Gaudete – Hãy vui lên

Mùa Vọng – “Mùa xuân” trong năm Phụng vụ của Giáo Hội bao trùm một màu tím của hi vọng và đợi chờ. Thế nhưng trong cái màu tím trầm mặc ấy, Giáo Hội vẫn có đầy đủ lí do để thắp lên ánh hồng của sự mừng vui vào Chúa nhật III mùa Vọng – ngày Chúa nhật mà chúng ta quen gọi là “Chúa Nhật màu hồng”.

Chúng ta vui, Giáo Hội đang vui không phải vì một niềm vui thế trần mau qua chóng hết, cười một nụ cười với sự gượng gạo lãng xẹt nhưng chúng ta vui niềm vui đích thực của một Ki-tô hữu như lời Thánh Phao-lô nhắc nhớ đầy rạo rực: “Hãy vui lên, tôi nhắc lại: Anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Niềm vui của chúng ta ở đây được nảy sinh từ cuộc gặp gỡ đầy sống động với nguồn vui và là nguồn hi vọng nguyên thủy, nguồn vui ấy không phải một ý niệm trừu tượng nhưng là một con người, một Ngôi Vị – Đức Ki-tô. Thế nên, Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Vui luôn trong Chúa”.

Đức Ki-tô chính là dấu chỉ niềm vui ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, niềm vui này được thể hiện qua lời nói lẫn hành động của Ngài khi Ngài đến thế gian. Để rồi mỗi khi đọc lại lời Ngài đã nói, đã rao giảng chúng ta gọi đó là “công bố Tin Mừng”, mà “Tin Mừng của Đức Ki-tô chính là Đức Ki-tô” (ĐGH Phanxico). Đức Ki-tô đã đến để làm mới lại tình yêu và tương lai của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu mà Đấng Sáng Tạo đã hứa ban ngay từ cái giây phút Eva kề môi vào miếng trái cấm: Dòng giống người đàn bà sẽ đánh vào đầu mi (x.St 3, 15), tương lai mà Isaiah đã loan báo: Nền hòa bình viên mãn sẽ thịnh trị luôn mãi vì khi đó người ta sẽ lấy gươm đao mà rèn thành lưỡi cày và mọi người sẽ hát khúc hoan ca thanh bình. Đức Ki-tô đã đến thế gian một lần, trong hơn 30 năm cuộc đời ngắn ngủi ấy nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã là cả một Mầu nhiệm lớn lao. Ngài đã khiến tình yêu của Thiên Chúa hơn bao giờ hết trở nên hữu hình, cụ thể, sinh động, gần gũi đến nỗi loài người đã động chạm vào Ngài để được chữa lành hay để được bàn tay Ngài, trái tim Ngài cúi xuống làm biết bao điều kì diệu: Cho kẻ điếc được nghe, người què nhảy nhót, kẻ câm reo vui, người chết sống lại; và cả đến nỗi loài người đã đánh đập Ngài, sỉ nhục Ngài rồi đóng đinh Ngài – Một tình yêu dâng hiến đến tột cùng cho con người và vì con người. Tình yêu vĩ đại ấy, con người vĩ đại ấy không đáng để chúng ta cùng cất lên niềm hoan lạc sâu xa sao?

Và đón nhận niềm vui ấy cũng có nghĩa là mỗi chúng ta đón lấy trọn ven Đức Ki-tô vào trong cuộc đời của mình. Bạn và tôi hãy cùng mở cánh của lòng ra để Đức Ki-tô có thể ghé thăm vì “không có một bức tường nào, không có một khoảng cách nào có thể ngăn cản Lòng thương xót của Thiên Chúa đến và ôm ấp chúng ta”. Đức Ki-tô muốn chúng ta xây những cây cầu nối chứ không phải những bức tường ích kỉ kiên cố. Để Đức Ki-tô tràn ngập nghĩa là: Chúng ta cũng sống, cũng yêu, cũng tha thứ, cũng hành động như chính Ngài đã từng. Thực hiện những điều ấy, người Ki-tô hữu sẽ nhận thấy sự bình an, niềm vui sâu xa; thể hiện tình yêu, tình thần hòa bình, lòng khoan dung, bác ái với tha nhân, người Ki-tô hữu sẽ thấy mình quảng đại và cao thượng biết bao. Và đó chính là “dung mạo hữu hình của Chúa Ki-tô Giê-su”. Chừng nào một Ki-tô hữu còn cảm thấy lo âu, sợ hãi, còn ngại ngùng nói ra lời xin lỗi, còn nuôi dưỡng lòng thù hận, ích kỷ, tham lam thì chừng đó Đức Ki-tô còn đứng ngoài cuộc sống của chính họ và họ đã đang đánh mất tất cả căn tính, ý nghĩa đời sống mà họ được trao tặng, họ để cho tình yêu Đức Ki-tô lâm vào cơn hấp hối.

Vậy, tôi nhắc lại: Anh chị em hãy cùng tôi vui lên trong Chúa. Ngài đang đến và tên của Ngài là: Hoàng Tử Bình An.

 

Joseph Thanh Tùng.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *