Thi thoảng người ta gặp thấy trên Facebook của một số thầy Dòng Tên những bức hình “check-in” đúng điệu tại Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc hay một nơi nào đó trên dải đất chữ S. Nhiều comment trầm trồ: “Thầy Dòng Tên sướng quá!” hay kiểu như: “Sao thầy đi du lịch hoài vậy!” Thậm chí mấy bạn sinh viên còn kháo nhau dí dỏm: “Dòng Tên chẳng có gì… ngoài điều kiện!” Phải chăng có điều kiện mới có thể đi chơi được? Thật ra, những bức hình kia chỉ kịp ghi lại những khoảnh khắc của các thầy học viên sau trong những kỳ nghỉ sau mỗi kỳ học. Họ đi nghỉ thu, nghỉ hè.
Cha tổ phụ I-nhã đã răn dạy tu sĩ Dòng Tên ngay từ lúc ở nhà Tập: “Phải lấy công việc bên ngoài ngắt quãng công việc tinh thần” (HPDT, 298); và “không nên làm việc liên tục quá lâu mà không nghỉ ngơi hay giải trí thích hợp” (299). Đến giai đoạn Học viện, ngài còn nhấn mạnh: Về việc học hành, phải chuyên cần, nhưng cũng phải nghỉ ngơi. Sau khi để ý đến hoàn cảnh về người và về nơi, Viện Trưởng sẽ thận trọng xem xét phải nghỉ ngơi bao lâu và lúc nào (ít là mỗi tuần phải có một ngày được nghỉ từ sau bữa ăn trưa. Ngoài ra, phải bàn bạc với Bề Trên Tỉnh về chương trình phải có cho kỳ hè hay các kỳ nghỉ học thường lệ khác) (462-463). Có thể nói thánh I-nhã khá táo bạo khi viết thành luật nhu cầu nghỉ ngơi của người Dòng Tên, bởi lẽ đời tu thường gắn với chuyện thiêng liêng hơn là nghỉ ngơi giải trí. Lý do chính yếu chắc hẳn do Dòng Tên là Dòng hoạt động, gắn với những sứ vụ tông đồ. Như thế, đòi hỏi quan trọng là làm sao sứ mạng được thực hiện cách trọn vẹn nhất. Đó là lý do các thầy Dòng Tên cần nghỉ ngơi.
Sau thời gian “vắt” não suy tư triết-thần, triết sinh với Plato, Aristotle, Kant…, thần sinh với Ba Ngôi, Nhân Học Kitô Giáo, Kinh Thánh…, họ cần được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Những ngày nghỉ ở nơi xa giúp họ giải tỏa căng thẳng và lấy lại năng lượng cho một học kỳ mới, để rồi họ có thể học tập và làm việc hiệu quả hơn. Biển xanh, cát trắng và nắng tràn chứa năng lượng thiên nhiên để thầy Dòng Tên có thể “nạp” vào mình. Đôi khi, chút khoảng lặng trước rừng thông và gió núi lại khiến lòng họ “đầy” hơn thay vì những ồn ào phố chợ.
Thêm vào đó, những hành trình ra đi cũng là cuộc học nối dài. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là thế. Họ ra đi để gặp gỡ những con người đang lặng lẽ sống ở đâu đó trên mặt đất. Họ lên đường để chiêm ngắm và lắng nghe. Họ sẽ có được những trải nghiệm, để làm đầy hơn con tim và khối óc, để đụng tới thực tại, nhằm chuẩn bị cho những cuộc suy tư triết-thần đủ sâu nhưng không xa vời. Lại nữa, càng đi nhiều, tầm mắt họ vươn mở càng xa. Cùng với đó là những viễn tượng rộng lớn họ dành cho thế giới và cuộc đời.
Cuộc nghỉ ngơi của thầy Dòng Tên thật ra cũng là một cuộc huấn luyện “tăng ca”. Tại sao thế? Thay vì về nhà, họ sẽ đi chung cùng nhau, theo lớp hoặc theo khối. Đó là việc sống chiều kích cộng đoàn bên ngoài tường rào và nội vi. Có cả sự hiện diện của bề trên để dâng thánh lễ, để cùng nhau cầu kinh. Có khi môi trường mới cũng giúp từng người khám phá mình hơn sau những chọn lựa bên ngoài khuôn viên nhà Dòng, cả lời nói lẫn hành vi. Và rồi, họ cất giữ nó cho một cuộc đào luyện liên lỉ.
Rút cuộc thầy Dòng Tên đi du lịch hay đi nghỉ ngơi? Câu trả lời không phải là A hoặc B, vì chẳng có đáp án nào chân xác. Quan trọng hơn cả là ý nghĩa và mục đích của những chuyến đi. Nghỉ ngơi với thầy Dòng Tên không phải là không làm gì, nhưng là làm gì ở một môi trường và bầu khí khác. Họ đi đây đi đó ruốt cuộc là để trở về. Họ tách mình ra khỏi chốn cũ để nhìn lại chính mình trong một khoảng thời gian nhất định, và rồi khi trở lại, họ thực hiện một cuộc dấn thân hoàn toàn mới.
Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ