Giá trị của nỗi hoài niệm

Ngày nọ, một người bà con gửi cho tôi cái clip quay lại cảnh ngôi nhà cũ của gia đình mình bị/được người chủ mới phá đi để xây công trình mới. Khi xem cái clip, một nỗi bâng khuâng dâng lên trong lòng tôi. Cảm xúc đó đến, vì với tôi nó không chỉ là một ngôi nhà cũ với những tường vách, mái ngói, mà nó còn là một ‘thế giới’, một ‘khung trời’ ghi dấu và chứa đựng tuổi thơ của tôi. Các bức tường vẫn còn dấu vết của những nét vẽ nguệch ngoạc; những căn phòng còn lưu đâu đó những vui mừng, trăn trở, và cả những tiếng khóc thầm của cha mẹ; hay những cãi vã, tranh giành, và cười đùa của anh chị em chúng tôi.

Chúng ta gọi thứ cảm xúc bâng khuâng đó là ‘nỗi hoài niệm’. Hoài niệm không phải là tính từ, nhưng cũng chẳng phải là động từ. Hoài niệm xảy đến khi một điều gì đó gợi mở lại những kỷ niệm từ quá khứ ra trước mắt ta trong hiện tại. Chúng ta thường không cố gắng tìm về chúng, mà tự chúng đến với ta, tìm về với ta; và nếu ta mở ra với sự gợi mở đó, ta có một nỗi hoài niệm.

Người ta vẫn thường hay nói về ‘những ngày xưa yêu dấu’. Không chỉ người Việt mới có thành ngữ này, mà người Phương Tây cũng vậy: “the good old days”. Có lẽ không hẳn vì ngày xưa tốt đẹp hơn bây giờ, nhưng bởi chỉ những gì thật sự tốt đẹp mới lưu lại dấu ấn một cách sâu đậm và khiến cho ta dâng trào cảm xúc mỗi khi nghĩ về chúng.

Hoài niệm là cách để cho phần quá khứ đó lay động hiện tại, nhắc ta về những gì đã xây nên cuộc đời; và đó cũng là cách ta định hướng cho đời mình. Khi để cho cảm xúc của những hoài niệm được hiện diện là ta đang làm mới mình, và đang để cho tâm tình biết ơn được lên tiếng trong lòng. Biết ơn vì hiểu rằng những gì ta đang có ở hiện tại đều được đặt nền trên bao nhiêu điều khác: từ sự sinh thành của cha mẹ, cho tới các mối quan hệ, và bao nhiêu biến cố khác đã diễn ra trong cuộc đời, vv.

Như thế, hoài niệm là một điều gì đó lành mạnh, thậm chí là cần thiết để ta phát triển nhân cách thiện lành. Một mặt, nỗi hoài niệm ám chỉ rằng ta không thể quay lại quá khứ; nhưng mặt khác, hoài niệm cũng nhắc ta rằng, quá khứ đang là một phần của ta ở hiện tại, và sẽ theo bước ta vào tương lai. Cuộc đời ta luôn tiến về phía trước, nhưng ta chỉ có thể thật sự tiến bước với những phương hướng rõ ràng nếu ta có một nền tảng vững vàng được xây dựng từ ‘những ngày xưa yêu dấu’. Nói cách khác, mở lòng cho hoài niệm cũng có nghĩa là tin cậy vào đời sống hiện tại và đặt niềm hy vọng vào những dự phóng cho tương lai. Do đó, hoài niệm có thể trở thành một phương thế giúp ta sống tích cực, nhất là trong thời đại đang bị đe doạ bởi thứ chủ nghĩa ‘short-termism’: chỉ chú trọng và tập trung mọi suy nghĩ, mọi kế hoạch vào đời sống hiện tại.

Cuối năm là dịp chúng ta hay gặp những hoài niệm. Có người hoài niệm về tình bạn bè cũ; có người hoài niệm về những tháng ngày ‘nằm gai nếm mật’; có người hoài niệm về sự trong trẻo, ngây thơ và tinh nghịch của tuổi thơ; vv. Đó là tiếng nói vọng từ quá khứ, nhưng lại rất có giá trị cho hiện tại và tương lai của chúng ta. Những tiếng nói đó đang gõ cửa tâm hồn ta, mời gọi ta mở ra với lòng tri ân và thúc đẩy ta tiến bước về phía trước.

Khắc Bá, sj.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *