Em-Hữu Thể

Hẹn gặp lại em!

Hôm đó với tôi là một ngày không nhỏ. Có lời mời kết bạn kèm theo tin nhắn trên facebook của tôi: “Chào anh, em là Hữu Thể, hẹn gặp anh tối nay ở quán cà phê đối diện cổng trường”. Tôi thốt lên: “Trời, sao có người lạ lùng thế, gặp thì gặp, sợ gì.”

Tối đến, tôi mon men tới điểm hẹn mà lòng hồi hộp, dù bên ngoài tỏ ra tự tin lắm. Cuộc gặp gỡ xảy ra trong chớp nhoáng, không biết vì nhanh thật như thế, hay vì tôi bị hút vào “thời gian tâm lý” mà không biết. Về nhà, mọi người đổ dồn hỏi tôi, vì lấy làm lạ khi thấy tôi ra ngoài vào buổi tối, điều mà trước tới giờ tôi không làm. Vốn sinh ra trong một đại gia đình, tôi có dịp “đứng trên vai những người khổng lồ”. Bà cố nội Socrates chưa ngủ, hỏi với ra: Nhóc đi đâu về thế? – Dạ, con đi gặp bạn gái tên hữu thể – Hữu thể là gì vậy con? – Con không biết – Con có hỏi cô ta về tên của cô ta không? – Dạ, con chưa kịp hỏi – Trời ơi, ta gần đất xa trời rồi, mà vẫn chưa dạy được cho con về cách đặt câu hỏi. Ông nội Plato lên tiếng: Mẹ đừng lo, có con đây, để con dạy dỗ nó. Rồi ông quay sang an ủi tôi: Con đừng lo, dần dần con sẽ nhớ lại những gì đã được phú bẩm trong tâm hồn con. Bố tôi, Aristotle nghe thế, tỏ vẻ chưa hài lòng: Nhưng con phải chú tâm tập luyện đấy, không biết học quan sát, học ghi nhớ thì chẳng làm nên tích sự gì đâu. Thế là, ngày hôm đó thật kì quặc: cả cuộc hẹn, cái tên, lẫn lời giải thích của các vị cao niên. Nhưng tôi bấm chắc trong lòng kinh nghiệm rằng: tôi đã gặp một nàng huyền bí tên là hữu thể, phải có nàng và đích thị là nàng chứ không phải ai khác.

Hôm sau là ngày nghỉ, tôi đến gặp bác Decartes, anh trai bố, để kể câu chuyện của mình, vì bác được tiếng là người chắc chắn hơn ai hết. Vừa nghe truyện, bác đã nheo mày: Không biết con gặp cô ta thật hay là con ngủ mơ? – Thật mà bác – Thật gì, mà con chẳng nhớ chi hết? – Vâng, con chẳng nhớ bao nhiêu – Thôi, thật hay không, không quan trọng, giờ con muốn hỏi gì, quan trọng là ở con thôi, dù sao thì đây cũng là dịp tốt để con hiểu chính mình – Nghe thế, bác gái Locke không chịu nổi, lên tiếng: Bác con nhà mày nói chuyện ngang như cua vậy. Bác gái đứng dậy tiếp lời: Gặp thì bảo gặp, chứ sao còn nghi ngờ; ông coi, ông có thể nghi ngờ vợ ông đang đứng trước mặt ông không? Rồi quay sang tôi, bác gái động viên: Nếu không gặp cô ta, con không thể biết phải không, kể cho bác nghe, cô ấy xinh đẹp, trắng đen thế nào? Tôi ngập ngừng: Trời tối, đèn không sáng lắm, nên con không thấy rõ – Còn tiếng nói của cô ấy thì sao? – Tôi chợt nhớ: Dạ, giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương, nhưng tỏ ra rất bản lãnh – Thế chứ, có nét giống bác đấy. Cảm thấy bầu không khí gia đình đang dần nóng lên, bác trai mặt lạnh trong khi bác gái mặt cười, nên tôi kiếm cớ “rút lui” sớm. Dù sao, bác trai đã giúp tôi hiểu bản thân hơn, còn bác gái giúp tôi hiểu cô ấy một chút, ít ra là vài đặc điểm.

Chưa hài lòng với bản thân, vào ngày học đầu tuần, tôi quyết định đi gặp thầy giáo Kant để hỏi cho ra nhẽ. Sự chú tâm lắng nghe của thầy làm tôi phải ngạc nhiên. Thầy nói: Con đừng vội vàng, con có khả năng hiểu cô ấy vì trong tâm trí con có sẵn khả năng ấy; nhưng con nên nhớ, dù sao con nhớ và hiểu cô ấy theo cách của con thôi, và theo cách mà cô ấy tỏ ra cho con thấy; còn chính cô ấy, con không thực sự biết đâu. Thầy tiếp lời: Chúc mừng con vì cuộc gặp ấy, nếu không tâm trí con trống rỗng trong loại kinh nghiệm này. Cười nhẹ, thầy huých tôi: Đây là lần đầu tiên của con phải không? – Tôi đỏ mặt: Dạ vâng. Vì hăng say quá, tôi quên mất trước mặt mình không chỉ có thầy Kant, mà còn có thầy Husserl bạn của thầy Kant nữa. Trước sự nhiệt tình và thiện chí của tôi, thầy Husserl bình thản hỏi: Thế cô ấy có hẹn gặp lại con ngày nào không? – Tôi bối rối: Dạ hình như có, à chắc chắn có, vào tuần sau ạ? Thầy cười vui: Thầy nghĩ, con có thể thực sự hiểu cô ấy trong lần tới. Thầy Kant tỏ vẻ không đồng ý.

Dạo bộ trên đường về nhà, tôi tự lấy làm lạ, hơi nghi ngờ về những gì xảy ra cho bản thân trong những ngày qua. Chỉ đơn giản là một cuộc hẹn, và cuộc truy tìm câu trả lời: cô hữu thể là ai? Vậy mà, tôi đã gặp biết bao người, với những lối nhìn khác nhau và rất hay. Dường như, tôi, cô ấy, và những người này cũng có nét giống nhau: cùng có mặt trên đời, nhưng là người với những nét khác nhau. Nếu cô ấy không huyền bí như thế , liệu tôi có phải cất công kiếm tìm? Nhưng tại sao tôi không bỏ mặc, mà lại cất công tìm kiếm? Về đến nhà, tôi kể lại suy nghĩ của mình cho ông nội và bố nghe. Thật ngạc nhiên, mỗi người trả lời một cách, nghe có vẻ giống nhau mà vẫn khác nhau. Ông Plato nói: Trời ban cho là thế rồi; còn bố Aristotle chua thêm: Là người, ai chả thế.

Theo như đã hẹn, tôi đến. Tôi đợi, đợi lâu mà không thấy cô ấy. Bỏ về nhà, mà lòng tôi nặng trĩu, đầy nghi ngại. Chuẩn bị đi ngủ, chuông điện thoại réo lên hồi dài, tôi nghe được tin đột ngột từ gia đình cô ấy: hữu thể vừa tắt thở sau thời gian dài bị ung thu giai đoạn cuối . Lòng tôi lặng im, nhưng tiếng nói của trái tim mách bảo tôi cần đến thăm cô ấy ngay bây giờ. Nhờ chú Heidegger chở đi bằng xe máy, lần đầu tiên tôi chú ý đến sự hiện diện của những tiệm hoa dọc đường, để mua tặng cô ấy: những bông hoa thật ý nghĩa, ít ra là tôi cảm thấy như vậy. Tới gia đình cô bạn, tất cả đều lặng thinh, tôi hòa mình vào bầu không khí vừa ảm đạm vừa linh thiêng ấy. Tiến lại gần, cầm lấy tay cô ấy, tôi không giữ nổi nước mắt: khuôn mặt em thật đẹp, vẻ đẹp thánh thiện. Tôi khóc cho tình bạn đầu tiên của mình mới chớm nở đã vội tắt. Được nghe cha mẹ em kể về chính con mình, kể về cuộc hẹn mà em chuẩn bị với tôi, kể về điều tốt mà tôi đã đánh động em, khiến em muốn kết bạn với tôi trong thời gian cuối đời… Tôi như được vén mở khỏi bức màn ngăn cách, và lúc ấy tôi thực sự biết em hữu thể là ai. Thật khó để diễn tả, nhưng thầy Husserl đã nói đúng: tôi biết… Đêm đã về khuya, sương dày.

Một đêm tưởng chừng dài vô tận cũng trôi qua, hừng đông ló rạng. Chú Heidegger vẫn kiên nhẫn bên cạnh tôi để đồng cảm: hữu thể nằm đây, và thời gian cứ trôi. Nhìn xa xăm vào ánh bình minh, lòng tôi lâng lâng, vang vọng lời của người mẹ đã khuất của tôi, Kierkegaard: cần có một bước nhảy để vươn tới Đấng là Cội Nguồn. Vâng, trong Ngài, chúng tôi mãi là bạn của nhau , và mẹ tôi cũng đang nhìn …

( Đây là một sáng tác của tôi, dựa trên kinh nghiệm cuộc sống và nhiều trường phái triết học Tây Phương. Bài viết đã mượn lời và cung cách của các triết gia để hoá thân họ vào các nhân vật khác nhau trong câu chuyện, với tên của nhân vật vẫn được giữ theo tên của các triết gia. Nhiều chi tiết khác được thay đổi cho thích hợp với câu chuyện, với mục đích làm sáng tỏ bao nhiêu có thể “một vài giá trị của kinh nghiệm” trên con đường dường như vô tận, để tìm hiểu người khác, và vạn vật. )

“Hữu thể” được dịch từ tiếng Latin “Esse”, hay tiếng Anh “Being”. Nó là cái gì, thì đó là cái khó trả lời như việc trả lời: tôi là ai, bạn là ai…

Vũ Tứ Quyết S.J.

SÁCH ĐỌC THAM KHẢO:
1. Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R., “Những nẻo đường hữu thể”, Phần I, (Tài liệu môn Siêu Hình Học), (Lưu hành nội bộ, Sài Gòn 2012).
2. Edited by Ted Honderich, “The Oxford Companion to Philosophy”, (Oxford University Press, 1995).
3. David Woodruff Smith, “Husserl”, (Routledge, Taylor & Francis Group, 2007).

Kiểm tra tương tự

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

[Giới thiệu sách] Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ

 Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *