tình thương cũng cần có suy xét, có lý trí. Phần lớn những bậc làm cha mẹ Việt Nam đều thương con, rất thương con, bảo vệ con và không muốn con bị tổn thương một chút nào. Và tôi có thể nói, nhiều người đã thương con như những người điên. Nếu có chuyện gì xảy ra, thì tìm mọi cách biện minh cho con mình trước đã, vội vàng bảo vệ con trước đã; mà không buồn tìm hiểu thực sự chuyện gì đang xảy ra. Trong câu chuyện ở trên, tại sao tôi dám nói rằng: cái tát người mẹ dành cho con bà chính là hai đồng xu quý giá của cuộc đời bà. Bà đã dám hành động một cách cương quyết để ngăn con bỏ học vì cái lợi nhất thời. Bà hành động vì con bà. Bà dám cương quyết hướng con của bà đến điều tốt đẹp hơn. Bà tát con nhưng chính bà mới là người đau; bà tát con nhưng chính bà mới là người rơi nước mắt. Chính nhờ thế mà người con của bà đã nên người. Bà quan tâm đến con bà, và bà chuẩn bị cho tương lai của con bà. Bà đã trao cho con điều con bà cần nhất, đó là chuẩn bị cho tương lai của em, dù em chưa nhận ra. Đó là đồng xu nhỏ bà dành cho con. Tình thương chân chính đã giúp bà hành động.
Về phần người con, em đã lên đường đi học, dù em vẫn lo cho mẹ; nhưng em đã làm vui lòng mẹ bằng cách học tốt; bằng cách nên người. Em đã thương mẹ bằng cách lắng nghe mẹ; và em đã trao lại cho mẹ điều mẹ em khao khát nhất: đó là em học giỏi; đó là em nên người. Và đó chính là đồng xu nhỏ em dâng tặng mẹ. Mẹ em không cần đống tiền, mẹ em cần đồng xu nhỏ. Tình thương chân chính đã đưa em đến hành động chân chính.
Còn chúng ta, hãy tự hỏi: tôi có thương những người thân yêu của chúng ta cách đúng đắn, có suy xét? Tôi có để ý đến những điều họ cần, đến điều tốt hơn cho họ; hay chỉ bảo vệ họ cách mù quáng; hoặc đòi hỏi một cách vô lý, ích kỷ: không cho con nhỏ làm gì vì sợ chúng khổ; hay nhiều người mang vợ, chồng mình ra so sánh: nhìn kìa, chồng người ta thì thành công, còn chồng mình thì…! hay, nhìn kìa, vợ người ta biết cách chăm sóc đến tuổi đó vẫn còn đẹp, còn vợ mình thì…! tôi có thực sự yêu thương những người thân trong gia đình tôi cách đúng đắn? và tôi có biết người thân tôi đang thực sự cần gì?
Câu hỏi thứ hai, chúng ta đang gieo cái gì vào tâm trí những người chúng ta yêu thương? Ngày hôm qua chúng ta đã nói về căn bệnh vô cảm đang lan tràn khắp thế giới, căn bệnh mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gọi là: toàn cầu hoá vô cảm. Căn bệnh đó cũng đang lan tràn một cách đáng ngại trên đất nước chúng ta. Là những người Ki-tô hữu, là những người Công Giáo, chúng ta đang gieo vào lòng con cái chúng ta, vào lòng những người thân trong gia đình niềm tin Công Giáo; đức ái Ki-tô giáo và cái tâm Công Giáo hay cũng chỉ là những tranh đua: mày phải giỏi hơn những đứa kia không thôi chúng nó khinh? Gia đình mình phải giàu hơn không thôi người ta khinh? Nếu tôi không khinh tôi, thì ai có thể khinh tôi? Điều chúng ta coi trọng; sẽ ảnh hưởng lên những người khác trong gia đình. Điều chúng ta coi trọng sẽ quyết định cách chúng ta sống hằng ngày, cách chúng ta nghĩ, và cách chúng ta đối xử với nhau.
Nếu gia đình chúng ta sống bác ái Công Giáo, bằng cách chân thành yêu thương, tôn trọng nhau, gia đình sẽ trở thành những chứng nhân sống động của Chúa. Nhiều gia đình làm nên một giáo xứ. Thế nên, giáo xứ có được phúc âm hoá hay không chính là tuỳ thuộc ở nơi từng gia đình chúng ta.
Để kết thúc, tôi mời cộng đoàn cùng suy xét một câu hỏi: làm sao để xây dựng tình thương trong gia đình tôi, trong cộng đoàn đây?
Xin Chúa giúp chúng ta sẵn sàng và can đảm sống đức ái Công giáo ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta; và làm cho cuộc đời của chúng ta trở nên lời mời gọi những người khác sống công chính; sống đức ái Ki-tô giáo. Amen.
3/ Buổi tĩnh tâm ngày thứ ba với chủ đề: PHÚC ÂM HOÁ BẢN THÂN
Ngày 10/3 vừa qua (năm 2015) Giám đốc tài chính của công ty Google, Patric Pichette, đã viết thư từ chức. Và gần như ngay lập tức, lá thư từ chức của ông đã được hàng triệu người trên thế giới đọc và truyền tay nhau. Điều gì đã làm người ta quan tâm đọc bức thư đó? Đây là một phần của bức thư:
“Sau gần 7 năm làm giám đốc tài chánh, tôi sẽ rời khỏi Google để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Đúng, tôi biết là bạn đã nghe thấy câu này ở đâu đó trước đây rồi. Chúng tôi đã cống hiến rất nhiều cho công việc. Dù tôi không mong các bạn đồng cảm với tôi, nhưng tôi muốn chia sẻ những lý do đã đưa tôi đi đến quyết định này; bởi vì rất nhiều người vẫn đang quay quắt cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Mọi chuyện bắt đầu từ mùa thu năm ngoái. Vào một sáng tháng 9, sau cả đêm leo núi, chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời mọc trên đỉnh ngọn núi cao ở Châu Phi, ngọn núi Kilimanjaro. Tôi và vợ mình – Tamar không chỉ tận hưởng khung cảnh trên đỉnh núi. Trời hôm đó rất trong, chúng tôi có thể thấy đồng bằng Serengeti rộng lớn bên dưới và nảy ra ý định du lịch mạo hiểm khắp châu Phi.
Tamar đầy phấn kích nói với tôi: “Anh này, sao chúng ta không tiếp tục đi nhỉ. Hãy khám phá châu Phi, sau đó khám phá tiếp qua phía Đông, sang Ấn Độ. Từ đây qua phương đông cũng gần thôi mà. Rồi ta có thể tới đỉnh Himalaya, Everest, Bali, rặng san hô Great Barrier Reef [dọc miền nam nước Úc], rồi đi Nam Cực….” Cô ấy chẳng hề biết ý tưởng đó liều lĩnh thế nào đâu.
Tôi còn nhớ đã nói với cô ấy rằng tôi rất thích đi, nhưng chúng tôi phải quay về thôi. Vẫn chưa đến lúc đó, tôi còn rất nhiều việc phải làm tại Google. Có rất nhiều người đang trông cậy vào chúng tôi.
Nhưng rồi cô ấy đặt một câu hỏi rất khó (a killer question – câu hỏi chết người): Thế khi nào mới đến lúc? Đến lúc nào mới là lúc cho chúng ta? Cho em? Câu hỏi chưa có đáp án.
Vài tuần sau đó, tôi vui vẻ quay lại công việc, nhưng không thể xua đi câu hỏi: Khi nào mới đến lúc chúng ta tiếp tục đi? Tôi tự nhìn lại cuộc đời của mình và của hai vợ chồng, tôi đã khám phá một vài sự thật rất giản dị và hiển nhiên (simple and self-evindent truths)
Đầu tiên, lũ trẻ đã tự lập cả rồi. Chúng không thật sự cần chúng tôi giúp nữa.
Thứ hai, tôi đang làm việc không ngừng nghỉ 25-30 năm rồi.
Thứ ba, Tamar và tôi sắp kỷ niệm 25 năm kết hôn.
Ông viết tiếp “Khi bạn bè lũ trẻ hỏi chúng về bí quyết chúng tôi bên nhau được lâu như vậy, chúng chỉ đùa là chúng tôi dành quá ít thời gian bên nhau, đến mức “còn quá sớm để kết luận” liệu cuộc hôn nhân này có thành công hay không.” Và ông nói: “Tôi ước gì chúng biết tôi và Tamar đã có bao nhiêu kỷ niệm đẹp bên nhau. Nhưng chắc chắn là tôi muốn có nhiều hơn nữa. Và cô ấy xứng đáng có nhiều, thật nhiều hơn thế.” ….
Với những lý do đó, ông giám đốc tài chính đã quyết định từ chức.
Những lý do mà ông Patric Pichette đưa ra xem ra rất bình thường và không thể bàn cãi, như ông nói. Thế nhưng, ông chỉ khám phá ra những điều gọi là hiển nhiên đó khi ông đối diện với câu hỏi khó của vợ ông: khi nào thì mới là lúc cho chúng ta, cho em? Và quan trọng hơn, ông đã khám phá ra những sự thật hiển nhiên đó khi ông thực sự lắng nghe câu hỏi, và suy nghĩ đi tìm câu trả lời.
Đối với chúng ta, đâu là những chân lý rất đơn giản và hiển nhiên cần chúng ta khám phá trong thinh lặng, trong tĩnh tâm. Tôi xin gợi ý ba điều dưới hình thức ba câu hỏi?
Câu hỏi thứ nhất: Tôi có biết tôi là người Công Giáo không? Nhiều người có thể coi đây là một câu hỏi quá tầm thường, vì đó là lẽ dĩ nhiên: có ai trong chúng ta chưa được rửa tội. Mà một khi đã được rửa tội, thì đương nhiên tôi là người công giáo. Lẽ dĩ nhiên, khi một người được rửa tội thì đã là một người Công Giáo đích thực. Thế nhưng mà tôi có biết tôi là người Công Giáo hay không? Ý thức đó sẽ mời tôi suy nghĩ đến câu hỏi thứ 2:
Tôi có tinh thần Công Giáo hay không? Khi tìm hiểu về những người Công Giáo Việt Nam, một học giả đã viết như thế này: “nhìn chung, người Công Giáo Việt Nam có tính hội đoàn rất mạnh, họ rất nhiệt tình với công việc nhà thờ. Thế nhưng, đời sống của họ thì chẳng khác gì những người Việt Nam khác”. Chúng ta đến nhà thờ để làm gì và vì cái gì? Chúng ta thực hành đạo với thái độ nào? Thái độ của một người con hay thái độ của một người nô lệ? Làm cái gì cũng vì sợ: Đi tham dự thánh lễ Chúa nhật không thôi thì mắc tội trọng! Phải tránh tội không thôi phải sa hoả ngục. Tham gia vào việc chung để cho thấy tôi cũng có thể làm ông này, bà kia?
Có cha mẹ nào suốt đời mang hình phạt ra để hù doạ, để thống trị con cái mình không? Có người phụ trách cộng đoàn nào lại muốn những người dưới của mình sống trong sợ hãi? Sợ hãi là thái độ của những đứa trẻ, của những người nô lệ. Chúng ta không phải là những người nô lệ, chúng ta là những người con Chúa. Lời Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày, nhiều khi nhiều lần trong ngày, nhưng thử hỏi, có mấy lần tôi ý thức Thiên Chúa là người thân của tôi?
Một câu chuyện ngắn kể lại như thế này: ở một giáo xứ miền quê nọ, có một bác nông dân, ngày nào cũng như ngày nào, trên đường ra đồng, bác ấy đều ghé vào nhà nguyện không đến một phút. Ông coi nhà thờ lấy làm lạ. có lần ông ta bắt chuyện và hỏi bác nông dân: Ông vào nhà nguyện làm gì mà mau thế? Ông nói gì với Chúa? Bác nông dân mới trả lời: tôi chỉ vô đó và nói: Giêsu ơi, Tư đây! Rồi ông đi ra. Khi bác nông dân bị bệnh nặng phải ở nhà. Ông muốn người nhà đặt một chiếc ghế bên giường ông và ông không cho ai ngồi trên đó cả. Người ta mới ngạc nhiên hỏi ông: ông để ghế đây làm gì vậy? Bác nông dân mới nói: đó là ghế Chúa Giêsu ngồi khi đến thăm tôi! Người ta mới cười và hỏi ông: Thế Đức Giêsu nói gì với ông? Bác nông dân đáp: Chúa nói Tư ơi, Giêsu đây!
Câu chuyện không có ý tầm thường hoá Thiên Chúa, nhưng muốn trình bày một chân lý: Chúa từ trời cao đến thăm viếng con người, thế mà chúng ta lại cố gắng loại Chúa ra khỏi cuộc đời, “tống” Chúa vào nhà thờ, nhà nguyện và rồi sợ hãi. Chúa muốn chúng ta là con, thì chúng ta hãy có tinh thần một người con Chúa. Hãy kính mến Thiên Chúa, đừng khiếp sợ Thiên Chúa.
Đón nhận Chúa là Cha, chúng ta cũng đồng thời đón nhận một sự thật khác, đó là mọi người là anh chị em với nhau. Hai chiều kích: chiều dọc hướng đến Thiên Chúa và chiều ngang hướng đến anh chị em. Hai chiều kích này không thể tách rời nhau.
Câu hỏi thứ ba: tôi có tuyên xưng niềm tin Công Giáo của tôi hay không? Thánh Gia-cô-bê đã nói: “Đức Tin không có hành động thì quả là đức tin chết”. (Gc 2, 17). Thực hành đức tin Công giáo bằng cách sống đức ái Công Giáo trước hết với những người thân trong gia đình, và rồi nhân rộng ra: tôn trọng nhau, muốn điều tốt cho nhau và cùng giúp nhau nên thánh. Gia đình thánh thiện, tốt lành là một lời tuyên xưng niềm tin rõ ràng nhất.
Ngoài ra, chúng ta cũng được mời gọi tuyên xưng đức tin cá nhân của mình cách công khai nữa. Đừng nghĩ rằng chúng ta phải ra nghã ba, ngã tư đường để tuyên xưng đức tin. Ngày xưa, để xét xem một người đủ tiêu chuẩn lãnh nhận bí tích thánh tẩy chưa, Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê chỉ hỏi họ hai điều: 1, biết làm dấu thánh giá? 2, đọc Kinh Lạy Cha. Hãy làm dấu thánh Giá một cách cung kính và đọc kinh Lạy Cha với cả tấm lòng của một người con. Đó là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin của chúng ta đó.
Trong những ngày này, tôi mời gọi từng người chúng ta hãy dành thì giờ, để suy nghẫm và để tái khám phá những chân lý rất đơn giản và hiển nhiên: tôi là người Công Giáo! Để từ đó tự chất vấn bản thân: Tôi có tinh thần Công Giáo hay không? và tôi có dám tuyên xưng niềm tin Công Giáo? Thế mà, toàn bộ giáo huấn Công Giáo được gói gọn lại trong một chữ: đó là chữ YÊU, yêu Chúa, yêu người. Yêu thương, tôn trọng nhau chính là cách thánh hoá bản thân tốt nhất.
Chữ YÊU đó dễ nói, khó làm. Biết bao nhiêu người hiện diện trong cuộc đời chúng ta sao đáng ghét thế! Không được một chút gì để có thể yêu mến được cả. Thế nhưng, thử hỏi xem, yêu thương thì tôi được gì và mất gì? Và ghét người khác thì tôi được gì và mất gì? Lời Chúa luôn luôn hướng con người đến điều tốt hơn, trước hết cho chính họ, thứ đến tha nhân. Thế thì để xét được gì và mất gì, hãy lấy mình là trọng tâm: tôi được gì và tôi mất gì, đừng nhìn đến người khác và những điều được mất của họ.
Nếu gia đình là những viên gạch xây nên ngôi nhà giáo xứ, thì mỗi cá nhân là một viên gạch xây nên mái ấm gia đình. Thế nên, để giáo xứ được phúc âm hoá, mỗi gia đình được mời gọi sống Phúc Âm. Và để gia đình sống Phúc Âm, từng thành viên trong gia đình được mời gọi hãy có tinh thần của Phúc Âm, và làm cho tinh thần ấy chi phối cuộc đời họ.
Xin Chúa giúp chúng ta dám diễn tả niềm tin của chúng ta bằng hành động; xin Chúa giúp chúng ta dám sống Tinh Thần Công Giáo, sống đức ái Công Giáo. Amen.
Gx. Thiên Thần