Hoành Sơn, S.J.
: Những vấn đề đặt ra và đặt thêm ra
“Không có cứu độ ngoài đức Kytô”, đó là niềm tin nguyên thủy của Kytô-giáo. Nguyên tắc ấy rồi sẽ đẻ ra hệ luận sau:”Không có cứu độ ngoài Giáo hội”.[1]
Thế nhưng Kytô-giáo hôm nay, ngoài Công giáo ra, còn không thiếu những giáo hội khác; lại những người được gọi “ly giáo” bây giờ đâu có trách nhiệm về sự chia rẽ do cha ông trước đây gây nên? Nhìn xa hơn, như hôm nay càng thấy rõ, thế giới này không thể không là một thế giới đa nguyên, đa nguyên cả về mặt tôn giáo, “đa” suốt cho tới ngày thế mạt, chắc thế. Mà thế thì đâu là sự cứu vớt do Chúa Kytô, vốn dĩ phổ quát, đối với anh em bên ngoài, đối với môi trường xã hội cho sống đạo là chính tôn giáo của họ đây?
Thêm vào những khó khăn trên, một khó khăn mới, lớn hơn, mà những viễn giới thiên văn vừa đặt ra cho cứu độ học: NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH, mà các tiểu thuyết và phim ảnh đang gây dần quan tâm và ý thức. Vâng, sự sống có thể xuất hiện bất cứ đâu đủ điều kiện, ở hành tinh nào đó thuộc thái dương hệ khác, và nếu đủ thời gian, nếu thời tiết thuận lợi, sự sống ấy ắt phải tiến hóa kỳ cho tới con người.
Gọi “con người” chỉ ở chỗ họ có cơ thể như động vật, mà cơ thể ấy lại được hoạt hóa bởi một thần khí, dù tinh thần và cơ thể kia có gì khác với chúng ta, với ba bốn mắt, năm sáu tay, bảy tám giác quan chả hạn.
Vấn đề đặt ra khi ấy cho thần học sẽ là, nếu có nhiều chủng, loại người như thế, thì làm sao cứu độ Kytô-giáo có thể xuyên không gian, thời gian và huyết thống để đến với họ được? Mà liệu họ có cùng một định mệnh siêu nhiên, cùng một nguyên tội với chúng ta không, để chia sẻ với chúng ta cùng một kế hoạch cứu vớt? Riêng về phần đức Kytô, liệu Ngài có khả năng vươn dài “cánh tay bồ tát”, vươn rất dài, tới những thế giới xa xôi ấy, tới những người không quen biết và không cùng một tổ sinh ra ? Hay là Lời phải nhập thể nhiều lần, cho mỗi hành tinh một lần?
Như thế, ngoài hai vấn đề cũ của Công giáo là Đại kết và Đối thoại tôn giáo, một câu hỏi mới nay đặt ra, nóng hổi: Cứu độ ngoài hành tinh nếu có thì phải diễn ra cách nào? Một hay nhiều kế hoạch cứu độ, một hay nhiều lịch sử cứu độ ?
Dưới đây, sau khi trình bày mọi khía cạnh của vấn đề, tôi xin thử một giải đáp. Giải đáp này dựa trên nguyên tắc của một Tổng thế quan (hay cách nhìn mọi vũ trụ thống nhất trong tạo thế dưới một Tổng thế giới, với một Tổng thể các chủng, loại người). Nhờ đấy mới có thể kết luận về một Cứu độ và một Tổng kế hoạch cứu độ xuyên không gian và thời gian, xuyên luôn huyết thống nữa.
Nhưng trước hết, phải xác định khả thể về một tình trạng Đa chủng, loại của con người.
Khả thể về tình trạng Đa nhân chủng
Từ ít lâu nay, cả khoa học lẫn phim truyện giả tưởng đều hướng về người ngoài hành tinh. Mà thật ra, ngay trong giải Ngân hà chúng ta với 30 tỷ vì sao, không thể thiếu những hệ mặt trời giống với hệ mặt trời này, với những hành tinh đủ điều kiện cho sự sống phát sinh và tồn tại. Riêng trong hệ mặt trời của chúng ta, ngoài trái đất, xem ra không đâu hiện còn sự sống. Thế nhưng có lẽ sự sống từng đã có trên sao Hỏa, qua dấu tích như của những lòng hồ và sông, cùng với lớp băng dưới lòng đất.
Như khoa học cho thấy, các chất tiền thân của sự sống không thiếu gì giữa các vì sao, đặc biệt ở nhân các sao chổi, và đây là acide cyanhydrique và formaldehyde. Trận mưa những chất này xuống một hành tinh, quanh miệng một núi lửa đang hoạt động mạnh với biến động thời tiết cũng rất mạnh, thì với cơn bão điện từ diễn ra khi ấy, nếu gặp môi trường thủy nhiệt, sẽ có những sinh vật đơn bào được sinh ra tư các tiền acid amin nói trên. Nên có sự sống ngoài hành tinh là điều xem như chắc chắn. Có điều, để sự sống tiến hóa xa hơn, thì phải đủ thời gian và thời tiết thuận lợi. Chứ nếu không, sự sống ấy sẽ sớm kết thúc như trên sao Hỏa. Và như thế, “Người ngoài hành tinh” là điều mơ tưởng hơn là khả dĩ. Thế nhưng biết đâu. . ., và do đó thần học vẫn phải đón đầu bằng cách suy tư về những hệ quả do đó đối với cứu độ học.
Vâng, chỉ cần hệ thần kinh phát triển cao, hẳn sẽ có “bước nhảy vọt”nó cho ra đời một thứ động vật có nội tâm, cũng là có trí khôn và ý chí tự do. Vâng, đã từ động vật mà phát triển thành người, thì con người ấy không thể không dựa vào cơ thể như nền tảng thứ nhất dù để tri thức và quyết định. Cho nên, giống như chúng ta, con người ấy phải từ kinh nghiệm giác cảm mà tiến tới hiểu biết và suy tư. Do đó, tri thức đây là cái biết lý tinh (rationnel), chứ không phải trực tri của tinh thần thuần túy. Có điều,cũng như các bậc đại hiền của trái đất, Têrêsa Avila trong Công giáo và một số •Ìi trong Ấn giáo, đã tiến được xa hơn về phía tinh thần bằng những cảm nghiệm samâdhi (đại định) siêu ý niệm, thì người ngoài hành tinh có thể đạt tới cách “trực tri” huyền bí ấy “tự nhiên” hơn chúng ta. Còn về giác tính, thì biết đâu họ có thêm giác quan lạ kỳ, lại thần giao cách cảm (télépathie) và thần ý cách tác (télékinésie) một cách dễ dàng và phổ biến.
Nhiều nhà vật lý thiên văn còn tưởng tượng ra những Bigbang và Bigcrunch liên tiếp, do đó những vũ trụ nối đuôi nhau xuất hiện “trong thời gian”, thậm chí những vũ trụ song song rất khác nhau về cơ cấu, với cả liên khối (continuum) (tạm gọi không gian) mươi lăm chiều chả hạn, khiến cho con người ở đấy, ít là về mặt thể xác, gần như không có gì giống chúng ta. Nếu đúng thế, thì làm sao có thể trao đổi giữa đôi bên, làm sao còn những liên hệ tự nhiên, để qua đó có liên hệ siêu nhiên, trong cứu độ.
Trước khi đưa ra cách giải quyết của chúng ta, hãy tìm xem xưa nay trong Hội thánh, người ta đã nghĩ về vấn đề trên, hay những vấn đề giống thế , như thế nào.
Lịch sử cứu độ học liên quan đến người ngoài hành tinh[2]
Từ lâu trước khi khoa học viễn tưởng hướng trí tưởng (tượng) ra bên ngoài hành tinh, thì người ngoài hành tinh đã được thần học chiếu cố đến, bởi có liên quan tới tính phổ quát của nguyên tội và của vai trò đấng Cứu thế. Vâng, cứu độ ngoài hành tinh đã được bàn đến rất sớm, gần như vào lúc khai sinh Kytô-giáo, ít là từ Origène.
Origène (185-254), như hầu hết trí giả của những thế kỷ đầu Kytô-giáo, đều mang “huyết thống” (triết lý) Platon, với cái nhìn nhị nguyên về con người : Con người xác riêng, thần riêng, và xác là ngục tù của tinh thần ấy. Cũng như Socrare và Platon, Origène cho rằng trí tuệ có trước con người, hằng ức tỷ trí tuệ khi ấy phiêu hốt giữa khoảng không. Các trí tuệ nói trên, bắt đầu rất thanh khiết, sẽ thoái hóa mà bị giáng cấp ở những thang bậc khác nhau: bậc thiên thần và hạ thần (daimôn, démon) với thân xác nhẹ nhàng, phiêu phưởng, bậc tinh đẩu (vốn có trí tuệ) và con người với xác thô, cảm năng và tri thức. Giữa các trí tuệ ấy, chỉ duy một trí tuệ, trí tuệ trung tâm, đã giữ mãi được sự thuần khiết ban sơ, để Logos sau này kết hợp với khi nhập thể, thành Yềsu Nazareth đấng Cứu thế. Chính vì trí tuệ đức Kytô, vừa thuộc loài trí tuệ, lại trí tuệ trung tâm, nên thành nền tảng cứu độ và nguồn ân sủng cho mọi thứ trí tuệ dù trong thể xác hay không, nghĩa là cho cả các thần nữa. Như thế, cứu độ Kytô-tính có tính phổ quát hoàn toàn. Thiên thần còn được cứu, huống nữa những chủng người khác nếu có. Bởi lẽ Origène không lấy huyết thống (thân xác) làm gốc, mà lấy trí tuệ vốn dĩ đã thành Loài trước khi có xác thân.[3]
Thay vì đặt sự thống nhất ở siêu thế giới các trí tuệ, như Aristote trở về với thế giới vật chất, thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII) tìm sự thống nhất ở ngay chính vũ trụ này. Theo ông, Hóa công là bậc đại trí, lại nghệ sỹ nữa. Là bậc đại trí, nên vũ trụ do Ngài làm phải nhất thống thành một khối thôi. Là nghệ sỹ, nên công trình của Ngài, cũng là thế giới của chúng ta, phải rất mực hài hòa giữa các thành phần làm nên nó, nghĩa là cũng chỉ làm nên một thế giới[4]. Mà thật ra, Thiên Chúa đâu cần nhiều thế giới làm gì, khi mà giữa thế giới ấy, Ngài chỉ nhìn thấy con người thôi: Vâng, một thụ tạo thông minh, lại được ân sủng động chạm tới, chả hơn là cả mớ những hệ tinh cầu vô tri gom lại hay sao?
Tuy không chấp nhận đa thế giới, học thuyết Tôma vẫn ngỏ cửa cho khả thể về nhiều loài thụ tạo thông minh. Và nếu có nhiều loài thụ tạo thông minh có xác, thì cũng có thể diễn ra nhiều chương trình cứu độ. Theo Tôma, một nhập thể đâu vét cạn nổi quyền năng của một đấng là nguồn vô tận của những hiển thể và tiềm thể. Nghĩa là, đã thành con người Yêsu Nadareth rồi, Lời vẫn còn dư sức làm những cuộc nhập thể khác.[5]
Guillaume de Vaurouillon (thế kỷ XV) dòng Phan sinh lại chủ trương nhiều thế giới. Có điều chỉ trái đất mới tội lỗi, nên cũng chỉ loài người ở đây mới cần đến ơn cứu độ. Mà giả như thế giới khác cũng tội lỗi, thì dù chỉ sinh ra ở trái đất, Chúa Yêsu vẫn có thể làm Kytô cho những thế giới ấy.
Joseph Pohle (1852-1922) cũng chấp nhận khả hữu về người ngoài hành tinh, nhưng cho rằng họ sống hạnh phúc trong tình trạng thuần tự nhiên, có khi cả với ân sủng nữa. Giả như họ cần cứu vớt, thì ngoài nhập thể và cứu chuộc ra, Thiên Chúa còn cách khác để tha tội.
Riêng nhà thần học nổi nang nhất của thế kỷ XX, Karl Rahner, thì đề ra hai nguyên tắc:
- Chỉ có một lịch sử cứu độ
- Không có trạng thái thuần tự nhiên, nghĩa là trạng thái bên ngoài cầu trường ân sủng; mà nếu đã có ân sủng, thì ân sủng ấy chỉ có thể là ân sủng đức Kytô.
Có điều cũng như Tôma, Rahner chấp nhận khả năng về nhiều nhập thể của cùng một Ngôi Lời.
Sau khi đã trình bày sơ lược các ý kiến cứu độ học liên quan đến người ngoài hành tinh, tôi xin phép đưa ra một số nhận định, và sau đó, cách giải quyết sơ thảo, nên còn nhiều khiếm khuyết, của tôi.
Xin xem tiếp trang 2: