Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

 

Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ phương pháp của ông, tôi không chỉ học được những bài học quý giá về cuộc sống mà còn nhận ra vẻ đẹp của âm nhạc.

 

Màn biểu diễn của những đứa trẻ học nhạc theo phương pháp Suzuki thật đáng kinh ngạc, và không làm phụ lòng khán giả. Làm sao chúng có thể chơi nhạc hay đến vậy? Và tại sao con của tôi lại không làm được như thế? Trở thành một “bà mẹ Suzuki” đã giúp tôi trả lời câu hỏi đầu tiên và khiến câu hỏi thứ hai trở nên không còn quan trọng.

 

Chúng tôi tìm đến violin Suzuki nhờ sự kết hợp giữa tham vọng của một người mẹ và một chút tình cờ. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi không thể chứa nổi một cây đàn piano. Nếu muốn học nhạc, chúng tôi cần một nhạc cụ cầm tay. Sáo có vẻ không hấp dẫn và guitar thì tôi chưa từng nghĩ đến.  Tôi tìm kiếm trên Google và các bài học vĩ cầm Suzuki xuất hiện. 

Đưa âm nhạc trở thành một phần cuộc sống

Ngay từ khi tập theo phương pháp Suzuki, tôi thấy cách tiếp cận bằng tiếng mẹ đẻ của anh ấy thực sự có hiệu quả – tôi đã hiểu được sự tương đồng giữa việc tiếp thu ngôn ngữ và học nhạc. Mẹ tôi cũng đã áp dụng phương pháp này một cách rất tự nhiên. Bà hát ru chúng tôi vào mỗi tối, mở những đĩa nhạc vinyl cũ hoặc nghe radio khi làm việc nhà. Từ nhỏ, những bài hát quây quần bên lửa trại và những đoạn nhạc của Beethoven, Chopin, Dvořák đã thấm vào tôi.

 

Khi các con tôi chào đời, tôi cũng làm điều tương tự: mở nhạc ở nhà và trên xe, hát cùng nhau trong các buổi cầu nguyện gia đình, và đặc biệt là hát thánh ca Giáng Sinh. Việc thêm nhạc Suzuki vào danh sách phát của gia đình chúng tôi đã diễn ra rất tự nhiên.

 

 

Ban đầu, tôi mơ tưởng đến cảnh các con mình đứng biểu diễn những bản nhạc của Vivaldi hay Bach khiến mọi người thán phục. Nhưng chỉ sau một tháng học bài bản, tôi đã hiểu rõ hơn. Học nhạc là một hành trình thách thức và giúp tôi biét khiêm nhường. Phương pháp nhẹ nhàng của Suzuki không thay thế được sự nỗ lực, kiên trì và kỷ luật mà cả học sinh, giáo viên lẫn phụ huynh phải đầu tư trong mỗi buổi học và luyện tập hàng ngày. 

Bỏ cuộc và bắt đầu lại

Sau vài năm, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và đã ngừng học khi đại dịch Covid bùng phát. Nhưng âm nhạc đã chảy trong huyết quản của chúng tôi. Vài tháng sau, khi con gái tôi nghe thấy giai điệu của Handel trên radio, con bé đã lấy violin ra chơi lại. Đó chính là “dấu hiệu” để chúng tôi quay lại với các bài học.

 

 

Lần này, tôi đã trở thành một phụ huynh khôn ngoan hơn. Tôi giao hoàn toàn trách nhiệm học nhạc cho các con mình. Chúng tôi nhận ra rằng sự tiến bộ sẽ đến từ từ, sau nhiều giờ luyện tập kiên trì. Những đứa trẻ học nhạc theo phương pháp Suzuki không phải là thiên tài. Việc chúng sở hữu năng khiếu bẩm sinh hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Nhưng phần lớn, chúng đều chăm chỉ làm việc. Suzuki từng khẳng định rằng tài năng nảy sinh từ sự siêng năng, được hỗ trợ bởi những điều kiện phù hợp. Ông thường đùa rằng học sinh chỉ nên luyện tập vào những ngày chúng ăn no. Nếu chúng chơi tốt thì đó là vì chúng đã nạp năng lượng thường xuyên, tôi đoán vậy!

 

Tôi không còn kỳ vọng vào thành tựu lớn lao mà chỉ tập trung biến âm nhạc thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chúng tôi làm việc đều đặn, nhưng giờ đây tôi tập trung vào mục đích sâu xa hơn của giáo dục âm nhạc: không phải để tạo ra những “đứa trẻ tài năng” mà là để đánh thức tài năng.

Hoà mình vào cái đẹp

Chúng tôi đã kiên trì vì cuối cùng chúng tôi đã nắm được cốt lõi của phương pháp giáo dục của Shinichi Suzuki. Bằng cách cầm vĩ cầm đúng cách, uốn cong các ngón tay sao cho phù hợp với dây đàn, để cho một nốt nhạc vang lên, chúng tôi thả hồn vào một điều đẹp đẽ. Mở rộng khả năng cảm nhận và tạo ra cái đẹp là một trong những thành quả quý giá nhất trong hành trình âm nhạc của chúng tôi.

 

Như Suzuki đã viết trong cuốn Nurtured by Love (Được nuôi dưỡng bởi tình yêu), việc hỏi xem liệu con tôi có thành công gì không là một sự xúc phạm và không đúng trọng tâm.

 

Một đứa trẻ không phải là một “đồ vật”. Câu hỏi duy nhất mà cha mẹ nên nên đặt ra là liệu đứa trẻ có đang lớn lên thành một người tốt hay không.

 

Để đạt được điều này, Suzuki đã rất cẩn trọng để không bao giờ so sánh các học sinh với nhau hoặc ép buộc sự tiến bộ. Thay vào đó, ông nhấn mạnh việc thành thạo từng yếu tố nối tiếp nhau, dù đơn giản hay phức tạp, không vội vàng và cũng không chần chừ. Vì vậy, tại buổi biểu diễn thường niên tại trường nhạc của chúng tôi, chúng tôi thấy những đứa trẻ mẫu giáo tự hào thể hiện cách cầm vĩ cầm đúng trong khi hát một bài hát vui nhộn, với các cử chỉ giúp luyện tập cách cầm và chuyển động tinh tế của bàn tay. Một thiếu niên có thể chơi một phần của một bản concerto dây. Các học viên trình độ cao – được chia nhóm theo khả năng chứ không phải độ tuổi – sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc riêng, trình diễn các tiết mục tiền-chuyên-nghiệp mà họ biểu diễn trong các chuyến lưu diễn trong nước và quốc tế.

 

Tuy nhiên, ngay cả đối với những nhạc sĩ chuyên nghiệp này, mục đích không phải là để làm choáng ngợp, mà là làm tốt từng việc một, rồi đến việc khác, rồi hàng triệu việc khác một cách vui vẻ và thành thạo. Sự tiến bộ không được đo lường bằng số lượng tác phẩm hay trình độ kỹ thuật đạt được trong một năm, mà la bằng sự thuần khiết của giai điệu và tính nhạc. Điều này giúp giảm bớt sự cạnh tranh giữa các học sinh và phụ huynh. Nó cũng quay về với giá trị cốt lõi của phương pháp Suzuki, nhằm nuôi dưỡng sự hình thành nhân cách của trẻ.

Một nền giáo dục nâng cao tâm hồn

 

Trên thực tế, một số học trò của Suzuki và những người được ông truyền cảm hứng đã thực sự trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng. Chúng tôi tìm đến họ tại dàn nhạc giao hưởng địa phương. Lắng nghe từ ban công cao, chúng tôi càng thêm trân trọng họ vì giờ đây chúng tôi hiểu phần nào về nghề của họ. Tuy nhiên, tôi cũng đã nghe nhạc của những đứa trẻ Suzuki bình thường mà cảm động đến rơi nước mắt.

 

Lén nghe một buổi học khi con gái tôi cùng giáo viên xem xét bản nhạc, giải mã nhịp điệu, phát triển cách diễn đạt và luyện tập các mẫu chuyển đổi giai điệu, tôi chứng kiến ​​một thế giới kiến ​​thức và kỹ năng chuyên sâu đến mức sửng sốt. Tôi vui mừng vì sự tiến bộ của chúng tôi. Nhưng tôi cũng nhìn xa hơn thế. Tôi đã học được rằng âm nhạc không chỉ là một thành tựu, mà là một nền giáo dục. Như Suzuki đã nói, đó là sự thể hiện cá tính, sự nhạy cảm và tài năng. Một cách để nâng cao tâm hồn.

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Justyna Braun

Chuyển ngữ: Châu Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên 

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …