Bi kịch của những cảnh đời, trong Mầu nhiệm cuộc đời

khi hai ông bà đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2,6-7).

Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ,

Thế nhưng, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người chưa hẳn đã không được chào đón.

Dù sao, trong nhiều trường hợp, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,11).

Có những bà mẹ phải khó khăn lắm mới kiếm được chỗ để sinh con,

Có những bà mẹ không muốn con mình sinh ra làm người giữa mọi người,

Có những thai nhi bị ông bà ngoại đòi phá bỏ,

Có những người cha hoàn toàn dửng dưng với giọt máu đang lớn lên từng ngày trong lòng dạ của người vợ hiền.

Vì sao nông nỗi này,

Thế giới càng văn minh, con người càng chế tạo ra được nhiều cách thế để giết hại nhau, và các nạn nhân đầu tiên hình như là thai nhi vô tội.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thai nhi được cứu sống lạ lùng,

Vì mầu nhiệm sự sống không thuộc về con người, nhưng thuộc về Đấng đã cất lên lời nguyện cầu: “xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15b).

Nhìn những khuôn mặt ngây thơ trong sáng như thiên thần, mấy ai thấy được những sóng gió diễn ra ngay khi các bé còn trong lòng mẹ. Thật vậy, nơi những phận người mỏng manh kia, phải chạm tay vào cội nguồn sự sống mới thấy được sức mạnh tiềm ẩn trong đó,

Các thiên thần nhỏ trong những cảnh đời khác nhau, giầu sang hay nghèo khổ, đều hé mở màu nhiệm cuộc sống: nơi tình yêu bắt đầu.

Hãy thử làm quen với một bé gái hơn một tuổi đang mon men đến bên tượng Đức Mẹ, trước cặp mắt ngỡ ngàng của các anh chị ca đoàn, mọi người tự hỏi bé muốn gì đây? Đừng ngăn cản chúng, vì nước Trời là của những ai giống như chúng (Mt 19,14). Coi kìa! Bé tròn mắt nhìn Đức Mẹ, rồi cúi thật sâu ạ Mẹ.

Bé sinh ra trong một mái nhà,

lớn lên trong một túp lều ….

Hôm nay đây bé mới hơn một tuổi mà cũng đã trải qua bao thăng trầm!

Như nhiều trẻ em khác, bé là nạn nhân cuộc sống hay hiện thân của phận người mỏng manh, yếu đuối? Thực ra, bé quá nhỏ để phân biệt thế nào là sướng với khổ, và cũng chưa hề biết hiểm nguy là gì.

Ngay khi còn trong dạ mẹ, những tưởng chẳng bao giờ bé nhìn thấy cuộc đời này, như bao thai nhi đã chẳng bao giờ được sinh ra làm người.

Mẹ của bé trước đây đã mấy lần phá thai, nhưng đến lượt bé gặp may, vì bé có những hai bà mẹ, mà mẹ thứ hai thì cứ bênh vực không cho mẹ phá bỏ núm ruột của mình. Cuối cùng, bé không những được sinh ra làm người, mà còn được nâng niu, thương mến.

Người mẹ thứ hai, đó là một chị Công Giáo giữa nhóm HIV mẹ mới quen, hai người gặp nhau tâm đầu ý hợp, kết thân lẹ làng. Khi đó mẹ bé thường hay đi chùa với hai cô bạn khác nữa, trong khung cảnh thanh tịnh nơi cửa Phật, các bà thường tâm sự nhỏ to, điều trùng hợp ở đây là cả ba bà mẹ đều có chung một giấc mơ về một đứa con cứ lè nhè bên mẹ hờn trách sao mẹ không cho con bú, sao mẹ không bồng ẵm con vào lòng và ru con ngủ. Chị bạn Công Giáo lân la hỏi chuyện mới biết mấy chị đây ai cũng vài ba lần phá thai. Tuy nhiên đối với các chị thì chuyện tày trời này lại cứ như thể vô tội vạ. Thế giới xưa giờ vẫn vậy, có những bà mẹ chỉ nghĩ đến chuyện hơn thiệt trước mắt, những ý nghĩ đơn giản và thô thiển, tưởng rằng bào thai chưa hẳn đã là con, vì thế cứ phá bỏ mà chẳng chút chi áy náy: phá thai vì sự nghiệp tương lai của mẹ…, phá thai vì người tình, vì người thân…, có trăm đường dẫn mẹ đến chỗ phá thai.

Trường hợp bé gái ở đây, xét cho cùng, mẹ có đủ lý do để phá:

vì mẹ nhiễm HIV trong khi đề kháng (CD4) chưa tới 100,

bi kịch mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng xâu xé tâm can,

ông chồng là một công tử bột, quen dựa hơi mẹ, dửng dưng, giữ lại hay phá bỏ tuỳ vợ.

Thế nhưng, đứa con trong dạ mẹ đang lớn lên từng ngày thôi thúc mẹ, cùng với những lời vừa khuyên răn vừa đe dọa của chị bạn Công Giáo, và với những lời van xin của hai anh trai, mẹ đã chấp nhận vượt thắng tất cả, dù phải phải đánh đổi mạng sống của mẹ để con được một lần làm người giữa nhân thế này.

Tình mẫu từ ngàn đời linh thiêng và cao quí biết bao!

Giết con có nghĩa là giết chết tình mẫu tử, thiên chức làm mẹ cũng tiêu tan, cuộc sống mẹ từ đây có khác chi cái xác không hồn. Biết bao bà mẹ ngày nay khi đánh mất tình mẫu tử rồi, thì chỉ lo khoe sắc, nhưng sắc hương nào còn mãi với thời gian.

Ngày bé chào đời, vui mừng lẫn e ngại, cho tới khi nhận kết quả thử máu từ phòng xét nghiệm, mẹ ẵm bé miệng cười như điên dại: Tạ ơn Trời, con gái mẹ không bị nhiễm HIV.

Đang được nâng niu trong ngôi nhà cao cửa rộng, bi kịch mẹ chồng nàng dâu đã đẩy mẹ con bé ra lề đường. Tối tối chui vào trong một căn chòi nhỏ, bé có thấy khác lạ gì không? Tuổi thơ hồn hiên thì có ở đâu cũng vẫn lớn lên khoẻ mạnh và tươi vui, miễn được ấp ủ trong vòng tay của những người thân. Chỉ tội ông nội nhớ cháu sáng sáng lặn lội tới thăm, cho đến mấy tháng gần đây, khi cháu đã gần một năm, cứ 7.00 sáng ông nội ra ẵm cháu về, hai ông cháu hủ hỉ vui đùa, dỗ dành cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, cho mãi tới 7.00 tối mới ẵm lại cho mẹ. Còn mẹ thì khỏi nói, nuôi con mọn mà vẫn thảnh thơi.

Con trẻ này rồi sẽ ra thế nào?

Sinh ra trên đôi tay của mẹ cha, lớn lên giữa đất trời và giữa muôn người, nhiều rủi ro!

Cuộc sống có ý nghĩa gì?

Nhìn vào cặp mắt sâu thẳm của bé gái, mọi người dễ dàng đọc được câu trả lời đơn giản này: Đằng sau những bi kịch của cảnh đời là huyền nhiệm sự sống!

 

Đaminh Trần Văn Tân, S.J.

Kiểm tra tương tự

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *