Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)

Cha Đắc Lộ là người Pháp, từ Avignon, là thần dân của Đức Giáo Hoàng, nhưng cha cố ý nhập Dòng Tên tại tỉnh dòng Roma vì muốn đi truyền giáo. Hứng thú truyền giáo cho các dân tộc ngoài Kitô giáo là rất phổ biến nơi các tu sĩ trẻ Dòng Tên. Điều ấy được nhận thấy nơi muôn vàn thỉnh nguyện truyền giáo cho thấy. Nhưng xác suất thật sự đạt được thì mỗi nước mỗi tỉnh dòng rất khác nhau. Tất cả các thỉnh nguyện truyền giáo phải được gửi đến cha Tổng quyền. Vị này xem xét tình hình từng nước, và tất nhiên phải xem cả những điều kiện chấp nhận của các thế lực bảo trợ. Chính vì thế, những quốc gia có cơ hội lớn nhất là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Còn những người thuộc các nước mà Giáo hội đang phải chiến đấu sống còn với Giáo hội Tin Lành, như Đức, Pháp thì hiếm có dịp. Ngay cả các thế lực bảo trợ cũng không thích nhận người thuộc những nước đang chống nhau, người Pháp càng không được nhận.

Vì vậy, như ta sẽ thấy, cha Đắc Lộ trên đường đi Lisbon (Bồ Đào Nha) phải đi vòng tránh xa Madrid (Tây Ban Nha). Cha phải làm thế, vì những người cầm quyền ở Lisbon quả rộng rãi hơn, nhưng triều đình ở Madrid trong thời gian liên minh lại có quyền phủ quyết. Hầu như tất cả các nhà truyền giáo Dòng Tên trong khu vực bảo trợ của Tây Ban Nha thời đó là người Tây Ban Nha. Mãi về sau, người Ý và người Đức mới được phép có số lượng lớn hơn. Trong khu vực bảo trợ của Bồ Đào Nha, thì con số các thừa sai người Bồ là chiếm đông nhất, sau đó đến người Ý, các quốc gia khác có rất ít đại diện.

Các tu sĩ Dòng Tên kể cả các tu sĩ không phải là linh mục, những người hoạt động truyền giáo tại hai miền của Việt Nam từ năm 1615 đến 1680, thì 50% là người Bồ Đào Nha, 30% là người Ý, và số còn lại thuộc về các quốc gia khác. Lúc này, nước Pháp có riêng vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ và từ năm 1611 họ có riêng một chương trình truyền giáo cho thổ dân Huron tức là tại Canada hiện nay. Ở miền Viễn Đông, trong đó có Việt Nam, các tu sĩ Dòng Tên người Pháp chỉ xuất hiện với số lượng lớn từ cuối thế kỷ XVII. Lòng nhiệt thành truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên trẻ người Đức cũng rất cao, nhưng họ bị từ chối, vì họ được mời gọi hoạt động tại chính quê hương nước Đức của mình. Như vậy để trở thành nhà truyền giáo Dòng Tên, ngoài một loạt phẩm chất cá nhân, còn phụ thuộc vào quốc gia xuất thân và tùy tình trạng khẩn cấp của Giáo hội trong nước.

Chúng ta không biết nhiều về nguồn gốc và tuổi niên thiếu của cha Đắc Lộ. Cha Đắc Lộ là công dân của Tòa Thánh, nhưng luôn tự xưng mình là người Pháp. Cha là con thứ hai trong gia đình tám anh chị em (3 trai 5 gái). Trong số đó, có một người em trai cũng vào Dòng Tên sau anh mình 3 năm. Dòng tộc bên nội của cha là gốc Do Thái và sống tại Tây Ban Nha. Người bố là ông Bernadin được nâng lên hàng quý tộc. Người Mẹ là bà Francoise de Raffaelis có gốc là người Ý.

Cha Đắc Lộ thời nhỏ học ở trường Dòng Tên tại thành phố Avignon. Đây là một trong những trường đầu tiên và cũng là trường lớn nhất trong các tỉnh của Pháp. Để hiểu một trường Dòng Tên thời đó, ta đừng nghĩ ngay tới các ý niệm trường hay đại học hay phân khoa thần học như ngày nay. Trường Dòng Tên có chương trình được thiết kế tựa kim tự tháp, có thể bắt đầu với các môn nhân văn, sau đó đến các môn nghệ thuật, rồi tới các môn thần học. Các cấp thấp của những môn đó được dạy trong mọi trường. Còn các cấp cao hơn thì được dạy hay không là tùy vào đích nhắm của từng trường, hoặc tùy thuộc vào khả năng quyên góp tài chính và tùy nhân sự của Nhà Dòng. Trường của cha Đắc Lộ có 1600 học sinh sinh viên, như thế trường thuộc vào loại rất lớn.

Khi Đắc Lộ bắt đầu vào trường khoảng năm 1603 thì Dòng Tên trên khắp thế giới vừa có một chương trình học chung. Học trình Ratio Studiorum được Cha Tổng Quyền Acquaviva ký lệnh thi hành năm 1599, sau hàng chục năm thử nghiệm, khảo sát và dự thảo nhiều lần. Học trình dự trù 9 năm. Trong đó, cấp trung học kéo dài khoảng 6 năm. Cấp này có ba lớp văn phạm, trong đó 2 năm học nhân văn và 1 năm hùng biện. Nhiệm vụ chính của các lớp này là chuẩn bị cho học sinh nắm vững tiếng Latinh. Những năm đầu dành cho việc nắm vững văn phạm, nắm vững những quy tắc cơ bản của ngôn ngữ. Lớp nhân văn và hùng biện là dành cho việc trau chuốt văn phong và dành cho việc học hỏi các tác giả kinh điển. Ngoài ra, các lớp này còn nhằm mở mang các kiến thức tổng quát ví dụ về lịch sử hoặc địa lý. Người ta muốn đào tạo học sinh trở thành những bậc thầy về chữ nghĩa, trong đó gồm cả những kiến thức tổng quát về sử địa và văn chương, đặc biệt các kiến thức cổ điển và kinh điển của Roma và Hy Lạp. Các kiến thức này cách nào đó sẽ giúp học viên có được cuộc sống tốt đẹp hơn, và nâng lòng trí họ lên để ngợi khen Thiên Chúa.

Tiếp sau đó là ba năm nghệ thuật, độ tuổi học sinh tương ứng với học sinh cấp II hiện nay. Sau này, ba năm nghệ thuật được phát triển thành cấp triết học trong hệ thống giáo dục Dòng Tên. Cấp học này không chỉ dạy nghệ thuật mà thôi, còn dạy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, dạy các môn của triết học như luận lý, siêu hình và đạo đức, dạy toán học, vật lý, thiên văn. Và nền tảng cả về triết học và khoa học tự nhiên được xây dựng trên căn bản của Aristote. Các tu sĩ Dòng Tên thời đó coi toán học có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là do ảnh hưởng của Christoph Clavius, giáo sĩ Dòng Tên người Đức làm việc tại Học viện Roma và là cha đẻ của lịch Gregorio. Đối với các thừa sai được sai đi Viễn Đông, tức là vùng trong đó có Việt Nam theo cách gọi của người Tây phương, thì các thừa sai ấy phải nắm vững các môn toán học và thiên văn. Tuy nhiên, nền khoa học tự nhiên thời đó vừa mới bám rễ vào thời Cận đại.

Sau đây là Audio để nghe:

Các phần trước: Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Phần tiếp theo: Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J., 
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *