Gam Màu Tối

Nếu phải vẽ mình, tôi sẽ bắt đầu bằng một cái khung nền màu tối. Có những chỗ được tô mịn màng chỉnh chu, có những nơi được phếch bằng những vệt ngoằn ngoèo ngẫu hứng, có những mảng liên tục, có những chấm cách quãng. Nhưng tất cả đều sẽ là màu tối. Trên cái phông nền tối ấy, tôi sẽ thảo những nét bút đầu tiên trong hành trình tìm kiếm chân dung của chính mình.

Tôi hạnh phúc khi nhận ra rằng mình đã thích những gam màu tối. Đó chẳng phải là một ý thích dễ dàng gì. Nhớ những ngày đầu tiên gặp gỡ thế giới hội họa Châu Âu, tôi thấy mình như thằng ngơ. Tất cả những cái mà người ta gọi là tuyệt tác, với tôi chỉ đơn giản là những bức tranh tối thui trên cái nền sơn dầu cũ kỹ. Bước chân vào những ngôi thánh đường Baroc đồ sồ, tôi không quen với cái cảm giác lành lạnh phả ra từ những bức tường đá, không thích cái không gian tù mù tối tăm của những mái vòm vòng cung, càng không thích những bức tranh to đùng nhưng lại tối sậm chìm vào cái vùng không gian mờ mờ thinh vắng và lặng ngắt. Chỉ bước qua cánh cửa giáo đường, tôi như đã lạc vào một thế giới khác. Lạnh. Vắng. Tối. Buồn. Cách nhau có một cái ngưỡng cửa thôi, cuộc sống đã trở nên khác hẳn. Thế giới ngoài kia nhộn nhịp và sống động với vô vàn những sắc màu đa dạng, với bầu trời trong xanh cao vời vợi, với mây trắng lãng du bềnh bồng, với những hàng thông rập rờn vi vút… Trong này, tôi ngột ngạt với một vùng không gian đậm đặc thinh lặng.

Thinh lặng bắt tôi dừng lại, đẩy tôi trở về với lòng mình, dìm tôi chìm sâu vào những điều tôi vốn đã muốn lãng quên và trốn tránh. Trong lòng ai lại chẳng có những góc tối, và ai lại không sợ phải đối diện với những góc tối trong lòng mình!

Mọi sự bắt đầu đổi thay vào buổi chiều hôm ấy.

Tôi bước chân vào ngôi thánh đường sau một ngày làm việc dài dằng dặc. Chỉ đơn giản là để tìm một chút thinh lặng thôi. Ngôi thánh đường ấy toàn bằng đá, được xây từ những năm của thế kỷ XIII, đồ sộ, dềnh dàng, nặng nề, lạnh lẽo. Lòng nhà thờ phẳng lì, rộng mênh mang. Gối đầu trên những cây cột đá tròn trịa là những mái vòm cong cong như những vòng tay vừa đón chào vừa phủ chụp trên tôi. Ngồi lặng lẽ một chút, tôi nhận ra mắt mình đang quen dần với cái không gian sậm tối. Tấm màng đen đậm như đang dần loãng ra, không gian chung quanh chừng như ấm hơn. Tôi bắt đầu nhìn thấy những vệt nắng chiều lờ mờ mỏng mảnh xuyên qua khung cửa kính. Những tia nắng cuối ngày đổ vào khoảng không gian của thánh đường một màu vàng nhạt ấm áp. Ngẩng đầu nhìn lên, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một lớp sáng mỏng mảnh đang dát bàng bạc trên bức tranh treo tường của gian nhà nguyện nho nhỏ. Lớp ánh sáng mỏng đủ để làm nổi bật những phông màu, để lộ rõ những đường nét, và đủ để không phá vỡ cái phông nền màu tối của bức tranh. Trong cái khoảng không gian tranh sáng tranh tối ấy, tôi được chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật, là tác phẩm của bàn tay con người, được làm nổi bật đúng độ nhờ ánh sáng từ trời…

Khi bắt đầu yêu những gam màu tối, tôi mới lờ mờ hiểu ra tại sao trước đây trong lòng mình đã từng có nhiều chống cưỡng và loại trừ. Khi tình yêu và sở thích lớn dần lên trong tôi, chúng như một nguồn sáng lấp lánh chiếu dọi vào góc khuất của những thành kiến, những nỗi e sợ, những điều tôi vẫn thường lẫn tránh. Quả thực, chẳn ai có thể hiểu được điều họ cứ mê miết lãng tránh và e sợ! Giống như người ta chỉ có thể nhận ra những bất ổn vốn tiềm tàng thật lâu giữa lòng mình, nhận ra những vết thương vốn đã hằn sâu trong lòng mình, chỉ vào ngày thực sự họ cảm thấy mình đã được chữa lành. Nhờ cảm nghiệm được sự chữa lành, người ta mới có đủ can đảm nhìn lại những điều trước đây họ vốn không dám nhìn, đi vào những góc lòng trước đây họ vốn đã tìm đủ mọi cách để lãng tránh. Đó là lúc người ta giật mình phát hiện rằng chính họ đã kéo dài bao vết thương chạy dọc suốt hành trình sống. Đó là lúc họ bừng tỉnh khi nhận ra rằng mình đã phải héo hắt suốt cả một khoảng thời gian dài mà không biết tại sao…

Gam màu tối của nghệ thuật hội họa dẫn tôi trở về với gam màu tối của lòng người. Thế giới lòng người như liên tục được kết dệt nên bởi những mảng rời màu tối. Màu tối của âu sầu phiền muộn, của khổ đau, của thất vọng, của những trăn trở dằn vặt, của những hối hận ăn năn, của những lo sợ hãi hùng, của những tham lam hồ đồ, của những dục vọng cuồng điên. Trong cái phông nền tối ấy, con người cất giữ biết những điều bí mật, chôn giấu những niềm đau, phủ lấp những lầm lỗi. Tối mịt mờ và sâu thăm thẳm.

Khi nhìn vào bức tranh, có những người chỉ quen tập trung nhìn vào cái phông nền. Thay vì thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, những người ấy chỉ có thể lướt trượt qua bức tranh cách đại khái, chút gì còn lưu lại chỉ là một cái nhíu mày kèm theo câu bình phẩm buột miệng: tranh gì tối om, thấy ghê! Có những bức tranh tuyệt tác bắt đầu bằng một cái phông nền cực xấu và cực tối. Trên cái phông nền ấy, những công trình nghệ thuật được khởi đầu khi những vệt màu sáng hiếm hoi bắt đầu xuất hiện. Màu của một vài tia sáng từ trời, màu của mây trắng, màu của những khuôn mặt người, màu của da thịt, màu của vải vóc… Những gam màu nền tối tăm và hỗn độn như chính thực tại của thế giới, như chính những mảng khuất tất thâm u của xã hội, như chính những góc mịt mù thảm đạm trong lòng người. Trên cái phông nền ấy, con người được lồng vào để làm sáng lên và làm sinh động cái nền thế giới tối tăm và tù hãm.

Có những người chỉ quen tập trung vào những mảng màu tối khi nhìn lại đời mình, chỉ quen nhìn thấy cái phông nền tối tăm khi trở về với lòng mình. Có những người sợ hãi khi nhận ra rằng đời mình đã được đổ nền trên cái gam màu tối tăm của quá khứ với đầy những lỗi lầm, những thất bại, những tổn thương, những thống khổ cơ cực… Có những người hoang mang e sợ khi nhận ra tương lai đời mình cũng đã được tô đầy bằng một gam màu tối mịt của những nghi nan, những chập chờn, những bất an vô định…

Biết bao nhiêu người sợ hãi và muốn chạy trốn khỏi những vùng tối vốn dĩ đã làm nên đời mình, vốn dĩ đang tiềm tàng sống động trong mình, hay vốn dĩ vẫn đang còn chờ đón mình phía trước. Nhưng ai có thể chạy thoát? Ai có thể tự loại ra khỏi mình những gì là tối tăm mù mịt, để chỉ giữ lại những gì là sáng sủa đẹp đẽ?…

Nếu muốn phá vỡ những tuyệt tác của Caravaggio, chỉ cần đem các bức tranh của ông đặt vào một căn phòng chói lòa ánh sáng. Người ta sẽ không còn thấy nữa dấu tích của cái phông nền màu tối, không còn thấy nữa những nét nhăn nheo khắc khổ, cũng không còn nữa những vệt bóng mờ. Tất cả những vệt màu trên bức tranh sẽ hòa vào nhau trong một cái hỗn hợp không phân chia đường nét, không rõ hình khối, không có điểm đệm cũng chẳng còn điểm nhấn. Và như thế cũng là kết thúc một tuyệt tác!

Không có những gam màu tối, sẽ không có những tác phẩm nghệ thuật. Tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cuộc đời mỗi con người là một tác phẩm nghệ thuật được vẽ trên những gam màu tối. Không ai có thể tự mình xóa đi cái phông nền vốn dĩ làm nên công trình cuộc đời mình. Tất cả những gì con người cần chỉ đơn giản là một chút ánh sáng. Chỉ cần một chút ánh sáng, màn đêm sẽ giản ra.

Đã biết bao lần tôi thấy lòng mình tối tăm và hoang lạnh, như một kẻ bước đi trong đêm. Tôi sợ hãi khi nhận ra nơi lòng mình quá nhiều bóng tối, tôi không biết làm sao để chạy thoát, để loại trừ, để sửa đổi. Phải qua một hành trình dài, tôi mới nhận ra được một chân lý đơn giản rằng: không phải nơi lòng mình quá tối, nhưng là nơi ấy thiếu sáng. Bóng tối vốn dĩ không thể và không bao giờ có thể cạnh tranh với ánh sáng. Nơi nào có ánh sáng, nơi đó đương nhiên không có bóng tối. Thay vì loay hoay tìm đủ mọi cách để dẹp bỏ bóng tối, hay để chạy trốn bóng tối trong lòng mình, chỉ cần dọi vào đó một chút ánh sáng. Chỉ cần có ánh sáng, bóng tối sẽ không còn là một đe dọa hãi hùng nữa.

Những bức tranh với phông nền màu tối dạy tôi một bài học quý giá: bao điều tưởng như đối chọi nhau đến kỳ cùng, tưởng như luôn loại trừ nhau, như sáng và tối, vốn luôn có thể được đặt cạnh nhau, vốn luôn có thể đan xen hoà quyện vào nhau để tạo nên một tuyệt phẩm nghệ thuật. Với những người có niềm tin tôn giáo, tôi hiểu rằng họ có lý do để tin vào một Thượng Đế Sáng Tạo, Đấng dệt nên cuộc đời họ từ cả những vệt màu sáng lẫn những gam màu tối. Tất cả những cái đối chọi giữa sáng và tối đan xen vào nhau, tạo nên một tuyệt tác của cuộc sống: Ấy là con người!

Cách chiêm ngưỡng một bức tranh cũng dạy tôi bài học về cách chiêm ngưỡng một con người. Những đường nét tươi sáng của bức tranh được nổi trội, được chiêm ngưỡng, được yêu mến, đơn giản chỉ là vì chúng được tựa trên cái chiều sâu hun hút của những gam màu tối. Cũng thế, những giá trị cao đẹp và linh thánh của con người được nhận ra và yêu mến khi chúng bị đặt trước thách đố của những gì là tối tăm, trần tục, thô thiển, tội lỗi. Con người không phải là cái phông nền màu tối, cũng không phải là những đường nét màu sáng. Con người là tập hợp của cả hai. Chỉ khi nào biết đón nhận bóng tối như một phần có thực của thân phận làm người, chỉ khi nào dám tin rằng trên cái phông nền tối tăm ấy luôn có thể phả vào những luồng sáng đẹp đẽ của những giá trị làm người, con người mới có thể thực sự bắt đầu xây dựng đời mình như một công trình nghệ thuật.

Bằng ánh mắt của một người biết thưởng thức nghệ thuật, người ta luôn có thể nhận ra biết bao tia sáng đẹp đẽ lấp lánh trên cái phông nền màu tối của phận người. Như ánh sáng đẹp đẽ phát ra từ sự liên tục cố gắng, để vượt qua một lỗi lầm, bất chấp những lần thất bại thảm hại. Như ánh sáng ngọt ngào phát ra từ lời tha thứ tận con tim của một người đã bị xúc phạm tổn thương. Như ánh sáng bền bỉ của người cố công vươn lên để sống đẹp giữa vô vàn những cám dỗ và níu kéo trần tục. Như ánh sáng lặng lẽ của những cố gắng âm thầm để làm lại cuộc đời, để hàn gắn lại những đổ vỡ, để chữa lành những thương tật. Như ánh sáng lung linh của niềm tin đặt lên cái nền tối của nghi nan ngờ vực; như ánh sáng  đậm đà của niềm hy vọng thấm đậm vào dãi màu tối tăm của thất vọng, buồn phiền, mỏi mệt, buông xuôi; như ánh sáng nồng nàn của tình yêu chiếu dọi vào thành kiến, nghi kỵ, chia rẽ, kỳ thị…

Nếu một họa sĩ luôn có lý do để trân trọng và yêu những gam màu tối trong bức tranh của mình, tại sao tôi không có lý do để yêu những gam màu tối như yêu và đón nhận con người thật của chính tôi?

Roma 11.11.11

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *