“Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (21.11.2021 – Lễ Trọng Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ Phụng Vụ năm B)

 

“Nước Tôi không thuộc về thế gian này”
(Ga 18, 33b-37)

33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không? ” 34 Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? “

35 Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? ” 36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên. Chúa Nhật cuối cùng nhắc nhớ thời điểm cuối cùng của mọi sự : của tháng, của năm, của một giai đoạn, và của cả đời người, trong đó có cuộc đời của chúng ta. Hướng về điểm tận cùng, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ, và cũng là Vua của mỗi người chúng ta, của cuộc đời chúng ta nữa, đời này và đời sau.

Vì thế, chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Giê-su Ki-tô với lòng tín thác, yêu mến và hi vọng, để tôn vinh Người là « Vua Vũ Trụ ». Và xin Người lôi kéo chúng ta, để chúng ta trở thành « thần dân » của Người, để chúng ta thuộc về Người, thay vì là « thần dân » của những điều hay những người thuộc về thế giới này, thuộc về những gì trong cuộc đời này, chẳng hạn những thần tượng, tiền tài, danh vọng hay những điều hư ảo.

Chúng ta vẫn đang ở trong tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục phó thác những người thân yêu quá cố của chúng ta nữa nơi tình thương bao dung của Đức Giê-su Ki-tô Vua, như thánh Gioan xác tín trong bài đọc II, trích sách Khải Huyền :

Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.

(Kh 1, 5-6)

 

  1. « Vua Vũ trụ » và mầu nhiệm Nhập Thể

Cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô là « Vua Vũ Trụ ».

  • Ngài là Vua Vũ Trụ, bởi vì Người có trước muôn loài muôn vật ; như thánh Phaolo tuyên xưng trong thư Côlôsê : « Người là Thánh Tử, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo » (Cl 1, 15)
  • Ngài là Vua Vũ Trụ, bởi vì, nhờ Người và cho Người, vạn vật được tạo thành, như thánh Phaolô tuyên xưng : « vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người » (Cl 1, 16)
  • Ngài là Vua Vũ Trụ, vì như như thánh Gioan tuyên xưng trong Sách Khải Huyền, Ngài là « Anpha và Omega, là Đấng đã có, hiện có và đang tới, Ngài là Đấng Toàn Năng » (Kh 1, 8)

Tuy nhiên, Đức Giê-su Ki-tô, Vị Vua của chúng ta, không đứng nhìn ngắm vũ trụ và điều khiển vũ trụ với uy quyền mà Thiên Chúa Cha ban cho Người, nhưng Người còn “đi băng qua” vũ trụ này, vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó, bằng hành trình Nhập Thể và hành trình Vượt Qua nhiệm mầu.

Như thế, Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ mà chúng ta tôn kính hôm nay: Người vừa thật siêu vượt, nhưng Người cũng vừa thật gần gũi với chúng ta, để chia sẻ và cảm thông với thân phận và số phận của loài người và từng người chúng ta. Và nhất là, Người không chỉ đi băng qua cuộc đời này, ngang qua hành trình sinh ra, lớn lên, chịu đau khổ và chịu chết, để chỉ cho chúng ta đường đi dẫn đến với Sự Thật và Sự Sống, nhưng Người còn ở lại với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”, ngang qua sự hiện diện sống động bằng Lời nói và Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

Xin cho chúng ta đến với Người, ở lại và học với Người, vì Người là Vị Vua, « hiền lành và khiêm nhường », để như Đức Maria và nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, chúng ta trở nên một với Người và trong Người chúng ta trở nên một với nhau hôm nay và mãi mãi.

  1. Vua Vũ Trụ và cuộc Thương Khó

Vì thế, một đàng, chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô là Vua, nhưng đàng khác, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, cách ngài làm Vua không giống như các vua chúa trần gian; như chính Người đặc biệt nhấn mạnh, khi bị quan Philatô chất vấn:

Nước tôi không thuộc về thế gian này…
Nước tôi không thuộc về chốn này.

Thực vậy, danh hiệu “INRI” (Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum: Giê-su Nazareth Vua Dân Do Thái), mãi mãi được gắn trên Thập Giá, với ý định diễu cợt ; nhưng Chúa lại dùng để bày tỏ Sự Thật về ngôi vị mình, và bày tỏ cách ngài làm vua, giống như lính Roma nhạo báng Chúa, trước khi đem đi đóng đinh :

Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! ” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người.

(Mt 27, 26-31)

Người ta từng muốn tôn Ngài lên làm Vua, và có lẽ các môn đệ cũng vậy (x. Ga 6). Nhưng Ngài không muốn. Nhưng khi người ta tôn Ngài lên làm vua theo kiểu này, thì ngài để cho làm. Ngài muốn nói gì với loài người chúng ta, với từng người chúng ta qua cực hình đùa giỡn trên ngôi vị này?

Tất cả là hình ảnh của Vị Vua với đầy đủ biểu tượng: long bào màu đỏ (thân phận hoàng tộc), vương miện (vương triều) và cây gậy (vương quyền). Nhưng có điều là giả hết, là nhạo báng hết; nhưng Chúa dùng chính những điều giả tạo dùng để nhạo báng này, để nói lên rằng Chúa không cần “đồ thiệt”, hay đúng hơn, “đồ thiệt” không phù hợp với Chúa, vì cách Chúa làm Vua thì khác hẳn, không theo cách của con người, nhưng theo cách của Thiên Chúa:

  • Áo choàng đỏ: nói lên điều Ngài đã nói trong bữa tiệc li: “máu đổ ra cho muôn người”; Ngài muốn cho luôn thân phận, cho luôn sự sống; bởi vì Chúa đến để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10).
  • Vương miện bằng vàng hay kim cương, tượng trưng cho tư cách đế vương. Ở đây, vương miện của Ngài lại là vòng gai, ghim vào đầu. Điều này cho thấy, Ngài là vua, nhưng không kiểu trần gian vua trần gian: thay vì bắt thần dân phục vụ và chết cho mình, ngài phục vụ và chết cho thần dân của mình.
  • Thay vì là cây gậy rắn chắc biểu tượng của sức mạnh và quyền bính, cây sậy trong tay Chúa, chẳng đánh chết được ai cả, nói lên rằng, cách Ngài cai trị, không phải bằng sức mạnh hay áp đặt, nhưng bằng sự gần gũi, hiền lành và cảm thông.

Chúng ta hãy hình dung ra đám cơ binh: chính khi họ nhạo báng, họ vùi dập nhân tính của Đức Giê-su, nghĩa làm cho Ngài không còn hình người, họ tự làm cho mình trở nên đáng bị nhạo báng, mất nhân tính: “cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài” là như thế (Tv 141, 10); họ có hình người nhưng mang dạ thú; càng lúc, đám cơ binh bộc lộ thú tính; hay đúng hơn thú tính hiển hiện ở nơi những con người cụ thể: con người mà lại có những hành động không nhân tính trên người khác. Giống như một số loài thú, đùa giỡn với con mồi một lúc rồi mới ăn thịt.

Trong khi đó, vẻ bề ngoài và thân hình Chúa càng lúc biến dạng, nhưng một khuôn mặt khác càng lúc càng hiển hiện rõ nét, càng rạng ngời: đó là Sự Thật về Khuôn Mặt Tình Yêu Bao Dung Rạng Ngời của “Vị Vua Vũ Trụ”, như Người nói với quan tổng trấn Phi la tô:

Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.

III. Vua Vũ Trụ « chịu đóng đinh »

Trên Thập Giá, Đức Giê-su không giảng dạy bằng lời, nhưng chữ INRI có thể được coi là một lời giảng của Ngài, vì dòng chữ này nói lên cách Đức Giêsu làm Vua Dân Do Thái và Vua loài người. Khi người ta đã từng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua theo kiểu Vua Chúa trần gian, thì Ngài không chịu; nhưng khi người ta muốn bắt và đóng đinh Ngài trên Thập Giá, và dùng danh hiệu « Vua Dân Do Thái » để nhạo báng, thì Ngài lại chịu. Tại sao vậy?

 

Vua trần gianVua Giê-su
Ø  Vua trần gian ở trong cung điện;

Ø  Đội vương miện vàng, kim cương;

Ø  Ngự trên ngài vàng;

Ø  Được vây quanh bởi bá quan văn võ;

Ø  Được tung hô vạn tuế;

Ø  Giàu sang và quyền lực.

Ø  Vua Giêsu ở trên đồi Sọ;

Ø  Đội vòng gai;

Ø  Bị đóng đinh trên giá gỗ;

Ø  Thù địch; bạn bè người thân bỏ chạy;

Ø  Bị chế diễu, sỉ nhục;

Ø  Trần trụi và bất lực.

 

Bởi vì, Đức Giêsu không muốn làm vua theo kiểu loài người, bắt người khác phải phục vụ và trao ban; Người muốn làm vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là phục vụ và trao ban chính mình cho muôn người.

Hôm nay, chúng ta tôn kính một Đức Vua như thế đó, nhưng đó chính là cách để cho chúng ta nhận ra, Ngài là “An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”, của con tim chúng ta.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Manna: Một sợi tóc (Thứ Tư Tuần 34 Thường niên – Lc 21,12-19)

Lời Chúa: Lc 21, 12-19 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: …

Manna: Đền Thờ (Thứ Ba Tuần 34 Thường niên – Lc 21,5-11)

  Lời Chúa: Lc 21, 5-11 Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *