Cứu độ ngoài hành tinh và trong các tôn giáo

B. Cứu độ ngoài hành tinh và trong các tôn giáo diễn ra theo cách nào

Vì kế hoạch cứu độ trong Chúa Kytô huớng về toàn loài người, nên để được cứu vớt, mỗi người phải được nối kết với đức Kytô. Nhưng nối kết bằng cách nào đây khi chưa được thông tin về đức Kytô, chưa được thách đố bởi một thúc động (motion) siêu nhiên để phải nhận hay từ chối, và cũng không qua dấu hiệu bên ngoài có tác dụng dứt khoát bên trong (huyền tích) để “thông thương” với thế giới thiêng liêng?

Nếu quả không có những yếu tố bên ngoài ấy, hẳn phải có một cái gì có thể thay thế ở bên trong. Mà thực ra thì phải vậy, khi mà chính các sứ đồ như Phêrô cũng đâu chịu Phép rửa, khi mà những tổ phụ như Abraham đâu có biết đến Tin mừng. Vâng, dòng chảy thì phải có nhưng dòng chảy ngầm cũng đủ.

Dòng chảy ngầm này có thể được gợi ý từ triết học siêu nghiệm của Emmanuel Kant, từ tâm lý học chiều sâu của Sigmund Freud và Karl Gustave Jung, tất cả thuộc thế kỷ XIX. Và với tôi, cả từ huyền nghiệm học của Ấn giáo, Phật giáo và Kytô-giáo nữa. Đặc biệt trong Kytô-giáo với các bậc thầy thuộc thế kỷ XVI là Têrêsa Avila, Yoan Thánh giá, Y-nhã Loyola.

Dòng chảy ngầm

Triết học siêu nghiệm Kant truy tìm những điều kiện (giấu ẩn) ở chủ thể cho tri thức lý tính (ratiionnel) thành khả dĩ, những điều kiện ấy phải có sẵn trước khi có tri thức, nên gọi là tiên thiên (a priori), siêu nghiệm (transcendantal). Điều kiện tiên thiên của tri thức, đó là những phạm trù và quy luật, mà kinh nghiệm phải vào khuôn trong đó để quy nhất thành hiện tượng (phénomène) hay dữ kiện giác-thức, và rồi những hiện tượng này cũng phải vào khuôn trong đó để quy nhất thành đối tượng lý-thức.

Từ những điều kiện cho sự khả dĩ của tri thức tự nhiên ấy, nhóm Maréchal, rồi Karl Rahner, suy diễn sang những điều kiện cho sự khả dĩ của đức tin. Theo Rahner, ân sủng chẳng qua là chính Thiên Chúa ở chỗ Ngài tự thông ban mình cho hồn. Của sự thông ban và tiếp nhận này, Rahner chú ý đến mặt tri thức, và đây là mạc khải và đức tin bên trong.

Để dễ hiểu, Rahner khởi đi với loại tri thức hoàn thiện trong cuộc sồng vinh phúc thiên giới, mà ở đó với hồn, đối tượng tri thức không còn là ý tưởng (hay mô thức khả tri, forme intelligible), mà là chính Thiên Chúa trực tiếp, bằng yếu tính của Ngài. Vâng, chính sự hiện diện của Thiên Chúa với trí năng hồn, như một thứ nguyên nhân á mô thức (cause quasi-formelle), sẽ biệt định trí năng trong tri thức. Nơi chính mình (Ngài), Thiên Chúa vẫn hiển định bằng một thứ hiển định (actus, entelekheia) hằng tại và vô biên, nhưng nơi trí năng con người, Ngài lại hiển định bằng một hiển định hữu hạn, hợp với tiềm thể (potentia) hữu hạn của trí năng đã được nâng lên cấp siêu nhiên. Về phía Thiên Chúa, thì đây là một mạc khải trực tiếp về bản tính và bản thân (nature et personne); còn về phía hồn, thì đây là thứ tri thức trực tiếp và toàn hiển của “diện đôi diện” (1Cor.13.12).

Thứ mạc khải và tri thức vinh phúc ấy, xét về bản tính, là một với mạc khải và đức tin thiên phú trong tình trạng ân sủng giữa cuộc sống này, bởi lẽ đây là “nước vọt tới Hằng sinh” (Yo.4.14). Vâng, là một xét về bản tính, dù khác xét về cấp độ[11]. Chính vì thế, từ tri thức vinh phúc nói trên, người ta có thể suy ngược về mạc khải và tri thức đức tin tại thế. Nghĩa là ở đây, trong ân sủng, Thiên Chúa hiển hiện với bề sâu trí năng tôi như một nguyên nhân á mô thức nó biệt định trí năng tôi trong tri thức đức tin thiên phú (infuse). Sự biệt định ấy chẳng những nâng cấp và soi sáng trí năng ở bề sâu vô thức, mà còn thành động năng (dynamisme) để tác động vào các hành vi tin hữu niệm của tôi, để tăng cường cho nó và siêu nhiên hóa nó. Để rồi chính nó, bởi đã thành một với đức tin thiên phú, cũng làm phát triển đức tin này, và qua đó, phát triển chính ân sủng.

Vậy để hành vi tin kia thành tuyệt đối (absolu) và siêu nhiên như thế, thì phải có những điều kiện tiên thiên cho khả thể của nó, và đây là mạc khải và tri thức thiên phú nói trên.

Đến đây thì ta đã hiểu rằng, không chỉ có mặt nổi của hành vi tin, mà còn có mặt chìm, mặt siêu vô thức của nó, và đây mới là nền tảng, cốt lõi. Và chúng ta sẽ nhận ra, một người dù chưa tuyên xưng đức Kytô bằng hành vi tin hữu niệm, vẫn có thể nối kết với Chúa ở bề sâu vô thức, do đó sống trong ân sủng của Chúa. Giáo hội từ muôn xưa, vẫn nhìn nhận khả năng được cứu vớt của người ngoài Kytô-giáo. Mà để được cứu vớt, thì phải có ân sủng Chúa Kytô. Mà đã có ân sủng, thì cũng có Tín-Vọng-Ái luôn, nghĩa là biết và nương cậy vào đức Kytô; và nơi đức Kytô, biết và nương cậy vào Cha, vào Thánh Thần. Và đây là mặt chìm của vấn đề mà nay ta phải nhìn nhận.

Thiên Chúa muốn cứu mọi người và cứu trong Chúa Kytô, nên mọi người, trong điều kiện sử tính của mình, phải có khả năng được cứu, nghĩa là ngay trong thế gian này được sống trong ân sủng Chúa. Mà như thế, hẳn là chỉ cần họ sống theo lương tri trong chính điều kiện sống cá nhân và xã hội của mình, nghĩa là bằng đạo lý truyền thống và tôn giáo của mình, dù với những đúng và chưa đúng của chúng. Nếu không quá nghiêng về tri thức theo Phưong Tây, mà quan tâm hơn đến sống nghiệm, ta sẽ phải kết luận rằng : Việc sống theo lương tri nói trên tự nó dẫn đến một gặp gỡ. Và sự có mặt của Chúa với hồn khiến hồn cũng có mặt đấy với Chúa trong nương cậy và yêu thương. Mà nếu hồn không ý thức, thì điều ấy ắt đã diễn ra trong vô thức. Để rồi nếu một chân sư Phật, Ấn gíáo giác ngộ, nghĩa là huyền nghiệm, mà huyền nghiệm ấy siêu nhiên thật, thì trong kinh nghiệm samâdhi bậc ba hay bốn siêu niệm, cái mà họ gặp chỉ có thể là Chúa Kytô và Thiên Chúa Ba ngôi, dù họ gọi theo niềm tin riêng rằng đó là Phật, là Cái ấy (Tat). Còn như nếu huyền nghiệm ở một cấp độ thấp hơn, có trí hiểu, trí nhớ và trí tưởng tượng làm màn hình phản chiếu, thì cái hiện trên màn hình kia lại là những ý tưởng và hình ảnh quen thuộc trong các tôn giáo riêng của họ.

Quả thật, dưới mặt nổi của dòng nuớc cứu độ gợn sóng, vẫn có mặt chìm yên lặng cũng của dòng nước ấy, yên lặng và vô hình với cặp mắt người. Mà mặt chìm ấy mới là cốt lõi và quan trọng. Có điều, với triết lý Ấn giáo và Phật giáo, chỉ cái chìm mới có thực bằng cái thực tuyệt đối, chứ cái nổi chỉ là tạm thời, là nâma-rupa hay sắc-tướng thôi.

Kytô-giáo là đạo của cả hai mặt, bởi Kytô-giáo là tôn giáo huyền tích: Đấng vô hình đã thành hữu hình trong lịch sử để chuyển lịch sử theo hướng cánh chung, với đức Kytô vùa là trung tâm vừa là điểm Omêga chung tất. Nhờ thế mà cứu độ Kytô-giáo cần đến việc tuyên xưng chung một niềm tin, cần đến dấu hiệu bên ngoài để tác động cách vô hình, cần đến cơ chế để bảo vệ huyền thân.

Có điều cái mặt chìm của con đường cứu độ ít được quảng diễn và nhấn vào, khiến người ta tưởng Kytô-giáo chỉ mạnh về mặt nổi, nhất là mặt tổ chức, chứ huyền nhiệm (mystique) thì không có gì. Vấn đề của chúng ta là phải tìm ra mối liên quan giữa hai mặt chìm và nổi, cả hai mặt cùng quan trọng đối với Kytô-giáo chúng ta.

Vai trò của mặt nổi

Trên kia, chúng ta đã trình bày tầm quan trọng của mặt chìm trong kế hoạch cứu độ. Và mặt chìm ấy phân biệt với mặt nổi, đến nỗi xem như nó không cần đến mặt nổi kia. Vâng, nếu người không biết Chúa Kytô nhưng sống theo lương tri của mình vẫn có thể sống ân sủng Chúa, và nếu Thánh Thần của Chúa có thể hành động trong các tôn giáo bạn để hướng dẫn họ trên đường về, thì đâu còn cần đến mặt nổi của Kytô-giáo cùng với Tin mừng và việc truyền bá Tin mừng?

Thế nhưng nếu nhìn vào cách làm của Thiên Chúa trong lịch sử, hẳn sẽ thấy mặt nổi thật sự cần và rất cần. Ngài đã chẳng vất vả chuẩn bị một Dân riêng và chuẩn bị Dân này bằng sấm ngôn của biết bao ngôn sứ, để rồi khi thời gian viên mãn (plerôma tôn kairôn), đã phái chính Lời giáng trần, để Lời chìm (vô hình) thành nổi, và mặt nổi này chứa hết mặt chìm kia, khiến cho “Ai thấy Thầy là thấy đấng sai Thầy”, cả hai mặt cùng cần cho nhau trong một cứu độ đầy đủ, trọn vẹn và nòng cốt. Trọn vẹn và hoàn hảo đến nỗi kẻ bé nhất trong Nước Trời cũng còn lớn hơn kẻ lớn nhất do người phụ nữ sinh ra là Yoan Tiền hô (Luc.7.28). Nòng cốt đến nỗi dù ai đó được cứu không do mặt nổi, thì vẫn được cứu do Chúa Kytô, bằng hành vi lịch sử chịu chết và sống lại của Ngài, đồng thời được cứu trong và qua Giáo hội hành hương với cả hai mặt huyền nhiệm và sử tính của nó, dù sự liên kết giữa hai mặt thì không ai thấy cả. Và đây cũng là điều Redemptoris missio tái khẳng định:

–“Với những người ấy [những người được giáo dục trong các truyền thống tôn giáo khác], sự cứu độ do Chúa Kytô tới được là nhờ vào sức mạnh của một ân sủng, ân sủng ấy vẫn liên kết với Giáo hội một cách huyền nhiệm, dù không đưa họ vào Giáo hội ở mặt hình thức (formellement). . . Ân sủng nói trên từ Chúa Kytô mà đến,nó là kết quả của việc Chúa hy sinh và nó được chuyển ban bởi Chúa Thánh Thần. . .”(số 10)

Vả lại, con người vốn hành động với lý trí soi sáng và ý chí (được soi sáng) quyết định, con người ấy, để sống đạo cao sâu và chắc chắn, phải cần đến những chân lý mà chỉ có Con sống trong lòng Cha mới mang đến khải mạc bên ngoài cho ta được (Yo.1.18).

Do đó vai trò của loan Tin mừng bên ngoài

Chính vì thế và vì lòng biết ơn đối với tình Cha yêu thương, vì sự sung mãn hai mặt của cứu độ, vì lợi ích đầy đủ của hết thảy, mà chúng ta phải nói về Chúa Kytô và Tin mừng cho cả các anh em Ấn, Phật, Hồi giáo, và mai ngày, biết đâu, cho các hành tinh xa xôi. Không phải đây là chinh phục, là việc làm của kẻ cả muốn bố thí, bởi lẽ có đạo đâu phải do công của chúng ta (RM,s.11). Kẻ được hưởng trước có nợ phải trả, là giúp cho người chưa biết để họ cũng được như mình, thế thôi.[12]

Cần loan Tin mừng, không phải cho các cá nhân tách khỏi môi trường sống xã hội và văn hóa của họ. Mà còn loan Tin mừng cho chính văn hóa và tôn giáo địa phương, giúp các nền văn hóa ấy thành nhân bản hơn, và các tôn giáo ấy gần lại với chân lý mạc khải.

Thật ra, thì tác động qua lại giữa hai bên, Tin mừng và văn hóa, đã có từ lâu. Từ ngoài vô, đó là triết lý Hy lạp như chỗ dựa để khởi động những suy tư thần học thứ nhất. Đó là đường lối tu và nhiều cách tu đã từ Ấn xâm nhập, nhất là tại vùng núi Athos. Và gần đây, còn tinh thần bao dung, bất bạo động, hiếu sinh đang chiếm lĩnh một “thị phần” ngày càng lớn trong văn hóa toàn cầu.

Còn từ trong ra, đó là những giá trị Tin mừng độc đáo như trong Bài giảng trên núi nó đã ghi dấu cuộc sống và hành động của một Mahâtma Gandhi, để từ Gandhi tỏa sáng năm châu. Đó là, từ vài thế kỷ nay, sự phổ biến ý thức về con người như một bản vị bất khả thay thế qua nền văn học và tư tưởng Kytô-giáo Phương Tây, ý thức đã khai sinh cho bản Tuyên ngôn nhân quyền và các phong trào đòi tự do và bình đẳng.

Thêm vào đấy, xem ra cứu độ như một động năng siêu nhiên tiềm ẩn đang biến đổi một số tôn giáo lớn từ bên trong. Ấn giáo thì, từ hai ngàn năm nay, đã mơ vọng những Thượng Chúa nhập thể, hay Avatâra, qua đó thổi bùng lên ngọn lửa sùng mộ bhakti, trong khi cũng nhu cầu sùng mộ ấy lại sinh ra trong Phật giáo những Bồ tát hay đức Phật vô lượng từ bi trong một thứ thân xác nhẹ nhàng phiêu hốt, dùng để gần gũi với con người.[13]

Thánh Thần hoạt động thế nào trong các tôn giáo

Ngày xưa trong Công giáo, người ta nghĩ người ngoài có thể được cứu, nhưng bất chấp tôn giáo của họ. Ngày nay tiến bộ hơn, giáo quyền bắt đầu nhìn nhận, rằng họ được cứu trong (và bằng) tôn giáo ấy. Vâng, con người sống trong xã hội như cá trong nước, mà tôn giáo là môi trường xã hội cần thiết cho sống đạo, thậm chí cho tiến đức nói chung. Nên để cứu mọi người, Thánh Thần không thể không hoạt động trong các tôn giáo. Theo đức Yoan-Phaolô II, hoat động này bội tăng sức mạnh từ khi Lời nhập thể đã hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc (EA).

Thế nhưng người ta sẽ nghĩ gì về những khiếm khuyết lớn nếu có trong một vài tôn giáo, đặc biệt trong những tín ngưỡng bán khai. Vâng, làm sao ThánhThần có thể có mặt ở những “hố đen” như thế? Mà quả thật, tín ngưỡng cổ thời hay bán khai luôn đi đôi với quá nhiều mê tín dị đoan, thậm chí tập tục hủ bại như thánh dâm và sát tế người. Không ai lại không biết rằng, cái xấu càng xấu bội tăng khi nó được thần thiêng hóa, như “thánh lễ đen” chả hạn[14]. Mà ở điều xấu,thì dù thuộc cá nhân hay xã hội, chỉ Satan là có mặt thôi.

Nhưng nếu ở đấy có Satan, thì bên cạnh Satan, chả lẽ thần lành không muốn hiện diện để xóa bỏ ảnh hưởng của nó? Thế rồi, bên cạnh những điểm đen nói trên, chả lẽ không có những điểm sáng trong các tín ngưỡng hay tôn giáo ấy. Mà ở điểm sáng, thì nhất định Thánh Thần phải có mặt để khiến nó ngày càng trong sáng hơn, đồng thời phát triển về phía Chúa Kytô, thậm chí theo hướng của Tin mừng.

Các tín ngưỡng thái cổ thường do đóng góp của nhiều người, của chung một xã hội mà thành. Để rồi nó sẽ tiến hóa, như con người vẫn tiến hóa. Và đây là tiến từ bộc phát về phía hợp lý, có hệ thống và tổ chức hơn. Nhất là từ đa thần về phía độc thần, từ tà mị về phía chân, thiện, mỹ, từ lễ nghi bên ngoài về phía huyền nghiệm bên trong. Và như thế cũng là từ tín ngưỡng thồ sơ về phía tôn giáo đúng nghĩa, ở cả chiều sâu và bề cao của nó.

Trong thời đại văn minh, tôn giáo thường do một người hay một nhóm người thiết lập. Người ấy có thể trải qua một kinh nghiệm sâu xa dị thường, nay muốn truyền lại con đường tiến tới đó cho đệ tử. Người ấy cũng có thể là kẻ lợi dụng sự cả tin của nhiều người để bằng một tân giáo phái chả hạn, kiến tạo cho mình một uy quyền, một danh vọng và nhiều tiền của.

Những tôn giáo dù có nguồn gốc chẳng mấy tốt đẹp kia, nếu tồn tại lâu và trở nên đông đúc, lại được hướng dẫn bởi hàng lãnh đạo mới khá tốt, thì vì lợi ích thiêng liêng của cộng đồng, Thánh Thần nhất định phải vào cuộc để cải hóa chúng thành môi trường cứu độ, trong đó nghi lễ có thể thành á huyền tích thông ban ân sủng, và phương pháp nhập định thành con đường dẫn tới gặp gỡ bán ý thức, không phải chỉ với Thiên Chúa duy nhất, mà với Thiên Chúa Ba ngôi trong Chúa Kytô. Dĩ nhiên là con đường thiếu bề nổi Kytô-giáo này sẽ gập ghềnh, hiểm trở đấy, lại không hoàn hảo bởi thiếu một chiều kích.

*

 Thánh Thần hoạt động trong các tôn giáo với mục đích phổ cập cứu độ, nhưng theo phương hướng nào?

Theo tôi nghĩ, Thánh Thần muốn biến tôn giáo ấy thành một thứ Á Cựu ước, giống như Do thái giáo vậy. Nghĩa là để chuẩn bị họ cho Tin mừng, trong khi vẫn dành cho các cá nhân (chưa biết Chúa) trong đó một cứu độ như đã làm đối với các tổ phụ Isrặl.

Thành Á Cựu ước, phải chăng các tôn giáo rồi sẽ tự chuyển thành Tân ước? Chỉ biết rằng dân Do thái cũng như ngoại dân, ai muốn bước vào Tân ước, hồi xưa đều phải được rửa nhân danh Chúa Kytô, và như thế, giữa Cựu ước và Tân ước vẫn có một bất liên tục. Vào Tân ước không phải là từ bỏ Cựu ước, nhưng từ đó qua đây vẫn còn một con đò, đò ngang (nên hai bên gần gũi), chứ không phải đò dọc. Và Kytô-giáo cần làm thế với các tôn giáo bạn. Như chúng ta vẫn sử dụng kinh thánh CƯ để chuẩn bị cho Tin mừng, thì bây giờ cũng nên làm thế đối với kinh thư Ấn, Phật, Khổng[15]. . . Và đưa một số nghi thức hay nghi lễ của họ vào phụng vụ để những khát mong Á CƯ thể hiện trong đó đạt tới đích nhắm của chúng nơi Chúa Kytô. Nhất là mang những kinh nghiệm và kỹ thuật tu luyện của Ấn, Phật giáo vô tìm gặp đấng “interior intimo meo” (sâu hơn là chỗ tuyệt sâu của tôi).

Có điều, như chúng ta thấy, nếu Do thái giáo trên nguyên tắc phải là đường dẫn tới Kytô-giáo, thì trong thực hành, phần lớn Dân cũ đã từ chối Chúa Yêsu. Phải, tôn giáo do cơ chế và biết bao yếu tố phàm trần dính theo, có thể là những lực cản khó vượt qua được.


[1] Công thức “Không có cứu độ ngoài Giáo hội” gặp thấy lần đầu nơi Origène và Cyprien, nhưng chỉ đạt tới ý nghĩa loại trừ cứng rắn của nó với Fulgence de Ruspe vào thế kỷ thứ V. (Waldenfels, Manuel de théologie fondamentale, Paris, 1990, tr. 634).

[2] Dựa theo Theological studies, th. ba 1999, vol.6, số 1.

[3] Dù sao, Origène cũng chấp nhận đa nhập thể (của Lời) là điều khả dĩ.

[4] Đây cũng là quan điểm của những triết gia lớn Cổ Hy lạp, như Socrate. Theo ông này, thì chỉ có một Kosmos (vũ trụ) trong đótất cả đều vận hành trong trật tự, khi mà tất cả được điều khiển bởi duy một Trí tuệ tổ chức, cũng là Thần tuyệt đối duy nhất.

[5] S. theol.,III,q.7, a.3 và 7.

[6] Xx. Dictionnaire de théologie, Cerf. Paris, 1988,tr.526; Ngô Minh, Kytô-học III (HTTH.s.29-30), tr. 484,481; Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr.319-323. Cũng nên đọc H. Haag, Is original sin in scripture; X Thévenot, Les péchés, que peut-on en dire, v.v.

Thật ra, thì như Teilhard de Chardin nhận định, tổ đầu tiên của giống người cách đây gần triệu năm, sống không khác gì trẻ nít hay bầy vượn thì làm sao đủ hiểu biết để có thể phạm một “tội chết”. Lại nữa vào thới u tối ấy, nào ai biết gì để ghi nhớ và kể lại . Ngày nay, câu chuyện Ađam-Evà thường được coi như một huyền thoại rất hay của truyền thống Yaveh giản dị và đại chúng, nhằm giải thích tình trạng tội lỗi quá ư phổ biến của giống người.

[7] Ecrits théologiques 3, tr.94 (Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr. 294-295).

[8] Chính do tính Hết mình (bản vị) của nhập thể do Lời, mà có tính Hết tính (hay bản tính toàn mãn: pan to plêrôma tês theotêtos sômatikôs) cũng của nhập thể do thiên tính (Col.2.9).

[9] Theo Mt.1.16 ,thì Yuse nằm trong gia phả nối trực hệvới Đavit, nhưng Chúa Yêsu đâu phải con đẻ của Yuse!

[10] Xx. Redemptoris missio, s.6 và 10.

[11] Chính đức tin này, khi phát triển cao, thì ngay ở cõi đời , đã rất gần với nghiệm tri thiên quốc. Chả thế mà Yoan Thánh giá, khi chia huyền nghiệm thành 10 cấp, đã lấy cấp 10 làm tri nghiệm vinh phúc (trên Trời), còn cấp 9 chắc chắn là hôn nhân thiêng liêng mà huyền nghiệm thế trần vướn tới như đỉnh cao nhất của nó. (Xx. Hoành sơn, Thần học thiêng liêng 2, tái bản, tr. 781)

[12] Có điều phải tế nhị hết sức trong loan Tin mừng hôm nay, do nguyên tắc “tự do lương tâm” và lòng kính trọng đối với các tôn giáo bạn.

[13] Xx. Hoành sơn, Vấn đề Đối thoại tôn giáo, 1972, tr.65-90.

[14] Làm chuyện dâm bôn ngay trên chính bàn thờ quen dùng để cử hành thánh lễ.

[15] Vì đây là Á CƯ, chứ không phải CƯ, nên về mặt chân lý, không có bảo đảm mọi mặt và toàn bộ. Do đó phải chọn đọc những đoạn phù hợp thôi.

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Sự thật dễ bị lãng quên về sự Phục sinh

Nếu không có sự Phục sinh, thì những gì chúng ta tin đều vô nghĩa. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *