Mồ côi, tội lắm ai ơi!

Lạy Thầy Giêsu rất đáng yêu mến! Lời của Thầy vẫn tiếp tục vang vọng và có tính thời sự rất cao. Thầy từng nói: “Hãy để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Các em bé, các trẻ thơ là đại diện cho những người con bé nhỏ. Hôm nay con xin hình dung trước mặt mình, xin nhớ đến trong tâm hồn mình những người con bé nhỏ ấy. Đó là những trẻ em mồ côi bụi đời. Đó là những bậc già lão bị bỏ rơi.

Cầu nguyện cho các em bị bỏ rơi, cầu nguyện cho các trẻ mồ côi, con nhớ tới tuổi thơ êm đềm tốt đẹp của mình. Nhà con tuy nghèo và thiếu thốn nhiều thứ, nhưng những gì quan trọng nhất, con đều có đủ. Con có người bố tốt lành làm ăn chăm lo gia đình. Con có mẹ thương yêu chăm sóc tận tình. Con có anh chị em vui vầy trong gia đình. Con có ông bà có người thân, có bạn bè, có làng xóm láng giềng, có nhà thờ để cầu nguyện, có mái trường để học… Nói chung, con có biết bao điều tốt đẹp để đong đầy kỷ niệm và nuôi dưỡng ước mơ.

Đương nhiên là con thiếu thốn nhiều thứ. Dĩ nhiên là vất vả cũng nhiều. Và rõ ràng cuộc sống không như mơ, cuộc sống có nhiều khó khăn thử thách. Mái ấm gia đình cũng thế, chẳng thiếu sóng gió. Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng nói tóm lại, tất cả những gì cần thiết và căn bản nhất, Chúa đều rộng tay ban cho con và gia đình. Thế nhưng, hầu như tất cả những gì tốt đẹp nhất và đời thường nhất ấy, thì một trẻ mồ côi bị bỏ rơi sẽ không bao giờ có được.

Đối với em, cha và mẹ chỉ là hình ảnh mờ ảo trong giấc mơ. Em có thể may mắn được nuôi dưỡng trong nhà các sơ, hoặc nhà các thầy, hoặc nơi những con người tốt lành đón nhận các em. Nhưng tại những nơi ấy, có quá nhiều người cần chăm sóc, cần quan tâm. Các em không thể được thiết lập tương quan thực sự như một người con đối với người cha hoặc mẹ.

Những lúc trái gió trở trời, những lúc tâm tính bất ổn, những lúc xung đột này nọ, giữa những lúc ấy, các em sẽ có cảm nhận về một chân trời trống rỗng to lớn đến dường nào. Bởi lẽ, giữa những khó khăn thách đố bên trong và bên ngoài, thường thì tình cha tình mẹ sẽ là chốn bình yên cho những người con tin tưởng nép mình nghỉ ngơi an tĩnh và tìm lại sức sống. Nhưng hiếm có bố mẹ nuôi nào có thể thương con như thương yêu con ruột. Có thể quá chiều chuộng mà đánh mất tính giáo dục. Có thể quá khắt khe mà quên đi tình phụ tử tình mẫu tử. Có thể quá trông mong vào tương lai mà đặt gánh nặng vô hình lên các em. Nói chung, thật khó có thể tìm thấy sự vô tư trong sáng, thật khó có thể tìm thấy tính vô vị lợi trong tình cảm của những người không thực sự là cha mẹ ruột của các em. Có người sẽ hỏi lại rằng, ngay cả đối với các cha mẹ ruột, đâu phải ai cũng tốt lành được như thế. Thực tế ấy là phải, nhưng hầu hết tình cha nghĩa mẹ sẽ từ từ nảy sinh và phát triển thăng trầm trong cuộc đời.

Có người nói thêm: ước mơ như thế về các cha mẹ nuôi, có phải là đòi hỏi quá đáng không? Xin thưa rằng, không quá đáng chút nào. Bình thường, người ta cứ nghĩ cho một chút tiền, ăn ngon một chút, mặc đẹp một tý, ở sướng một chút, sở hữu vài đồ dùng giá trị, thế là ổn cả. Thực tế không phải như thế! Tình người mới thực sự quan trọng. Nếu thực sự có tình người, người ta sẽ xây dựng sẽ làm nên tất cả, từ những gì bé nhỏ nhất, đến những gì lớn lao nhất. Những điều ấy ngày càng bền vững và phong phú theo thời gian. Nếu không có tình người, người ta dường như làm được những điều to tát và nổi nang, nhưng kỳ thực là rỗng tuếch và sụp đổ chẳng mấy chừng. Trong tầm nhìn ấy, các trẻ mồ côi phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc đời, để có thể vươn lên, để có thể trưởng thành, để có thể thiết lập được tình người mà gần như bị thiếu vắng kinh nghiệm đích thực về tình mẹ nghĩa cha, thiếu vắng kinh nghiệm vui buồn trong mái nhà, trong gia đình có nhiều thế hệ.

Tuổi thơ của các em là một tuổi thơ khác những đứa trẻ bình thường. Không phải vì thế mà em không bình thường, nhưng là em có chuỗi trải nghiệm khác, chuỗi kinh nghiệm sống khác. Nếu như một bài toán có nhiều cách giải. Và thường thì sẽ dẫn đến cùng đáp số. Cũng thế, các trẻ mồ côi vẫn có thể trở thành những con người tuyệt vời, tuy các em sẽ phải vất vả khó khăn hơn.

Tạm ngưng với câu chuyện cuộc đời của các em mồ côi, con chuyển hướng nhìn sang các cụ già. Đó là những cụ già lang thang đường phố. Đó là những cụ già bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão. Đó là những cụ già vẫn phải ngày đêm kiếm sống. Đó là những cụ già tuy có nhiều con cháu giàu sang, nhưng lại bị bỏ rơi trong những căn phòng đầy đủ mọi tiện nghi. Tuổi già với bao nhiêu mảnh đời khác nhau. Có một khúc ngoặt đến chóng mặt và nhiều khi vô cùng hụt hẫng trong tuổi già. Tuy các cụ chưa ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng dường như đã bị lãng quên ngay trong trần thế.

Con cầu nguyện cho các trẻ thơ, con cầu nguyện cho các cụ già, cũng là lúc con cầu nguyện cho các gia đình, cầu nguyện cho những người còn trẻ, cầu nguyện cả cho bản thân con nữa. Cầu nguyện để giúp con có thể sáng mắt, có thể thanh luyện tâm hồn, để con nhìn thấy và cảm nhận được đâu là điều quan trọng, để con biết xây dựng cuộc đời trên tình người, trên mối tình mà Chúa mang đến khi Ngài can đảm trở thành con người để sống cùng chúng con. Amen.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *