Bài nói chuyện của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt với giới trẻ trong Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ IX tại Bắc Ninh
Chào các bạn đến từ khắp nơi trong 10 giáo phận của giáo tỉnh Hà Nội. Chúng ta đang đứng giữa trời đất Quan Họ, nơi mà một nhạc sĩ đã diễn tả là ‘một làn nắng cũng mang điệu dân ca’. Trước hết mời các bạn cùng nhau hát lên tình bạn của chúng ta qua bài Trống Cơm: Tình bằng có cái trống cơm…
Thú thật với các bạn tôi sinh ra trong giáo phận Bắc Ninh, nhưng cho đến ngày về Bắc Ninh năm 2008, chỉ hiểu biết rất sơ sài về văn hóa Quan Họ. Tôi đã phải học và hỏi nhiều người, nhiều nơi. Tôi đã đọc một số tác phẩm về Quan Họ Bắc Ninh. Đặc biệt tôi đọc gần 300 bài Quan Họ cổ. Và như thế, tôi đã phát hiện ra một di sản văn hóa của nhân loại ngay trên mảnh đất mình sống. Thực sự tôi đã ngỡ ngàng về cái hay cái đẹp trên đất Kinh Bắc, cái nôi của văn hóa Việt Nam.
Chúng ta thường nghĩ đến Quan Họ như những bài dân ca mượt mà, thắm thiết. Thật ra có cả một không gian văn hóa Quan Họ mà các bài dân ca là những diễn tả xuất phát từ trái tim người Quan Họ. Qua các bài hát Quan Họ cổ, tôi thấy trọng tâm là tình bạn. Hai Bọn Quan Họ, một nam một nữ từ hai làng kết nghĩa với nhau. Họ coi nhau như anh chị em ruột thịt, gọi nhau là liền anh, liền chị. Vì thế họ không kết hôn với nhau, chỉ sống với nhau bằng tình bạn. Cha mẹ của hai bọn coi tất cả bạn Quan Họ của con mình là con cái trong gia đình. Đã có vô số những bọn Quan Họ kết nghĩa như vậy. Họ đến với nhau, ca hát với nhau, chỉ để diễn tả tình bạn thâm sâu và trong sáng. Họ đón tiếp nhau trong trang phục đẹp, lịch sự. Họ chào đón nhau bằng tất cả trái tim chân thành. Rồi họ hát với nhau, theo kiểu đối đáp. Họ thường hát với nhau trọn một ngày, đôi khi mấy ngày liền, chỉ hát cho nhau nghe, không có khán giả, không có trình diễn. Như nhà thơ Nguyễn Khuyến nói: “Bác đến chơi đây ta với ta”, nghĩa là chỉ có tình bạn.
Văn hóa Quan Họ đã có từ hơn ngàn năm. Đó là nơi những người nông dân chân lấm tay bùn bán mặt cho đất bán lưng cho trời: chính họ là tác giả. Đó là nơi diễn ra nhiều trận chiến, vì sát cạnh kinh đô Thăng Long. Dù vậy, trong Quan Họ, không có bóng dáng của sự vất vả, than vãn, tranh cãi, súng đạn, thù hận. Tất cả những gì là tính toán, giành giật, thô lỗ, hơn thua đều hoàn toàn xa lạ với văn hóa Quan Họ. Lời ca trong các bài Quan Họ. Người ta xưng hô với nhau là người, tôi, hay em. Chứa đựng trong những lời hát dung dị như thi vị là những tình cảm chân thành. Các liền anh liền chị Quan Họ quý mến nhau, tôn trọng nhau, nói với nhau bằng những từ ngữ tao nhã, ý nhị. Không có đổi chác, lọc lừa, nhờ vả, chỉ có tình bạn, một tình bạn vượt trên mọi cái nhỏ nhen, vượt qua mọi thứ rào cản của xã hội, để sống với nhau bằng trái tim với trái tim. Chúng ta có thể nghi ngờ là một cái nhìn như vậy hình như ngây thơ trước bao sóng gió của cuộc sống nhiều bon chen. Nhưng nói cho cùng có lẽ đó là mơ ước của mọi người, nhất là các bạn trẻ. Chính cái nhìn lạc quan ấy làm cho cuộc sống vốn nhiều gian nan có được những bông hoa tô điểm để mọi người thấy mặt đất này là một sân chơi của tình bạn và mở ra một hướng tiến cho những người cảm thấy mình ‘đầu thai lầm thế kỷ’.
Trong Thánh Kinh, có một tình bạn thật đẹp giữa Gionathan và Đavít, giữa một hoàng tử và một chú bé chăn cừu. Khi vua cha là Saulê muốn giết Đavít, chính Gionathan đã dẫn đường cho Đavít trốn thoát. Khi Gionathan chết, Đavít đã khóc: “Gionathan, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh… Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ” (2 Sm 1,27). Một tình bạn không ranh giới, không tính toán thiệt hơn. Trong văn học dân gian Việt Nam có một tình bạn cũng thật đẹp giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Trong tình bạn này, vai trò của Châu Long thật là tuyệt: trung thành với chồng và cũng vì hết lòng với chồng, lại hết lòng giúp bạn của chồng thi đỗ để làm quan. Một tình bạn không muốn bạn thua kém mình, nhưng cả hai cùng thành đạt.
Hai tình bạn trên đây có thể nói là rất Quan Họ. Ước gì chúng ta cũng biết sống với nhau Quan Họ như vậy, và giúp mọi người sống văn hóa Quan Họ, để mọi ngày chúng ta có những tình bạn trong sáng, thủy chung, nâng con người lên những tầm cao của cuộc nhân sinh. Trong tâm tình ấy, chúng ta cùng nhau hát lên tình bạn Chúa Giêsu đối với chúng ta và xin cho tình bạn ấy được mở rộng đến với mọi người.
Hãy nắm lấy tay nhau…
+ Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Giám mục Bắc Ninh