III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ
Sự trưởng thành tâm lý là một lý tưởng trong lãnh vực tự nhiên, cũng như sự thánh thiện và toàn thiện Kitô giáo là những lý tưởng của đời sống thiêng liêng. Nhưng sự tăng trưởng trong hai lãnh vực còn tuỳ thuộc nhiều tiến trình nhất định. Chúng ta nhận thấy được là trong đời sống tu trì, có nhiều người tiến xa hơn chúng ta trên con đường toàn thiện và chúng ta cũng nhận biết là cần phải vượt qua biết bao thất bại và bất toàn để tiến lên. Điều cốt yếu là sự khiêm tốn do chính các khuyết điểm dạy chúng ta và niềm hy vọng Kitô giáo mà chúng ta phải mang trong hồn nếu muốn tiến tới. Để đạt đến trưởng thành tâm lý, cần phải có thái độ sẵn sàng chấp nhận các khiếm khuyết của chính mình và vượt qua các chướng ngại, bất túc của bản tính tự nhiên. Người tu sĩ chân thành nuôi hy vọng là có thể đạt đến sự hoàn thiện và con đường dẫn đến sự trưởng thành tâm lý chắc chắn là sẽ lâu dài.
Phải biết mình
Khi đọc những sách đạo đức nói về các thất bại thông thường nhất trong đời sống thiêng liêng người ta có cảm tưởng là mình cũng phạm hết các lỗi lầm đó. Người ta cũng sẽ có kinh nghiệm đó trong những điển hình về tình trạng ấu trĩ. Thiếu đức hạnh và thiếu trưởng thành là những kinh nghiệm rất thường tình cho mọi người ở mọi nơi. Dĩ nhiên, càng có khả năng nhận ra các khiếm khuyết này trong đẳng trật thiêng liêng hay tâm lý, chúng ta càng có cơ hội để sửa đổi. Ý thức về các sự yếu đuối trong đời sống thiêng liêng hay về những sự thiếu trưởng thành không nên làm chúng ta chán nản, trái lại phải thúc đẩy chúng ta hành động tốt đẹp hơn. Nhận thức được những điều đó là một dấu hiệu thông minh và nhạy cảm. Chính sự thiếu ý thức về chính mình là một triệu chứng ấu trĩ kinh niên. Không có gì tuyệt hảo để đương đầu với tai họa này hơn là học biết năng động điều-chỉnh-thích-ứng* được diễn tả như thế nào trong khuôn khổ đời sống tu trì. Tình trạng ấu trĩ có thể ngăn chặn hiệu năng cá vị và đời sống sung mãn trong Chúa Kitô: biết điều đó là động lực căn bản trong việc phát huy nhân cách.
Khi các nhu cầu nhân linh nền tảng quá mãnh liệt và những phương thế thông thường không đủ để thỏa mãn chúng thì người ta tìm các phương tiện thay thế (bù trừ). Các nhu cầu là các năng động lực* và tự bản tính, chúng thúc đẩy tìm đối tượng thỏa mãn. Chúng ta cũng biết rằng: nơi con người các năng lực này cấu thành một hệ thống có tôn ti đẳng cấp. Dầu có trực thuộc nhau hay không, thì các chuyển động này cũng có tính cách bẩm sinh. Chúng luôn hiện hữu và liên tục tìm dịp để bộc lộ bằng cách này hay cách khác.
Tu sĩ nên ý thức là khi thử loại bỏ hay kềm hãm các năng lực này, người ta có thể ngăn cản một vài thể thức phổ biến nhưng không tiêu diệt được chính các năng lực ấy, nếu không nói là càng làm cho chúng mạnh thêm. Thí dụ: vì không hiểu bản chất đích thực của các ước muốn, người ta có thể diễn tả chúng dưới các hình thức ngụy trang. Ý thức về bản chất, sức mạnh, cách sử dụng và lạm dụng, những lối biểu thị cũng như che giấu của các năng lực và biết cách hướng dẫn các năng lực đủ loại này đến những thể thức phô diễn bình thường và hữu ích. Đó là phương tiện duy nhất để đạt đến sự hội nhập các tiềm lực nhân linh.
Một tu sĩ càng sớm hiểu biết về các nhu cầu và cách thức phô diễn của chúng nơi nhân cách thì càng có thể hướng dẫn chúng đến những lộ trình hữu ích. Những thái độ ngăn ngừa, cấm kỵ nơi những người có trách nhiệm có thể gây xáo trộn nơi các chủ thể và đưa đến việc tìm các phương thế bù trừ. Điều này nếu xảy ra cách vô ý thức và liên tục, có thể dẫn đến các lệch lạc gây tâm bệnh. Sự khôn ngoan cốt ở việc biết nhận định điều gì cần phải làm theo hoàn cảnh chứ không phải phủ nhận các sự kiện. Và bởi vì không biết các tình cảm nội tại không có nghĩa là tiêu diệt chúng, nên cần phải xét kỹ động lực nội tại của chúng.