Ngày 31/10/2016, chuyến đi đến Thụy Điển của Đức Thánh Cha là một cuộc hành trình đại kết, trong đó những người Tin Lành và Công giáo chứng minh rằng họ có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt.
Đức Thánh Cha đã được đón tiếp nồng nhiệt tại Malmo Arena. Vị thư ký của Liên Đoàn Tin Lành Thế Giới nói lên tinh thần của cuộc gặp gỡ này.
Martin Junge – thư ký Liên Đoàn Tin Lành Thế giới
“Trong buổi cầu nguyện chung, chúng tôi đã để lại đằng sau những xung đột trong quá khứ và hướng về phía trước với sự hiệp nhất theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng tôi cùng nhau sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho việc chữa lành những vết thương và những ký ức đau buồn. Chúng tôi cùng nhau dấn thân cho việc làm chứng”
Đức Thánh Cha đã lắng nghe những lời chứng mạnh mẽ về sự cộng tác giữa Công Giáo và Tin Lành từ nhiều quốc gia khác nhau.
Pranita Biswasi, Ấn Độ
“Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng có thể thay đổi được hệ thống. Do vậy, chúng ta hãy nên một để cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và hòa bình hơn cho tất cả mọi người.”
Héctor Gaviria, giám đốc Caritas (Colombia)
“Một vụ thảm sát khủng khiếp đã xảy ra tại Colombia 2002 tại một vùng đất thuộc một khu rừng nhiệt đới. Đó là một vụ nổ bom đã giết đi sinh mạng hơn một trăm người khi mọi người đang ẩn náu trong một nhà nguyện”
Marguerite Barankitse, Burundi
“Là một người mẹ và là một Kitô hữu, tôi đã sáng lập Maison Shalom năm 1993. Đây là một căn nhà của sự hòa bình để chăm sóc những trẻ em bị thiệt thòi”
Rose Lokonyen , vận động viên Olympic (Nam Sudan)
“Là một người tị nạn không có nghĩa không còn là một con người. Khi chúng tôi được đưa đến Brazil, tôi đã được chọn để mang lá cờ đại diện cho 65 triệu người tị nạn trên thế giới. Là một người tị nạn, bạn cũng là một con người như mọi người. Những người tị nạn cần được đối xử công bằng như những người khác.”
Antoine Audo, Aleppo (Syria)
“Những người Kitô hữu khắp nơi trên thế giới, những người Hồi giáo ở phương Đông và phương Tây, những con người tốt lành sẽ không để đất nước Syria yêu quý của chúng tôi bị phá hủy và tan rã”
Chủ tịch Liên Đoàn Tin Lành Thế Giới nói, cuộc gặp gỡ lịch sử này gửi đến một thông điệp mạnh mẽ cho thế giới.
Muniba A.Younan, chủ tịch Liên Đoàn Tin Lành Thế Giới
“Khi mọi người thuộc các tôn giáo cùng hiệp nhất và hòa giải, tôn giáo thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Đây là lý do chúng ta đã nói “Không có sự bài ngoại, không có bạo lực nhân danh tôn giáo.”
Vị chủ tịch này là một người tị nạn Palestine. Ngài biết đến hậu quả của chiến tranh. Vì vậy, lời nói của Ngài có sức thuyết phục mạnh mẽ các chính phủ của các quốc gia hướng đến những con người không may mắn khắp nơi trên giới.
Muniba A.Younan, chủ tịch Liên Đoàn Tin Lành Thế Giới
“Hãy đặt sang một bên những lợi ích chính trị và hãy làm việc không chỉ cho căn tính quốc gia của bạn nhưng là cho phẩm giá mỗi trẻ em của Thiên Chúa trong thế giới này.”
Đức Thánh Cha Phanxicô bị đánh động bởi những chứng từ của những người di cư, những người bên lề xã hội và những người tị nạn chiến tranh. Ngài đã gửi lời cám ơn đến với các chính phủ thuộc các quốc gia.
Đức Thánh Cha
“Tôi muốn cám ơn tất cả quốc gia đã giúp đỡ những người tị nạn, những người di cư và những người đang tìm kiếm một nơi an toàn để sinh sống. Đây là cử chỉ tuyệt vời của tình đoàn kết và là sự công nhận phẩm giá của những con người đang gặp cảnh không may.”
Đức Thánh cha nói, những người Tin lành và Công giáo được mời gọi làm một cuộc cách mạng cho thế giới và họ có thể cùng nhau làm điều này.
Đức Thánh Cha
“Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, điều ưu tiên là phải đi ra và gặp gỡ những người bị ruồng bỏ và những người ở bên lề xã hội trong thế giới của chúng ta, và để làm cho người khác cảm thấy tình yêu dịu dàng và thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không loại bỏ bất cứ ai, nhưng đón chào tất cả. Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, hôm nay, chúng ta được mời gọi bắt đầu cuộc cách mạng của tình thương”
Một bước tiến xa hơn trong cuộc cách mạng này và trong việc xích lại gần nhau giữa Công giáo và Tin Lành, là một thỏa thuận chung được ký kết, trong việc hợp tác giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, thiên tai và nghèo đói. Với thỏa thuận này, các tổ chức Caritas quốc tế và các tổ chức nhân đạo thuộc Liên Đoàn Tin Lành Thế Giới cùng dấn thân hợp tác.
Trước khi kết thúc, có một lời cầu nguyện đặc biệt cho nền hòa bình tại Syria. Sau đó, Đức Thánh Cha và vị Tổng Thư Ký Liên Đoàn cùng trao tặng lời chúc bình an.
Đây là một cuộc gặp gỡ với những hành động và phát ngôn mạnh mẽ, một bước ngoặt mới trên con đường hòa giải giữa Công giáo và Tin Lành.
Chuyển ngữ: Đức Thiện SJ.
Nguồn: Romereports