Đặc nét của công bình xã hội

Trong bài báo này, tác giả cố gắng phát triển một khái niệm chung về công bình xã hội. Ngày nay, như là một kết quả của các cuộc đối thoại liên văn hóa và liên ngành, chúng ta buộc phải đối mặt với những cách hiểu về công bình xã hội rất khác biệt và thậm chí trái ngược nhau. Vì thế, thay vì đưa ra một khái niệm đóng kín và cuối cùng, chúng ta sẽ trình bày một khái niệm mở và linh hoạt.

 

ĐẶC NÉT CỦA CÔNG BÌNH XÃ HỘI

 Franklin Ibáñez

Công bình xã hội là gì? Để bắt đầu, chúng ta cần phân biệt công bình xã hội với kiểu công bình mang tính hình sự, là nơi có hai bên trước tòa: bên bị cáo và bên nguyên cáo, như được thấy trong phim ảnh. Trong công bình xã hội, thông thường không có sự can thiệp của tòa án, và chủ đề của công bình xã hội là Xã hội nói chung. Xã hội, xét như một tổng thể, có thể tạo ra và thúc đẩy những vị trí và hoàn cảnh tạo thuận lợi cho một vài người và phớt lờ đi những người khác. Khái niệm công bình xã hội được phổ biến đặc biệt vào thế kỷ XIX, như một sự phê phán chống lại xã hội trong việc cho phép hay ưu đãi cho những khác biệt về mặt kinh tế: một số ít có rất nhiều, và số nhiều lại có rất ít. Như thế, lúc đó, công bình xã hội nghĩa là tìm kiếm một sự ngang bằng về kinh tế nhất định. Ngày nay, khái niệm này đã đi xa hơn việc chỉ nhắm vào ý nghĩa kinh tế hay ý nghĩa liên quan đến chủ nghĩa bình quân. Bên cạnh những điều khác, công bình xã hội giờ đây mặc lấy ý nghĩa ngăn chặn và giảm thiểu những sai lầm phổ biến được khơi lên bởi việc đề cao nam giới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tính bài ngoại và hội chứng sợ và kỳ thị những người đồng tính. Đôi khi, công bình xã hội bao gồm việc thúc đẩy sự bình đẳng; vào những lúc khác, nó thiên hơn về việc nhìn nhận sự khác biệt.

 Mục đích của tài liệu này nhằm trình bày chi tiết một khái niệm chung về công bình xã hội dựa trên triết học, khoa học xã hội và lý thuyết chính trị. Có nhiều tài liệu liên quan đến chủ đề này đã được viết trong những ngành nghiên cứu và từ các truyền thống văn hoá khác nhau. Ngày nay, như là kết quả của các cuộc đối thoại liên văn hóa và liên ngành, chúng ta buộc phải đối mặt với những cách hiểu về công bình xã hội rất khác biệt và thậm chí trái ngược nhau. Vì thế, thay vì đưa ra một khái niệm đóng kín và cuối cùng, chúng ta sẽ trình bày một khái niệm mở và linh hoạt. Nói cách khác, khái niệm công bình xã hội vẫn còn tiếp tục đang phát triển. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta cũng có thể nhận ra một vài đặc điểm tối thiểu của công bình xã hội. Những đặc điểm này sẽ được giải thích ở đây bằng một luận điểm và bằng cách đặt ra những câu hỏi.

 1. Liên quan đến nguyên tắc quy phạm: Điều gì gây ra bất công xã hội?

Tất cả mọi người đều bình đẳng là một giá trị đạo đức.Bất công xã hội là làm một việc trái ngược với niềm tin chung được các nhóm khác nhau chính thức thừa nhận. Niềm tin chung rằng tất cả mọi người đều bình đẳng là một giá trị đạo đức, thể theo văn hóa về quyền con người.

Tiêu chuẩn hay nguyên tắc quy phạm này là nền tảng cho công bình; công bình được phát triển dựa trên những tiêu chuẩn đó. Đôi khi người ta nói về những nguyên tắc của công bình, của những nền tảng đạo đức, v.v., và nghĩ rằng công bình hay bất công dựa trên việc dư luận ủng hộ hay phản đối lại những nguyên tắc như thế.

Trong thế giới ngày nay, ngay cả trong những xã hội rất đồng nhất, thật khó tìm ra một tiêu chuẩn quy phạm được tất cả các thành viên chấp nhận, cũng không phải tất cả mọi người đều cùng chia sẻ những niềm tin giống nhau. Lấy ví dụ, đối với một số người, cơ sở cho công bình được tìm thấy trong chính tôn giáo của họ: “Cái gì là tốt hoặc là xấu bởi vì Chúa xét thấy nó như vậy” (Từ ngữ Chúa có thể ngụ ý là Chúa của Kinh Thánh hoặc Chúa của Kinh Coran, hoặc đó là một vị Chúa mà các tôn giáo khác xem như là nguyên lý thần linh của vũ trụ). Tuy nhiên, những người không tin vào một tôn giáo cụ thể nào, hay vào bất kỳ tôn giáo nào, sẽ từ chối nguyên tắc này.

Do đó, điều gì có thể là một tiêu chuẩn quy phạm, dù nó chưa được chấp nhận phổ quát, ít nhất nó có thể xảy ra, hay nó đang trong tiến trình phổ quát? Đó là niềm tin rằng tất cả mọi người đều bình đẳng là một giá trị đạo đức. Trong thực tế hiện nay, điều này không được chấp nhập một cách phổ biến. Lấy ví dụ, trong thế kỷ XX, nhiều cuộc chiến tranh đã diễn ra ở Châu Âu, Châu Phi hay Trung Đông bởi vì một số người đã tin vào nguyên tắc trái nghịch: rằng một số người hay nhóm người đáng giá hơn những người khác hay những nhóm khác. Thế chiến thứ II, cuộc chiến vùng Balkan, cuộc diệt chủng người Kurd hay cuộc diệt chủng ở Rwanda, là những ví dụ đáng buồn và hổ thẹn liên quan đến vấn đề này.

Dù sao đi nữa, đây là nguyên tắc phổ biến và hứa hẹn nhất chúng ta có. Nguyên tắc này được phát triển mạnh mẽ nơi thế giới Tây phương hiện đại, một thế giới dựa trên truyền thống Kitô giáo và triết học của nó; tuy nhiên, nguyên tắc này trước đó cũng đã được phát triển mạnh mẽ ở những nền văn hóa Đông phương. Nguyên tắc này ở nơi tâm điểm của nền văn hóa về các quyền con người và nó có hai mặt thuận lợi: mặt lý thuyết và mặt thực hành. Từ quan điểm lý thuyết, nguyên tắc này là một niềm tin có tính đạo đức, được chia sẻ một cách rộng rãi nhờ ảnh hưởng (đôi khi thái quá) mà Tây phương tác động lên phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, niềm tin này cũng tìm thấy những lý do của chính nó cho việc ủng hộ và thừa nhận trong những nền văn hóa phi Tây phương. Ví dụ, nhiều thế kỷ trước khi Tây phương hiện đại nói về vấn đề này, một số nền văn hóa Đông phương đã thực hành tín ngưỡng khoan dung, khi suy xét rằng tất cả mọi người đều có quyền sống theo niềm tin tôn giáo của riêng họ. Từ quan điểm thực hành, hầu hết các quốc gia đã chính thức cam kết (bằng cách ký vào những thỏa ước quốc tế) tôn trọng các quyền con người, cũng như thi hành đầy đủ những cơ chế nhằm đảm bảo việc triển khai những cam kết này. Văn hóa về các quyền của con người đang trong tiến trình tiến triển, mặc cho những sai sót và thụt lùi, bao gồm cả những trở ngại to lớn. Tuy nhiên, vì những lý do đạo đức và tiến trình lịch sử, nhiều người “sẵn sàng” tin vào giá trị đạo đức bình đẳng của con người và về mặt chính trị, nhiều nhóm người đang quyết tâm thực hiện nguyên tắc này.

 2. Liên quan đến các chiều kích, đâu là các phạm vi của đời sống được bao quát bởi công bình xã hội?

Công bình xã hội có tính đa chiều, ít nhất bao gồm ba loại thể chế hay ba loại chiều kích: kinh tế, văn hóa và chính trị, đặc biệt không có loại nào là nền tảng hơn những loại còn lại xét về mức độ phổ quát.

Trong số các chiều kích của đời sống xã hội, liệu có bất kỳ chiều kích nào quan trọng hơn các chiều kích khác không? Một số nhà lý thuyết xã hội và những nhóm bị áp bức nghĩ rằng đã từng có một chiều kích cơ bản hơn tất cả những chiều kích còn lại. Ví dụ, đôi khi người ta nghĩ rằng chính trị là yếu tố then chốt: “Thay đổi quyền bỏ phiếu và điều đó sẽ mang lại nhiều bình đẳng hơn”. Lúc khác, người ta lại nhấn mạnh vào kinh tế: “Nếu tất cả mọi người bình đẳng hơn về kinh tế, tất sẽ không có bất kỳ sự kỳ thị nào hoặc không có bất kỳ lạm dụng nào”. Trong cuộc Cách mạng Pháp, các quyền tham gia vào chính trị được mở rộng: các công dân có thể quyết định ai là người sẽ nắm quyền điều hành và sẽ điều hành như thế nào. Nhưng cuối cùng, sự áp bức vẫn tiếp tục tồn tại. Về sau, những người theo chủ nghĩa Mác-xít và những nhóm hoạt động xã hội nổi lên, nhấn mạnh rằng phương thức kinh tế mới là yếu tố then chốt, và cho rằng kinh tế quyết định đến văn hóa và chính trị. Trong mô hình chủ nghĩa Mác-xít giản đơn, hệ thống sản xuất phân chia xã hội thành hai nhóm: nhóm áp bức (tầng lớp tư bản giàu có) và nhóm bị áp bức (tầng lớp vô sản nghèo). Lý thuyết này lúc đó được nhiều người đón nhận, nhưng không phải tất cả những nhóm bị gạt ra bên lề xã hội đều lấy lý thuyết đó làm mẫu: các phụ nữ và các dân tộc da màu, giữa những người khác, nói rằng sự áp bức họ đang chịu không chỉ đến từ kinh tế. (Ví dụ, một người phụ nữ hoặc một người nhập cư có thể bị coi thường và bị kỳ thị, không phải vì họ nghèo nhưng chính xác hơn vì họ là phụ nữ hay vì họ là một người nhập cư, ngay cả khi họ có thể có tiền). Xa hơn nữa, một số luồng tư tưởng của phong trào nữ quyền cho rằng yếu tố xã hội quan trọng của tình trạng áp bức là văn hóa về giới tính. Tuy nhiên, tư tưởng này cũng bị đặt vấn đề, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Một số phụ nữ như đã nói, trước khi cảm nhận mình là phụ nữ, trước tiên họ đã cảm thấy mình là người da màu, người thiểu số hay người nghèo (Ví dụ: một số phụ nữ da trắng có học vấn trước hết yêu cầu sự tôn trọng về mặt xã hội, trong khi đó, những người phụ nữ nghèo trước tiên quan tâm đến một tình trạng kinh tế khá hơn cho gia đình của họ, bao gồm cả những bà mẹ nghèo).

Trong một xã hội đang bị thương mại hóa trên diện rộng, các yếu tố kinh tế (tiền, việc làm, v.v.) có thể trở nên yếu tố quyết định hơn liên quan đến điều này: những người có tiền của sẽ nhận được sự tôn trọng xã hội và quyền lực chính trị. Trong những xã hội khác, yếu tố quyết định nhất, giữa những yếu tố khác, có thể là địa vị xã hội, dòng tộc, giới tính, chủng tộc, v.v. Trong hầu hết các xã hội phức tạp hiện nay, dường như không thể giản lược nguồn gốc của bất công vào chỉ một yếu tố (hoặc chính trị, kinh tế hay văn hóa). Vì một số lý do, nguồn gốc của bất công xã hội và của điều mà những người bị gạt ra bên lề xã hội đòi hỏi ít nhiều cho thấy và được đan dệt bởi ba chiều kích này: văn hóa, kinh tế và chính trị. Hơn nữa, một số người có thể chịu bất công ở cả ba chiều kích này cùng một lúc. Ví dụ, trong những xã hội khác nhau, thị trường lao động, sự tôn trọng xã hội và ngay cả khả năng tham gia chính trị cũng được tổ chức xung quanh các nhóm chủng tộc hoặc các nhóm tộc người. Khi ấy, có những trường hợp vị trí lao động thu nhập thấp rơi vào các dân tộc da màu hay các dân tộc bản địa, những người cũng bị xem thường về văn hóa, và họ có rất ít cơ hội tham gia vào chính phủ (thậm chí lúc đó họ là một nhóm đông người).

Chúng ta đã biết rằng các bất công có tính đa chiều, và liên quan đến nhiều yếu tố, do đó bất công có thể bị chồng chất. Tiếp theo những ví dụ trước, chúng ta hãy nghĩ về một người da màu hay một người bản địa, cô ta đang ở trong sự bất lợi về kinh tế, chính trị và văn hóa. Nếu cùng với điều này, cô ta là một người nhập cư và là một phụ nữ nghèo, cô ta có thể chịu những bất công chồng chất, hơn một người phụ nữ bị khinh thị chỉ vì chủng tộc của cô ấy. Trong trường hợp này, cùng một người nhưng thuộc về ba nhóm bị gạt ra bên lề xã hội: các phụ nữ, các người di dân và những người nghèo. Người này bị áp bức ít nhất gấp ba lần.

 3. Liên quan đến các khuôn khổ, đâu là những khuôn khổ hay những chỉnh thể chính trị được áp dụng cho công bình xã hội?

Công bình xã hội linh hoạt đối với các khuôn khổ hoặc các chỉnh thể chính trị đa dạng, như nhà nước quốc gia, hay các chỉnh thể nhỏ hơn (do tiến trình phân cấp) và các chỉnh thể lớn hơn (do tiến trình toàn cầu hóa).

Có phải Nhà nước là khuôn khổ chính trị nền tảng không? Cho đến cách đây vài thập kỷ, rõ ràng khuôn khổ của việc thực thi công bình xã hội (và của việc thực thi công bình khác), trên hết là nhà nước quốc gia, được xem như là chỉnh thể chính trị ưu việt. Lý thuyết liên quan đến công bình và việc tiến hành có tính thể chế của công bình đều được suy tính và thiết kế cho khuôn khổ đó. Mặc dù lý thuyết này vẫn còn có giá trị, nhưng khuôn khổ ban đầu đã thay đổi: khuôn khổ này đã phân mảnh bên trong do tiến trình phân cấp và đã bành trướng bên ngoài ngang qua tiến trình toàn cầu hóa.

Trong nhiều quốc gia, đặc biệt đối với những quốc gia mà nền dân chủ đang được củng cố, các tiến trình phân cấp nội bộ diễn ra mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa là quyền tự trị ở cấp địa phương, hay cấp vùng hay cấp khu vực đang được hình thành dựa trên lãnh thổ và những yếu tố khác, nhờ đó mở rộng việc trao quyền cho dân chúng, như tính hiệu quả trong việc thực thi công bình. Đồng thời, ở cấp độ quốc tế, toàn cầu hóa trong những khu vực khác nhau đang tác động đến đời sống của tất cả người dân, ngay cả những người đang ra sức bảo vệ chính mình bằng những phương pháp có tính chính trị và / hoặc văn hóa, kinh tế của chủ nghĩa bảo hộ. Chủ nghĩa khủng bố, di dân, sức mạnh của tư bản, tình trạng trái đất nóng lên, v.v. là một số những vấn đề có tính quốc tế mà một quốc gia đơn lẻ không thể nào tự mình giải quyết được.

 Hai ví dụ được nêu lên trong tài liệu này: Thứ nhất, trong suốt thế kỷ XX, có một đề nghị phổ biến về việc tái phân phối về kinh tế nhiều hơn cho nội bộ của một quốc gia, vì như thế, Nhà nước sẽ trở thành một người giúp đỡ ngang qua việc đảm bảo mức tối thiểu về kinh tế và đảm bảo về sức khỏe, giáo dục cho tất cả mọi người dân. Bây giờ, các quốc gia không còn tự chủ về kinh tế và vận mệnh kinh tế của người dân lệ thuộc vào những gì đang diễn ra trên thị trường quốc tế. Tương tự như thế, việc tái phân phối giờ đây cũng là một vấn đề của các tác nhân quốc tế (các công ty đa quốc gia, các tổ chức – FAO, WTO, WHO, v.v. – NGOs, v.v.). Thứ hai, khí nhà kính – nguyên nhân gây ra tình trạng trái đất nóng lên và những thiệt hại khác – và những chất gây ô nhiễm khác, không màng đến các biên giới, các bức tường ngăn hoặc những yêu cầu khắt khe, vì chúng tự do rong ruổi khắp thế giới. Chúng là những vị khách lang thang, không mời mà đến và chẳng ai muốn đón tiếp chúng; tuy nhiên, không ai có thể ngăn cản chúng bước vào nhà mình được.

Cả quá trình phân cấp và quá trình toàn cầu hóa đều gặp phải những căng thẳng phức tạp. Vì thế, những nền tảng lý thuyết về công bình, cũng như việc thực thi công bình trong thực tế, đều phải được xác định lại bằng việc suy nghĩ về những viễn cảnh mới. Chúng ta nên cân nhắc lại vai trò và lý lẽ biện minh cho những hội đồng địa phương mới (như các Nhà nước và các cơ quan được phân cấp của nó), cũng như cho các tổ chức liên quốc gia (như Liên hợp quốc và những cơ quan bắt nguồn từ đó hay những điều tương tự – Ví dụ: Tòa án Hình sự Quốc tế, các Nghị định thư Quốc tế liên quan đến chiến tranh, thiên tai, môi sinh, v.v.).

 4. Liên quan đến các giải pháp, đâu là những chiến lược phù hợp cho việc giải quyết tình trạng bất công xã hội?

Các yêu cầu về công bình xã hội có thể được giải quyết bằng những chiến lược hiệu dụng, dao động giữa các mặt bảo thủ và cấp tiến, bằng việc tiếp tục quan tâm đến đạo đức, hiệu quả và kết quả của tiến trình.

Có bao nhiêu chiến lược để giải quyết những yêu cầu của công bình xã hội? Có nhiều chiến lược và những giải pháp rất đa dạng, có thể được phân chia làm ba loại: bảo thủ, cấp tiến và trung gian. Ví dụ, khi xem xét vấn đề nghèo đói, chúng ta nghĩ về những giải pháp đã được rút gọn và mang tính truyền thống từ những người theo chủ nghĩa tự do cực đoan, những người theo chủ nghĩa cộng sản và từ những người đang đấu tranh cho một Nhà nước phúc lợi. Nhóm thứ nhất tin rằng giải pháp là phải thúc đẩy hệ thống cạnh tranh tự do: với thị trường tự do (những hành động tự do cá nhân), sẽ không có bất kỳ ai là kẻ thua, vì giả thiết rằng mỗi một người sẽ nỗ lực để đạt cho được lợi ích tối đa. Nhóm thứ hai cho rằng nghèo đói và các hệ thống sản xuất nên được tái cấu trúc, ưu tiên phúc lợi của cộng đồng hơn là phúc lợi của các cá nhân: tài sản công sẽ đảm bảo phúc lợi cho mỗi thành viên trong cộng đồng. Nhóm cuối cùng chấp nhận một sự thỏa hiệp giữa chọn lựa tự do cá nhân và quan điểm cộng đồng của xã hội, cho phép việc tái phân phối hàng hóa và các dịch vụ của Nhà nước ở một số mức độ. Trong việc đối mặt với những yêu cầu về giới, chúng ta có thể cố gắng để đạt đến một sự phân loại tương tự: một số người theo thuyết nam nữ bình quyền tìm kiếm sự bình đẳng; những người khác cho rằng vấn đề về giới nên được “giải cấu” hay nên được rút ra coi như một phạm trù; những người khác nữa cho rằng đang có một sự thừa nhận tích cực về những khác biệt giới tính.

Vậy chọn lựa nào là tốt nhất? Không thể nào quyết định theo cách tiên nghiệm chiến lược nào là tốt nhất và thích hợp nhất từ những quan điểm quy phạm (đúng đắn về đạo đức) và quan điểm mang tính thực tiễn (hiệu quả trong thực tế). Đôi khi một giải pháp rất đạo đức nhưng lại không hiệu quả, và ngược lại. Vào những lúc khác, có thể có những lý do quy phạm đúng đắn và những thực hành đồng thời cho từng loại giải pháp. Vì thế, khi lựa chọn một chiến lược, chúng ta nên lưu tâm đến những tiêu chuẩn quy phạm và thực tiễn, tùy vào bối cảnh cụ thể và tùy theo xã hội cụ thể đang gặp phải vấn đề.

Có phải là tốt hơn hay không khi tìm kiếm những giải pháp cho mỗi một vấn đề hay cho cả nhóm các vấn đề? Các chiến lược giải quyết nên được xây dựng cho một vấn đề riêng biệt, nhưng không phải không chú ý đến mối liên hệ đến các vấn đề khác. Ví dụ, trong một xã hội X, giới tính là một yếu tố xây dựng thị trường và các phẩm trật của sự tôn trọng xã hội, do đó có hai vấn đề: việc thu nhập thấp đối với các phụ nữ và sự đánh giá thấp người phụ nữ. Thị trường lao động không thừa nhận những hoạt động nuôi dạy con cái (ví dụ: nuôi nấng trẻ em) cũng không thừa nhận những công việc nội trợ. Tương tự như vậy, có một vài vị trí “cổ hồng” (ví dụ: các thư ký) không được trả công như những công việc được làm do nam giới; vì thế, thu nhập của người phụ nữ thấp. Hơn nữa, phụ nữ được đặc trưng vì có nhu cầu cần được bảo vệ, bởi vì người phụ nữ thì yếu đuối và phụ thuộc, không thể tự trị và có năng lực như người đàn ông. Để giải quyết vấn đề thứ nhất (thu nhập thấp), xã hội có thể quyết định chuyển thu nhập phụ trội hoặc các dịch vụ đặc biệt cho phụ nữ. Nhưng điều này thực sự lại làm trầm trọng hơn vấn đề thứ hai (đánh giá thấp), vì cho thấy rằng các phụ nữ thực sự là những người lệ thuộc, những người đòi hỏi việc bảo vệ mang tính gia trưởng của Nhà nước. Do đó, khi biết những chiến lược giải quyết có những tác động phức tạp và đa dạng đến kinh tế, văn hóa và chính trị, chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng những tác động tổng thể như thế phải có tính đạo đức và có tính hiệu quả.

 5. Liên quan đến thiên nhiên, đâu là mối liên hệ giữa thiên nhiên và công bình xã hội?

Bên cạnh xã hội, công bình xã hội còn cân nhắc tới thiên nhiên (hay hệ sinh thái) như một viễn cảnh nền tảng bình đẳng, một viễn cảnh đề nghị những giới hạn về đạo đức và hiệu quả cho hành vi của con người.

Vai trò của thiên nhiên trong truyền thống pháp lý và đạo đức ở Tây phương là gì? Hầu như không có gì. Trong một thời gian dài, hầu hết truyền thống Tây phương đã xem xã hội như là một viễn cảnh thích hợp duy nhất cho công bình. Thiên nhiên không có vị trí quan trọng và đáng kể nào, chỉ là “bức tranh tĩnh vật” mà không có bất kỳ sự liên hệ nào đến chủ đề công bình. Ở cấp độ thực tiễn, khủng hoảng về sinh thái hiện nay buộc chúng ta suy nghĩ lại về mối liên hệ giữa con người và hệ sinh thái, đến độ phải định nghĩa lại công bình xã hội. Ở cấp độ lý thuyết, sự phát triển của sinh thái học như một môn khoa học đã dẫn chúng ta đến việc định nghĩa lại những giới hạn giữa xã hội và thiên nhiên. Giới hạn về hiệu quả rõ ràng hơn: thiên nhiên không thể nào được khai thác mãi, vì chúng ta biết rằng điều này sẽ kết thúc bằng việc phá hủy thiên nhiên, và cũng là hủy diệt chính chính ta. Nhưng những giới hạn về đạo đức khiến chúng ta lưu tâm hơn. 

Những thay đổi nào đã diễn ra trong công bình xã hội theo nghĩa đạo đức khi chúng ta quan tâm đến sinh thái học? Ít nhất về mặt khách thể và chủ thể. Những thay đổi về mặt khách thể của công bình, điều đã được phân bố một cách nào đó, ít nhất có thể được nhận thấy ngang qua sự xuất hiện của hai phạm trù mới: công bình cho khí hậu và công bình cho môi trường. Trong thập kỷ vừa qua, người ta nói về “Công bình cho khí hậu”: những thiệt hại đến từ biến đổi khí hậu (cụ thể là tình trạng trái đất nóng lên) phải được giải quyết và phải được bồi thường bởi những người đã gây ra tình trạng này nhiều nhất (phần nhiều là các nước phát triển). Khái niệm “công bình cho môi trường” có lẽ ra đời trước những năm 90 nhưng đặc biệt phổ biến vào sau những năm 90. Công bình này liên quan đến cách thức phân chia tài nguyên (không khí trong lành, đất, nước và các tài nguyên môi trường) và những thiệt hại (tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và những nguy cơ về môi trường khác) từ quan điểm sinh thái học. Công bình cho khí hậu sẽ là một bộ phận của công bình cho môi trường.

Trong sự tương tác này giữa xã hội và thiên nhiên, chủ thể của công bình, những người có quyền tài phán hay có quyền đối với người được phân chia tài nguyên, cũng sẽ thay đổi. Trong hàng thế kỷ, người ta nghĩ rằng thiên nhiên, kể cả những sinh vật sống trong đó, phải được  phân chia cho con người. Tương tự như vậy, suốt hàng thế kỷ của chế độ nô lệ, người ta cho rằng những nô lệ là những con vật, không phải là người, và cho rằng các nô lệ phải chịu đổi chác tùy vào lợi ích của các chủ nhân. Trong thế kỷ XIX, với sự kết thúc của chế độ nô lệ, những người nô lệ trước đây bây giờ trở thành những cá nhân có quyền, vì vậy họ được nhìn nhận là những con người. Nhưng những thú vật hay thiên nhiên, xét như một tổng thể, vẫn tiếp tục bị loại ra khỏi quỹ đạo của những sở hữu chủ các quyền lợi. Duy chỉ có con người mới là những người nắm quyền; điều này đã từng là nguyên tắc độc nhất của công bình. Không ngạc nhiên khi người ta nói rằng đây là một cái nhìn của trường phái nhân trung thuyết (anthropocentric vision): điều tốt và điều xấu được xác định từ việc nó có tiện lợi hay không cho con người. Ngày nay, cái nhìn như thế đang bị đặt thành vấn đề. Được gợi hứng từ những tranh luận khoa học, từ những cái nhìn truyền thống được thẩm định lại (liên quan đến những người dân đã từng sống dưới chế độ thuộc địa) và bởi sự thông cảm mang tính cảm xúc, hàng ngàn những nhà hoạt động xã hội yêu cầu các quyền lợi phải được mở rộng cho cả các thú vật và thiên nhiên. Có một vài Nhà nước đã bắt đầu công nhận đây là những chủ thể nắm giữ các quyền hợp pháp. Vì thế, đặc tính đầu tiên hay luận điểm đầu tiên, về giá trị đạo đức bình đẳng của con người, nên được thêm vào với khẳng định này: phúc lợi của con người có thể là nguyên tắc trước tiên cho công bình xã hội. Tuy nhiên, đó không phải là một giá trị tuyệt đối.

6. Liên quan đến dân chủ, chúng ta giải thích và thực thi công bình như thế nào?

Công bình xã hội, xét về mặt lịch sử và bối cảnh dựa trên nền tảng của tiến trình dân chủ, được định nghĩa, trong mức độ có thể, là gia tăng nhiều hơn sự tham gia vào việc giải thích và thực thi công bình.

Trong luận điểm trên, rõ ràng người ta thấy rằng công bình xã hội có tính lịch sử và bối cảnh trong sự phát triển của nó. Cách thế nó được giải thích về mặt lý thuyết và cách thế nó được thực thi về mặt thực tiễn dựa trên lịch sử và bối cảnh. Ở đây chúng ta đưa ra một vài ví dụ về điều chúng ta đang trình bày, như là một bản tóm lược.

Ở luận điểm thứ nhất, cơ sở là giá trị đạo đức bình đẳng của con người, điều duy nhất đã giành được sự tin cậy phổ biến trong hai thế kỷ qua. Suốt những thế kỷ của chủ nghĩa thực dân Châu Âu, XVI – XVIII, khẳng định này không hề nhận được sự tán thành nào. Ngày nay, chúng ta không thể quay lại theo lối cũ: chúng ta đã và đang đạt được những mục đích trong việc thừa nhận tất cả mọi người đều bình đẳng. Tuy nhiên, chúng ta công nhận rằng điều này không phải luôn luôn được như vậy. Ở luận điểm thứ hai, trong toàn bộ những chiều kích khác nhau của công bình, đã và đang có những thay đổi theo thời gian. Ví dụ, kinh tế có thể là chiều kích căn bản, đặc biệt trong những xã hội theo tư bản chủ nghĩa, nhưng những xã hội này đã xuất hiện trong lịch sử phương Tây ngay trước Thời kỳ Hiện đại. Nhiều xã hội đã trở nên xa lạ với chủ nghĩa tư bản hàng thế kỷ. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản toàn cầu mở rộng đến mọi ngóc ngách của trái đất, tuy nhiên, chúng ta chưa thể nói rằng nền kinh tế tư bản là yếu tố chủ yếu kiến thiết các xã hội.

Quan niệm của chúng ta về công bình thay đổi. Đây là một điều có tính năng động. Giá trị hiệu lực và ý nghĩa các luận điểm của chúng ta không tuyệt đối, bởi vì chúng dựa trên thời gian trong lịch sử và trên bối cảnh từ đó chúng ta đánh giá. Ngày nay, dường như các đặc tính thích hợp nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữa những yếu tố khác, là khủng hoảng về sinh thái và việc mở rộng các quyền con người. Nhưng, khi tuyên bố điều này một cách mạnh mẽ, chúng ta cũng không lấy gì làm bảo đảm rằng điều này sẽ không thay đổi theo thời gian. Ngày nay, dường như chúng ta khó có thể tin rằng chế độ chiếm hữu nô lệ đã từng được chấp nhận trong hàng thế kỷ. Dĩ nhiên, các thế hệ mới sau này sẽ cho là lố bịch khi trong các xã hội của chúng ta, tình trạng bóc lột về kinh tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, việc đề cao nam giới, việc kỳ thị người đồng tính, v.v đã từng được chấp nhận. Hoặc cũng có thể xảy ra việc họ sẽ phê phán chúng ta vì đã không làm cho các thế hệ trẻ hòa nhập vào trong công bình xã hội, hay việc chúng ta đã không chú ý đến các thú vật và thiên nhiên. Hoặc có thể chúng ta sẽ phát hiện những diễn tả mới mẻ về sự bất công.

Hiện nay, ai là người phải quyết định cách thế giải thích và thực thi công bình? Là tất cả chúng ta, là quần chúng. Người tạo ra công bình xã hội không phải là những lý thuyết gia, cũng không phải là các nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng là cộng đồng dân chủ, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những vấn đề này. Tính hợp pháp cho việc giải thích và thực thi công bình xã hội được công nhận bởi cộng đồng chính trị ngang qua các tiến trình dân chủ. Nhà giáo dục, nhà cầm quyền, nhà hoạt động xã hội (và những người khác) đều là thành viên với những vai trò cụ thể, nhưng không ai trong số họ có quyền lực tuyệt đối để quyết định điều gì là công bình. Những sự kiện có tính quốc tế (như việc phản đối Mỹ và các đồng minh chiếm đóng Irắc, hay việc phản kháng “đầy công phẫn” chống lại tình trạng khủng hoảng kinh tế những năm 2008 – 2011) cho thấy một cộng đồng dân chủ toàn cầu đang dần dần xuất hiện. Những cộng đồng dân chủ khác nhau (địa phương, quốc gia hay quốc tế) phải được thừa nhận như là những người tạo ra công bình.

Vậy chế độ dân chủ có đảm bảo cho công bình được không? Không. Chế độ dân chủ không phải là không có những sai sót, tuy nhiên, nó có thể được duyệt xét lại và, do đó, nó có khả năng tiến bộ. Không hề có một xã hội đơn lẻ nào (thậm chí càng ít thấy trong một viễn cảnh toàn cầu) mà tất cả công dân của nó tham gia đồng đều một cách dân chủ vào trong những vấn đề liên quan đến xã hội đó. Sau hơn hai thế kỷ mở rộng nền dân chủ hiện đại, những khuyết điểm của nền dân chủ này đã được nhìn thấy rõ ràng. Một số nhóm (người nghèo, phụ nữ, người bản địa, người đồng tính, di dân, v.v.) đã chịu áp bức “một cách dân chủ” nhiều lần. Tuy nhiên, cũng có một sự thật rằng nhiều nhóm bị áp bức đã và đang, một cách dân chủ, giành được vị trí của chính họ bên trong chế độ dân chủ. Nền dân chủ sản sinh ra một nghịch lý rằng: nó có thể mở rộng hay triệt tiêu chính nó. Đó là phương tiện cho quyền lực công, gắn  liền với mọi công dân, nghĩa là làm thay đổi bất kỳ vấn đề nào, kể cả chính nó. Mục đích nhắm đến đó là một xã hội dân chủ (địa phương, quốc gia hay quốc tế) phải nhìn lại chính mình, nhằm mục tiêu được tham gia nhiều hơn và công bình.

(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J chuyển ngữ từ “Franklin Ibáñez – Characterising Social Justice” trong Promotio Iustitiae n108, 2012/1)

Kiểm tra tương tự

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Vầng trăng nối liền những bàn tay và những trái tim

Từ hai tháng nay, qua chương trình trồng cây cải tạo môi trường tại trung …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *