Tâm tình gửi Anh Stêphanô

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

 

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây…”

Gửi Anh Stêphanô, người bạn đường tri âm tri kỷ của tôi.

Vậy là ngày 15 tháng 12 sắp tới đây, người bạn này sẽ không còn dịp viết đôi dòng mừng Anh hưởng thọ 86 tuổi như lòng vẫn ao ước. Hôm nay, 9h sáng ngày 13 tháng 11 năm 2015, nghe tin Anh từ trần, lòng tôi tiếc nhớ khôn nguôi…

“Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò”

Nguyện chúc Anh thượng lộ bình an trên đường về Quê Hương Thượng Giới. Bạn bè hãy còn nhắc đến Anh trên mảnh đất quê hương Vĩnh Thanh, Gò Công, Tiền Giang với biết bao kỉ niệm vui buồn thuở thiếu thời. Phần tôi, tôi mãi ghi khắc tên Anh như một người bạn đồng hành âm thầm và lặng lẽ.

Còn nhớ những năm tháng tác nghiệp bên nhau trong quân ngũ (từ năm 1955), tôi không sao quên được nụ cười và ánh mắt hiền lành của Anh bạn đồng nghiệp Cổ Tấn Hưng – bác sĩ quân y. Được một thời gian, ngày 08 tháng 12 năm 1963, tôi hết sức bất ngờ và phấn khởi khi nghe tin Anh chịu phép rửa tội và thêm sức tại họ đạo Đắc Lộ (Sài Gòn). Vậy là từ ấy đôi bạn thân lại chung chia niềm tin Công giáo. Vào Đạo được 5 năm, Anh nói lời tạm biệt tôi để vào Nhà tập Dòng Tên ngày 06 tháng 10 năm 1968, rồi sau 2 năm bặt vô âm tín, Anh khấn lần đầu trong Dòng này vào ngày 07 tháng 10 năm 1970 tại Thủ Đức. Từ năm 1970 đến 1975, Anh ít gặp gỡ và trao đổi thư từ với tôi hơn, vì phải chuyên tâm cho việc học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đàlạt. Dẫu sao, ngày 21 tháng 12 năm 1974, tôi cũng nhận được tin vui: Anh được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phong chức linh mục tại Nhà thờ Chính Tòa (Sài Gòn) cùng với Cha Nguyễn Ngọc Tiến – một người anh em cùng Dòng – cùng Cha Đinh Hữu Huynh và Cha Nguyễn Ngọc Sơn. Tôi tiếc mình không thể đến dự Lễ vì đã nhận một ca phẫu thuật.

Ngày 20.03.1975, cùng với dân chúng, các học viên Dòng Tên rời Đàlạt, riêng Anh cùng các cha Gomez, cha Tiến và thầy Tình vẫn ở lại. Khi tình thế biến chuyển phức tạp, cuối cùng chỉ còn mỗi Anh ở lại giữ nhà với ý hướng phục vụ bệnh nhân khi cần. Từ năm 1975 đến 1979, Anh dấn thân cho công tác mục vụ tại giáo xứ Tạo Tác (Đàlạt), đồng thời cũng phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện Đàlạt. Chắc lúc ấy, nhiều kỉ niệm thời quân y cũng ùa về trong Anh…

Năm 1979, nghe tin Anh tiếp tục dấn thân phục vụ xã hội trong tư cách một bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Hậu Giang, tôi lập tức đến thăm Anh sau bao năm xa cách. Đến năm 1987, tôi ngậm ngùi hay tin Anh chia sẻ thập giá với Đức Kitô trong lao tù. Thời gian ấy, có những điều để nhớ, và những điều để quên. Dẫu sao, Anh kể lại với tâm hồn đầy thanh thoát (………chiếu đoạn clip phỏng vấn Bác Bảy kể chuyện lao tù).

Ngay sau kinh nghiệm lao tù, Anh khấn cuối trong Dòng Tên, ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa năm 1988. Trong khoảng thời gian từ 1987 đến 2006, Anh làm mục vụ tại giáo xứ Tạo Tác, Đà Lạt; và tham gia chương trình phát triển y tế cộng đồng tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Còn nhớ ngày cùng Anh đi thăm các gia đình giáo dân xứ Tạo Tác, mọi người già trẻ lớn bé đều quý mến Anh. Có cô bé kia vừa vòng tay chào Cha Hưng xong thì liền nài nỉ: “Cha ơi tối nay Cha cho con coi lại phim Ben-Hur nữa nha Cha, hôm trước cả lớp giáo lý coi rồi mà con lại vắng mặt”. Anh cười và âu yếm nói: “tối nay Cha chiếu phim Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vì đang là tháng Mân Côi. Phim Ben-Hur con muốn coi lại hôm sau Cha sang cho một đĩa.” Tôi mỉm cười trong bụng vì lần đầu tiên thấy một vị linh mục già nói chuyện với một em nhỏ như hai người bạn rất thân tình. Rồi Anh vội kéo tôi vào nhà, bảo cả gia đình cùng quy tụ để Anh quay vài đoạn phim làm kỉ niệm. Anh đến thăm bà con giáo dân mà xách theo cả một túi “đồ nghề”, nào là máy quay, máy ảnh và băng đĩa. Dường như, gặp gỡ và chia sẻ là nhịp thở của đời sống Anh. Lúc chào gia đình để ra về, vị gia trưởng liền xin Anh bài giảng Lễ sáng hôm đó, anh ta nói với tôi: “Bác biết không, Cha Hưng cứ đọc chậm bài giảng như thế mà giáo dân tụi con nghe thấy thấm lắm. Cả lời văn của bài viết lẫn giọng nói của Cha đều rất gần gũi, đơn sơ, không khi nào là không có một câu chuyện.”

Từ năm 2006 đến 2015, Anh về nghỉ hưu tại Cộng đoàn Pignatelli ở Thủ Đức. Nói là nghỉ hưu vậy thôi chứ tôi vẫn thường gặp Anh ở bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước). Anh cũng thường về quê hương Gò Công (Tiền Giang) để phục vụ bà con chuyện xác, chuyện hồn. Còn nhớ có lần đi giúp bệnh nhân xong, tôi bảo để tôi đưa Anh về, Anh nhẹ nhàng từ chối và bắt xe buýt về lại cộng đoàn. Anh nói còn phải ghé siêu thị Big C mua mấy gói chè trôi nước về cho mấy em tập sinh đang sang giúp nhà hưu. Cũng ngay hôm đó, tôi kể Anh nghe chuyện này khiến Anh không khỏi bất ngờ. Rằng có cô nhà văn-bác sĩ kia tự nhận là học trò cũ của Anh (chẳng biết có phải trong giai đoạn Anh phục vụ ở bệnh viện Hậu Giang hay không) viết mẩu truyện ngắn mang tên Vầng Dương Trong Mây Xám đạt giải nhất cuộc thi văn chương gì đó, đăng trong tạp chí văn nghệ Cần Thơ số 34 (tháng 11 và 12 năm 2006), trong đó kể chuyện người thầy đáng kính, linh mục-bác sĩ Cổ Tấn Hưng – người đã đánh động và khởi hứng cho cô nhiều về y đức lẫn công việc. Hẳn nhiên truyện nào chả có hư cấu ít nhiều, nhiều khi hơi quá, nhưng tôi bắt gặp hình ảnh thân quen của Anh trong vài dòng sau đây:

“Tôi nhiều năm chịu ơn thầy, người đã dìu dắt, rọi sáng lương tâm tôi, một nghề nghiệp cao quý”.

“Tôi “dị ứng” nhất là khoa “truyền nhiễm”… Nhưng không ngờ, chính nơi đó tôi đã gặp được một thầy thuốc thật sự. Mọi người đều tôn kính gọi ông là “Thầy Hưng”, cũng là một linh mục, một bác sĩ Trưởng khoa nổi tiếng, là người học thức uyên thâm. Ông tìm tòi nghiên cứu, dịch thuật sách y học của nước ngoài và thuốc dân tộc. Ông thường cho kết hợp cả hai thứ để điều trị cho bệnh nhân, ít tốn kém mà lại có hiệu quả rất cao. Bệnh nhân của ông không phân biệt sang hèn. Đến giờ khám ông đến gần giường bệnh ân cần hỏi thăm và lắng nghe thật kỹ những diễn biến phức tạp trong cơ thể người bệnh. Tôi chưa bao giờ được nghe giọng nói nào dịu êm bằng giọng nói của ông. Nó giống như tác dụng của thuốc an thần, xoa dịu cơn đau. Ông hiền lành, ít nói, nhưng rất nghiêm khắc trong y lịch.”

“Thầy luôn động viên tinh thần chúng tôi “phải cảm thông chia sớt những nỗi đau của người bệnh”. Dịch tả thường gặp ở những người sống vất vưỡng ngoài vỉa hè, đôi khi có cả tội phạm được đưa vào điều trị không có thân nhân chăm sóc, lúc đó hộ lý và học sinh được phân công lo trách nhiệm ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho những người vô gia cư có thể trạng yếu, nằm bất động, tiêu tiểu không tự chủ được. Tôi thấy và nghe gương y đức của thầy. Ông thường cho tiền, nhường cả phần cơm trực và đem chế độ bồi dưỡng độc hại: đường, sữa của mình cho những bệnh nhân quá nghèo khổ, và ông luôn bị trừ vào tiền lương hàng tháng, bồi thường tài sản cho bệnh viện vì trực tiếp đứng ra bảo lãnh mùng, mền, drap cho những người vô gia cư không có tiền thế chân rồi sau đó họ vẫn trốn viện mang cả đồ đạc đi theo. Vào những năm bảy mươi chín, tám mươi, lúc đó bệnh viện chưa có chế độ cơm từ thiện như bây giờ, mùng mền rất khan hiếm. Ông không giàu có, chỉ sống thanh bạch bằng đồng lương, ăn uống rất kham khổ.”

“Niềm vui của thầy là ký hồ sơ cho bệnh nhân ra viện. Có lần, một đứa bé nhà quê rất nghèo vào khoa với tình trạng bệnh nguy hiểm, nay đã bình phục được ra viện. Nó khệ nệ ôm món quà lớn được bọc trang trọng trong tờ giấy báo thắt chiếc nơ màu đỏ, ban đầu thầy từ chối, nó cứ năn nỉ mãi, ông nhận món quà là một chục trái cóc xanh thật to, có cả chén muối ớt, tôi đùa, còn ổi khế gì nữa không, cả khoa đều cười ầm lên. Nhưng thầy rất xúc động tìm nó để cảm ơn. Ông hỏi nó thích gì không? Đứa bé ngây thơ trả lời: “thích được làm bác sĩ như ông”, và nó muốn mượn thầy ống nghe để đeo vào cổ, ông cười xòa bảo “vi trùng nhiều lắm” nhưng vẫn cởi vật “bất ly thân” ra cho nó ngắm. Chiều hôm ấy, cậu bé ra viện với gương mặt hân hoan, tay ôm một túi đồ chơi bằng nhựa với đầy đủ dụng cụ y tế do thầy mua tặng.”

“Nhưng công việc ở đây vui ít buồn nhiều. Có những hôm thầy trò chúng tôi mãi lo quay quắt với những bệnh nhân nặng, chậm trả hồ sơ cho bà y tá trưởng già khắc nghiệt làm sổ thuốc. Lập tức buổi giao ban đầu tuần và một cơn “bão táp” với những miệng lưỡi cay độc, họ trách và phê bình thầy đủ điều, nào là kéo dài thời gian lên lớp cho sinh viên, khám bệnh quá lâu, xét nghiệm cho thuốc và truyền dịch quá nhiều làm phát sinh những việc không cần thiết… Toàn là những chuyện nhỏ không đâu cũng thành vấn đề. Họ rất ích kỷ, không bao giờ “uyển chuyển” giờ giấc, thông cảm cho trái tim thánh thiện chứa đầy y đức của Thầy. Còn Thầy rất hiền, không thích tranh cãi.”

Anh nghe tôi đọc xong câu truyện mà lòng vẫn bình thản, cũng chẳng vội giải thích cho tôi xem người ta có hư cấu chỗ nào hay chăng, kể cả đoạn kết khi nhà văn ấy bảo rằng bác sĩ Cổ Tấn Hưng ngày ấy nay đã ra đi rồi. Bạn tôi ơi, đến hôm nay, Anh đã ra đi thật rồi, đoạn kết truyện đã không còn là hư cấu nữa. Hiệp lời cầu nguyện với các anh em cùng Dòng Tên với Anh, tôi xin phó thác linh hồn Anh trong tay Chúa.

Thủ Đức, 3h chiều ngày 13 tháng 11 năm 2015,

Người đồng hành với Anh trên nhiều chặng đường cuộc sống

Kiểm tra tương tự

Stanislao Kostka – Mừng sinh nhật anh!

Tôi mạo muội viết những dòng này vào dịp lễ mừng kính thánh Stanislao Kostka, …

Thông báo: Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm Hồng Ân

  Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM HÂN HOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *