Một sự vâng phục đúng đắn

Giống như với hai lời khấn kia, cũng có nhiều quan niệm sai lầm liên quan đến sự vâng phục trong đời tu. Điều dễ thấy nhất mà người ta vẫn thường đề cập đến đầu tiên chính là tư tưởng cho rằng vâng phục là đánh mất bản thân, không có sự tự chủ, là gạt bỏ tự do, xúc phạm nhân phẩm. Kỳ thực, có khi phải nghĩ ngược lại mới đúng. Sự vâng phục giúp người ta sử dụng tự do của mình cách đúng đắn hơn, và có được sự tự chủ hơn. Bản thân người đó cũng học được cách kiềm chế bản thân, sống khiêm nhường, luôn mở lòng mình ra cho những khả thể mới. Nhờ đó, họ sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn, chứ không còn bảo thủ, cố chấp hay cứ luôn khăng khăng với ý riêng của bản thân.

Có người còn cho rằng vâng phục chỉ đơn giản là “vâng vâng dạ dạ”, cứ nhắm mắt làm những gì bề trên truyền là xong. Đây không phải là vâng phục, mà là nhu nhược, không có chính kiến. Mọi tu sĩ đều được phép chia sẻ những suy nghĩ của mình với bề trên và có những cuộc đối thoại với bề trên khi cần thiết. Cũng không có một niềm tin mù quáng rằng vì bề trên là đại diện của Chúa nên luôn luôn đúng, nắm chắc chân lý trong tay; hoặc bề trên là người giỏi giang, thông minh nên những gì người đó nói ra là hoàn toàn xác đáng 100%, không có gì bàn cãi. Bề trên là đại diện của Chúa, chứ bề trên không phải là Chúa. Giỏi giang đến mức nào cũng sẽ có lúc phạm sai lầm và có nhiều điều không biết, dẫn đến phán đoán sai. Bề dưới không buộc phải vâng phục bề trên trong những gì rõ ràng là sai, chiếu theo luật Giáo hội và luật lương tâm. Còn khi nằm trong thế trắng đen chưa rõ, thì vâng phục bề trên là điều khuyến khích, bởi lẽ chúng ta đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.

Bề trên cũng cần phải hết sức cảnh giác. Không bao giờ được coi quyền như là công cụ để thống trị, để khẳng định mình, để ra oai, khiến cho người dưới bị tê liệt, không phát huy được sáng kiến. Quyền của bề trên là do Chúa ban cho, và để phục vụ người khác. Người lãnh quyền là người lãnh nhiệm vụ, giúp từng người trong cộng đoàn và toàn thể cộng đoàn thực thi ý Chúa, chứ không phải biến mình thành kẻ độc tài, muốn làm gì thì làm, dùng quyền bính của mình để đe doạ người khác. Thật ra, một bề trên khôn ngoan phải là vị bề trên biết lắng nghe bề dưới, biết tạo tương quan với bề dưới, để cuộc sống và công việc chung được diễn ra trôi chảy. Người nào càng lạm dụng quyền thì sẽ càng gánh lấy sự thiệt thòi và sự xa tránh của anh chị em. Khi còn đương nhiệm, có thể họ còn được nể trọng. Đến khi hết nhiệm kỳ, chỉ còn lại sự khinh miệt và đắng cay.

Ngày xưa, người ta coi vâng phục là một kiểu hãm mình để rèn luyện nhân đức, kỷ luật cho mình (nhắm đến yếu tố “cho mình”). Còn ngày nay, vâng phục là tự thực hiện việc bỏ mình, tự do dấn thân trong ơn gọi và sứ mạng (“cho mình và cho người khác”). Bởi thế, người tu sĩ đòi buộc phải có một thái độ vâng phục sao cho đúng đắn. Thánh Inhaxio nói đến ba cấp độ vâng phục: vâng phục trong hành vi (làm những gì bề trên truyền), vâng phục trong ý muốn (muốn những gì bề trên muốn) và vâng phục trong phán đoán (có cùng một phán đoán với về trên, ngay cả khi bề trên chưa diễn tả ra thành lời). Ta có thể tóm lược nó một cách dễ hiểu thành hai cấp độ: vâng phục bên ngoài và vâng phục bên trong.

Vâng phục bên ngoài là vâng phục trong mọi lĩnh vực được giao, trừ những gì rõ ràng là không đúng, với một thái độ mau mắn, không chần chừ, trong tinh thần cộng tác, đối thoại. Nói cách khác, đó là chuyện tuân theo những gì bề trên truyền khiến, và vận dụng hết mọi khả năng để thực thi và chu toàn nó một cách thật tình, vui vẻ, không trễ nãi, không chần chừ, không càm ràm hay phàn nàn. Còn vâng phục bên trong là kiểu vâng phục không cưỡng ép nhưng tự nguyện hết lòng. Luôn có trách nhiệm với việc được giao. Đôi khi, nó còn bao hàm cả một sự đơn sơ, không đòi hỏi phải biết rõ hết mọi lý do tại sao bề trên sai mình làm điều đó, không phải lúc nào cũng đòi chất vấn bề trên, đối thoại với bề trên nhiều đến mức không cần thiết, hay đòi bề trên phải thoả đáng những điều kiện của mình trước khi vâng phục. Một sự vâng phục bên trong chính là muốn điều bề trên muốn khi bề trên ra lệnh và xác quyết rằng lệnh truyền ấy là đúng, là điều cần phải làm, là chọn lựa mà nếu mình là bề trên, mình cũng sẽ làm như vậy.

Dĩ nhiên, để có thể đạt tới sự vâng phục lý tưởng như vậy, cần phải có những nỗ lực từ cả hai phía, cả đương sự lẫn bề trên; và nó cũng đòi hỏi một quá trình huấn luyện đúng đắn. Phải làm sao để cả hai hãm bớt cái tôi, biết lấy tinh thần phục vụ làm mục tiêu phấn đấu, biết nhìn thấy hình ảnh của Chúa trong nhau làm động lực thúc đẩy. Có như thế, sự vâng phục trong đời tu mới mặc lấy được nét đúng đắn và tinh tuyền của nó. Cả bề trên lẫn bề dưới đều trở thánh khí cụ đắc lực của Chúa và trở thành chứng nhân cho một cung cách làm việc vượt trên thiện cảm, ác cảm, không bị sức quyến rũ của quyền lực khống chế nhưng biết sống theo tinh thần Tin Mừng mà Đức Giêsu đã hết lời dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,42,45). Phục vụ đến độ hiến mạng sống chính là cung cách hành xử của Chúa, và thiết nghĩ, đó cũng cần là cung cách mà mỗi người tu sĩ phải mang lấy cho mình, trong tinh thần của đức vâng phục.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Bài tiếp theo: Hoa trái của sự vâng phục trong đời tu

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *