Cười với Dòng Tên (số 7)

Chương 7

KHÔNG NGỪNG VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Ba tu sĩ, một OP, một OFM, một SJ, đang đi dạo với nhau và nói về những “thành công tốt đẹp” của dòng mình. Chợt trời mở ra, Thánh Gia Thất hiện ra trước mắt họ. Đức Mẹ và Thánh Giuse cung kính bên Chúa Giê-su trong máng cỏ.

Vị tu sĩ Phan-sinh (OFM) quỳ sụp xuống thờ lạy, thấu tận tâm can cảnh nghèo khó của Thánh Gia. Vị tu sĩ Đa-minh (OP) cũng hạ gối kính tôn cuộc tỏ mình khiêm hạ của Ngôi Lời cao cả. Vị tu sĩ Dòng Tên (SJ) đứng lặng một hồi, rồi rảo bước lại gần, hỏi Thánh Giuse:

  • Ông chọn trường cho cậu bé sau này chưa?

Năm 1539, khi cùng các bạn đường của mình nhận định để thành lập Dòng Tên, Thánh I-nhã hoàn toàn không nghĩ đến việc thiết lập các cơ sở đào tạo giáo dục. Điều lý tưởng trong mắt ngài là các tu sĩ Dòng Tên cần giống như những tông đồ, những người lữ hành trong phục vụ. Lý tưởng này khó mà dung hợp với nghề giáo, một kiểu sống tự bản chất vốn ổn định, ít di chuyển, đều đặn. Vậy mà đến năm 1556, khi ngài qua đời, Dòng Tên đã nhận khoảng 50 trường học. Thời điểm đó xã hội cũng biến động dồn dập. Hiện nay, có khoảng bốn ngàn cơ sở giáo dục có liên hệ với Dòng Tên trên khắp thế giới. Điều này cho thấy linh đạo Dòng Tên không xa lạ với việc giáo dục và đào tạo. Chìa khóa mở cánh cửa giáo dục của Dòng Tên nằm trong linh đạo I-nhã, và đặc biệt trong sách Linh Thao. Không nên “tự kỷ”, ngồi một góc tự mình giải mọi bài toán cuộc đời. Tốt hơn, chúng cần được đồng hành!

Có thể nói sự thích ứng theo bối cảnh giảng dạy trong khoa sư phạm I-nhã có nguồn gốc từ trong lối làm linh hướng trong các kỳ Linh Thao. Điều này giải thích vì sao có nhiều điểm tương đồng giữa việc cho Linh Thao và đứng lớp.

Trong sách Linh Thao, Thánh I-nhã đưa ra một số lưu ý để giúp người đồng hành – suy ra, cũng như giúp các thầy cô giáo – có một thế đứng thích hợp so với người được đồng hành. Chúng ta đã nói đến sự cần thiết của một thái độ kín đáo, khiêm tốn để cho chính người trẻ có thể lớn lên, tự lập và có một cái nhìn lạc quan về thế giới và trên hết là có lòng tin tưởng nơi người khác.

Một giả định khác mà cha I-nhã nhấn mạnh là phải cổ võ tính cá biệt trong lịch sử trưởng thành của từng người. “Rất nguy hiểm khi muốn dẫn tất cả mọi người đi trên cùng một con đường; và so sánh người khác với chính mình là điều còn tệ hơn.” Vậy, không “cá mè một lứa, cũng không “dìm hàng anh em”. Giáo dục người trẻ không phải là cưỡng bách họ vào trong khuôn đã làm sẵn. Lại càng không làm thay, chọn giùm cho họ, huống chi là làm làm nhụt chí họ bằng cách kể lể và thậm xưng các thành công của riêng mình.

Nhà giáo giỏi là người biết tháp tùng và cung cấp cho họ phương tiện để chính họ tìm ra con đường riêng cho mình trong đời: làm thế nào để tự khám phá ra một chuỗi những hoài bão sâu thẳm mà Chúa đã đặt vào tâm hồn họ.

Ở đây, thêm một lần nữa, chúng ta nhận ra góc nhìn lạc quan của Thánh I-nhã về nhân loại, về đời người. Con người có khả năng lớn lên và học hỏi suốt cuộc đời mình. Và đó là điều dẫn chúng ta đến “ước mong xuất chúng” trong linh đạo I-nhã. Chuyện là vầy: khi bạn bắt tay vào việc cấy những dự án cuộc đời, dù to hay nhỏ, vào gốc cây có tên là “động cơ và hoài bão nền”, thì bạn phải làm sao để luôn luôn có thể cải thiện, làm tinh tế hơn những dự án đó và điêu luyện trong thao tác của mình. Điều này đúng cho tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, và cũng đúng cho sinh viên cũng như cho giảng viên, mỗi người theo cách của mình: người này trong ngành thể thao hoặc nghệ thuật, người kia trong lãnh vực khoa học hay tôn giáo. Không nghề nào, không hoàn cảnh nào là “cùi bắp” cả. Người nào vận hành cỗ xe cuộc đời mình bằng động cơ “hoài bão sâu thẳm” này sẽ có thể vượt lên chính mình. Và ngược lại, trong một vài hoàn cảnh khác, nhất là khi thất bại, họ sẽ có đủ nội lực để chấp nhận những giới hạn và yếu kém do mình hay từ người khác. Cái này cũng được coi là trưởng thành nhân cách.

Trở nên con người ưu tú hay xuất chúng theo tinh thần I-nhã nói cho đúng là khả năng vượt lên những giới hạn của chính mình, cũng như dám đảm nhận trách nhiệm của mình trước người khác. Cha Pedro Arrupe, cựu bề trên tổng quyền Dòng Tên, gọi điều này là: giáo dục những con người biết vì người khác. Sự ưu tú trong tinh thần I-nhã không có nghĩa là cạnh tranh hơn thua hay tự biến mình thành “hàng hiệu”. Nó cũng không phải là mảnh văn bằng để “câu like” cuộc đời hay để thổi phồng và đánh bóng nhân cách “nhỏ như mắt muỗi” của mình. Sự ưu tú chân chính kéo bạn ra khỏi quỹ đạo kích thích của sự ích kỷ, giữ chân bạn nhịp nhàng theo bước Đức Giê-su.

Việc trở nên xuất sắc, như Thánh I-nhã hiểu, chỉ mang lại tự do và sức mạnh khai phóng thực sự, nếu nó đổ nền trên tình yêu. Trong những trang cuối của sách Linh Thao, Thánh I-nhã viết: “Tình yêu phải được diễn tả trong hành động hơn là lời nói.” Và ngay lập tức ngài khai triển: “Tình yêu là một tương tác đôi bên. Người yêu thì trao hiến và chia sẻ tất cả những gì mình có cho người được yêu, từ tài sản đến những năng lực khác; cũng vậy, để đáp lại, người được yêu cũng làm như thế với người yêu của mình.”

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *