Trong bài viết “9 Điều Tôi Muốn Biết Trước Khi Kết Hôn” của tôi, điều số 8 nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc: “Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là sự kết hợp giữa hai người giỏi tha thứ.” Nhiều người liên lạc với tôi chia sẻ rằng họ cảm thấy khó tha thứ ra sao và họ bị mắc kẹt bởi những bực tức của họ như thế nào.
Chân thành mà nói, thật không dễ để tha thứ! Quá khó để xin tha thứ vì chúng ta tự cao, và cũng thế, quá khó tha thứ vì chúng ta bị tổn thương. Như thế, nhiều lần chúng ta từ chối cả việc tha thứ lẫn xin tha thứ. Nỗi oán giận bắt đầu tích tụ; nhưng nỗi oán giận này rất giống với việc nuốt nhiều nọc độc và chờ kẻ khác chết đi. Tha thứ vốn dĩ đã khó khi mọi chuyện êm thấm, huống hồ với nỗi oán giận, tha thứ càng khó khăn hơn nhiều.
Chúng ta phải tha thứ. Không có cách nào khác. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng ta cần “thương xót như Cha chúng ta trên trời là Đấng xót thương.” Chúng ta không ngớt lặp lại cùng một thực tế mỗi khi cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nếu ta không tha thứ, Thiên Chúa không thể tha thứ cho ta!
Giờ đây, nếu phải thương xót như Cha chúng ta, điều tốt nhất ta có thể làm là tìm biết Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta ra sao, để rồi chúng ta có thể thấu đạt mình phải tha thứ thế nào.
1. Thiên Chúa nóng lòng tha thứ cho ta
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, ĐTC Phanxicô gọi như thế (cũng được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng), có một chi tiết tinh tế mà không phải lúc nào ta cũng nhận ra: “Khi anh ta còn ở đằng xa, người cha đã thấy, ông chạnh lòng thương, chạy lại, ôm chầm và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Người Cha đang ở đó đợi anh! Thậm chí trước khi người con xin tha thứ, ông đã chạy đến ôm chầm lấy anh! Khi biết đây là cách Thiên Chúa tha thứ, thì trong các tương quan cá nhân của mình, ta cũng phải sẵn lòng chạy đến gặp anh chị em mình, những người đã làm tổn thương ta. Chúng ta phải nóng lòng chờ đợi thời điểm hòa giải. Và khi họ xin tha thứ, ta phải chạy đến để ôm lấy họ và cho họ thấy nỗi hân hoan của chúng ta.
Trong buổi Kinh Truyền Tin (06/03/2016), ĐTC Phanxicô đã nói:
“Người là Cha thương xót, trong Chúa Giêsu, Ngài yêu chúng ta vượt quá mọi đo lường, luôn chờ chúng ta hoán cải mỗi khi ta phạm sai lầm; Ngài chờ ta quay về khi chúng ta quay lưng lại với Ngài trong suy nghĩ, chúng ta chẳng thể làm gì nếu không có Ngài; Ngài luôn sẵn sàng dang rộng cánh tay của Ngài dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.”
2. Thiên Chúa tha thứ ngay lập tức
Trong dụ ngôn trên, người Cha thậm chí không để cho người con nói hết những điều anh đã chuẩn bị. Ông sai đầy tớ của mình mang áo choàng đẹp nhất, đeo một chiếc nhẫn vào tay anh. Trên cây thập tự, Chúa Giêsu nhìn xuống những kẻ đang tra tấn Ngài và chuẩn bị giết Ngài, rồi Ngài cất lên những lời gây đảo lộn không thể tin được: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Liệu ta có thể tha thứ cho những kẻ làm tổn thương mình, thậm chí những người thân thiết nhất với ta? Tất nhiên là có thể! Chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, rằng nhiều lần Chúa nói, “Họ không biết việc gì họ làm.” Có lẽ chúng ta tin rằng những kẻ đó làm tổn thương chúng ta vì họ xấu xa, hoặc vì họ ghét chúng ta. Dĩ nhiên có ngoại lệ, nhưng có thể giải thích đơn giản hơn nhiều: Họ không biết. Để cấu thành tội, người ta phải vi phạm với “sự hiểu biết đầy đủ và sự ưng thuận có chủ tâm” (GLGHCG 1857). Nhưng không phải lúc nào những điều kiện này cũng được thỏa mãn. Nhiều lần chúng ta làm tổn thương nhau mà không biết, không muốn, thậm chí không thể né tránh. Vì lý do này, chúng ta phải luôn mở ra và rộng lượng khi cần tha thứ. Dù họ có xin tha thứ hay không, ta cũng nên nhớ rằng người xúc phạm ta có thể không biết điều đó. Chúng ta cần tránh cám dỗ để nói rằng, “Tôi không thể tha thứ cho điều đó” hoặc “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bạn.” Nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta đang bó buộc đôi tay của Thiên Chúa và ngăn cản Ngài tha thứ cho chúng ta.
3. Sự tha thứ của Thiên Chúa là một cuộc ăn mừng!
Ngay sau khi phục hồi phẩm giá cho người con, người Cha kêu mời mở tiệc và họ bắt đầu “ăn mừng!” Phải chăng ông đã quên lỗi phạm của người con? Ông có thực sự quên mọi việc người con đã làm với mình? Không. Có thể tìm thấy đáp án trong câu trả lời của người cha dành cho người con cả: “Em của con đã chết và nay lại sống; đã mất và được tìm thấy.” Làm sao chúng ta lại không cảm nhận niềm vui tràn ngập khi hòa bình trở lại trong cuộc sống của mình? Làm thế nào chúng ta lại không thể vui mừng khi những khác biệt đã lùi xa?
ĐTC Phanxicô đã nói trong một buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng Một năm 2016:
“Rồi người cũng mời gọi người con cả vốn bị xúc phạm và không muốn tham gia tiệc mừng, người con luôn ở nhà và sống như người đầy tớ hơn là người con. Cũng vậy, người cha cúi xuống, mời anh vào, cố mở lòng để yêu thương, để không ai bị loại trừ khỏi cuộc ăn mừng của lòng thương xót. Lòng thương xót là cuộc ăn mừng!”
Nếu Thiên Chúa vui mừng và mở tiệc khi ta cầu xin Ngài tha thứ, tại sao nhiều lần chúng ta tha thứ nhưng vẫn giữ một khuôn mặt buồn rầu? Chúng ta phải tha thứ với niềm vui, và biết rằng Thiên Chúa cũng tha thứ cho ta theo cùng một cách!
4. Thiên Chúa không kết án chúng ta
Trong mẩu chuyện về người đàn bà ngoại tình, sau khi khiến những kẻ buộc tội chị phải bối rối, có một cuộc đối thoại đắt giá giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ: “Chúa Giêsu ngước lên và nói với chị, ‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao? Chị thưa,’Thưa ngài, không ai cả.’ Và Chúa Giêsu phán: Tôi cũng không kết án chị đâu; hãy đi và đừng phạm tội nữa'”(Ga 8,10-11). Tại sao mỗi lần tức giận chúng ta liên tục kết tội những người làm tổn thương ta? Tại sao ta tìm cách gây chiến? Phải chăng chúng ta quá sạch tội đến nỗi tin rằng mình có thể kết tội họ? Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ có được mọi điều tốt đẹp nhờ lặp đi lặp lại hàng ngàn lần những gì họ đã gây cho ta? Tôi không nghĩ thế. Đó quả là một chiến thuật đáng kinh hãi nếu ta thực sự khát mong hòa bình.
Trong một bài giảng ở nhà nguyện thánh Marta vào ngày 3 tháng Sáu năm 2014, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ:
“Ai là kẻ tố cáo? Trong Kinh Thánh, kẻ tố cáo được gọi là ma quỷ, là Satan. Chúa Giêsu sẽ phán xét vào thời chung cuộc, nhưng trong thời gian chờ đợi, Ngài cầu nguyện, Ngài bảo vệ. Kẻ phán xét là kẻ bắt chước hoàng tử thế gian này, kẻ luôn chống lại con người để tố cáo họ trước mặt Chúa Cha. “
Nếu cứ kết án, chúng ra không giống Chúa Giêsu. Chúng ta giống ma quỷ! Chúng ta muốn mình giống ai? Hoàng Tử Hòa Bình hay hoàng tử thế gian này?
5. Tha thứ của Thiên Chúa đòi sự biến đổi
Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ sa ngã nữa. Sau cuộc đối thoại thật đẹp với người phụ nữ, Chúa Giêsu nói với chị ấy, “Hãy đi, và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Đây là phần khó nhất khi chúng ta là người phạm tội. Đôi khi tội lỗi của ta trở thành thói quen “vì lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn,” và chúng ta không thực hiện các bước cần thiết để thay đổi, để thực hiện cuộc hoán cải nội tâm nhờ ơn tha thứ từ nhân của Thiên Chúa. Khi lời “Xin tha thứ cho con” trở thành câu cửa miệng hay khi chúng ta xưng tội mà không kèm ý hướng thực muốn cải hóa mọi sự, sức mạnh của ơn tha thứ sẽ phai nhạt. Chúng ta phải liên lỉ cảm ơn Thiên Chúa và anh em mình về ơn tha thứ và đồng thời vạch ra mọi phương tiện cần thiết để đảm nhận cuộc hoán cải nội tâm đó. Và nếu chúng ta lại sa ngã? Chúng ta lại bắt đầu lại! Chúng ta chân thành nài xin ơn tha thứ và một lần nữa nỗ lực làm những gì cần thiết để cải thiện. Chúng ta phải tha thứ cho những kẻ làm tổn thương ta bao nhiêu lần? 70 lần 7!
Trong cuộc phỏng vấn với Andrea Tornielli, được trích trong cuốn sách “Tên Của Thiên Chúa Là Thương Xót”, ĐTC Phanxicô nói:
“Nhiều người khiêm tốn thú nhận họ đã lại sa ngã. Điều quan trọng nhất trong đời của mỗi người nam nữ không phải là họ không bao giờ sa ngã trên đường đời. Điều quan trọng là phải luôn đứng lên lại, không lê lết trên mặt đất và liếm láp vết thương của mình.”
6. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta hoàn toàn
Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta hoàn toàn. Chúa Giêsu đã phán với kẻ trộm lành: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta tha thứ như thế nào? Tha thứ không có nghĩa là phải quên đi những xúc phạm mà ta phải gánh chịu. Tha thứ không liên quan gì đến trí nhớ cũng như cảm xúc. Chúa Giêsu xin ơn tha thứ cho những kẻ tra tấn khi Ngài đang ở trên thập giá! Có lẽ, nếu hành vi phạm tội đủ nghiêm trọng, chúng ta sẽ còn nhớ nó đến giây phút cuối đời. Tha thứ đồng nghĩa với “tiếp tục cho đi.” Tha thứ nghĩa là “cho bản thân một lần nữa.” Chúa Kitô đã ban ơn tha thứ cho những người rõ ràng không xứng đáng. Người trộm lành đã rất may mắn khi vào phút cuối, “anh đã đánh cắp Thiên Đàng.” Khi tha thứ, chúng ta không thể tiếp tục rảo bước với “khuôn mặt của người nạn nhân,” hoặc tệ hơn, với “thái độ của người nạn nhân.” Nếu tha thứ thật sự và hoàn toàn, chúng ta sẽ không bao giờ phải nhắc lại chủ đề này nữa, không phải chỉ với người phạm lỗi hay với bất kỳ ai, nhưng kể cả với cha giải tội. Tha thứ nghĩa là bỏ lại đằng sau mọi lỗi lầm, và bỏ lại một lần cho tất cả.
7. Chính Thiên Chúa tha thứ
Sự tha thứ không thể giới hạn ở việc tha thứ cho nhau; ngay cả khi đó là một khởi đầu tốt. Sau khi tha thứ cho nhau, ngay lập tức và một cách hoàn toàn, chúng ta cần biết rằng người mà ta đã xúc phạm là con trai hay con gái của Thiên Chúa (và là một trong những người Chúa yêu thương). Vì vậy, điều tiếp theo ta cần làm là đến tòa giải tội và xưng thú với linh mục, để qua sự tha tội, lòng sám hối và lời khuyên tốt lành, chúng ta có được bình an đích thực trong tâm hồn, trong cuộc hôn nhân của ta, trong gia đình và trong cộng đoàn. Bình an đích thực được xây dựng trên sự tha thứ siêu nhiên. Thiên Chúa đã nhắc nhở chúng ta về điều này khi Ngài ban cho ta bình an của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em; bình an Thầy ban cho anh em không như của thế gian” (Ga 14,27).
Trong một bài giảng tại nhà nguyện thánh Marta vào ngày 15 tháng Sáu năm 2013, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ:
“Sự hòa giải đích thực là trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên chính đôi vai Ngài, và vì chúng ta Ngài đã biến mình thành hiện thân của tội.”
Để kết luận, xin trích dẫn chia sẻ của ĐTC Benedictô, khi ngài gặp một nhóm trẻ em vào ngày 11 tháng Năm năm 2015:
“Vâng, chúng ta cãi nhau, nhưng đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. Hãy luôn ghi nhớ điều này. Đôi khi tôi đúng, người kia đã sai. Làm sao để xin lỗi? Tôi không xin lỗi được, nhưng tôi diễn tả một cử chỉ và tình bạn tiếp tục. Điều khả thi là: đừng để cuộc cãi vã tiếp tục vào ngày hôm sau. Thật tệ! Đừng để một ngày kết thúc mà không làm hòa. Cha cũng đã cãi nhau nhiều lần, thậm chí ở thời điểm hiện tại. Cha cảm thấy hơi nóng giận nhưng cha luôn cố gắng xây dựng hòa bình. Con người vốn tranh cãi. Điều quan trọng là tranh cãi đó không tiếp diễn, để sau đó có được bình an.
Chuyển ngữ: Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.
Nguồn: http://catholic-link.org/2016/03/24/7-characteristics-of-gods-forgiveness-to-deepen-in-the-paschal-mystery/