Cần một chút khiêm tốn

Nếu nhìn cuộc sống dưới lăng kính các vấn đề, thì lúc nào cũng đầy vấn đề lớn nhỏ. Có người không thích gọi là vấn đề mà coi là vấn nạn. Tuy nhiên, ở đây không bàn về câu chữ cho bằng câu chuyện cuộc đời. Chẳng khi nào cuộc đời hết những vấn đề. Hết vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác. Có những vấn đề đơn giản. Có những vấn đề trầm trọng. Có lần Thầy Giêsu mời gọi mọi người sống tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng, vì lý do là ngày nào có cái khổ của ngày ấy. Nhiều người cũng thích trích dẫn câu nói này. Tuy thế, Chúa thì nói một làm hai, còn người ta, hoặc là chính bản thân tôi, nói thì cứ nói, còn làm thì hãy đợi đấy, chưa biết!

Ở nhiều nước nghèo, ở nhiều nước đang phát triển, người ta đề xuất các phương án để giải quyết vấn đề nghèo đói. Có phương án là kế hoạch hóa gia đình. Có lúc các biện pháp kế hoạch hóa được thực hiện cách thô bạo với những hình phạt liên quan đến tiền bạc công việc, với những viên thuốc phá thai, ngay cả chính việc phá thai hoặc nhiều điều khác nữa. Có lẽ người ta thích chọn giải pháp dễ dãi nhất để giải quyết những vấn đề nan giải và khó khăn nhất. Đương nhiên, khi làm một điều gì, một chính sách gì, người ta cũng có muôn vàn lý do hợp lý để làm. Tuy nhiên, những nguyên tắc cho những lý do ấy là gì, những giá trị mà lý do ấy nhắm tới là gì. Phải chăng con người chỉ còn giản lược vào những con số thống kê, với những nhu cầu ăn uống, với những lợi lộc được đo lường thuần túy kinh tế kinh doanh, và phải chăng con người đang khai thác nhau.

Ở những nước phát triển, ở những nước giàu, người ta không còn mấy chú trọng vào các nhu cầu căn bản nữa. Đơn giản vì họ dư thừa những điều ấy. Họ quan tâm nhiều hơn về việc phát triển các tài năng. Họ quan tâm hơn đến các sở thích, các thị hiếu. Và khi ấy, khi dành nhiều thời gian công sức hơn cho công việc, cho công danh sự nghiệp, thì vị thế của gia đình tự nhiên sút giảm, có khi sút giảm trầm trọng. Vai trò làm cha làm mẹ trong gia đình trở nên lạc lõng trong những hệ thống công sở, trong những tập đoàn. Việc cha mẹ ăn uống chơi chung và trò chuyện với con cái, tự nhiên cũng phải khuôn theo những hệ thống tài chính kinh tế, theo kiểu hẹn lịch gặp rồi này nọ. Người trẻ khó khăn tiến tới đời sống vợ chồng. Vợ chồng khó lòng chung thủy, vì đời sống cá nhân bị lập trình khuôn theo công việc của công ty… Có biết bao nhiêu lý do, nếu bạn quan tâm, mời bạn tự tìm hiểu. Kết quả là, nhiều nước bị già hóa dân số. Có những nơi thực tế thật thảm thương. Cứ 5 cặp chung sống thì chỉ có 1 cặp kết hôn. Cứ mỗi phụ nữ kết hôn thì trung bình chỉ có dưới 1 đứa con. Trong những cặp kết hôn thì hơn một nửa là ly dị.

Như thế, ở nơi nghèo khó, nếu người ta có thể hình dung ra một gia đình nghèo khổ đông con nheo nhóc, thiếu ăn thiếu mặc và học hành không đến nơi đến chốn; thì ở nơi giàu có, người ta cũng có thể hình dung ra một gia đình với nhà cửa sang trọng, với đầy đủ tiện nghi nhưng chỉ lạnh lẽo một con người, vì người đó đã ly dị và cũng không có con.

Nếu con người không đặt cuộc sống của con người trên những giá trị làm người, thì có lẽ cuộc sống sẽ không còn là cuộc sống của con người nữa. Cái nghèo có rất nhiều vấn đề của cái nghèo, và cái giàu cũng có rất nhiều vấn đề của cái giàu. Khi người ta giản lược con người theo kiểu giàu nghèo, kiểu giai cấp, thì cuộc sống cũng tự động bị phân rẽ phân tán như thế. Và khi làm như thế, người ta giải quyết được một vấn đề, nhưng lại làm phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp hơn.

Thử nêu lên vài vấn đề nổi cộm mà ai cũng thấy. Xin không đi vào phân tích, vì đây là những vấn đề rất nghiêm túc và phức tạp. Thử nghĩ về cuộc chiến tại Syria, cuộc chiến tại Trung Đông. Thử nghĩ về châu Âu với vấn đề khủng hoảng dân số, khủng hoảng người di dân từ các nước châu Phi qua, khủng hoảng di dân từ các nước khối Ảrập tràn qua. Thử nghĩ về Mỹ với làn sóng chống đối hoặc ủng hộ người nhập cư. Thử nghĩ về Nhật Bản với nạn tự tử cá nhân cũng như tự tử tập thể. Thử nghĩ về Philippin với những biến động mà tổng thống Duterte gây ra. Thử nghĩ về Trung Quốc với câu chuyện biển Đông, với tình trạng hàng nhái hàng giả, với tình trạng ô nhiễm môi sinh. Thử nghĩ về Việt Nam với nạn ô nhiễm biển, với nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên, với con số người chết hằng ngày do tai nạn giao thông, với cuộc khủng hoảng lòng tin của người dân nơi thực phẩm ăn uống, với điều được nói nhiều mà khó hình dung là về tham nhũng. Và còn biết bao nhiêu điều khác nữa. Đó là chưa nói đến những chuyện nghiêm trọng khác.

Đó là câu chuyện hôm nay. Thật là nhức cái đầu và khổ cái tâm khi suy nghĩ và nặng lòng về những điều ấy. Con người là con người toàn diện với huyền nhiệm về con người. Là người trẻ, tôi thử ngồi lại, ngẫm suy xem đâu là những giá trị căn bản của kiếp người, đâu là giá trị căn bản của cuộc sống này, của thế hệ tôi và cho thế hệ mai sau. Có lẽ cần bắt đầu từ việc làm rất nhỏ. Cần một chút khiêm tốn! Có lẽ thế. Vâng, Chúa ơi, bản thân con lo còn chưa nổi, vậy mà con đang sống trong một thời đại, mà mỗi con người trực tiếp có liên quan đến gia đình đến dân tộc đến quốc gia và quốc tế. Xin cho con không trở thành một kẻ thụ động của thời cuộc. Xin cho con biết làm cách nào để sống xứng đáng là một con người, ngay giữa bao thách đố nơi xã hội cũng như trong tâm hồn mình.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *