Mỗi khi phạm lỗi, người Kitô hữu nào cũng nghĩ ngay đến việc xưng tội để bày tỏ lòng ăn năn sám hối và quyết tâm của mình. Tuy nhiên, việc xưng tội đôi khi lại trở nên một hình thức trút nhẹ gánh nặng lương tâm, hơn là thái độ thống hối thực sự. Ai đã từng đến tòa giải tội cũng đều thừa nhận: có một sự bình an hiện hữu ngay sau khi xưng tội; thế nhưng, ít ai khẳng định rằng: mình được thực sự ở lại trong Chúa lâu hơn, để chiêm ngắm lòng thương xót vô vàn của Ngài.
Khi một ai đó có lỗi với ta, một lời xin lỗi công khai đôi khi chẳng có giá trị gì, nếu người đó chỉ nói để hoàn thành cho xong một thủ tục; nhưng nếu với tất cả lòng thành và sự ý thức, lời xin lỗi ấy thật sự rất quý giá với ta. Quý giá là bởi vì tấm chân tình người ấy đã dành cho ta và cõi lòng khiêm nhu mà người ấy đã mặc lấy. Do đó, khi ta phạm lỗi với Chúa, ta đừng vô tình biến tòa giải tội trở nên một cái kho, nơi đó chứa đựng tất cả những thứ vô dụng, thậm chí những thứ chẳng biết sẽ phải vất nó đi đâu; để rồi ta được nhẹ nhàng vì không còn vướng bận đến chúng nữa, và vì ta đã hoàn thành xong thủ tục. Chính vì sự vô tình của ta, những thứ được vất vào cái kho đó vẫn cứ giữ nguyên bản chất của nó; và nhiều khi, ta lại thấy nó được mang canh cánh bên mình. Tòa giải tội là nơi tình yêu được hàn gắn; ở nơi đó, tội lỗi trong nhân cách được sửa chữa cho đúng với bản chất của tình yêu, tội lỗi trong hành vi được uốn nắn cho chính xác và theo chuẩn mực của sự trao ban tình yêu, và tội lỗi trong tương quan được xây lại một cách kiên cố và vững chắc theo tính bất biến của tình yêu.
Khi ta đến tòa giải tội trong tâm tình của một người con đầy tình yêu Chúa, ta sẽ không còn thái độ làm cho xong thủ tục; trái lại, ta sẽ thấy mình được ở lại trong Chúa qua từng diễn biến nội tâm của chính mình. Trước hết, đó là một thái độ ăn năn xuất phát từ đáy lòng ta vì một điều gì đó ta đã làm cho Chúa buồn, hay làm cho tha nhân phải đau khổ. Thái độ này được biểu hiện trong chính những giờ phút mà chỉ có một mình Chúa và một mình ta; ta được ở lại trong Ngài và mong ước những giờ phút này được kéo dài mãi, để ta có thể thổ lộ tất cả với Ngài và thốt lên những lời xin lỗi Ngài từ đáy lòng ta. Ta cảm thấy thật hối hận vì thật sự không muốn làm buồn Ngài một chút nào. Càng ngồi lâu với Ngài, ta càng thấy mình được soi sáng cho một quyết tâm mới, một hướng đi mới, mà từ nay ta tin Ngài đồng hành cùng ta trong mọi gian nan, thử thách. Khi đó, ta đến tòa giải tội trong tâm tình của một người con được trở về quê nhà, nơi mà hạnh phúc đang chờ đợi ta.
Đi xưng tội mà không khám phá ra được lòng thương xót của Thiên Chúa thì thật là đáng tiếc! Việc khám phá này phải là ước muốn của chính ta, và đòi hỏi ở nơi ta những khoảng lặng bên Chúa. Ta không thể chạy đến tòa giải tội một cách vội vã, mà không có thời gian dành cho Chúa. Những giờ phút bên Chúa mỗi khi ta phạm tội là những trải nghiệm rất tuyệt vời, để ta được thật sự nhìn thấy ánh mắt của Ngài. Ánh mắt ấy chất chứa một chút tiếc nuối cho ta vì ta đã yếu đuối; ánh mắt ấy không dỗi hờn vì ta đã phản bội, cũng không tức giận vì ta bất tuân; nhưng ánh mắt ấy thấu suốt lòng ta vì ta đã biết nhận ra chính mình; và, ánh mắt ấy là cả một biển trời yêu thương vì ta là con của Ngài.
Lạy Chúa! Con ước gì mỗi lần con nghĩ đến tòa giải tội, con được nhớ đến tình thương hải hà của Ngài! Và như thế, con lại được chìm đắm trong tình Ngài qua những giờ phút tĩnh lặng và suy gẫm! Con ước gì con chẳng bao giờ cảm thấy chán khi ngồi với Ngài! Vì như vậy, con khám phá ra những điều thật mới mẻ và lạ lùng ở nơi Ngài, những điều mà chẳng ai trên đời này có thể thể hiện tình yêu như Ngài. Lạy Chúa! Không phải chỉ là những khi phạm tội, con mới nghĩ đến Ngài; xin cho con được nghĩ đến Ngài trong từng hơi thở của con và gắn kết liên lỉ với Ngài như con đang được thở bằng sinh khí của Ngài!
Therese Trần Thị Kim Thoa
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)