Cuối năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, đọc chuyện Ông Giu-se trong Cựu Ước
Đầu Năm Thánh, tôi đã giới thiệu chuyện “Ông Giô-na”, nhân vật “nguyên mẫu” của người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu và hai đứa con” (x. Lc 15, 11-32). Cuối Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, xin mời đọc chuyện “Ông Giu-se: người đi tìm anh em” trong Cựu Ước, để kiểm nghiệm xem chúng ta đã hoán cải được tới đâu để thực thi lời Chúa mời gọi: ”Hãy thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng hay thương xót” (Lc 6,38).
Đây là một câu chuyện dài trong sách Sáng Thế (chương 37 và chương 39 tới hết sách, chương 50). Về phương diện vai trò của chuyện này trong cấu trúc của Ngũ Thư, thì ta có thể nhận ra đây là một phần trong câu chuyện về nguồn gốc dân It-ra-en, giải thích tại sao dòng dõi Áp-ra-ham lại di cư sang Ai-cập, và sống ở đó suốt hơn bốn trăm năm; chuyện chuẩn bị cho cuốn sách tiếp theo là sách Xuất Hành, kể về dân It-ra-en được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập.
Câu chuyện này vừa mở đầu ở chương 37 thì lại gián đoạn bởi câu chuyện dòng dõi ông Giu-đa (chương 38), có lẽ vì sau này các bộ tộc phía Bắc (vương quốc phía Bắc) do dòng dõi Giu-se (Ep-ra-im) dẫn đầu, sẽ xung đột với dòng dõi Giu-đa (vuơng quốc phía Nam).
Mở đầu: hạt giống ghen ghét
Câu chuyện về ông Gia-cóp (St 25, 19 – 37, 1), kể nguồn gốc của hai dân tộc sống kế bên nhau, Ê-đôm va It-ra-en. Hai ông tổ là anh em sinh đôi, E-sau và Gia-cóp, con ông I-xa-ác và bà Re-béc-ca. Gia-cóp được mẹ thương nên âm mưu giúp đoạt quyền trưởng nam của E-sau. E-sau căm thù và muốn giết Gia-cóp. Bà mẹ tiếp tục âm mưu nói nhỏ với ông I-xa-ác, giúp Gia-cóp trốn về nhà ông ngoại (St 28,2). Tại đây Gia-cóp được người anh của mẹ (trong tiếng Việt, ngrười miền Bắc gọi là bác, người miền Nam gọi là cậu) tên là La-ban đón về nuôi và gả hai cô con gái Lê-a và Ra-khen cho Gia-cóp. Gia-cóp lại mánh mung làm giàu từ một phần đàn chiên bố vợ chia cho ông để trả công. Sự thành công của Gia-cóp gây ra sự ghen tức của các con trai ông La-ban, khiến chính ông La-ban cũng tỏ thái độ không thân thiện. Thiên Chúa bảo Gia-cóp trốn trở về quê nội.
Gia-cóp đem vợ con và đàn vật trở về đất Ca-na-an, làm hòa được với E-sau, rồi định cư tại “đất mà cha của ông đã trú ngụ, là đất Ca-na-an” (St 37, 1).
Trong thời gian ở quê ngoại, ông Gia-cóp đã sinh được 11 người con, trên đường trở về đất Ca-na-an, bà Ra-khen sinh đứa con thứ hai và là thứ mười hai trong các con ông Gia-cóp, và bà đã chết sau khi sinh đứa con này. Trước khi tắt thở, bà đặt tên cho nó là Ben-ộ-ni (con của nỗi đau của tôi), nhưng ông Gia-cóp đặt tên lại cho nó là Ben-gia-min (con của tay phải= mạnh) vì ông đã già mà còn sinh được đứa con trai này. Ông Gia-cóp vốn thương bà Ra-khen ngay khi gặp nhau bên bờ giếng ngày đầu tiên, vì nàng “sắc xảo mặn mà, so bề tài sắc lại là phần hơn” (x. truyện Kiều). Nhưng khi giữ đúng giao kèo, gả con gái cho Gia-cóp sau bảy năm phục vụ ông, thì ông La-ban lại đánh tráo, sau ngày đầu của tiệc cuới, đêm tân hôn ông đưa cô chị Lê-a “mắt lờ đờ” (St 29, 17) vào lều cho Gia-cóp. “Tối lửa tắt đèn”, Gia-cóp tưởng đã lấy được người mình yêu. Sáng ra mới thấy “người thật việc thật”. Gia-cóp khiếu nại, ông La-ban chống chế: “Phong tục ở đây như thế, không được gả em trước khi gả chị. Thôi con cứ hưởng tuần lễ cưới với đứa này đã, rồi cha sẽ gả cho con cả đứa kia, để bù lại công con phục vụ ở nhà cha thêm bảy năm nữa” (x. St 29, 15-30).
Lấy được người mình yêu rồi thì phục vụ thêm bảy năm nữa có là bao. Trớ trêu là người vợ được yêu thì chờ mãi chẳng sinh được mụn con, còn người vợ không được yêu thì lại được Thiên Chúa bù, cho bà sinh một chuỗi liên tiếp bốn đứa con trai : Rưu-ven, Si-mê-ôn, Lê-vi và Giu-đa. Niềm hy vọng của bà sau mỗi lần sinh là “sẽ được chồng yêu” nhờ đã sinh cho ông một đứa con trai (x. St 29, 31-35). Đến phiên Ra-khen “ghen với chị” và bắt đền ông Gia-cóp. Ông Gia-cóp trả lời: “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ”(St 30, 1-2). Bà Ra-khen nảy ra sáng kiến: “Đây Bin-ha, nữ tỳ của tôi, ông hãy đi lại với nó, để nó sinh con trên đầu gối tôi và nhờ nó mà cả tôi nữa cũng có con.”
Thế là bà đã theo sách của bà nội ông Gia-cóp: bà Sa-ra hiếm muộn, bà đề nghị với ông Áp-ra-ham: “Xin ông đi lại với nữ tỳ Ha-ga của tôi, may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con”. Bà được như ý… Nhưng thảm kịch gia đình nổ ra ngay. Bà trách ông Áp-ra-ham: “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi”. Bà Sa-ra tỏ ra cao tay: “Bà hành hạ Sa-ra khiến nàng phải trốn đi” (St 16, 1-6). Do sự can thiệp của Thần Sứ Thiên Chúa, Ha-ga quay lại sinh con trong nhà ông Áp-ra-ham. Nhưng khi bà Sa-ra đã sinh được I-xa-ác thì bà thẳng tay bắt ông Áp-ra-ham phải đuổi mẹ con Ha-ga đi (x. St 20, 8-21)[1].
Ra-khen đã thành công. Bin-ha sinh cho bà một đứa con trai. Bà sung sướng đặt tên cho nó là “Đan” vì “Thiên Chúa đã xét xử cho tôi; Người cũng đã nghe tiếng tôi và đã cho tôi một đứa con trai” (St 30, 7). Bin-ha lại sinh cho bà một đứa con trai nữa. Ra-khen nói: “Tôi đã chiến đấu với chị tôi những cuộc chiến đấu thần thánh, và tôi đã thắng”; và bà đặt tên cho nó là Náp-tha-li”. Nhưng bà chị Lê-a cũng chưa chịu cho cô em chiến thắng. Bà hết sinh nở rồi, nhưng bà nhập cuộc “chạy đua vũ trang”; bà cũng áp dụng sách của Ra-khen. Lê-a cũng có một nữ tỳ tên là Din-pa. Bà yêu cầu ông Gia-cóp đi lại với Din-pa. Din-pa sinh liên tiếp hai đứa con trai, bà Lê-a lần lượt thấy mình “may mắn quá” và “hạnh phúc biết bao” sau mỗi đứa con Din-pa sinh cho bà[2].
Một chuyện “bây giờ mới kể”, cho chúng ta thấy rõ nỗi cay đắng của “cuộc chiến thần thánh” giữa hai chị em, và như hé cho thấy tại sao bà Lê-a ngừng sinh đẻ sau một loạt bốn thằng con trai. Chuyện xảy ra vào mùa gặt. Rưu-ven (con trai cả của Lê-a) ra đồng, hái được mấy trái ngải sâm đem về cho mẹ. Ra-khen xin: “Xin chị cho em mấy quả ngải sâm của con chị”. Ai ngờ quả bom nổ chậm vẫn nằm im bao lâu nay giữa hai chị em bỗng nổ tung: “Đoạt chồng của tôi, đối với cô chưa đủ hay sao, mà cô lại muốn lấy cả quả ngải sâm của con tôi nữa?” Không biết vì quá thèm trái ngải sâm hay vì muốn làm hòa với chị, Ra-khen đề nghị đánh đổi: “Thế thì ông ấy cứ nằm với chị đêm nay, để đổi lấy mấy quả ngải sâm của con chị”. Chuyện như đùa mà có thật! “Đến chiều, khi ông Gia-cóp ở ngoài đồng về; bà Lê-a ra đón ông và bảo: “Ông phải đến với tôi, vì tôi đã bỏ ra mấy quả ngải sâm của con tôi để đổi lấy ông”. Và ông đã nằm với bà đêm ấy”. Thiên Chúa cũng nhập cuộc: “Thiên Chúa đã nhận lời bà Lê-a. Bà có thai và sinh một người con trai thứ năm cho ông Gia-cóp. Bà Lê-a nói: Thiên Chúa đã trả công cho tôi, vì tôi đã hiến nữ tỳ của tôi cho chồng tôi”… Bà Lê-a lại có thai và sinh một người con trai thứ sáu cho ông Gia-cóp. Bà Lê-a nói: “Thiên Chúa đã tặng tôi một món quà quý. Phen này chồng tôi sẽ ở với tôi, vì tôi đã sinh cho ông sáu đứa con trai”… Sau đó bà lại sinh một đứa con gái và đặt tên nó là Đi-na” (St 30, 1-31). Cô con gái rượu này sẽ mang tai họa cho dân Si-khem (x. St 34).
Mỗi lần đặt tên cho một đứa con, ta lại thấy được nỗi lòng của mỗi người vợ. Điệp khúc của bà Lê-a là: “bây giờ thì chồng tôi sẽ yêu tôi”; “Đức Chúa đã nghe biết là tôi không được yêu”; “phen này thì chồng tôi sẽ gắn bó với tôi”; sau đứa con thứ tư thì bà nói “Phen này thì tôi sẽ tạ ơn Đức Chúa”. Khi nữ tỳ của bà sinh đứa con trai thứ nhất thì bà nói “tôi may mắn quá”; đứa thứ hai thì bà nói “tôi hạnh phúc quá”. Đến phiên bà lại đích thân sinh đứa con thứ năm thì bà nói: “Thiên Chúa trả công cho tôi vì tôi đã hiến nữ tỳ của tôi cho chồng tôi”. Khi bà sinh đứa con thứ sáu thì niềm hy vọng lại vươn lên trong lòng bà: “Phen này chồng tôi sẽ ở với tôi, vì tôi đã sinh cho ông sáu đứa con trai”. Những lời tâm sự của bà cho thấy thân phận của bà: là người vợ không được yêu, bà đã chịu số phận “ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài”, mà một nữ thi sĩ Việt Nam đã diễn tả nỗi đắng cay ai oán: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng…” Trong nếp sống du mục, hai bà vợ thì tất nhiên mỗi bà có một lều. Ông Gia-cóp “thường trú” trong lều bà vợ yêu. Lúc đầu vì ham con thì ông còn năng lui tới với bà Lê-a, nhưng sau khi được bốn thằng con trai, thì có vẻ ông giống cá lia thia: “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Bởi vì ông có bao giờ thật lòng muốn cưới Lê-a làm vợ đâu! Nhờ mấy trái ngải sâm bà mới “chuộc” được ông, rồi được trớn nhờ đứa con thứ năm, bà có thêm đứa con thứ sáu và một cô con gái “đội sổ”. Nhưng xem ra ước mong của bà “chồng tôi sẽ ở với tôi” cũng chưa thành sự thật. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Gia-cóp đổi “địa chỉ thường trú”.
Chuyện kể tiếp: “Thiên Chúa nhớ đến bà Ra-khen, Thiên Chúa đã nhận lời bà và đã cho bà sinh đẻ được. Bà có thai và sinh một đứa con trai. Bà nói: “Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi”; bà đặt tên cho nó là Giu-se, bà nói: Xin Đức Chúa thêm cho tôi một đứa con trai khác”. Thiên Chúa cũng nhận lời bà, cho bà thêm một đứa con trai nữa, nhưng bà phải trả giá bằng chính mạng sống của bà[3].
Hai chị em mang hai nỗi khát vọng: người không được yêu thì Chúa cho bù nhiều con, nhưng chỉ mong được yêu. Người được yêu thì lại hiếm hoi, muộn màng, chỉ mong có con. Nhưng giữa hai chị em có một cuộc chiến dai dẳng, chỉ một lần bùng nổ cũng đủ cho ta thấy sức nặng của nó. Cuộc chiến này đi vào huyết quản của những đứa con. Sáu đứa con của bà Lê-a làm sao quên được nỗi đau của mẹ phải chịu số phận hẩm hiu “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài”. Bốn đứa con của hai người nữ tỳ, cũng thấy và chung phần thân phận “nữ tỳ” của mẹ. Thế là cái mầm mống ganh tị đã nối kết mười đứa con này với nhau.
Thêm vào đó, ông Gia-cóp tiếp tục dồn tình yêu dành cho bà vợ yêu sang hai đứa con của bà, nhất là cho Giu-se. “Ông Ít-ra-en[4] yêu Giu-se hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay”. Cái lý do “ông đã già mới sinh được cậu” xem ra là lý do bề mặt thôi, lý do sâu xa là ông thấy ở nó hình ảnh của mẹ nó. Tình yêu đặc biệt dành cho nó chỉ là sự nối dài của tình yêu ông đã dành cho mẹ nó. Hậu quả tất yếu không phải chờ lâu: “Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và và không thể nói năng tử tế với cậu”. Đó là cách biểu lộ tối đa lúc này, vì Giu-se được cha “nâng như nâng trứng”, các anh đâu có thể làm gì hơn.
Chính Giu-se lại đổ dầu vào lửa. Chuyện thứ nhất: “Giu-se được mười bảy tuổi thì đi chăn chiên dê với các anh. Khi ấy cậu còn trẻ, cậu đi với các con trai bà Bin-ha và các con trai bà Din-pa, là các bà vợ của cha cậu. Cậu mách cha tiếng đồn không hay về họ”
Chuyện thứ hai. Với tâm hồn ngây thơ trong trắng, đuợc cha bao bọc, Giu-se chưa hiểu được cái khúc mắc trong tương quan giữa cậu với mười người anh em cùng cha khác mẹ kia, nên cậu kể những giấc chiêm bao (St 37, 8-11) khiến chính ông Gia-cóp cũng phải kinh ngạc: “Giấc chiêm bao mày đã thấy là gì? Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày hay sao?” Tuy nhiên ông đã gồm thâu cả trái tim của Ra-khen để yêu thương đứa con mồ côi mẹ, nên “ông ghi nhớ điều ấy”. Các anh nghe những chuyện ấy thì “ghen với cậu”. Thế là đủ cặp “ghen – ghét” rồi!
Hồi thứ nhất: đường đi tìm các anh
Xem ra chính ông Gia-cóp cũng chưa lường được sự ghen ghét của các anh đối với Giu-se đã tới mức nào. Ông sai Giu-se: “Các anh con đang chăn chiên dê tại Si-khem phải không? Lại đây, cha sai con đến với các anh. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Ông bảo cậu: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha”. Rồi ông sai cậu đi từ thung lũng Khép-rôn, và cậu đến Si-khem”.
Khép-rôn là nơi ông Áp-ra-ham đã ở, và đã mua đất làm phần mộ của gia đình. Si-khem là nơi ông Gia-cóp ở khi từ quê ngoại trở về. Sau vụ các con ông trả thù dân Si-khem về chuyện cô Đi-na bị làm nhục, ông Gia-cóp di chuyển xuống phía nam về với ông I-xa-ác ở Khép-rôn (x. St 34,1 – 35, 29).
“Có người gặp thấy Giu-se đi lang thang ngoài đồng: người đó hỏi cậu rằng: “Anh tìm gì đấy?” Cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi”… Nhờ người tốt bụng chỉ chỗ, “Giu-se theo các anh và tìm thấy họ ở Đô-than”.
Giu-se đã đi hơn 100 cây số, hẳn cậu mừng rỡ vì tuởng mình đã thấy các anh. Nhưng “Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu.” Họ bảo nhau: Thằng tướng chiêm bao đang đến kìa! Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu!”
Xem ra những chiêm bao của Giu-se đã đẩy sự ghen ghét tới tột độ. Ông Gia-cóp đã đọc ra ý nghĩa: “Tao, mẹ mày và các anh em mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày sao?” Nhưng ông chỉ giữ trong lòng. Còn các anh cũng đọc ra ý nghĩa ngay từ giấc chiêm bao đầu tiên: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?” Và họ càng ghét cậu thêm, vì những chiêm bao và những lời nói của cậu.” Âm mưu của họ hôm nay nhằm thách đố những giấc chiêm bao của Giu-se: giết Giu-se để xem những chiêm bao của cậu đi tới đâu.
- Con đường đi xuống, rơi vào tay một bọn sát nhân
Họ bàn nhau “giết và ném nó xuống một cái giếng”. Người anh cả là “Rưu-ven tìm cách cứu em khỏi tay họ”, đề nghị: “Đừng đổ máu, cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa-mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó.” Họ chấp nhận đề nghị của Rưu-ven. “Vậy khi Giu-se đến chỗ các anh, thì họ lột chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc. Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng: giếng đó cạn, không có nước. Rồi họ ngồi xuống dùng bữa”.
Lời cuối cùng ta nghe từ miệng Giu-se là: “Tôi đang đi tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăm ở đâu?” Sự ghen ghét đã khiến “các anh không thể nói năng tử tế với cậu”, bây giờ đã trở thành bạo lực. Ta không nghe thấy cả đến tiếng kêu khóc của Giu-se. Giu-se đã biến khỏi chân trời của họ. Họ có thể thản nhiên ngồi ăn uống. Sự tàn bạo đã đến tột đỉnh.
Đến đây ta bỗng thấy hai truyền thuyết về việc Giu-se bị bán đuợc ghi nhận mà không giải thích. Truyền thuyết thứ nhất là do sự can thiệp của Giu-đa, con trai thứ tư của bà Lê-a. Sau khi quăng em xuống giếng, họ cúi xuống bữa ăn. Khi ngước mắt lên, họ thấy một đoàn người It-ma-en với lạc đà chở hàng xuống Ai-cập. Một giải pháp khác xuất hiện. Giu-đa đề nghị: “Giết em và phủ lấp máu nó[5] thì chẳng được ích gì? Thôi, ta hãy bán nó cho người It-ma-en, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta”. Các anh em nghe cậu.”
Truyền thuyết thứ hai lại kể: “Những lái buôn người Ma-đi-an đi qua đó kéo Giu-se lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người It-ma-en hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giu-se xuống Ai-cập”. Hai truyền thuyết khác nhau ở điểm ai bán Giu-se cho người It-ma-en, trùng nhau ở điểm người It-ma-en mua Giu-se và đưa xuống Ai-cập.
Sau khi cho ta biết điểm tới của Giuse, chuyện tiếp tục cho ta biết phần thứ hai trong kế hoạch của các anh: “Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó”. Họ không nói rõ là họ sẽ nói với ai, nhưng chỉ có một người họ cần phải báo tin về Giu-se là ông Gia-cóp, cha của họ. Kế hoạch của họ cũng tinh vi: “Họ lấy áo chùng của Giu-se, giết một con dê đực[6], rồi nhúng áo chùng vào máu. Họ gởi người mang cái áo chùng dài tay về cho cha họ và nói: “Chúng con đã thấy cái này. Xin cha nhận ra xem có phải là áo của con cha hay không.”
Chú ý là họ gởi người đem về chứ không ai đích thân về. Họ lạnh lùng với cha đến thế. Họ để cha tự rút kết luận. Cái áo này thì ông Gia-cóp phải nhận ra ngay, không lầm vào đâu được. Cái áo đẫm máu, mang đi cả trăm cây số thì đã khô cứng. Ông Gia-cóp đâu có phương tiện ngày nay để phân biệt được máu người hay máu thú vật. “Ông nhận ra cái áo và kêu lên: Áo chùng của con tôi đây! Thú dữ đã ăn thịt nó! Giu-se đã bị xé xác rồi!” Kế hoạch của họ đã thành công.
Chuyện ngược đời xảy ra: cha để tang con! “Ông Gia-cóp xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giu-se lâu ngày”. Bây giờ thì “Tất cả các con trai con gái ông đến an ủi ông, nhưng ông không để cho người ta an ủi; ông nói: “Cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ”. Và cha cậu khóc thương cậu.” Mười người anh mang “nước mắt cá sấu”về an ủi cha và họ để cho ông sống trong nỗi tuyệt vọng. Ở phần trên ta chỉ thấy nói đến một cô con gái là Đi-na, bây giờ lại nói đến “tất cả các con trai con gái ông”. Cô Đi-na được nhắc đến vì cô là nguyên cớ cho việc tàn sát dân Si-khem. Những cô con gái khác không được kể đến, vì phong tục trọng nam khinh nữ giống Việt Nam xưa: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một đứa con trai cũng là có, mười đứa con gái cũng là không). Thế là ông Gia-cóp đã gieo hạt giống ghen ghét trong gia đình với vợ yêu vợ ghét, con yêu con ghét, thì bây giờ phải ăn trái đắng.
Số phận thật của Giu-se được kể tiếp, nhưng lại tiếp tục truyền thuyết về lái buôn người Ma-đi-an: “Người Ma-đi-an đem bán cậu tại Ai-cập cho ông Pô-ti-pha, là thái giám của Pha-ra-ô và là chỉ huy thị vệ.”[7]
Câu chuyện tạm dừng ở đây, với việc Giu-se đã có một “bãi đáp“ có vẻ may mắn, nhường chỗ cho câu chuyện về dòng dõi ông Giu-đa, giống như khi xem một bi kịch dài, giữa chừng có một kịch ngắn chen vào, cho bớt căng thẳng.
- Con đường đi xuống, rơi xuống ngục tù
Câu chuyện tới đây xem ra chỉ là chuyện xung khắc giữa anh em trong gia đình. Nhưng người kể bắt đầu nối lại với câu chuyện của Gia-cóp khi trốn về quê ngoại, cho ta thấy bàn tay Thiên Chúa can thiệp: “Ông Pô-ti-pha… đã mua cậu từ tay những người Ít-ma-en, là những người đã đứa cậu xuống đó. Đức Chúa ở với Giu-se và cậu là một con người thành công”. Khi ông Gia-cóp trốn về quê ngoại, Thiên Chúa đã hiện ra với ông trong giấc mộng ở Bê-ten và nhắc lại cho ông lời Chúa đã hứa với Áp-ra-ham. “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (x. St 28, 10-22). Ông La-ban đã nhận ra: “Nhờ bói toán, cha biết được Đức Chúa đã vì con mà chúc phúc cho cha” (St 30, 27) Ông Pô-ti-pha cũng nhận ra: “Chủ cậu thấy rằng Đức Chúa ở với cậu và mọi việc cậu làm thì Đức Chúa cho thành công… Đức Chúa chúc phúc cho nhà người Ai-cập; phúc lành của Đức Chúa xuống trên mọi tài sản của ông, trong nhà cũng như ngoài đồng. Tài sản của ông, ông phó mặc tất cả trong tay Giu-se, và có Giu-se thì ông không còn lo gì cả, chỉ biết đến bữa là ăn”.
Bấy lâu nay ta chỉ thấy Giu-se được cha yêu hơn các anh vì “ông đã già mới sinh được cậu”. Nay ông được chủ tín nhiệm vì “cậu là một con người thành công”. Người kể bỗng cho ta biết thêm một điều: “Giu-se lại có duyên và đẹp trai”. Cái gì sẽ xảy ra?
“Có duyên và đẹp trai” nên bà chủ để mắt tới cậu. Ông Pô-ti-pha là “thái giám và chỉ huy thị vệ” nên suốt ngày bận việc quan. Việc nhà thì đã có Giu-se quán xuyến tuyệt vời. Bà chủ chỉ có ngồi chơi xơi nước, đánh móng tay, thoa móng chân, đi ra đi vô… cho hết ngày. Không biết ông là “thái giám” theo nghĩa nào? Nếu ông là “thái giám” theo nghĩa của Việt Nam thì thật là tội nghiệp cho bà. Còn nếu ông được gọi là thái giám chỉ vì là “quản gia của nhà vua”, bà chủ ở nhà từ sáng đến tối cứ thấy chàng thanh niên “có duyên và đẹp trai” đi ra đi vô, đi lên đi xuống, thì khác nào con mèo thấy cục mỡ đu đưa trước mặt. Con mèo vờn hoài mà cục mỡ không chịu rơi vào tay. Giu-se có Chúa ở với cậu thì cậu cũng là người công chính, kính sợ Thiên Chúa nên luôn nói “không” với lời mời mọc của bà chủ. Nhưng rồi …
Một ngày kia tai họa ập xuống, khi con mèo thấy vắng người, nhảy lên chộp cục mỡ…
Giu-se chạy thoát, nhưng chiếc áo còn lại trong tay bà chủ. Bà giữ áo làm tin. Nhưng không phải thơ mộng như ca dao Việt Nam: “Hôm qua tát nước đầu đình – để quên chiếc áo trên ngành hoa sen – em được thì cho anh xin – hay là em giữ làm tin trong nhà.”
Hụt ăn lại té đau, con mèo trả thù. Ngậm máu phun người: bà tru tréo gọi người nhà và bắt họ làm chứng: “Các người xem đấy, người ta đã đưa về cho chúng ta một tên Hip-ri để đú đỡn với chúng ta. Hắn đã đến với tôi để nằm với tôi, nhưng tôi đã lớn tiếng kêu. Khi nghe tôi cất tiếng kêu, thì hắn bỏ áo lại bên cạnh tôi, chạy trốn và ra ngoài.”
“Bà để áo cậu bên cạnh mình cho đến khi ông chủ cậu về nhà”. Bà ca lại đủ sáu câu vọng cổ lâm ly ai oán, khiến “ông chủ đùng đùng nổi giận. Ông chủ của Giu-se bắt cậu và tống vào nhà tù, nơi các tù nhân của nhà vua bị giam giữ.” Vẫn còn chút may mắn, vì Giu-se không bị tống vào nhà tù hình sự, nhưng nhà tù dành cho quan chức trong triều đình. Lần trước bị anh em lột áo đẹp bán làm nô lệ, lần này bị bà chủ giữ áo kêu chồng bỏ Giu-se vào thù
Thế là bãi đáp an toàn thứ nhất bỗng trở thành cầu trượt để rớt xuống đáy: vào tận nhà tù.
- Con đường đi lên, ở với hai quan lớn trong tù
“Bĩ cực thái lai”. Đức Chúa đã hứa với ông Gia-cóp: “Ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi”, nay Đức Chúa cũng giữ lời hứa ấy với đứa con yêu dấu của ông. “Bấy giờ Giu-se bị cầm tù, nhưng có Đức Chúa ở với cậu. Người tỏ lòng yêu thương cậu và cho cậu được cảm tình của viên quản đốc nhà tù. Viên quản đốc nhà tù giao phó cho Giu-se hết mọi tù nhân trong nhà tù, và tất cả những gì họ làm, đều do cậu cho làm. Viên quản đốc nhà tù chẳng ngó ngàng chi đến tất cả những công việc đã giao phó cho Giu-se, vì Đức Chúa ở với cậu, và điều gì cậu làm thì Đức Chúa cho thành công”.
Cơ may lại tới khi hai vị quan hầu cận của vua Pha-ra-ô, người dâng bánh và người dâng rượu, bị thất sủng và bỏ vào nhà tù nơi Giu-se đang ở. Giu-se, người nô lệ ở tù, lại được giao việc hầu hạ hai quan lớn. Lời cuối cùng chúng ta nghe từ miệng Giu-se là khi trả lời một người hỏi cậu: “Anh đi tìm gì đấy”và cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăn ở đâu?” Nay ta mới lại thấy cậu mở miệng.
Một buổi sáng, Giu-se đến với hai quan lớn, “thấy họ ủ rũ”. Cậu lên tiếng hỏi: “Sao hôm nay mặt mày các ông buồn bã thế?” Họ trả lời cậu: “Chúng tôi đã chiêm bao mà không ai giải thích cho”. “Ông tướng chiêm bao” ngày nào, nay trở thành người giải thích chiêm bao. Cậu nói ngay: “Giải thích chẳng phải là việc của Thiên Chúa sao? Nhưng xin hai ông cứ kể cho tôi”. Quan dâng rượu kể trước. Giu-se giải thích như điềm may, báo cho biết ba ngày nữa ông sẽ được “vua nâng đầu lên” nghĩa là phục chức cho ông. Sẵn dịp, Giu-se tâm sự với ông về hoàn cảnh oan ức của mình: bị bắt cóc, bị tù oan, và xin ông khi được phục chức thì nhớ đến cậu, tâu xin vua đưa cậu ra khỏi nhà này.
Quan dâng bánh nghe lời giải thích thuận lợi, cũng phấn khởi kể giấc mơ của mình. Lời giải thích: “Ba ngày nữa vua sẽ nâng đầu ông lên khỏi thân ông. Vua sẽ treo ông lên cây, và chim choc sẽ rỉa thịt ông”.
Mọi chuyện diễn ra đúng như lời “ông tướng chiêm bao” giải thích. Nhưng quan dâng rượu đã được phục chức “không nhớ đến Giu-se, ông đã quên mất cậu”.
- 4. Con đường đi lên, lên xa giá thứ hai của Pha-ra-ô
Giu-se tiếp tục thân phận trong nhà tù.
“Hai năm sau, Pha-ra-ô chiêm bao… “, hai lần trong một đêm. “Sáng ngày ra, tâm thần vua xao xuyến, vua vời tất cả các phù thuỷ và hiền sĩ Ai-cập đến. Pha-ra-ô kể lại cho họ các giấc chiêm bao của mình, nhưng không có ai giải thích được cho vua”. Bấy giờ quan dâng rượu mới nhớ lại chuyện cũ và tâu với vua về chuyện “một chàng thanh niên Hip-ri, nô lệ của viên chỉ huy thị vệ… Anh ta đã giải thích cho chúng tôi các chiêm bao của chúng tôi…Sự việc đã xảy ra như anh ta đã giải thích”.
Quả là chết đuối vớ được cọc! “Pha-ra-ô vời ông Giu-se đến. Người ta vội đưa cậu ra khỏi hầm. Cậu cạo râu, cắt tóc, thay quần áo vào chầu vua”.
Vua nói với Giu-se: “Ta đã chiêm bao mà không có ai giải thích. Ta đã nghe nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại chiêm bao là giải thích được. Giu-se thưa vua Pha-ra-ô rằng: “Không phải tôi, mà là Thiên Chúa sẽ cho câu trả lời đem lại bình an cho Pha-ra-ô”.
Vua kể hai giấc chiêm bao. Giu-se giải thích chiêm bao và kết luận: “sự việc đã được Thiên Chúa quyết định và Thiên Chúa sẽ thực hiện.”
Giu-se còn vượt quá việc giải thích: cậu hiến kế cho Pha-ra-ô: “Vậy bây giờ xin Pha-ra-ô xem có người nào thông minh và khôn ngoan thì đặt người ấy cai quản xứ Ai-cập…”
Vua nói với triều thần: “Chúng ta tìm đâu được một người như người này, một người có Thần Khí Thiên Chúa?” Vua lập tức tấn phong Giu-se: “Coi đây, Ta đặt ông cai quản toàn cõi Ai-cập”. Pha-ra-ô rút nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giu-se, mặc cho ông y phục vải gai mịn, và đeo vào cổ ông chiếc vòng vàng.Vua cho ông lên xa giá thứ hai của vua, và người ta hô trước mặt ông: “Quỳ xuống!”.
Đường đi xuống, hai lần mất áo, rơi xuống đáy; đường đi lên, hai lần thay áo, lần thứ hai thì chính Pha-ra-ô mặc cho áo vải gai mịn. Lên tới đỉnh!
Đặt làm quan rồi, Pha-ra-ô mới trao quốc tịch: “Pha-ra-ô nói với ông Giu-se: “Ta là Pha-ra-ô. Không có lệnh của ông, không ai được cử động tay chân trong toàn cõi Ai-cập. Pha-ra-ô đặt tên cho ông Giu-se là Xóp-nát Pa-nê-át và gả cô Át-nát cho ông, cô là con gái ông Pô-ti Phê-ra, tư tế thành Ôn. Ông Giu-se đi kinh lý xứ Ai-cập.”
Quả là như một giấc mơ. Sau cơn ác mộng kéo dài từ khi bị các anh quăng xuống giếng, bị đem xuống Ai-cập, làm nô lệ rồi bị quăng vào hầm giam tù. Hôm nay trời lại sáng, sáng rực rỡ. Cũng vì “có duyên và đẹp trai” mà bị tù oan. Hôm nay được kéo lên khỏi hầm ngục tù, cạo râu, cắt tóc, mặc áo vải gai mịn, đeo nhẫn của vua, đeo vòng vàng, lên xa giá thứ hai của nhà vua. Là nô lệ trong nhà Pô-ti-pha, thì chủ giao phó mọi việc. Vào tù thì lại được quản đốc nhà tù giao phó mọi tù nhân trong nhà tù, “và tất cả những gì họ làm, đều do cậu cho làm”. Và từ hôm nay thì “trong cả nước Ai Cập, không ai đuợc cử động tay chân nếu không có lệnh của ông”. Pha-ra-ô chỉ còn hơn ông có cái ngai vua! Thế là khi đưa Giu-se qua những chặng đường gian truân, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho cậu để cai quản toàn cõi Ai-cập. “Ông Giu-se được ba mươi tuổi khi ra trình diện Pha-ra-ô, vua Ai-cập”.
Bảy năm sung túc trên toàn cõi Ai-cập. Giu-se đã được hai đứa con trai. Tên mỗi đứa con diễn tả tâm sự của ông: đứa thứ nhất, Mơ-na-se: “Thiên Chúa đã làm cho tôi quên đi mọi gian khổ của tôi và tất cả nhà cha tôi”; đứa thứ hai, Ép-ra-im: “Thiên Chúa đã cho tôi sinh sôi nảy nở trong xứ tôi phải chịu khổ cực”. Phải chăng Giu-se đã thực sự quên “tất cả nhà cha tôi”?
Hồi thứ hai: tìm các anh
- Bọn do thám
Thời hạn hán đã tới. Không chỉ đất Ai-cập bị mất mùa, đói kém. Ca-na-an cũng chung số phận. Tin tốt cũng lan tới tai ông Gia-cóp. Ông nói với các con: “Sao các con cứ ngồi nhìn nhau?… Cha nghe nói bên Ai-cập có lúa bán; các con hãy xuống đó mua lúa về, để chúng ta sống chứ không phải chết.” Khi muốn khử trừ “ông tướng chiêm bao” thì các anh có giải pháp ngay. Bây giờ đến chuyện sống chết của cả gia đình thì các anh “ngồi nhìn nhau”! May mà ông Gia-cóp nghe được tin. Ông sai muời người anh đi, nhưng giữ Ben-gia-min ở nhà vì ông nói: “Lỡ ra nó gặp tai họa”.
Giu-se tưởng đã “quên được tất cả nhà cha tôi”. Nhưng kìa mười kẻ đồng lõa giết em thuở nào bỗng xuất hiện trong đám người đến mua lúa. Họ làm sao nhận ra “ông tướng chiêm bao” nơi nhân vật đầy uy quyền này. “Họ sấp mặt xuống đất lạy ông”. Lời ông Gia-cóp giải thích chiêm bao của Giu-se bỗng ứng nghiệm trước mắt ông. Ông bình tĩnh đóng kịch. Ông làm như người xa lạ đối với họ, và nói với họ cách cứng cỏi: “Các ngươi từ đâu đến?” Họ đáp: “Thưa từ Ca-na-an, để mua lương thực.” Giu-se bắt đầu buộc tội họ là một bọn đồng lõa đi do thám.
Để chứng minh họ là người lương thiện, họ kể hoàn cảnh gia đình: “Chúng tôi đều là con cùng một cha.” Giu-se tiếp tục buộc tội. Họ kể thêm: “Các tôi tớ ngài là mười hai anh em, chúng tôi là con cùng một cha, ở đất Ca-na-an. Đứa út hiện ở nhà với cha, còn một đứa thì không còn nữa”. Không hỏi mà khai! Giu-se vẫn tỉnh bơ kết luận: “Đúng như ta đã nói với các ngươi; các ngươi là bọn do thám!” Gia đình gồm cha và mười hai an hem là lý chứng duy nhất của họ để chứng minh họ là ngươi lương thiện.
Giu-se bắt đầu thử thách tình anh em của họ: “Ta sẽ thử thách các ngươi thế này: Ta lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề rằng các ngươi sẽ không được ra khỏi đây, trước khi đứa em út của các ngươi đến. Hãy cho một anh em về tìm đứa em, còn các ngươi thì phải ở tù. Ta sẽ thử xem lời các ngươi nói có đúng sự thật hay không. Bằng không, ta lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề rằng : các ngươi là bọn do thám.” Rồi ông giam giữ họ ba ngày.
Để tỏ ra mình là Ai-cập chính tông, hai lần ông “lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề”. Nhưng khi giáp mặt lại sau ba ngày, ông lại nói: “Các ngươi muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các ngươi là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà tù này, còn các người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi đói. Rồi các ngươi hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy giờ sẽ rõ là các ngươi nói đúng, và các ngươi sẽ không phải chết.” Họ đã làm như vậy.” Ông đảo ngược giải pháp ban đầu. Nhưng bấy nhiêu đủ để cho mười người nhớ lại những gì họ đã làm cho Giu-se, và họ tự trách mình. Đến đây người kể mới cho chúng ta biết là ông Giu-se dùng thông ngôn để nói với họ. Nhưng ông không quên tiếng mẹ đẻ, nên khi họ tự trách mình thì ông nghe được hết. Bây giờ chúng ta mới biết là khi bị các anh lột áo quăng xuống giếng thì Giu-se đã năn nỉ các anh. Nay thì họ năn nỉ ông. Ông làm mặt ngầu với họ, nhưng lòng ông đâu phải là khối đá. “Bấy giờ ông lánh ra chỗ khác mà khóc, sau đó mới trở lại nói chuyện với họ. Trong số họ, ông bắt Si-mê-ôn và cho trói trước mặt họ”. Ông không bắt Rưu-ven là anh cả, vì Rưu-ven đã tìm cách cứu ông. Si-mê-ôn là người con thứ hai của bà Lê-a, mang tâm sự của bà: “Đức Chúa đã nghe biết là tôi không được yêu”.
Sau màn công khai tỏ uy quyền và răn đe rất thành công, thì ở hậu trường Giu-se lại ra lệnh “đổ đầy lúa mì vào bao của họ, và trả lại bạc, của ai thì để vào bao người ấy, đồng thời cho họ lương thực ăn đường.”
“Họ chất lúa mì của mình lên lưng lừa và đi khỏi đó”. Nhưng đến chỗ nghĩ đêm thì một người hát hiện bạc của mình được trả lại ở miệng bao lúa. “Họ hết hồn hết vía, kinh hoàng nói với nhau: “Thiên Chúa làm gì cho chúng ta thế này”. Từ đầu câu chuyện tới bây giờ ta mới nghe những người này nói đến Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời họ!
- Bọn cướp
Về đến nhà họ kể cho cha những gì đã xảy ra và điều kiện để có thể xuống mua lúa lần nữa. Rồi họ phát hiện điều kinh hoàng hơn nữa khi đổ lúa ra: “mỗi người thấy trong bao có túi bạc của mình. Thấy những túi bạc, họ và cha họ phát sợ”. Nhưng ông Gia-cóp chỉ quan tâm tới những đứa con. “Chúng mày cướp con tao: Giu-se không còn nữa. Si-mê-ôn không còn nữa, mà Ben-gia-min chúng mày cũng muốn bắt đem đi. Mọi chuyện đổ lên đầu tao!”
Thật là khốn khổ, xuống Ai-cập mua lúa thì bị “ông chúa xứ ấy ăn nói cứng cỏi và coi chúng con là bọn do thám”. Về nhà thì lại bị cha mắng là bọn cướp, không phải cướp của mà cướp người: “Chúng mày cướp con tao!”
Lại Rưu-ven, người con cả lên tiếng năm nỉ cha cho em đi và cam đoan sẽ đưa em trở về. Nhưng ông Gia-cóp cương quyết: “Con tao sẽ không xuống đó với chúng mày, vì anh nó đã chết, chỉ còn lại một mình nó thôi. Nó mà gặp tai họa trong chuyến đi chúng mày sắp thực hiện, thì chúng mày sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải buồn sầu mà xuống âm phủ”. Lời đay nghiến thật khủng khiếp: chỉ có Ben-gia-min và Giu-se mới là “con tao”, chúng mày là bọn cướp! Mạng sống tao gắn với “con tao”. Con tao mà chết thì tao cũng chết theo vì buồn phiền. Khi Giu-se mất tích ông đã tuyên bố, “cha sẽ để tang mà xuống âm phủ với con cha”.
Nhưng lúa ăn sắp hết trong khi nạn đói trở nên trầm trọng hơn. Ông Gia-cóp lại giục các con xuống Ai-cập mua lúa. Lần này thì Giu-đa lên tiếng, nhắc lại điều kiện của “ông chúa xứ ấy”. Nhân dịp này ta mới biết thêm. Ở trên thì câu chuyện giữa họ với “ông chúa xứ ấy” được kể vắn gọn. Trong câu chuyện hôm nay, bị cha trách “sao lại đi khai với ông ấy rằng các con còn một đứa em?” thì họ kể rằng cuộc “điều tra lý lịch” dài hơn: “Ông ấy hỏi đi hỏi lại về chúng con và họ hàng chúng con; ông ấy hỏi :’Cha các ngươi còn sống không? Các ngươi có em không?’Chúng con cứ theo các câu hỏi mà khai với ông ta. Có ngờ đâu ông ấy sẽ bảo chúng con: Đưa em các ngươi xuống đây!” Rồi Giu-đa cam đoan sẽ đưa em về.
Phải chọn giữa sống và chết cho cả gia đình, ông Gia-cóp đành phải nhượng bộ. Ông bảo các con đem theo sản phẩm địa phương làm quà, đem gấp đôi số bạc để giao lại bạc lần trước và trả cho lần này. Ông phó thác cho Thiên Chúa: “Xin Thiên Chúa toàn năng làm cho ông ấy chạnh lòng thương các con, mà để cho người anh em kia và Ben-gia-min cùng về với các con. Còn cha, nếu phải mất con, thì cha đành chịu mất vậy.” Thế là ông Gia-cóp chấp nhận đổi mạng đứa con duy nhất để cả nhà được sống!
- Bữa ăn đoàn tụ không lời
“Họ đứng lên, xuống Ai-cập và vào trình diện ông Giu-se. Khi ông Giu-se thấy Ben-gia-min cùng đến với họ, thì nói với người quản gia của ông: “Anh đưa những người này về nhà, giết một con vật, và làm các món ăn, vì những người này sẽ dùng bữa với tôi trưa nay”.
Hôm ở Đô-than, sau khi quăng Giu-se xuống giếng thì các anh ngồi xuống ăn uống. Hôm nay có cả đứa em út thì Giu-se mời họ ăn trưa với ông. Đứng trước sự tử tế của “ông chúa xứ ấy” thì họ lại “suy bụng ta ra bụng người”. Hình ảnh họ xông vào lột áo Giu-se và quăng em xuống giếng trở thành mẫu cho họ tưởng tượng: “Chúng ta bị đưa đi vì chuyện số bạc đã được trả lại trong bao lúa của chúng ta lần trước. Người ta sắp xông tới, nhảy bổ vào chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ, và lấy lừa của chúng ta”. Tới lối vào nhà, họ đánh bạo nói với người quản gia về chuyện số bạc lần trước. Ông này trấn an và giải thích cho họ: “Thiên Chúa của các ông, Thiên Chúa của cha ông các ông đã đặt cho các ông một kho tàng trong các bao lúa của các ông… Sau đó ông đưa Si-mê-ôn ra cho họ”.
Vào trong nhà, quản gia “lấy nước cho họ rửa chân, lấy cỏ cho lừa của họ ăn”. Còn họ thì “bày quà ra”, chờ ông Giu-se về.
Khi ông Giu-se vào nhà, họ dâng quà, và “sụp xuống đất lạy ông”. Ông hỏi thăm ngay về cha của họ. Họ đáp: “Tôi tớ ngài, là cha của chúng tôi, vẫn được bình an, người vẫn còn sống”. Rồi họ quỳ sụp xuống lạy”… Họ nói “tôi tớ ngài là cha của chúng tôi… “ rồi họ quỳ sụp xuống lạy, tức là thay cho cha họ mà lạy. Chiêm bao thứ nhất của Giu-se là bó lúa của Giuse vươn dạy, “những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy”. Giấc chiêm bao thứ hai là “mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em”. Ông Gia-cóp nói: “Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống lạy mày sao?”Hôm trước mười anh đã sấp mặt xuống đất xuống đất lạy. Hôm nay thì mười một anh em và qua họ cả ông Gia-cóp đã quỳ sụp lạy Giu-se.
“Ngước mắt lên, ông thấy Ben-gia-min, người em cùng mẹ với ông, ông liền hỏi… “ Vẫn giữ vai quan lớn, ông nói với em: “Con ơi, xin Thiên Chúa đoái thương con”. Nhưng liền đó “ông xúc động nghẹn ngào, rồi đi vào phòng riêng mà khóc.” Sau đó ông rửa mặt và đi ra… Hôm trước ông đã “lánh ra chỗ khác mà khóc” khi nghe các anh ân hận vì đã không đếm xỉa tới lời năn nỉ của ông. Hôm nay ông “vào phòng riêng mà khóc” vì đã gặp lại đứa em cùng mẹ với ông. Chú ý tới sự thay đổi nơi ông khóc: từ “chỗ khác” ở nơi làm việc, tới “phòng riêng”ở trong nhà ông.
Ông truyền dọn bữa ăn lên. Ba bàn khác nhau: bàn riêng cho Giu-se, bàn riêng cho người Ai-cập và bàn riêng cho các anh em ngồi đối diện với ông. Họ ngồi theo thứ tự trong gia đình. Họ nhìn nhau kinh ngạc. Ngồi hai bàn đối diện, nhưng thức ăn dọn trên bàn của Giu-se. “Ông truyền đem cho họ những phần thức ăn dọn trước mặt ông”. “Phần của Ben-gia-min thì nhiều gấp năm phần của tất cả những người khác. Họ cùng với ông ăn uống say sưa”. Một bữa ăn đoàn tụ gia đình, nhưng chưa nói chuyện với nhau.
- Bọn vô ơn và ăn cắp
Sau bữa ăn, Giu-se lại âm mưu với người quản gia: đong lúa cho đầy, trả bạc lại như lần trước, nhưng giấu cái chén bạc của ông vào bao của đứa út.
“Khi trời sáng, người ta để cho các anh em ra đi, cùng với lừa của họ”. Hôm qua họ tưởng tượng người ta sẽ xông vào, bắt họ làm nô lệ và lấy lừa của họ!
Khi họ rời khỏi thành chưa được bao xa thì ông Giu-se thực hiện tiếp âm mưu: sai quản gia đuổi theo, cáo tội vô ơn, ăn cắp…
Mở đầu câu chuyện này thì Giu-se là người mách cha những tiếng đồn không hay về các anh”. Có vẻ như Giu-se chơi trò “đã mang tiếng thì cho mang tiếng luôn!” Hôm trước buộc tội họ là bọn do thám, hôm nay thì buộc tội họ là bọn vô ơn, trộm cắp. Hôm trước họ đem gia đình làm chứng cứ họ là người lương thiện. Hôm nay thì họ đưa chuyện lương thiện vì đem trả lại số bạc lần trước và tự đưa ra hình phạt khủng khiếp để chứng minh họ không thể là kẻ trộm cắp: “Hễ tìm thấy đồ vật đó nơi ai thì kẻ ấy phải chết, còn chúng tôi sẽ làm nô lệ cho ngài”. Người quản gia với Giu-se đóng kịch thật ăn ý với nhau! Ông ôn tồn giảm nhẹ mức hình phạt: “Hễ tìm thấy đồ vật đó nơi ai, thì người ấy phải làm nô lệ cho tôi còn các ông sẽ vô can”. Ai nấy vội vàng hạ bao lúa của mình xuống đất, rồi mở bao ra.” Người quản gia bắt đầu lục soát, bắt đầu từ người anh cả và kết thúc nơi người em út. Cái chén được tìm thấy trong bao lúa của người em út”.
Hôm trước thì họ lột áo Giu-se và quăng cậu xuống giếng, thấm áo vào máu dê gởi về cho cha. Hôm nay thì họ “xé áo mình ra, rồi mỗi người chất đồ lên lưng lừa của mình và trở về thành.”
“Khi ông Giu-đa và các anh em vào nhà ông Giu-se, thì ông còn đang ở đó”. Từ lúc này Giu-đa bỗng trở thành người dẫn đầu và đại diện anh em để trình bẩm với ông Giu-se. Ông Giu-se lại đánh phủ đầu: “Các ngươi làm gì vậy? Các ngươi không biết rằng một người như ta phải có tài bói toán sao?” Ông Giu-đa nói: “Chúng tôi biết thưa gì với ngài, nói năng làm sao, tự biện hộ thế nào? Thiên Chúa đã phơi bày tội của các tôi tớ ngài ra. Chúng tôi xin làm nô lệ cho ngài, cả chúng tôi lẫn người bị tìm thấy đang giữ cái chén”. Tất cả các anh liên đới với Ben-gia-min.
Họ “á khẩu” vì Thiên Chúa đã phơi bày tội của họ. Tội nào? Chuyện này là ông Giu-se bày ra mà! Ông Giu-se nhắc lại lời quản gia đã thay ông mà nói với họ: “Không đời nào ta làm như vậy…” Giu-đa lại kể cậu chuyện của gia đình, nhấn mạnh tương quan giữa cha già hai đứa em cùng mẹ, kể lại cuộc đối thoại với Giu-se lần trước, và lời cha nói trước khi cho họ đi chuyến này: “Tôi tớ ngài là cha của tôi, nói với chúng tôi: “Các con biết rằng vợ của cha đã sinh cho cha hai đứa. Một đứa đã lìa cha và cha đã nói: Đúng là nó đã bị xé xác và cho đến nay cha chẳng được nhìn lại nó. Nếu các con đem cả đứa này đi xa cha, và nó gặp tai họa, thì các con sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải đau khổ mà xuống âm phủ”.
Giu-đa nhận trách nhiệm của mình và cả nhóm mười người về mạng sống của cha và của Ben-gia-min: “Vậy bây giờ nếu tôi về với tôi tớ ngài là cha của tôi, mà không có thằng bé cùng về với chúng tôi, bởi vì người chỉ sống khi nó sống, thì khi thấy là không có thằng bé người sẽ chết mất. Các tôi tớ ngài sẽ làm cho kẻ bạc đầu là tôi tớ ngài và là cha của chúng tôi, phải buồn sầu mà xuống âm phủ.
Qua lời kể của Giu-đa, Gia-cóp chỉ coi Ra-khen là vợ và hai đứa bà sinh cho ông là con ông. Nhưng Giu-đa gọi ông là cha của tôi, rồi cha của chúng tôi. Giu-đa đã nhìn nhận sự khác biệt trong tương quan giữa “nhóm mười” với cha, và nhóm hai đứa con bà Ra-khen với cha, đồng thời vẫn nhận ông là cha của mình và của cả nhóm mười. Lúc khử trừ Giu-se, họ đã chẳng thương tiếc cha, dù ông Gia-cóp tuyên bố “cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ”. Hôm nay thì họ thật sự quan tâm tới mạng sống của cha.
Ông Giu-đa tiếp tục nói về trách nhiệm riêng của mình: “Trước mặt cha tôi, tối tớ ngài đã bảo lãnh cho thằng bé và nói: “Nếu con không đưa nó về cho cha thì con sẽ đắc tội với cha suốt đời”.
Lời cuối cùng của Giu-đa: “Vậy bây giờ, tôi tớ ngài xin ở lại làm nô lệ ngài thế cho thằng bé, còn thằng bé thì xin cho nó về với các anh nó. Thật vậy, tôi về với cha tôi thế nào được, nếu thằng bé không thể cùng đi với tôi? Tôi không thể nào chứng kiến tai họa sẽ giáng xuống cha tôi!”
Tuyệt vời! Giu-đa xin thế mạng cho Ben-gia-min để cứu mạng của cha, và xin cho Ben-gia-min về với các anh nó. Nó không chỉ là em của Giu-se, mà là em của cả “nhóm mười” nữa, vì cha của hai đứa con bà Ra-khen cũng là cha của chúng tôi.
Hồi kết: tìm được anh em
Giu-se đã đi hết con đường gian khổ nhiều chặng do anh em đẩy ông vào, và chỉ có Thiên Chúa ở với ông. Giu-se dẫn các anh trải qua mấy chặng đường gian khổ do chính ông bày ra và cầm chịch. Ông đã làm cho lòng hiếu thảo và tình anh em đích thực nảy sinh và nối kết họ: biến tình đồng lõa thuở nào thành tình anh em đích thật, đến chỗ dám hiến mạng sống cho nhau, và đổi sự thờ ơ đối với cha nên tình hiếu thảo đích thật, đến nỗi sẵn sàng hiến mạng để cha đuợc sống. Sự khác biệt do “khác mẹ” gây ra đã đuợc hàn gắn trong tình “cha chúng tôi”.
Cuộc thử thách đã mang lại kết quả tuyệt vời. Giu-se không thể tiếp tục cuộc thử thách. Lần đầu ông lánh ra chỗ khác mà khóc; lần thứ hai ông vào phòng riêng mà khóc. Lần này thì khác: “Ông Giu-se không thể cầm lòng trước mặt tất cả những người đứng bên ông, nên ông kêu lên: “Bảo mọi người ra khỏi đây!” Khi không còn người nào ở với ông, ông mới tỏ cho anh em nhận ra mình. Ông òa lên khóc, và người Ai-cập nghe được, triều đình Pha-ra-ô cũng nghe thấy.”
Bao nhiêu năm niềm hy vọng gặp lại em, gặp lại cha tưởng đã bị chôn vùi. Giu-se đã gởi tâm sự này khi đặt tên đứa con đầu tiên: “Đức Chúa đã làm cho tôi quên đi mọi gian khổ của tôi và tất cả nhà cha tôi”. Hôm nay Đức Chúa lại làm việc kỳ diệu vuợt quá sức chờ đợi: em út đây, mười anh đây, trong tình anh em chân thật nhất. Niềm vui vỡ òa trong tiếng khóc.
“Ông Giu-se nói với anh em: “Tôi là Giu-se đây! Cha tôi còn sống không?”
Lời ông như bom nổ. Anh em ù tai, hoa mắt: “Nhưng anh em không thể trả lời; thấy mình trước mặt ông, họ bàng hoàng.” Hôm ở Đô-than, Giu-se vừa tới gần các anh thì họ xông vào lột áo và quăng cậu xuống giếng. Hôm nay họ bàng hoàng thì “Ông Giu-se nói với anh em: “Hãy lại gần tôi”. Họ lại gần. Ông nói: “Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập”.
Lúc nãy Giu-đa nói “Thiên Chúa đã phơi bày tội của các tôi tớ ngài ra”, vì nghĩ rằng quả thật họ can tội ăn cắp. Nhưng bây giờ mới là lúc phơi bày tội thật của họ, tội bán em sang Ai-cập: chính đứa em bị bán đang đứng trước mặt các anh và nói rõ cái tội đó.
Giu-se giải thích ý nghĩa của chuyện này trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Nhưng anh em đừng buồn phiền, đừng hối hận, vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi truớc anh em”. Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn năm năm nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã gởi tôi đi trước anh em, để giữ cho an hem, một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gởi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa…”
Ngày nào năm xưa, cha sai Giu-se lên đường đến với anh em để đem tin về cho cha. Hôm nay Giu-se mới đến được với anh em và sai chính anh em về đem tin cho cha: “Anh em hãy mau về với cha tôi và thưa người rằng: “Con trai cha là Giu-se nói thế này: Thiên Chúa đã đặt con làm chúa toàn cõi Ai-cập; xin cha xuống đây với con, đừng trì hoãn”.
Ngày nhận được chiếc áo của Giu-se đầy máu, ông Gia-cóp đã nói: “Cha sẽ để tang mà xuống âm phủ với con cha”. Hôm nay Giu-se nhắn ông xuống với con, nhưng không phải xuống âm phủ mà xuống Ai-cập!
Mấy lần nói với anh em, Giu-se luôn hỏi về “cha của các ngươi”. Hôm nay ông sai họ về đem tin cho “cha của tôi”. Cha của anh em là cha của tôi. Lời biện hộ của Giu-đa đã làm cho lời khai lần đầu thành sự thật: “… Các tôi tớ ngài là mười hai anh em, chúng tôi là con cùng một cha, ở đất Ca-na-an, đứa út hiện đang ở nhà với cha, còn một đứa thì không còn nữa”. Ông hỏi “cha tôi còn sống không?” nhưng không cần họ trả lời nữa, vì lời trần tình thống thiết của Giu-đa đã xác nhận điều ấy rồi.
“Bấy giờ ông bá cổ Ben-gia-min em ông mà khóc; Ben-gia-min cũng gục vào cổ ông mà khóc. Rồi ông hôn tất cả các anh và ôm họ mà khóc, sau đó anh em ông nói chuyện được với ông.” Chú ý là chỉ có Giuse và Ben-gia-min khóc, không thấy mười người anh khóc. Nhưng họ nói chuyện đựợc với ông.
Thế là câu chuyện chính “đi tìm các anh” đã kết thúc. Trong thời “gieo gió”, “các anh thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu”. Khi bão nổi lên thì Giu-se một mình gánh chịu, và ở nhà thì ông Gia-cóp nói “tất cả đổ lên đầu tao”. Cũng tại ông, con yêu con ghét, nên mới ra nông nỗi này. Những nỗi đau và nuớc mắt của Giu-se đã biến đổi tất cả. Giu-se không chỉ là “ông tướng chiêm bao” mà còn là “tiên tri” để giải nghĩa đuờng lối nhiệm mầu của Thiên Chúa và báo trước “cuộc giải thoát vĩ đại”. Trong khi mọi người bỏ ông thì có Chúa ở với ông. Ông không oán hận vì ông nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa. Ông gánh chịu tất cả để duy trì sự sống cho gia đình. Hôm nay thì họ đã tỏ ra xứng đáng là anh của ông: liên đới với nhau, Giu-đa thí mạng sống vì em và vì cha và nói chuyện được với ông.
Nhưng câu chuyện chưa thể kết thúc, còn phải thấy ông Gia-cóp nhận tin và hồi sinh thế nào. Pha-ra-ô truyền gởi “xe của Ai-cập về chở đàn bà con trẻ, rước cha”; Giu-se gởi “mười con lừa chở những thứ tốt nhất của Ai-cập và mười con lừa cái chở lúa mì, bánh và lương thực để cha dùng khi đi đường. Rồi ông tiễn họ lên đường và bảo họ: “Đừng cãi cọ dọc đuờng”. Lời dặn dò cuối cùng của Giu-se thật thấm thía. Đã trở thành anh em thật rồi, thì đừng cãi cọ dọc đường. Ông đã tha hết cho họ thì họ cũng đừng cấu xé nhau nữa.
Một cảnh tưng bừng chưa hề có bỗng diễn ra trước nhà ông Gia-cóp. Các con ông vào nhà hớn hở báo tin cho ông: “Giu-se còn sống và hiện làm tể tướng trên khắp cõi Ai-cập”. Đến phiên ông Gia-cóp chết lặng: “Nhưng lòng ông không hề xúc động, vì ông không tin họ. Khi họ thưa lại với ông tất cả những lời ông Giu-se đã nói với họ, và ông thấy xe cộ Giu-se đã cho về rước ông, thì tâm thần ông Gia-cóp, cha họ, mới hồi sinh”: “Thế là đủ! Giu-se, con cha vẫn còn sống! Cha sẽ đi để nhìn thấy nó trước khi chết”.
“Ông Gia-cóp đã sai ông Giu-đa đi trước đến với ông Giu-se, để ông Giu-se tới Gô-sen gặp ông. Khi họ đến đất Gô-sen, thì ông Giu-se cho thắng xe và lên Gô-sen đón ông Ít-ra-en, cha ông. Khi hai cha con vừa thấy nhau thì ông Giu-se bá cổ cha và gục đầu vào cổ cha mà khóc hồi lâu. Ông Ít-ra-en nói với ông Giu-se: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống”.
Có thể kết thúc cuốn phim với hình ảnh đoàn tụ tuyệt vời này.
Khi sai các con xuống Ai-cập lần thứ hai, ông Gia-cóp nói: “Xin Thiên Chúa tòan năng làm cho ông ấy chạnh lòng thương các con…” Nhưng Thiên Chúa đã làm hơn thế nhiều trước khi ông Gia-cóp cầu xin. Qua tất cả những gì đã xảy ra, Thiên Chúa ở với Giu-se và chính Thiên Chúa sai Giu-se đi trước để cứu sống cả gia đình. Chính Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót và Giu-se trở thành công cụ của lòng thương xót. Giu-se đã tỏ lòng thương xót các anh, không oán hận. Giu-se đã biến lòng hận thù, ghen ghét của các anh thành tình huynh đệ đích thật. Mỗi lần thử thách các anh thì Giu-se ẩn mình mà khóc. Khi đã tìm được anh em thì Giu-se òa khóc, đến nỗi dù người Ai-cập đã bị đuổi hết ra ngoài, họ vẫn nghe được, và cả triều đình Pha-ra-ô cũng nghe thấy.
Lời bạt: âm vang chuyện ông Giu-se trong Tân Ước.
Lời cuối cùng của ông Gia-cóp khi đã gặp lại con, không thể không gợi nhớ lời ông già Si-mê-ôn trong Tin Mừng Lu-ca. Trong sách Tin Mừng này ba lần Chúa Giê-su khóc thương thành Giê-ru-sa-lem vì họ từ chối Chúa (Lc 13, 34-36; 19, 41-44; 23, 28-31). Giu-se cũng khóc ba lần: hai lần khi cố tình thử thách các anh và lần thứ ba khi đã biến đổi được các anh.
Tin Mừng Mát-thêu kể Chúa Giê-su Phục Sinh trao cho bà Maria Ma-đa-le-na và một bà khác cùng tên, sứ mạng “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ gặp Thầy ở đó”. Mạch văn cho thấy không phải anh em ruột thịt của Chúa nhưng là các môn đệ. Mat-thêu mở đầu Tin Mừng với gia phả, khởi từ Áp-ra-ham đi xuống tới Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su không phải là điểm kết thúc mà là điểm khởi đầu mới của dòng dõi Áp-ra-ham. Chúa Giê-su được sai đi tìm anh em. Giu-se bị giết nhưng Thiên Chúa không để ông chết, cũng như I-xa-ác được đem làm của lễ toàn thiêu nhưng Thiên Chúa không để ông bị giết. Còn Chúa Giê-su thì Thiên Chúa để chết thật rồi sống lại, và nhờ thế mà dòng dõi Áp-ra-ham được nên nhiều như sao trời cát biển qua phép rửa. Môn đệ là anh em của Chúa Giê-su, thế mà Chúa truyền làm cho muôn dân trở thành môn đệ, nghĩa là làm cho muôn dân thành dòng dõi Áp-ra-ham nhờ đức tin và phép rửa (x. Rm 9-11; Gl 3-4).
Tin Mừng Gio-an còn rõ hơn. Suốt thời gian rao giảng, Chúa Giê-su luôn nói về “Cha của tôi”. Sau khi phục sinh thì Chúa sai Bà Maria Ma-đa-le-na: “Hãy đi gặp anh em của Thầy và nói với họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” Anh em ở đây cũng không phải là anh em ruột thịt, nhưng là các môn đệ. Sau tiệc cuới Ca-na thì Chúa xuống Ca-phác-na-um cùng với thân mẫu, anh em của Chúa và các môn đệ. Nhưng ở chương thứ bảy thì Chúa chia tay với anh em, “họ không tin vào ngài”. Chỉ còn môn đệ đi với Chúa. Ở bữa Tiệc Ly thì Chúa âu yếm gọi họ là “những đứa con bé nhỏ”, giống như ông Giu-se nói với Ben-gia-min khi gặp lại. Sau đó Chúa tuyên bố họ là bạn hữu. Rồi khi Chúa đã phục sinh thì họ là anh em của Chúa: “Cha của Thầy cũng là cha của anh em”. Chúa phải trải qua cái chết mới làm cho họ thành anh em của Chúa. Ông Giu-se thì luôn hỏi các anh về “cha của các ngươi”, rồi cuối cùng mới cho biết “cha của các ngươi” chính là “cha của tôi.”
Chân dung “Người môn đệ yêu dấu”) trong phần cuối của Tin Mừng Gioan (13-21) cũng có nhiều nét phảng phất hình ảnh Ben-gia-min trong lời chúc phúc của ông Môsê (x. Đnl 33, 12).
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Mat-thêu 2016
L.M.Nguyễn công Đoan S.J.
[1] Phong tục này giống kiểu ông bà ta thuở trước. Không có con thì cuới vợ lẽ cho chồng; tuy vẫn có nguy cơ như bài ca dao diễn tả: “Con cóc ăn trầu đỏ môi, ai muốn làm lẽ bố tôi thì về, mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê, mài dao cho sắc mổ mề xem gan”.–
[2] “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ, tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế… (Tv 127/126, 3-5)
[3] Chuyện bà An-na mẹ của Sa-mu-en (1S 1, 1-23) cũng tương tự, nhưng bi đát hơn vì bà luôn bị bà kia nhục mạ.
[4] Tên Chúa đặt cho ông Gia-cóp trên đường về đất Ca-na-an
[5] Lời này gợi nhớ chuyện Ca-in rủ em là A-ben Ra ngoài đồng rồi xông vào giết em. “Thiên Chúa hỏi Ca-in: A-ben, em ngươi đâu rồi?… Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” (St 4, 8-10)
[6] Tại sao lại giết con dê đực? Vì một con dê đực hay chiên đực đủ sức làm cho mười con dê cái hay chiên cái có thai, như thấy được qua tỷ lệ trong phần quà Gia-cóp tặng E-sau: “hai trăm dê cái và hai mươi dê đực, hai trăm chiên cái và hai mươi chiên đực” (St 32, 15). Vì thế không cần giữ nhiều dê đực trong bầy.
[7] Đến đây ta thấy soạn giả cuối cùng của cuốn sách đã gom nhặt những truyền thuyết khác nhau về chuyện này và cứ kể liên tục, không giải thích. Ta có thể nhận ra truyền thuyết của phía Nam đề cao Giu-đa, truyền thuyết phía Bắc đề cao Rưu-ven.