“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy” (Ngày 01 tháng 01 năm 2022 – Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa – Lễ Trọng)

 

“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ
mọi kỷ niệm ấy”

(Lc 2, 16-21)

 

16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.

18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

 

  1. Lễ “Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa”

Vào năm 428, ở Constantinople (bây giờ là thủ đô Istanbul, nước Thổ Nhĩ Kỳ), một linh mục gọi Đức Maria là Théo-tokos, tiếng Hi lạp, có nghĩa là “Người sinh ra Thiên Chúa”, mà người sinh ra Thiên Chúa, có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa!

Tuy nhiên, có nhiều giám mục, và nổi tiếng nhất là Giám Mục Nestorius, thượng phụ Constantinople không đồng ý với tước hiệu này của Mẹ Maria, vì cho rằng Đức Maria chỉ sinh ra con người Giê-su; do đó, Đức Maria chỉ là Mẹ của Đức Giê-su thôi, chứ không thể là Mẹ của bản tính thần linh của Con Thiên Chúa được; bởi lẽ, bản tính thần linh của con Thiên Chúa thì hằng hữu, bất di bất dịch, không thể được sinh ra trong thời gian. Tóm lại, Đức Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su Nazareth, chứ không thể là Mẹ của Ngôi Lời, con Thiên Chúa hằng hữu; mà Ngôi Lời là Thiên Chúa, nên Mẹ không thể là Mẹ Thiên Chúa được!

Sự bất đồng này là rất lớn và dẫn đến sự li khai trong Giáo Hội. Chính vì thế, công đồng Ê-phê-sô, năm 431, khởi đi từ truyền thống đức tin của các Tông Đồ và kinh Tin Kính (của Công Đồng Ni-cê-a, năm 325), vốn không phân chia hai chủ thể: chủ thể “con Đức Maria” và chủ thể “Con Thiên Chúa”, đã xác định:

Đấng Hằng Hữu, được sinh ra trước mọi thời gian,
cũng chính là Đấng được sinh ra từ Đức Maria
và từ Thánh Thần
.

Vì thế, Đức Maria phải được gọi là Đấng Sinh Ra Thiên Chúa, Théo-tokos, là Mẹ Thiên Chúa.

 

  1. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”

Nhớ lại lịch sử đức tin của Giáo Hội, để chúng ta ý thức rằng, danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay, không chỉ là một danh hiệu của lòng sốt mến, phát xuất từ tình cảm đạo đức, nhưng có liên quan đến cách Giáo Hội chiêm ngắm và hiểu biết “Hài nhi Giê-su, được bọc tã nằm trong máng cỏ” thực sự là Ngôi Lời Thiên Chúa, như Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan mặc khải cho chúng ta:

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta
.

(Ga 1, 14)

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng đó chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, « Người đã từ trời xuống thế », như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ kính Đức Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, lại mời gọi chúng ta cách thức Người đảm nhận không chỉ bản tính con người ở bình diện yếu tính, nhưng còn đảm nhận một phận người thuộcvề một dân tộc cụ thể ngang qua nghi thức cắt bì và đặt tên, sau khi Người được đủ tám ngày.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày,
nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì,
người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su.

(c. 21)

Người là Con Thiên Chúa từ thủa đời đời, nhưng đồng thời Người cũng là Con của Con Người, như sau này Ngài thích tự xưng như thế, và nhất là Ngài có sứ mạng « mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền » của loài người và của từng người chúng ta.

 

  1. “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy”

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng như lời sứ thần loan báo cho các mục đồng, là Đấng Cứu Độ, là Đấng Ki-tô Đức Chúa; vì thế, đó là “Tin Mừng Trọng Đại”. Tin Mừng trọng đại, nhưng lại được loan báo cho những người bé nhỏ, “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữa đàn vật”; ở đây, một cách rất cụ thể, đó là những người Chúa thương.

Bởi lẽ, ai có thể đón nhận một lời loan báo lớn lao như thế khởi đi từ dấu chỉ em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ, nếu không phải là những người “giống” như Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể nhất, nghĩa là cũng nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành? Và quả thực, Thiên Chúa đã không lầm, bởi vì những người chăn chiên đã mở lòng ra cách vô điều kiện để lắng nghe sứ điệp, lên đường, tín thác và ca tụng Thiên Chúa.

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

(c. 16-17)

Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

(c. 20)

Như các người chăn chiên, chúng ta cũng được mời gọi chiêm ngắm Hài nhi Giê-su bọc tã nằm trong máng cỏ, nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành, và nhận ra Ngài là Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể, để đón nhận Người vào trong lòng của chúng ta, vào cuộc đời và vào trong cộng đoàn của chúng ta.

Kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta nhận ra Chúa, sự hiện diện và hành động của Ngài trong thế giới, lịch sử, xã hội và trong cuộc đời của chúng ta nơi những gì là nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành.

Và để có được kinh nghiệm thiêng liêng này, chúng ta hãy bắt chước Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ của chúng ta, đó là:

Hằng ghi nhớ tất cả những gì đã diễn ra,
và suy đi nghĩ lại trong lòng.

(c. 19)

Mùa Giáng Sinh 2017
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Manna: Xem cây vả (Thứ Sáu Tuần 34 Thường niên – Lc 21,29-33)

  Lời Chúa: Lc 21, 29-33 Khi ấy, 29 Đức Giê-su kể cho các môn …

Mến Yêu Hằng Ngày, 28-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 28-11-2024 (Lc 21,20-28) “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *