Đức Giêsu chịu thử thách (1.3.2020 – Chúa Nhật I Mùa Chay, năm A)

 

Đức Giêsu chịu thử thách
(Mt 4, 1-11)

 

27 Sau đó, 1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

 

 

“Cám dỗ” và “thử thách” là cùng một từ trong tiếng Hi lạp; tiếng Anh và tiếng Pháp cũng chỉ có một từ, to tempt, tenter. Ở đây, dịch là thử thách thì đúng hơn, vì liên quan đến lòng tin mà Đức Giê-su đặt để nơi Thiên Chúa, chứ không phải là vấn đề luân lí hay giới tính. Theo St 3 (bài đọc I), thái độ nội tâm nghi ngờ Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ngay trong lòng của mình, mới là gốc của mọi tội.

Nhưng Thiên Chúa cũng “thử thách” con người: trong bài đọc I (St 2), đó là hình ảnh “trái cấm”, tượng trưng cho tất cả những cái thiếu, nhất là cái thiếu “trung tâm”,  những sự bất toàn nơi con người và nơi thế giới sáng tạo; vì thế, thân phận con người là một thử thách. Nhưng, Thiên Chúa thử thách con người với mục đích khác hẳn, giống như trong sư phạm huấn luyện; thật vậy, Ngươi thử thách là để cho chúng ta lớn lên trong tương quan tình yêu và nhưng không với Chúa; còn Ma Quỉ, và những người hành động theo Ma Quỉ, ý thức hay không ý thức, thử thách người khác nhằm mục đích lên án; theo nghĩa này “thử thách” được gọi là “thử” hay “giăng bẫy”, như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ hay làm để hại Đức Giê-su; và ở mọi thời, nhất là thời nay, người ta hay làm hại nhau theo kiểu này, và nhiều khi dưới bỏ bọc huấn luyện hay thử luyện[1].

Ngoài ra, loài người chúng ta cũng “chuyên môn” thử thách Chúa và thử thách nhau; trong trường hợp này, thử thách có nghĩa là: không tin, nên thử cho biết. Nhưng vì đã không tin, nên loài người chúng ta sẽ thử thách Chúa và thử thách nhau không cùng. Bởi lẽ, tin không phải đến từ biết, vì người ta không biết hết về Chúa và về nhau, nhưng đến từ quyết định tự do của con tim; tin là quà tặng của con tim (điều này được minh họa thật rõ trong tình yêu nam nữ). Trường hợp của người ghen tương là tiêu biểu: người này đòi biết mới tin, nhưng làm sao biết hết, để tin? Và khi nhận ra rằng, mình không thể biết hết, thì thay vì lựa chọn tin tưởng, người này lựa chọn không tin, nghi ngờ, và từ đó đưa ra những quyết định và hành động phá hủy.

Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến. Tin là cả một công trình; chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ; và không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết. Không tin nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ thuộc về sự chết, làm việc sự chết, bởi vì sự chết là mạnh nhất, có khả năng xí xóa tất cả, giải quyết mọi vấn đề, và nhất là làm cho mọi người “huề cả làng”.

  1. Tên cám dỗ đến (c. 1-3a)

“Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỉ thử thách”. Xin cho chúng ta nhận ra Thần Khí và dựa vào Thần Khí, trong những cơn cám dỗ hay thử thách.Trong biến cố chịu phép rửa, Đức Giê-su được nhìn nhận là Con Thiên Chúa; nhưng điều này không miễn cho Người khỏi chịu thử thách, do chính Thần Khí dẫn đưa. Đức Giê-su, dù là Con Thiên Chúa, vẫn để cho mình được dẫn đi chịu thử thách: dù mang thân phận Thiên Chúa, Đức Ki-tô vẫn muốn chia sẻ thân phận đầy thử thách của loài người chúng ta; trong khi đó, chúng ta lại ham muốn thân phận thần linh của Ngài.

Nhưng tại sao phải chịu thử thách trong sa mạc hay hoang địa, chứ không phải là nơi nào khác? Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israel :

  • Hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài, là nơi con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do và bình tâm.
  • Hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày ; và đó cũng chính là trường hợp của chúng ta, mỗi chúng ta đến một nơi thanh vắng để tĩnh tâm hay làm Linh Thao (thao luyện thiêng liêng).
  • Và hoang địa là nơi không có đường đi, để con người chỉ nhận Lời Chúa là « ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi », như lời Tv 119, 105 diễn tả.

Chúng ta có thể tự hỏi và đi tìm ý nghĩa: Tại sao Đức Giê-su phải ăn chay và phải đúng 40 ngày? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa, và cảm nhận những khó khăn mà Ngài phải trải qua, trong 40 ngày ăn chay trong một môi trường khắc nghiệt.

2. Thử thách (c. 3b-10)

Trong ba thử thách, Quỉ nói một lời, Đức Giê-su đáp lại một lời. Và Ngài luôn luôn trích dẫn Kinh Thánh, nghĩa là Lời Chúa. Như thế, Lời Chúa là vũ khí tốt nhất để chiến đấu và chiến thắng ma quỉ, bất cứ thứ quỉ nào. Và chắc chắn, tên quỉ đến thử thách Đức Giê-su, phải là thứ quỉ cao cấp nhất và hùng mạnh nhất.

Trong hai thử thách đầu, quỉ nêu ra thân phận con Thiên Chúa của Đức Giê-su làm tiền đề, và mời gọi Đức Giê-su chứng minh thân phận này một cách ngoạn mục. Nếu Đức Giê-su thực hiện, đương nhiên là được mọi người tung hô, nhưng đó lại là làm con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Đức Giê-su sẽ bày tỏ thân phận con Thiên Chúa của Ngài theo một cách khác, như chúng ta sẽ chiêm ngắm trong Tuần Thánh, và tiếp tục chiêm ngắm cho đến hết cuộc đời.

Thử thách thứ ba, ma quỉ đưa ra một chiêu thức khác, không kém lợi hại: toàn thế giới và vinh hoa lợi lộc. Trong lịch sử đã có biết bao vua chúa và quốc gia có mộng bá chủ thế giới. Nhưng kết quả là đem lại chết chóc cho người khác và cho chính mình.

a. Thử thách thứ nhất

Thử thách thứ nhất là nhu cầu căn bản nhất của con người, và cũng là của mọi sinh vật, đó là nhu cầu ăn uống, hơn nữa Ngài đang rất đói bụng! Trong sa mạc, dân Do Thái cũng bị thử thách về ăn uống (x. Ds 21, 4-5) và trong Vườn Eden cũng vậy, đối với Ông Bà Nguyên Tổ (x. St 2-3). Nhu cầu ăn uống tượng trưng cho mọi nhu cầu của con người; và chúng ta có thể liệt kê ra. Ngày nay, con người có biết bao nhiêu là nhu cầu, càng ngày càng nhiều: nhu cầu thúc đẩy sản xuất, sản xuất tạo ra nhu cầu. Vòng xoáy này là không cùng và đang gây tác hại cho sự sống: sự sống thiên nhiên và sự sống của con người, cả ở bình diện thể lý lẫn nhân bản và nhân linh.

Đức Giê-su trích dẫn Kinh Thánh: “Con người sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi Lời Chúa” (Đnl 8, 3). “Bánh” tượng trưng cho mọi nhu cầu. Lời Chúa là Lời thốt ra từng miệng Thiên Chúa; nhưng Lời này lại được lắng nghe ngang qua rất nhiều trung gian: sáng tạo, lịch sử, cuộc đời, cuộc sống và nhất là Sách Thánh; Lời Chúa cũng tác tạo và cư ngụ trong mọi tương quan tin tưởng, yêu thương, chia sẻ, bao dung, cảm thông, tha thứ, đón nhận. Vì đó là những tương quan làm phát sinh sự sống và nuôi dưỡng sự sống, sự sống ở mức độ căn bản nhất; bởi vì, nếu không, người ta sẽ sẵn sàng hủy diệt sự sống nhân linh ngay từ trong trứng nước. Lời Chúa là Lời ban sự sống, sự sống hằng ngày của chúng ta.

b. Thử thách thứ hai

Trong lời của Ma Quỉ có một mâu thuẫn nghiêm trọng: là Con Thiên Chúa, nhưng lại muốn thử thách Thiên Chúa: tự đặt mình trong tình trạng nguy hiểm, để buộc Thiên Chúa phải ra tay; làm thế, để kiểm chứng Thiên Chúa có thương mình thật không! Trong Kinh Thánh, câu nói “thử thách Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là không tin Thiên Chúa: Ông Bà Nguyên Tổ (x. St 3, 1-7); Dân Chúa trong sa mạc (x. Ds 14, 22: thử thách 10 lần; Tv 106, 14); các vị lãnh đạo dân Do Thái đòi Đức Giê-su xuống khỏi thập giá.

Bằng đó dữ kiện, đủ để chúng ta rút ra kết luận: yếu tính của Tội Nguyên Tổ là không tin nơi Thiên Chúa, không tín thác nơi Ngài trong thiếu thốn, gian nan thử thách của thân phận con người. Hành vi vi phạm giới răn chỉ là hệ quả của một thái độ nội tâm. Hiểu như vậy, sẽ giúp chúng ta hiểu và ước ao mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su hơn.

c. Thử thách thứ ba

Để làm bá chủ thế giới cùng với vinh hoa lợi lộc, chỉ có một cách duy nhất mà thôi: bái lạy ma quỉ. Điều này có nghĩa là làm tay sai cho sự dữ, hành động theo sự dữ, đồng hóa mình với sự dữ. Lịch sử loài người chứng minh điều này, không chỉ đối với các quốc gia, mà cả với Giáo Hội, nếu tự coi mình là “quốc gia hoàn hảo” theo kiểu người đời, nếu tự xây dựng mình như một siêu cường quốc, với mộng tưởng  làm bá chủ thế giới: thánh chiến, thanh lọc đức tin, tòa án, lưu đày, hỏa thiêu, lên án các dân ngoại và các tôn giáo, xây dựng quyền bính, tranh dành quyền lợi, ranh giới…

Đức Giê-su trích dẫn Lời Thiên Chúa, đã được cô đọng thành giới răn: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”. Đây không chỉ là nghi thức phụng tự, nhưng là cả một cuộc sống, ngang qua các lựa chọn cụ thể, mà Đức Giê-su sẽ thể hiện đến cùng trên đồi Can-vê.

3. Tên cám dỗ bỏ đi (c. 11)

Quỉ bỏ đi, thì thiên thần tiến đến phục vụ Đức Giê-su. Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh này và đọc ra ý nghĩa. Khi chiến thắng ma quỉ, Đức Giê-su thuộc về Thiên Chúa; và điều này đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua rồi:

  • Không làm phép lạ để thỏa mãn nhu cầu.
  • Không thử thách Thiên Chúa.
  • Không thờ lạy ma quỉ, những gì thuộc về ma quỉ; nghĩa là không sống theo ma quỉ, theo năng động tội lỗi, bạo lực, sự dữ, sự chết, gian dối, ghen tị, nghi ngờ, ham muốn.

 

*  *  *

Đó là con đường dẫn đến sự chết, nhưng đó không phải là ngõ cụt, nhưng là con đường dẫn đến sự sống mới đến từ Thiên Chúa. Thực vậy, Đức Giê-su nhịn ăn 40 ngày, không làm phép lạ là chết; vì thế, nếu có sống, thì Ngài sống sự sống mới, đến từ trời cao, được diễn tả bởi sự hiện diện của các thiên sứ.

Xin cho chúng ta biết đón nhận và sống với tâm tình tạ ơn và ca tụng, sự công chính Người trao ban cho chúng ta cách nhưng không, như thánh Phao-lô xác tín: “nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5, 19), để chúng ta cũng sống sự sống mới của Người ngay hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1][1] Trong tòa án Thượng Hội Đồng, câu hỏi của vị Thượng Tế: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26, 63), cũng là một hành động giăng bẫy. Trước đó, Đức Giê-su luôn phá bẫy người ta giăng ra, nhưng lần này, Ngài để cho mình bị mắc bẫy và bị kết án: “Hắn nói phạm thượng… Hắn đáng chết” (c. 65-66). Đó thực sự là cái bẫy chết người, vì mang dáng vẻ bề ngoài “đi tìm sự thật”, hơn nữa còn đưa cả “Thiên Chúa Hằng Sống” vào làm “mồi” giăng bẫy! Biến Thiên Chúa thành “mồi giăng bẫy”, với ý đồ giết chết, đó mới là phạm thượng! Giống như Con Rắn nói với bà Eva: “Có thật Thiên Chúa bảo…” (St 3, 1); Con Rắn đã dùng Lời Chúa để giăng bẫy! Vậy thì ai phạm thượng? Loài người chúng ta, ngang qua hình ảnh Vị Thượng Tế cao quí, hay Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó? Giăng bẫy kiểu này, chính là hành động đặc trưng của Satan. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10; sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ loại bỏ lời này; lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua!)

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 31-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 31/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Đón nhận Ánh sáng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 31-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 31-12-2024 (Ga 1,1-18)  Lúc khởi đầu đã có Ngôi …

Một bình luận

  1. Kinh thánh tiếng anh ghi “fasting” nghĩa là nhịn ăn, chứ không phải là ăn chay ạ. Ăn chay và nhịn ăn là 2 điều hoàn toàn khác biệt và mức chịu đựng, dày vò rất khác nhau. Kính mong dongten.net suy xét ghi đúng lời Chúa để mọi người hiểu Thiên Chúa rõ hơn. Thân mến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *