Thánh Phanxicô Xaviê truyền giáo tại Châu Á

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều biết về thánh Phanxicô Xaviê như là người mở đường truyền giáo tại Á Châu. Trong khoảng 10 năm rảo bước loan báo Tin Mừng khắp vùng Ấn Độ, Inđônêsia, Malaysia, Nhật Bản, ngài thành lập nhiều cộng đoàn và giúp biết bao người đến với Thiên Chúa. Ngài ước mơ cháy bỏng được truyền giáo trên mảnh đất Trung Hoa, nhưng thánh nhân đã qua đời tại đảo Thượng Xuyên. Tuy vậy, sau đó rất nhiều vị thừa sai Dòng Tên và nhiều Dòng khác đã tiếp bước ngài không chỉ ở Trung Hoa mà còn lan rộng cả vùng Châu Á.

Phanxicô Xaviê mở mắt chào đời 7-4-1506 tại Tây Ban Nha, trong một gia đình thế giá. Là người thông minh, ngài sớm hoàn tất chương trình đại học ở Đại Học Paris. Nhanh chóng ngài nhận chức giáo sư trong trường và con đường công danh sự nghiệp chào đón ngài. Tuy nhiên, thời gian này ngài gặp một người mà sau này trở thành bạn hữu đó là thánh I-nhã thành Loyola. Không dễ dàng cho I-nhã thuyết phục vị giáo sư trẻ Xaviê làm Linh thao hoặc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Rồi từng ngày, Thiên Chúa có cách để hoán đổi vị giáo sư trẻ này với thông điệp: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì.” (Mt16, 26).

Ngày 15 tháng 8 năm 1534 tại Paris, ngài cùng với nhóm thánh I-nhã tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và sống cộng đoàn để “cùng nhau phục vụ Chúa”. Đây là nhóm tiền thân của Dòng Tên sau này. Vì nhóm không thể đi Đất Thánh như dự tính nên nhóm thực hiện kế hoạch hai là về Rôma, đặt mình dưới quyền Đức Giáo Hoàng. Năm 1537 khi nhóm tới Velencia, Phanxicô Xaviê nhận thánh chức linh mục. Sau đó, mang trong tim lửa yêu mến Giêsu và ngọn lửa truyền giáo bùng cháy, ngài đón nhận sự sai phái của Đức Giáo Hoàng và của cha I-nhã.

Trong ngày sinh nhật thứ 35, vị linh mục trẻ của chúng ta đã lên tàu tại Lisbon, Bồ Đào Nha để đi Ấn Độ. Sau sáu tháng lênh đênh trên biển, ngài đã cập bến tại Goa. Với lòng hăng say của người loan báo Tin Mừng, ngài rất nhiều lần gặp các vua chúa quan quyền để thương thảo về công cuộc truyền giáo. Ngoài ra, ngài cũng không ngại gặp gỡ những tôn giáo lâu đời ở đây như: Hindu, Hồi Giáo, Phật Giáo và Khổng Giáo.

Một trong những điều quan trọng là ngài liên lỉ cầu nguyện và ưu tư về sứ mạng Chúa trao. Ngài ra sức mang Tin Mừng đến cho nhiều người, giúp họ trở nên người có đạo và kêu gọi thêm nhiều người chung tay với ngài trong công cuộc quan trọng này. Do đó, ngài rảo bước khắp xóm làng, thành thị. Đi tới đâu, người ta vây quanh ngài để lắng nghe ngài giảng về một Thiên Chúa tình yêu. Hoa trái là trong 10 năm ngài rửa tội cho hằng trăm ngàn người, thành lập nhiều cộng đoàn tại nhiều quốc gia.

Từ Ấn Độ, ngài viết thư cho thánh I-nhã có đoạn như sau: “Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: tiếc thay, chỉ vì lỗi của các ông mà biết bao linh hồn không được cứu rỗi!”

Mặc dù suốt thời gian này, ngài gặp biết bao khó khăn cấm cách, nhưng con tim ngài  luôn bừng cháy tình yêu đối với Chúa và các linh hồn nơi mảnh đất Á Châu. Ngài nỗ lực đưa càng nhiều linh hồn về cho Chúa càng tốt. Dù đi đâu, làm việc gì ngài chỉ mong cho vinh danh Chúa hơn. Rất nhiều lần ngài thưa với Chúa rằng: “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý Chúa ngay ở đời này.” Khi đến quần đảo Môrô (nay thuộc Inđônêsia), ngài viết thư cho anh em Dòng Tên đề ngày 20/01/1548, rằng: “Tôi nhớ ngày xưa chưa từng được an ủi thiêng liêng lớn lao và liên tiếp như trên đảo này, lại ít cảm thấy phải cực nhọc về phần xác. Thay vì gọi đó là Các Đảo Môrô, có lẽ nên gọi là Các Đảo Hi Vọng Vào Chúa thì hơn.”

Trong khi công cuộc truyền giáo tại Nhật Bản đang sinh nhiều hoa trái, ngài tiếp tục hướng đến mảnh đất Trung Hoa với vô số người chưa biết Thiên Chúa. Trước Thiên Chúa và Nhà Dòng, ngài nhận thấy Trung Hoa là mảnh đất màu mỡ để loan báo Tin Mừng. Dĩ nhiên lúc này ngài thực sự muốn đến Trung Hoa trước là gặp vua để trình bày ước nguyện, sau là gặp dân để làm cho họ thành con Chúa. Ngài viết: “Tôi nghĩ mình sẽ đến gặp nhà vua Trung Hoa vào năm 1552. Đây là mảnh đất mà chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng của Chúa chúng ta. Và nếu họ đón nhận Thiên Chúa, họ cũng sẽ giúp cho người Nhật rời xa những giáo phái truyền thống.”

Tiếc là khi đặt chân lên đảo Shanchuan (Thượng Xuyên), nơi cửa ngõ Trung Hoa, ngài đã mắc bạo bệnh và qua đời ngày 3 tháng 12 năm 1552. Tháng 3 năm1553, xác ngài được đưa về Malacca (Malaysia), để lại nhiều kế hoạch và ước mơ chưa được thực hiện trên mảnh đất Trung Hoa. Tuy nhiên, Thiên Chúa an bài sau đó biết bao nhà thừa sai được loan báo Tin Mừng tại đây và cả vùng Á Châu nữa.

Ngày 25-10-1619 Phanxicô Xaviê được phong chân phước, và ngày 12-03-1622, Đức Grêgôriô XV phong thánh cho ngài và I-nhã. Năm 1748, thánh nhân được chọn làm Bổn Mạng của Phương Đông. Năm 1927, ngài được đặt làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo.

Mừng lễ ngài hôm nay, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tỉnh Dòng Tên tại Việt Nam chọn ngài làm bổn mạng. Cầu nguyện cho biết bao nhà truyền giáo đang hăng say trong cánh đồng rộng lớn tại Á Châu. Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo tại Trung Hoa sinh nhiều hoa trái. Xin thánh nhân cầu thay nguyện giúp để con dân Châu Á đón nhận Tin Mừng và sống theo con đường của Chúa Giêsu. 

Mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê, 3-12

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *