IV. THÍCH ỨNG CÁ NHÂN
Đối với tất cả chúng ta, việc hiểu biết nguyên động tác phong của mình thật hữu ích. Từ đâu mà có những sự căng thẳng thần kinh, những phản ứng thần kinh loạn và những thứ xáo trộn tâm thần khác, vốn là những trở ngại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta và làm phương hại đến sức khỏe của chúng ta?
Chúng ta đã đề cập đến động lực nhân linh như nguồn mạch của mọi hành động, theo nghĩa sự ổn định hay rối loạn của động năng này là chìa khóa giải thích mọi tác phong tốt đẹp hay lệch lạc của chúng ta. Biết được nguyên do thúc đẩy chúng ta hành động là điều thích thú. Trong toàn thể âm giai những sinh hoạt nhân linh, mọi thể thức tác phong của chúng ta đều có những lý lẽ và giải thích của chúng; một vài lý lẽ được biết đến, một số khác còn bị chìm sâu trong những vùng bị lãng quên và vô thức.
Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về sinh hoạt tâm linh có liên hệ đến việc thích ứng cá nhân.
Năng động lực*, nguồn mạch của tác phong
Trong đời sống tôn giáo, chúng ta gặp thấy một vài lề lối tác phong có liên hệ chặt chẽ với các yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố thiêng liêng, mặc dầu cả hai đều ảnh hưởng trên sự phát triển thiêng liêng. Các căng thẳng thần kinh, những phản ứng tâm loạn và những loại xáo trộn tâm cảm khác có thể nguy hại đến đời sống thiêng liêng cũng như sức khỏe thể lý. Bởi vì động lực nhân linh là nguồn mạch của mọi hành động tốt xấu của chúng ta, nên ta có thể tìm thấy nơi đó lời giải thích về các hình thức tác phong có quy củ hay vô trật tự
Phân tích và thấu hiểu nguyên động của tác phong nhân linh không phải là việc dễ làm. Không có những định thức máy móc hoặc những giải đáp hoàn hảo để giải thích những sự phức tạp của cuộc sống. Nhưng người tu sĩ muốn liên tục phát triển về phương diện thiêng liêng cũng còn lệ thuộc những định luật tâm lý tiềm ẩn dưới sự huấn luyện thiêng liêng của mình và thực hữu ích, nếu người ấy biết rõ, chừng nào có thể, những chuyển động tâm lý trong chính mình khả dĩ trợ giúp hay trái lại, làm tê liệt đà tiến của mình.
Tác phong là biểu thị ngoại diện của động lực nhân linh trong hình thức pha trộn của nhiều mức độ khác nhau. Bao nhiêu là quyết ý (volitions = hành vi của ý chí), cảm xúc và bản năng đồng thời cộng tác vào việc phát sinh một hành vi nhân linh độc nhất và tất cả mọi yếu tố này chịu ảnh hưởng của tri thức đã có hay hiện có của chúng ta.
Các năng lực tinh thần này trong sự hỗn hợp của chúng đang tìm cách được thỏa mãn. Các thể thức và tiêu thức mà các mức độ nhu cầu khác nhau làm phát sinh, giải thích cơ cấu tâm lý của mỗi nhân cách. Sự hiểu biết các nhu cầu tâm lý này và các thể thức đặc biệt mà chúng kết tinh nơi mỗi người đưa đến một ý thức sâu xa hơn về chính mình. Sự kết tinh này còn cho phép người ta hiểu nhiều hơn về tác phong của mỗi người. Không có một sinh hoạt nhân linh nào mà là hậu quả của một cặp “kích thích-phản ứng” lẻ loi. Mỗi người có thể thấy rằng đời sống thiêng liêng của mình bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các phản ứng của các năng động lực trong mình. Các động lực tự bảo vệ, tự biểu lộ và tự hướng dẫn luôn bao trùm lên nhau, liên hệ với nhau trong mỗi mô hình nhân cách.
Điều quan trọng đối với tu sĩ là biết rằng đời sống thiêng liêng của mình tăng trưởng trước tiên với ân sủng Chúa ban cho, kế đến với sức lực toàn nhập của các động năng trong chính mình. Nguồn mạch thứ nhất là tặng phẩm đơn thuần của Đấng Tạo dựng và nguồn thứ hai là sự tiếp nhận và cộng tác với ân sủng, mà họ có thể tự do phát triển hay không, theo sự thúc đẩy của những nhu cầu nội tại hướng đến tình trạng trưởng thành. Cả những sinh hoạt đơn giản cũng diễn tả một phối hợp của các nhu cầu. Điều quan trọng cho sự tăng trưởng cá vị của tu sĩ, đó là những năng động toàn nhập và tự hướng dẫn phải chiếm ưu thế trong đời sống của họ. V.d. một tu sĩ chưng dọn bàn thờ cách thẩm mỹ và được bạn bè tán thưởng, có thể thỏa mãn nhu cần căn bản là được kẻ khác chấp nhận và đồng thời thỏa mãn nhu cầu chu toàn bổn phận. Cả hai đều quan trọng, và bởi vì không có đường ranh phân chia rõ rệt trong cách diễn tả những nhu cầu bên trong, tu sĩ cần xác quyết là chu toàn việc bổn phận phải là động cơ chính yếu, cả khi nhu cầu được nhìn nhận có thể đã thúc đẩy họ làm một công việc.
Nhu cầu tâm lý cũng cấp bách cho sức khỏe tâm thần như nhu cầu thể lý cho sức khỏe thể xác, nhưng nhu cầu tâm lý thì được nhận thức và thấu hiểu cách mơ hồ hơn nhu cầu thể xác. Sức khỏe thể xác được bảo tồn khi thực phẩm chúng ta hấp thụ bao gồm một tỷ lệ thích hợp chất đạm, carbohydrates, sinh tố và đầy đủ chất sắc, can xi, cùng những chất dinh dưỡng khác. Sức khỏe tâm thần được bảo vệ khi ta duy trì được sự cân bằng trong việc đáp ứng những nhu cầu tâm lý.