Toàn văn sứ điệp ĐGH Phanxicô gửi cho Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018

Anh chị em thân mến,

Tháng 10 tới, Đại Hội Thường Kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ nhóm họp để thảo luận về chủ đề giới trẻ, và đặc biệt về mối tương quan giữa giới trẻ, đức tin và ơn gọi. Chúng ta sẽ có cơ hội để xem xét sâu rộng hơn nơi trung tâm đời sống của chúng ta có lời mời gọi để hân hoan mà Thiên Chúa đã ngỏ cho chúng ta và đây là „kế hoạch của Thiên Chúa dành cho người nam và người nữ trong mọi thời.”

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi thứ 55, lần nữa nói lên tin vui này với chúng ta một cách dứt khoát. Chúng ta không là những nạn nhân của điều ngẫu nhiên hoặc bị trôi dạt trong chuỗi các biến cố rời rạc. Ngược lại, cuộc đời và hiện diện của chúng ta trong thế giới này là hoa trái của một ơn gọi thánh thiêng!

Thậm chí trong thời đại khó khăn này, màu nhiệm Nhập Thể nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục đến gặp gỡ chúng ta. Ngài là Thiên-Chúa ở-cùng-chúng-ta, Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong muôn nẻo đường của ta. Ngài biết những khắc khoải của ta về tình yêu và Ngài mời chúng ta hãy vui lên. Trong sự đa dạng và duy nhất của mỗi và của mọi ơn gọi, nơi từng người và nơi Hội Thánh, có một nhu cầu lắng nghe, phân định và sống lời này. Đó là lời từ trên cao mời chúng ta, và trong khi đó, Ngài cho chúng ta có thể phát triển tài năng. Ngài làm cho chúng ta trở nên công cụ cứu độ trong thế giới này, và Ngài hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc tròn đầy.   

Ba khía cạnh của những từ này: Lắng nghe, phân định và sống cũng được trình bày nơi khởi đầu sứ mạng của Đức Giêsu. Sau khi cầu nguyện và chịu cám dỗ trong sa mạc, Ngài thăm hội đường Nazarét. Ở đó Ngài lắng nghe lời, phân định nội dung của sứ mạng mà Chúa Cha ủy thác cho Ngài, và Ngài đã công bố rằng “hôm nay” Ngài đến để thực thi sứ mạng ấy. (Lc 4,16-21).

Lắng Nghe

Lời mời gọi của Thiên Chúa lúc đầu được nói với mỗi người không rõ ràng dứt khoát như những điều chúng ta nghe, thấy hoặc đụng chạm được trong kinh nghiệm thường ngày. Thiên Chúa đến cách âm thầm và kín đáo mà không gây tổn hại đến tự do của chúng ta. Vì thế, điều có thể xảy ra là lời mời gọi của Ngài bị muôn vàn bận tâm và lo toan nhấn chìm, những điều ấy phủ đầy tâm trí của chúng ta.

Sau đó, chúng ta không chỉ cần học lắng nghe một cách chăm chú lời của Ngài và câu chuyện đời Ngài; nhưng chúng ta còn chú tâm đến từng chi tiết của đời sống hằng ngày, để học biết thế nào là quan sát mọi điều với con mắt đức tin và giữ chúng ta rộng mở với những ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra lời mời gọi đặc biệt và riêng tư mà Thiên Chúa hiện hữu ở đó ban cho chúng ta, nếu chúng ta vẫn đóng kín mình trong những cách thế hành động bình thường, trong cách của kẻ phung phí cuộc sống vào thế giới nhỏ hẹp của họ. Chúng ta sẽ mất cơ hội ước mơ những điều lớn lao để tham gia vào câu chuyện duy nhất và căn bản mà Thiên Chúa muốn viết lên cùng với chúng ta.

Chúa Giêsu cũng được mời gọi và được sai đi. Điều ấy có nghĩa là Ngài cần lui vào nơi thanh tịnh. Ngài lắng nghe và đọc Lời Chúa trong hội đường với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ngài mặc khải ý nghĩa tròn đầy của Lời Chúa với liên hệ đến bản thân Ngài và lịch sử dân Israel.

Ngày nay, lắng nghe càng ngày càng trở nên khó khăn, chúng ta bị nhấn chìm trong xã hội đầy ồn ào, bị thông tin bủa vây lôi kéo chúng ta. Những ồn ào ấy đôi khi lan rộng trong thành phố, trong những vùng lân cận, thường kéo theo là những phân tán và rối loạn trong nội tâm của ta. Điều này ngăn cản chúng ta dừng lại để thưởng nếm sự chiêm niệm và trầm lắng nhìn lại những biến cố trong đời ta. Chúng ta hãy tiếp tục làm việc với lòng tin tưởng vào kế hoạch yêu thương của Chúa và hãy làm cho việc phân định sinh hoa trái.

Tuy nhiên, như chúng ta cũng biết Nước Chúa đến rất âm thầm và kín đáo (x. Lc17,21). Chúng ta chỉ có thể thu nhặt hạt giống Nước Trời giống như tiên tri Êlia, khi chúng ta vào trong chiều sâu của tâm hồn và hãy mở ra trước lời thầm kín của những làn gió thánh thiêng (x. 1 V19. 11-13).

Phân Định

Khi Chúa Giêsu trong hội đường Nazarét đọc đoạn sách tiên tri Isaia, Ngài phân định nội dung của sứ mạng mà Ngài được sai phái, và đoạn văn ấy trình bày cho những ai đang mong đợi Mêsia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết họ sẽ được sáng mắt, trả lại tự do người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18 – 19).

Tương tự, mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình chỉ ngang qua việc phân định thiêng liêng. Nghĩa là “một tiến trình mà người ta thực hiện dựa trên những lựa chọn nền tảng, trong việc đối thoại với Thiên Chúa và lắng nghe tiếng nói của Thần Khí, hãy bắt đầu với lựa chọn bậc sống của chính mình.”

Vì vậy, chúng ta đến khám phá ơn gọi Kitô hữu luôn có một chiều kích ngôn sứ. Kinh Thánh kể cho ta về những tiên tri được sai đến với dân trong những hoàn cảnh hết sức bấp bênh và trong những hoàn cảnh khủng hoảng về thiêng liêng và luân lý, để trong danh Đức Chúa, họ trình bày sứ điệp hoán cải, hy vọng và ủi an. Như một cơn lốc, tiên tri lay động được những lương tâm chai đá vốn quên lời của Đức Chúa. Chúa Giêsu phân định những biến cố trong ánh sáng lời Đức Chúa hứa, và cho người ta thấy qua những dấu chỉ của ánh sáng giữa những bóng tối của lịch sử.   

Hôm nay chúng ta cũng có nhu cầu lớn lao về phân định và về tiên tri. Chúng ta phải tránh xa những cám dỗ của hệ tư tưởng và tiêu cực. Để khám phá tương quan của ta với Thiên Chúa, qua những nơi chốn, những phương tiện và qua những cảnh huống có thể Ngài mời gọi chúng ta. Mỗi người Kitô hữu nên phát triển khả năng “đọc nội tâm – read within” nơi cuộc đời của mình, và để hiểu nơi nàođiều gì mình có thể đang được Thiên Chúa mời gọi, để đảm nhận sứ mạng của Ngài.

Sống

Sau cùng, Chúa Giêsu tuyên bố điều mới mẻ vào giờ của Ngài, điều ấy sẽ khuyến khích nhiều người và làm cho tâm hồn người ta kiên vững. Thời gian đến hồi viên mãn, Ngài là Mêsia mà tiên tri Isaia loan báo và là Đấng được xức dầu giải thoát cho những kẻ giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt và công dố một năm hồng ân của Đức Chúa đến mới mọi thụ tạo. Thực vậy, Chúa Giêsu nói rằng “hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe.” (Lc4,21).   

Niềm vui Tin Mừng là điều khiến chúng ta mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta; nó không cho phép chúng ta lưỡng lự và biếng nhắc. Nó sẽ không lấp đầy trái tim ta nếu chúng ta cứ đứng ở cửa sổ với lý do chờ mong cho đúng giờ, mà không chấp nhận những rủi ro khi chính hôm nay chúng ta quyết định. Ơn gọi là hôm nay! Sứ mạng người Kitô hữu là lúc này! Mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên chứng nhân của Thiên Chúa lúc này và ở đây, dù trong đời sống hôn nhân, trong đời sống linh mục sứ vụ, hay trong đời sống ơn gọi thánh hiến.

 “Hôm nay” là điều Chúa Giêsu đã công bố, bảo đảm cho chúng ta rằng Thiên Chúa tiếp tục xuống thế để cứu độ gia đình nhân loại của chúng ta và cho chúng ta chia sẻ sứ mạng của Ngài. Thiên Chúa tiếp tục mời gọi người khác sống với Ngài và để theo Ngài trong tương quan gần gũi thân thiết. Ngài tiếp tục mời gọi tha nhân trực tiếp phục vụ Ngài. Nếu Ngài cho chúng ta nhận ra Ngài đang mời gọi ta, thì ta hãy thánh hiến chính mình cách trọn vẹn cho vương quốc của Ngài; sau đó, chúng ta không còn sợ hãi! Thật đẹp biết bao, và đó là một ân huệ lớn lao, để được thánh hiến cách trọn vẹn và mãi mãi cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình.

Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.

Xin Mẹ Maria Cực Thánh là người nữ trẻ sống ẩn dật (obscurity), đã nghe, đã đón nhận và trải nghiệm Ngôi Lời đã trở nên người phàm, bảo vệ chúng ta. Và xin Mẹ luôn đồng hành trên bước đường đời của chúng ta.

Từ Vatiacan 3-12-2017

Chúa Nhật 1 mùa Vọng.

ĐGH Phanxicô

Chuyên ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/vocations/documents/papa-francesco_20171203_55-messaggio-giornata-mondiale-vocazioni.html

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *