Vào một ngày cách nay khoảng 3 năm, mẹ hỏi con: “Thật sự, con có tin Chúa không? Con thành thật trả lời: “Con tin Chúa, nhưng con không tin, hoặc không biết Chúa Giê-su”. Mẹ giật mình. Nhìn lại, bao năm cho con sinh hoạt với Cộng đoàn Công giáo Việt nam, những dịp con được tham gia, những lần con chủ động đóng góp trong các sinh hoạt của giới trẻ Đan mạch (DUK), thường xuyên cùng nhau đi nhà thờ mỗi Chúa nhật, những dịp nói với con về Chúa, tập cho con cầu nguyện…Vậy mà…!
Nhưng rồi, mẹ nhớ có một lần con nói, chỉ có mẹ đưa Chúa đến cho con, và con tin Chúa vì con thấy Chúa ở trong mẹ. Vậy thì mẹ sẽ bớt tự vấn và tự trách, mà sẽ ráng diễn đạt qua những dòng chữ dưới đây để mời con gặp Chúa Giê su. Và mẹ cầu xin cho con được gặp gỡ Ngài qua cảm nghiệm của mẹ.
Con nói con tin có Chúa. Vậy mình sẽ bắt đầu từ Vì Thiên Chúa của con tin và qua Ngài mẹ dẫn con đến gặp Chúa Giê su nhé. Ja, Thiên Chúa ở trong mẹ là một Vị Thiên Chúa cao trọng với Ba Ngôi Vị. Đã một lần mẹ kể cho con nghe về câu chuyện ”Vị vua và cô thôn nữ” của triết gia người Đan mạch Søren Kirkegaard. Câu chuyện này từ Cha Minh dòng Tên, trước ngôi mộ của Kirkegaard đã kể cho mẹ. Câu chuyện giúp mẹ hiểu thêm về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà con thường được nghe là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như con thường xuyên làm dấu và tuyên xưng. Câu chuyện cho mẹ cảm thấu được Tình Yêu của Thiên Chúa: Tình Yêu Tinh Ròng (nguyên chất) và Nhưng Không (chỉ có trao ban vô điều kiện). Thiên Chúa mà con tin đã đi vào đời sống của nhân loại, của mẹ và của con qua ngôi Hai là Chúa Giê-su. Vì quá yêu thương mình và mọi người, Thiên Chúa mà con tin muốn sống trọn vẹn và đầy tràn với Tình Yêu của Ngài bằng cách bước vào cuộc đời và trải nghiệm thân phận con người cả về tinh thần lẫn thể xác để cho mẹ, cho con, cho mọi người được cảm nhận. Thiên Chúa mà con tin đó đã xuống thế làm người, lấy tên là Giêsu.
Qua trải nghiệm của cuộc sống, Mẹ dần cảm nhận Chúa Giê-su như một Người Thợ Kim Hoàn, người mài dũa những viên đá mang chất ”ngọc” bên trong. Hướng thiện là chất ngọc trong mỗi tạo vật của Chúa. Mẹ là một trong những viên đá sần sùi thô thiển được Ngài mài dũa. Đây là một hồng ân vô giá của Chúa ban tặng cho mẹ. Tập bước vào tương quan với Thiên Chúa qua bổn phận làm người, qua ơn gọi gia đình, cộng đoàn, mẹ rất xót rát, trầy trụa nhiều phen vì những giới hạn của mình. Nhưng, được mài dũa từ bàn tay của Thợ Giê-su, mẹ đang được đi trên hành trình hoàn thiện con người mình, tâm hồn mẹ rồi đây sẽ được mỗi ngày sáng đẹp như ngọc theo Ý của Người Thợ Kim Hoàn Giê-su nếu mẹ để Ngài dũa gọt qua tinh thần sống Phúc âm, với lòng khiêm tốn, tín thác, bám chặt vào Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Chúa Giê su còn là một người Thầy của mẹ. Những bài học từ Thầy Giê-su mang đầy chân lý, chất chứa sự thiện, cao đẹp và thâm thúy. Thầy dạy mẹ hiểu được sự bao dung yêu thương của Thiên Chúa qua dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn người cha nhân hậu… Thầy dạy mẹ cảm nhận được Lòng Thương Xót qua ánh mắt Chúa nhìn, Chúa tìm và Chúa chạm đến những tâm hồn tội lỗi qua những câu chuyện kể về Chúa trong Phúc âm… Và bài học của Thầy Giê-su qua cuộc Thương Khó là bài học lớn nhất đối với mẹ, vì qua đó, mẹ cảm nghiệm được Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trao tặng cho loài người, trong đó có mẹ, có con. Nơi cuộc Thương Khó của Ngài, Thầy Giê su dạy mẹ nhận dạng được chính con người giới hạn của mình và của tha nhân, qua từng nhân vật xuất hiện trong cuộc Thương Khó. Thầy dạy mẹ hiểu được ý nghĩa của việc từ cây thập giá trở thành Thánh Giá của Đấng Thánh Tối Cao. Nếu con được Thiên Chúa mời gọi cảm nhận, con sẽ được khám phá ý nghĩa kho tàng và giá trị của bài học yêu thương và tha thứ qua chính hành xử của Giê-su.
Một trong những hình ảnh làm Mẹ xúc động và yêu Chúa nhiều nhất, là hình ảnh Chúa đi trên bậc thang để chịu sự tra hỏi của Philato: như cừu câm nín khi bị xén lông, như chiên bị đưa đi làm thịt. Mẹ thương đôi mắt của Chúa khi Ngài quay lại nhìn Phê-rô sau khi ông chối Chúa lần thứ ba. Qua ánh mắt này, Chúa đã chạm đến sâu thẳm tâm hồn ông, làm thay đổi cả cuộc đời ông. Còn nữa, ánh mắt của Chúa đối với Gia kêu, với người phụ nữ còng lưng, với người mù Bathimo, với nhiều nhân vật trong Phúc âm trong thời của Chúa … Những cái nhìn này cũng đã làm Mẹ thay đổi rất nhiều như thể chính mình được chạm vào đôi mắt của Chúa Giê-su. Sự thay đổi nơi Mẹ trong thời gian qua chính con cũng đã nhận thấy và nói với Mẹ. Mẹ mong sẽ tạo được những dịp Mẹ con mình ngồi bên nhau và bên những bài Phúc âm trên đây để con hiểu hơn những gì Mẹ nói.
Một câu của Chúa Giê-su nói với thánh Phê-rô, môn đệ của Chúa mà mẹ rất thích: ”…phần anh một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh thêm vững mạnh…” (Luca 22,32). Điều này mẹ thấy khó, đối với thánh Phê rô và tất cả mọi người. Đối với mẹ lại càng khó hơn. Mẹ thích câu này, vì qua kinh nghiệm của chính mình, mẹ hiểu được, mọi sự phải có ơn Chúa mới có thể được. Ngay trong bài viết này, tâm tình của mẹ cũng hướng vào lời này của Chúa, vì mẹ qua cảm nghiệm Thiên Chúa của mình, đang cố gắng truyền đạt niềm tin mẹ có đến cho con.
Trong thời gian này, con gặp nhiều khó khăn. Những giờ cầu nguyện bên mẹ có những lúc giúp con hy vọng và cậy dựa vào Chúa. Nhưng cũng có những lúc, mẹ thấy con chao đảo, buông xuôi việc cầu nguyện. Mẹ hiểu và vẫn âm thầm cầu nguyện cho con. Con chắc chắn đang ở trong sự yêu thương quan phòng của Chúa. Mẹ tin chắc một điều, đừng rời khỏi ánh mắt của con và mẹ vào Chúa, mình sẽ đứng vững. Đó cũng là câu chuyện Phúc âm của những ngày đầu mẹ theo Cha tập tành học hỏi. Bài Phúc âm kể về thánh Phê rô xin đi trên mặt nước đến với Chúa, ông bị chao đảo sắp chìm vì sóng gió biển trong thoáng chốc làm ông hoảng sợ và tầm mắt ông rời khỏi mắt Chúa. Điều tuyệt vời nơi Thầy Giê-su, là ngài đưa tay nâng đỡ người môn đệ mình trước khi quở trách ông thiếu niềm tin. Mẹ sẽ tìm một dịp thật gần để đưa câu chuyện này đến với con, vì đây là bài Phúc âm ý nghĩa với mẹ nhất, đã cho mẹ một ký ức rất dể thương với vị Linh hướng đầu tiên trong đời Linh thao của mẹ, có thể nói, trong đời sống đạo của mẹ.
Vâng con, Giê-su trong Mẹ là những gì Mẹ đã chia sẻ với con. Mẹ cầu xin Chúa chạm đến trái tim con. Mẹ tin Chúa có con đường cho con, và Chúa biết con cần gì. Đức tin là một ân ban, chứ không phải muốn mà được. Những chân nghiệm về Thiên Chúa khó tự mình có được, nhưng cùng “làm việc” với Chúa, Mẹ tin Chúa sẽ cho con cảm nhận Ngài trong mỗi ngày sống của con.
Vậy con nhé. Mẹ chọn con là đối tượng trong bài viết này, vì chính con là biến cố, là sự kiện giúp mẹ chạm được và cảm nhận được Tình Yêu của Thiên Chúa. Lần linh thao đầu tiên trong đời mẹ, với bài tập cảm nghiệm Chúa yêu thương mẹ như thế nào, mẹ đã qua gần hai giờ đồng hồ để tập cảm nghiệm nhưng mẹ không cảm thấy được. Nhưng bất chợt, mẹ nghĩ đến con, đứa con đầu lòng, đầu đời của thiên chức làm mẹ. Mẹ nhớ lại những lúc con gọi phone về nhà nói con cần mẹ có giờ với con. Mẹ đã vất bỏ qua bên mọi việc đang làm, bất kể quan trọng gấp gáp đến đâu. Trái tim mẹ ấm áp hạnh phúc không tả được khi con về bên mình, đặt đầu trên gối mẹ để kể mẹ rằng con đang rất stress. Lắng nghe con, cho con ý kiến giải quyết, giúp được con nhẹ nhàng trở lại, mẹ hạnh phúc, mẹ vui, trái tim mẹ tan chảy vì yêu thương. Từ ý nghĩ này, mẹ đi vào giờ cầu nguyện được. Từ dịp Linh thao đầu tiên này, mẹ được đưa vào được trong tương quan với Thiên Chúa. Và trong mỗi ngày sống của mẹ từ đó cho đến hôm nay, Thiên Chúa hoạt động trong mẹ, mài dũa mẹ qua sự hiện hữu của con trong cuộc đời mẹ, qua tình yêu thương của mẹ dành cho con: ước muốn hoàn thiện mạnh mẽ hơn trong mẹ. Hiểu thế nào là một tình yêu nhưng không qua những hành xử thiếu sót của con đối với mẹ: dù con có thế nào, mẹ vẫn luôn đi bước trước để tha thứ, để lo lắng chăm chút cho con…không thể diển đạt thêm trong lúc này, nhưng mẹ yêu Chúa, trái tim mẹ mềm tan vì cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua chính Đức Giê su, Ngôi Hai Thiên Chúa Hằng Sống.
Tạ ơn Chúa, và mẹ cám ơn con về bài viết này rất nhiều,
MẸ
Hồ Thị Mỹ Trang