[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Phần III-Ý kiến về xưng tội và giải tội (tt)

Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

IV. NHỮNG CHỨNG TỪ

1. Nền văn hóa rối loạn chức năng

*TỔNG GIÁM MỤC CHARLES CHAPUT O.F.M cap. của tổng giáo phận Philadelphia
Trong một diễn từ quan trọng hôm thứ Năm 15 tháng 9, 2016 về tình hình chính trị và xã hội tại Mỹ, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của tổng giáo phận Philadelphia than thở rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên có những “khuyết điểm sâu sắc”, bao gồm “một kẻ điên cuồng mị dân”, và “một kẻ nói láo chuyên nghiệp”. Ngài nhấn mạnh rằng xã hội Mỹ nói chung đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Nghĩa vụ của người Công Giáo là tham gia xây dựng xã hội trần thế. Để làm điều đó, chúng ta không chỉ phê phán xã hội nhưng chính chúng ta cũng phải thay đổi lối sống của chính mình. Trên quan điểm của một linh mục đã ngồi tòa giải tội trong 50 năm qua, ngài tường trình rằng:

“Có một sự tăng vọt kinh hoàng những người – cả đàn ông lẫn đàn bà – thú nhận tội hoang dâm, ngoại tình, bạo lực và rối loạn tình dục xảy ra thường xuyên trong cuộc sống, và vai trò kinh khủng của phim ảnh khiêu dâm trong việc phá hoại hôn nhân, gia đình và thậm chí tàn phá cả các ơn gọi linh mục và tu sĩ”.

Theo Đức Tổng Giám Mục, người Mỹ ngày nay đang sống trong “một nền văn hóa rối loạn chức năng trong đó con người thất vọng và đầy thương tích ngày càng không có khả năng cam kết lâu dài, không có tinh thần xả kỷ, không duy trì được tình thân một cách bền lâu, và né tránh không muốn đối mặt với thực tế những vấn đề của riêng mình.”
Một quốc gia lành mạnh không thể được duy trì bởi những con người như thế. Tương lai của đất nước “thuộc về những ai tin vào một cái gì đó vượt ra ngoài bản thân họ, và những ai biết sống và hy sinh một cách thích hợp.”

Trong khi chào đón sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng thuật ngữ “thương xót” có thể bị hiểu lầm.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được ban phát trong tòa giải tội, nhưng hối nhân chỉ có thể đến với tòa giải tội nếu họ “hiểu được, ít nhất một cách lờ mờ rằng họ cần phải thay đổi cuộc sống của họ và tìm kiếm sự thương xót của Thiên Chúa.”
Đức Tổng Giám Mục nói: “Nếu không có sự minh bạch về sự thật luân lý, lòng thương xót chẳng có nghĩa gì. Đó chỉ là biểu hiện của sự mủi lòng”.
(Theo Viet Catholic tuần 23/09/2016)

 

2. Báo động về bí tích thống hối

1). Những việc xưng tội không xứng đáng với một con người:
Sự thiếu hiểu biết về tình trạng ân sủng và tình trạng tội lỗi.

*Linh mục Jean Harang, đại diện giám mục ở Nanterre, viết trong tuần san: Chrétiens aujourd’hui, fev. 1966 ,[ được trích dẫn trong sách của Th. Rey-Mermet, Laissez-vous réconcilier…La confession aujourd’hui, Le Centurion, 1972, pp.13-15]

*“Bài báo này là một tiếng kêu, tiếng kêu của một linh mục, sau hơn hai mươi bảy (27) năm thi hành tác vụ giải tội, không còn cảm thấy bằng yên lương tâm, nếu tiếp tục thinh lặng.

“Người ta nói về việc xưng tội như một nô dịch cho hối nhân, thì xin cho phép tôi nói rằng nó thường trở thành cho tôi một gánh nặng không thể mang vác, nhiều khi có cảm tưởng là đang chơi trò dối trá, cảm tưởng là đồng lỏa với một sự hủy hoại lương tâm.

Tôi không thể nín lặng hơn nữa.

Tôi tin vào tình trạng ân sủng và tình trạng tội lỗi, và bởi vì tôi tin cách mãnh liệt, ngày tôi càng đau khổ nhiều hơn vì sự thiếu hiểu biết thực hành của một số đông tín hữu về hai tình trạng này. Sự thiếu hiểu biết này xuất hiện rõ ràng cho tôi trong viêc thi hành tác vụ thống hối-hòa giải (giải tội).

Bí tích thống hối là bí tích của việc trở về cùng Thiên Chúa. Tại sao nó lại xuất hiện cho tôi như một bí tích của sự trấn an lương tâm và nhiều khi còn như một thứ gắn kết với một nghi thức huyền bí dành cho những người máy (robot).

Tôi chỉ nói…về việc xưng thú tội lỗi…Việc xưng tội thực sự khác với sự kê khai, việc trình bày một thực đơn được chuẩn bị tốt và luôn như thế; khác hơn một cáo trạng đúng luật đúng phép. Thiên Chúa không phải là thợ nhuộm mà người ta tìm đến bằng cách chỉ ra vô số vết nhơ để ông ta đừng quên mà bỏ sót.

Điều quan trọng không phải là nói tất cả nhưng là nói với sự ngay thẳng, điều chắc chắn tách rời hay làm chúng ta lìa xa Chúa Kitô. Không quan trọng nếu còn sót trong bóng tối vô số những lỗi nhỏ, và thường khi chúng còn phải ở trong bóng tối, để chúng ta nhận biết trong ánh sáng, lý do thực sự của chúng ta đang sống tách lìa hay ở xa Chúa.
Linh mục của Chúa Kitô, tôi tin là có một số lớn những việc xưng tội không xứng với một con người. Tôi hiểu rằng về lâu về dài người ta sẽ tránh xa điều gì là trống rỗng, không có hồn, chỉ còn là việc trẻ con hay nội quan bệnh hoạn.”

 

2). Xưng tội biểu lộ sự ấu trĩ của đời sống thiêng liêng, của đời sống tâm linh, và nhất là đời sống đức tin.

*Marc ORAISON, Psychologie et sens du péché, Desclee de Brouwer, 1968, p.11.
M. Oraison (1914-1979) là một bác sĩ y khoa (Bordeaux), nhập ngũ , trong chiến tranh thế giới II (1937-1940), bị động viên tái nhập ngũ ngành quân y tại Việt nam (1945). Sau chiến tranh được giải ngũ, về Pháp học thần học chuẩn bị làm linh mục (1948). Tiến sĩ thần học (1951). Bác sĩ phân tâm học hay tâm lý trị liệu, tại Pháp. Ông viết nhiều sách. Có lập trường “tiến bộ”.

“Có lẽ cần phải có một bài thuyết trình dành riêng cho cách xưng tội. Thật khủng khiếp điều người ta có thể nghe trong các tòa giải tội! Và tự hỏi xem những người ở nơi đó có sáu hay bảy tuổi tâm lý hoặc là những người bốn mươi tuổi. Họ xưng tội như được chỉ dạy khi học giáo lý (vỡ lòng). Họ không có cảm thức nào về thái độ thiêng liêng của mỉnh, về giá trị của cử chỉ hay thái độ nào đó – người ta còn bị cản trở bởi các định thức và không thấy được sự thật của đời sống. Tôi nghĩ là mỗi người cần phải suy nghĩ về điều đó…’’

“Có những điều cần thay đổi trong ngữ vựng, điều tôi mong đợi là chúng ta lánh xa tối đa, cả chúng ta nữa, khỏi thứ duy-luân-lý (moralisme), vốn xâm nhập chúng ta mỗi giây phút, dầu có muốn hay không.

Có một công viêc to tát chung phải làm trong Giáo hội để trả lại giá trị đích thực và ý nghĩa tôn giáo cho Bí tích Thống hối. Đó là vấn đề của một gặp gỡ huyền nhiệm, theo nghĩa đích thực của từ này, nghĩa là một sự gặp gỡ với mầu nhiệm thần linh. Và sự gặp gỡ này phải được sống một cách đích thực, bằng cách ý thức rõ ràng đây là một sự gặp gỡ cá vị, riêng tư với Đức Kitô đang nói với chúng ta, sự gặp gỡ vốn cho phép chúng ta đào sâu sự bình an, mà thế gian không thể ban cho nhưng chỉ một mình Đức Kitô ban cho, như Người nói trong Phúc âm Gioan.”

 

3). Nhận định của một vị giải tội (Vietcatholic) 26/Oct/2017(Vũ Văn An)

Đức Ông Lorenzo ALBACETE (7-1,1941 – 24-10, 2014) là một nhà thần học, một khoa học gia và là một tác giả. Từng cộng tác với tờ New York Times, Đức Ông là một trong các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ của phong trào Công Giáo quốc tế “Hiệp Thông và Giải Phóng”. Ngài là chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn của Trung Tâm Văn Hóa Crossroads.

Sinh ở Puerto Rico, Đức Ông vốn là một nhà vật lý, có bằng đại học về Khoa Học Không Gian và Vật Lý Áp Dụng cũng như có bằng cao học về thần học của Đại Học Công Giáo America ở Washington D.C., và bằng tiến sĩ thần học của Giáo Hoàng Đại Học Thánh Tôma Aquinô ở Rôma.

Từng dạy thần học tại El Escorial, Tân Ban Nha, tại The Christian Commonwealth Institute cũng như viết báo trước khi được thụ phong linh mục năm 1972. Sau đó, dạy tại Học Viện Gioan- Phaolô II ở Washington D.C. và chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers, New York và từng là Viện Trưởng Đại Học Công Giáo Puerto Ricô ở Ponce.

Ngài thường xuyên giữ một mục cho tuần báo Ý Tempi, viết cho The New Yorker, ngài cũng xuất hiện và được phỏng vấn trên các chương trình của CNN, The Charlie Rose Show, PBS, EWTN, Slate, The New Republic, và Godspy.

Nổi tiếng hơn cả là tác phẩm God at the Ritz: Attraction to Infinity (Crossroad Publishing Company), một cuốn sách trong đó, với tư cách linh mục chuyên viên vật lý, ngài đề cập tới khoa học, tính dục, chính trị và tôn giáo. Nhận định về văn phong của ngài, Đức Hồng Y Theodore Edgar McCarrick viết rằng: “đức ông Albacete có một tầm nhìn thấu suốt về mầu nhiệm Thiên Chúa và một bộ óc hài hước kỳ diệu ngay cả khi ngài đề cập các chủ đề rất hắc búa. Có lẽ vì cái năng khiếu hài hước và kỳ diệu này mà người thuộc mọi tín ngưỡng đã tìm đọc các bài viết của ngài…”

***Tính hài hước trên thấy rõ trong một bài nhận định của Đức Ông, viết hồi tháng 5 năm 2000, về kinh nghiệm giải tội.

“‘Lần đầu tiên, tôi nghe xưng tội là ít tuần sau khi tôi chịu chức linh mục năm 1973, tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mátthêu ở Washington, nơi thánh lễ cầu hồn cho Tổng Thống John F. Kennedy đã được cử hành. Hối nhân là một du khách, bước vào tòa giải tội gần như tình cờ. Anh ta nói: “Con đang trên đường tới McDonald, nhưng thấy nhà thờ và nhớ đến lễ tang của Tổng Thống Kennedy, rồi con thấy chiếc đèn mầu xanh ở tòa giải tội, nên con bước tới. Thực sự, con không biết chắc mình muốn gì”.

Tôi bảo anh ta: “À, cha hy vọng con không muốn một Big Mac với khoai tây chiên dòn kiểu Pháp, vì nếu thế, con sẽ lầm to”.

Anh ta tặc lưỡi rồi thưa: “Cha thấy đấy, thưa cha, đã lâu, đã một thời gian lâu. Con sẽ nói với cha những điều cha chưa bao giờ nghe trong tòa giải tội trước đây”.

Tôi bảo anh ta “Điều ấy không khó lắm đâu. Đây là lần đầu tiên cha nghe xưng tội mà. Điều gì con nói cũng sẽ làm cha rất ngạc nhiên cả”. Anh ta bật cười, cười sặc sụa. Những người xếp hàng ở bên ngoài bắt đầu chạy qua tòa giải tội khác.

Tôi không coi thường dịp nghe xưng tội ấy. Truyền thống huyền nhiệm có nói tới điều gọi là choáng váng trước sự thánh thiêng, một cách diễn tả sự bất cân xứng vô tận giữa bạn và mầu nhiệm mà bạn can dự vào một cách nào đó. Tôi chỉ cảm nhận sự bất cân xứng vô tận của dịp đó mà thôi.

Nhiều người nghĩ tới việc xưng tội như một việc trình bầy cách đáng sợ cái bản ngã sâu sắc nhất của mình. Vị giải tội nhìn vào những vùng đen tối nhất của tâm thức con người, bật mí những bí mật gây bối rối nhất, không những các việc bạn thực sự làm, mà còn cả những việc bạn muốn làm nữa. Thí dụ: vị giải tội hỏi: “con có tiêu khiển với các ý tưởng bậy bạ không? Hối nhân trung thực: “thưa cha không, chúng tiêu khiển con”. Và do đó, người ta làm hết cách để ngụy trang dưới những mỹ từ hay ngôn từ trừu tượng bao nhiêu có thể và, trên hết, tránh để những người đứng ở ngoài tòa giải tội nghe thấy.

Ấy thế nhưng kinh nghiệm làm người giải tội của tôi không liên hệ gì tới việc phải nghe các bí mật rôm rả. Phần lớn các hối nhân của tôi chỉ nhắc lại các công thức họ từng được nghe lúc học ở lớp 2 và gọi tên các tội của họ bằng các phạm trù chính thức. Tôi từng được nghe những điều như “con đã bất trung 23 lần bằng việc làm và 50 lần bằng tư tưởng”. Tôi nhớ có một người biệt xứ vì chính trị xưng với tôi “con đã tra tấn các tù nhân”. Nghe thấy thế, tôi nghĩ: “Có thế chứ, một tội mới!” Nhưng tôi ăn nói thế nào với ông hối nhân này đây, bảo ông ta đừng phạm tội nữa ư? Đề nghị ông ta đi nghe huấn đạo ư? Thế rồi ông ta làm tôi ngạc nhiên, khi hỏi “Con có phải xưng với cha chính xác là bao nhiêu lần không?”

Tôi vẫn thường giải tội ở những nơi rất không thông thường, như ở đường xe điện ngầm hay trong các rạp hát. Có lần, một phi công, là cơ trưởng tiến lại gần tôi giữa lúc máy bay đang bay. Sợ quá, tôi hỏi ông ta: “có phải ông biết một điều gì đó mà tôi không biết về chuyến bay này hay không?” Ông nói để tôi an tâm rằng không có gì bất thường xẩy ra cả; ông chỉ cảm thấy khẩn thiết phải xưng tội thôi. Ấy thế nhưng điều ông xưng chẳng có chi là khẩn thiết đối với tôi cả. Cả những người khác muốn xưng tội ngay tại chỗ cũng thế. Tôi quen nghĩ rằng những người cảm thấy nôn nóng phải xưng các tội nhẹ đều là những người thiếu cuộc sống nội tâm, hay đời sống bên ngoài của họ một là nhạt nhẽo hai là vô luân một cách đáng sợ, như trường hợp ông hối nhân tra tấn của tôi. Cũng thế, tôi quen nghĩ rằng xưng tội theo kiểu liệt kê là dấu chỉ một quan điểm kém phát triển và vụ luật về luân lý tính.

Cuối cùng, các vị có trách nhiệm đã thay đổi nghi thức xưng tội. Các ngài thêm các bài đọc Sách Thánh, khuyến khích lối xưng tội đối thoại và lập ra “phòng hòa giải” trông giống như văn phòng rẻ tiền của các tâm lý gia. Các linh mục nghiên cứu “khoa huấn giáo” và học cách uốn giọng nghe sao cho có vẻ có tính hỗ trợ. Việc xưng tội trở thành trị liệu pháp, và vị giải tội nào thiếu khả năng kích động một kinh nghiệm trị liệu sẽ bị coi là vô dụng. Tuy nhiên, nói thật, không có điều gì trong ơn gọi của chúng ta làm chúng ta có đủ tư cách là một nhà (tâm ký) trị liệu cả.

Ngày tôi chịu chức linh mục, mẹ tôi, tự hào một cách thích đáng, đã dạy tôi bài học ấy. Mẹ bảo tôi “Mẹ quen nghĩ các linh mục điều gì cũng biết. Nay thì mẹ lo lắng, vì con là linh mục, nhưng mẹ thấy con chẳng biết gì cả”.

Kể từ ngày ấy, tôi đã học được điều này: xưng tội không phải là phương pháp trị liệu , cũng không phải là phương pháp kế toán luân lý. Lạc quan nhất, ta có thể coi nó như một lời quả quyết rằng sự thật tối hậu của đời sống nội tâm ta là sự nghèo nàn tuyệt đối của ta, là sự lệ thuộc triệt để của ta, là cơn khát không tài nào xoa dịu của ta, là nhu cầu hết sức khẩn thiết được yêu thương của ta. Như Thánh Augustinô từng biết rất rõ, xưng tội, nhiên hậu, liên quan tới việc ngợi khen.

Tôi cũng thấy rằng khi xưng thú những cuộc chiến đấu cảm kích nhất, người ta đạt tới một thứ ngôn ngữ giản dị nhất, thứ ngôn ngữ của đứa trẻ đứng trước một thế giới quá hỗn độn đến không thể hiểu được. Sự ngỡ ngàng im lặng là đáp ứng tự nhiên nhất trước một mạc khải vượt quá mọi ngôn từ, một cái đẹp vượt quá mọi hình ảnh; nếu người ta phải nói một điều gì đó, thì cách tốt nhất là chỉ một vài lời có thể bảo vệ sự uy nghi vô tận của mầu nhiệm này, trong chính tính hình thức của chúng. Ngôn từ của cuộc sống nội tâm không phải là ngôn từ của các nhà chuyên môn, cũng không phải là ngôn từ của các nhà soạn kịch hùng biện nhất, cũng không phải là ngôn từ của việc tự chấp nhận mình một cách trưởng thành và lành mạnh. Ngôn từ của cuộc sống nội tâm là sự im lặng thanh thản, một thương tích sâu hoắm, một thèm khát vô bờ và, thỉnh thoảng, là giọng cười nho nhỏ.

“Trong việc xưng tội, con người biểu lộ sự khiêm tốn của mình, còn Thiên Chúa bày tỏ sự cao cả của mình, nơi lòng nhân hậu của Người. ”
(Th. Augustinô, In Io. Ev. tr. 14, 5)
———

*Tuần san CGVDT 2120, tuần lễ từ 25/8 dến 31/8/2017
Mục Dư Luận tr.6-7

Giúp giáo dân dễ dàng đến với tòa giải tội
“Ngày nay, vì nhiều lý do, không ít giáo dân lơ là vói việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giài. Do vậy, nhiều người không khỏi ưu tư về việc làm sao giúp người giáo dân quay trở lại và siêng năng đến tòa giải tội hơn.
Mời các linh mục hưu. Cầu nối từ các hội đoàn. Cần người đồng hành. Lời khuyên định hướng từ cha xứ. tổ chức giải tội trước và sau thánh lễ. thông báo cụ thể về giờ giải tội, ngồi tòa khoảng 30-45 phút.

Kiểm tra tương tự

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *