“Các anh tìm gì?” là chủ đề cầu nguyện trong buổi khải giảng lớp Đọc và Cầu nguyện với Kinh Thánh, tại Học viện Dòng Tên Việt Nam, tối thứ Bảy ngày 5.11. Tham gia khóa học có khoảng 50 học viên được chia làm bốn lớp.
Sau lời giới thiệu của Thầy Thành Nguyên SJ., Thầy Anh Huy SJ. giúp mọi người đi vào những giây phút cầu nguyện ngắn để nhìn lại mục đích hay động lực mình đến với khóa học này: “Tôi tìm gì trong khóa học này?”
Tiếp đến Cha Nguyễn Thanh Hùng, SJ. chia sẻ cùng mọi người về ý nghĩa của khóa học này. Khởi đi từ một câu chuyện trong đời thường, Cha nêu lên ba điểm chính yếu của việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa. Trước hết Lời Chúa là “cái neo” để người Kitô hữu bám vào trước những sóng gió của cuộc đời. Lời Chúa cũng là sức mạnh để người Kitô hữu can đảm dám đi ngược lại dòng đời với biết bao thử thách chông gai. Cuối cùng, việc cầu nguyện với Lời Chúa là thời gian để người kitô hữu đi vào tương quan thiết thân với Thiên Chúa.
Sau khi chia sẻ, Cha trao giấy chứng nhận cho các học viên khóa 5.
Kết thúc Thầy Hùng Dinh, SJ. trình bày khái quát tiến trình của khóa học và các lớp học để học viên tự do chọn lựa. Mọi người bước vào buổi học đầu tiên với tâm tình cầu nguyện.
Xem hình thêm tại https://goo.gl/photos/5Gq97oVFndDaQfSK9
——————————————————-
GIỚI THIỆU CÁC ĐỀ TÀI KHÓA 6
(05.11.2016 – 26.03.2017)
- Dẫn nhập: CÓ CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI
- Thầy đồng hành: Đỗ Hùng Dinh, SJ.
- Thời gian: 19h30-21h00, thứ Bảy hằng tuần.
- Mô tả lớp:
Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và không ngừng ngỏ lời với tôi qua mỗi giây phút trong từng biến cố của cuộc đời và hơn hết là qua Lời của Người được chứa đựng trong Thánh Kinh. Thế nhưng, nhiều khi tôi chưa đủ ‘ý thức’ để ‘gặp gỡ’ và để được Người ‘đụng chạm’ đến tâm hồn mình. Mặt khác, đôi khi tôi khao khát được lắng nghe Lời của Chúa nhưng lại chưa biết làm thế nào để mở cửa tâm hồn cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Chính vì thế, đề tài “CÓ CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI” như là một cơ hội để mỗi người ý thức hơn về sự hiện diện và lao tác không ngừng của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc đời mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi người tìm hiểu nhằm biết cách dùng các phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh như là phương thế để chuẩn bị tâm hồn cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
2. Chuyên đề 1: NHỮNG GƯƠNG MẶT MANG TIN MỪNG
- Thầy đồng hành: Đỗ Thành Nguyên, SJ
- Thời gian: 19h30-21h00, thứ Bảy hằng tuần.
- Mô tả lớp:
+ Lời Thánh vịnh khởi hứng:
“Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu,
hồn con đây biết rõ mười mươi.” (Tv 139,14)
+ Tìm hiểu một số nhân vật tiêu biểu trong Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước
để thấy:
– Mỗi con người được Thiên Chúa dựng nên cách lạ lùng;
– Mỗi người mang gương mặt phản ánh Dung Nhan của Chúa Giê-su;
hay diễn tả lòng khắc khoải, khát mong Cứu Chúa;
là chứng nhân cho ơn hoán cải nhờ Tình Thương vô bờ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô.
– Chỉ Chúa Giê-su là Tin Mừng mới đong đầy mọi ước mong và hy vọng của
con người.
+ Thực hành Phút hồi tâm cuối ngày nhờ suy ngắm Chúa Giê-su và cuộc đời các nhân vật được tìm hiểu.
3. Chuyên đề 2: ĐỨC ÁI BIẾT NHẬN ĐỊNH
- Thầy đồng hành: Trương Hoàng Sơn, SJ
- Thời gian: 19h30-21h00, thứ Bảy hằng tuần.
- Mô tả lớp:
Thiên Chúa là tình yêu và Ngài dựng nên chúng ta vì và cho tình yêu.
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc.
Khi yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta sẽ có được hạnh phúc.
Với ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, chúng ta có thể yêu như Giêsu yêu.
Đó không phải là bất cứ thứ tình yêu nào, nhưng là một tình yêu biết nhận định:
vừa mạnh mẽ can đảm, vừa tinh tế dịu dàng; vừa khôn ngoan như rắn, vừa đơn sơ như bồ câu.
Nhờ tình yêu biết nhận định, chúng ta có thể tìm kiếm Vinh Quang Lớn Hơn Cho Thiên Chúa trong mọi sự, ở mọi nơi và mọi lúc giữa một thế giới vàng thau lẫn lộn, và cỏ lùng đan xen với lúa.
4. Chuyên đề 3: THẦY & TRÒ TRONG TIN MỪNG MÁCCÔ
- Thầy đồng hành: Thầy Nguyễn Anh Huy, SJ
- Thời gian: 19h30-21h00, Chúa Nhật hàng tuần.
- Mô tả lớp:
– Ôn tập và vận dụng các phương pháp lectio divina, suy niệm, chiêm niệm… (thường đã được trình bày ở lớp dẫn nhập) để cầu nguyện dựa trên bản văn Tin Mừng Máccô.
– Ngang qua việc gợi ý cầu nguyện và thực tập cầu nguyện, người hướng dẫn và học viên cùng giúp nhau đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô (THẦY) và con đường làm môn đệ của Chúa, nhấn mạnh việc các môn đệ (TRÒ) được chia sẻ cuộc sống và sứ mạng của Chúa Giêsu.
– Ước mong sau khóa học, mỗi người có được kinh nghiệm thiết thân với Chúa Giêsu, được ở với Chúa, được Chúa huấn luyện và sai đi.
- Dấn thân: TÁC VIÊN TIN MỪNG
– Chương trình đào tạo Tác viên Tin mừng:
i. Thời gian: 16h00-17h30 Chúa nhật hàng tuần;
ii. Địa điểm: Phòng mục vụ Gx. Hiển Linh;
iii. Nội dung: Đồng hành thiêng liêng theo nhóm, qua các phương pháp tương tác với Thánh kinh nhằm suy niệm Lời Chúa và qua các phương pháp nhận định thiêng liêng (cá nhân và nhóm) nhằm tìm kiếm ý Chúa và dấn thân tông đồ.
– Chương trình mục vụ Tác viên Tin mừng:
i. Thời gian: 19.00′-20.30′, thứ Sáu hàng tuần;
ii. Địa điểm: Nhà thờ Gx Hiển Linh;
iii. Nội dung: Chia sẻ Lời Chúa hoặc Phút hồi tâm và chia sẻ thiêng liêng. Trong chương trình mục vụ này, anh chị em học chương trình đào tạo Tác viên Tin mừng sẽ đóng vai trò nòng cốt và đồng hành với các tham dự viên khác (thành viên nhóm “Xa Quê”, học viên Giáo lý Dự tòng-Giáo lý Hôn nhân, và anh chị em giáo dân khác).
——————————————————————-
Giới thiệu tổng quát:
ĐỌC & CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH
Thánh Giêrônimô đã cho thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với đức tin của người tín hữu khi nói “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Giêsu” (Giáo lý Hội thánh Công Giáo [GLHTCG] 133). Giáo Hội cũng dạy rằng “Lời Chúa là sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” (GLHTCG 131). Chính vì thế, Kinh Thánh phải là phần quan trọng trong đời sống cầu nguyện để đời sống cầu nguyện trở nên cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” (GLHTCG 2653). Hơn nữa, việc lắng nghe Lời Chúa hằng ngày cũng sẽ giúp “củng cố gia đình trong đức mến” (GLHTCG 2205).
Tuy nhiên, dù rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng soi dẫn để Lời Chúa có thể được lắng nghe, được đụng chạm, được cảm nếm khi ta đọc Kinh Thánh, nhưng về phần mình, chúng ta cũng cần phải cộng tác với Người để ‘mở cánh cửa tâm hồn mình’ cho Người hoạt động. Chính vì thế, chương trình “ĐỌC & CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH” với 3 giai đoạn sẽ cố gắng tạo điều kiện để mỗi người có thể thấu hiểu, cảm nghiệm và sống kinh nghiệm cầu nguyện với Kinh Thánh như những công cụ trợ giúp để mở lòng cho Chúa Thánh Thần làm việc nơi tâm hồn của mình.
- GIAI ĐOẠN 1: TÌM HIỂU – LỚP DẪN NHẬP
- Đối tượng: Dành cho những người chưa quen với phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh.
- Mục đích: Hiểu và biết cách áp dụng các phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh theo từng hoàn cảnh.
- Ơn xin: xin ơn soi sáng.
- Đặc tính: Thiên về lý trí (cái đầu).
- Thời lượng: khoảng 1 khóa.
- Người phụ trách: các thầy Học viện Dòng Tên.
- Địa điểm: Học viện Dòng Tên, Thủ Đức.
- GIAI ĐOẠN 2: KINH NGHIỆM – LỚP CHUYÊN ĐỀ
- Đối tượng: Những người đã thân quen với phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh.
- Mục đích: Nhằm có được những cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua việc thực hành đời sống cầu nguyện với Kinh Thánh.
- Ơn xin: xin ơn gặp gỡ.
- Đặc tính: Thiên về cảm nhận (con tim).
- Thời lượng: Ít là 2 khóa.
- Người phụ trách: các thầy Học viện Dòng Tên.
- Địa điểm: Học viện Dòng Tên, Thủ Đức.
- GIAI ĐOẠN 3: DẤN THÂN – TÁC VIÊN TIN MỪNG
- Đối tượng: Những người đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa đụng chạm và mong muốn tiếp tục duy trì đời sống cầu nguyện trong nhóm và cùng chia sẻ kinh nghiệm ấy với người khác.
- Mục đích: Tạo môi trường để mỗi người có được những giờ cầu nguyện với nhau và giúp những người khác trong đời sống cầu nguyện với Kinh Thánh.
- Ơn xin: xin ơn đồng cảm và sẻ chia.
- Đặc tính: thiên về hành động (đôi tay).
- Thời lượng: bao lâu còn có thể tham dự.
- Người phụ trách: Cha xứ Giáo xứ Hiển Linh
- Địa điểm: Giáo xứ Hiển Linh (bên cạnh Học viện Dòng Tên).
- LƯU Ý:
- [1] -Tất cả các lớp đều không thu học phí. Tuy nhiên, đôi khi học viên được mời gọi đóng góp cho các nhu cầu cụ thể của lớp như việc phô-tô tài liệu; gởi xe; đi tông đồ…
- [2] – Sau khi kết thúc một khóa (khoảng 5 tháng), các học viên được tự do đăng ký vào lớp khác nếu thấy phù hợp hơn (không nhất thiết phải theo lớp cũ).
Bây giờ còn mở lớp học này nữa ko ạ