Ăn năn để được hòa giải

Là linh mục, ngoài việc dâng Thánh lễ, tôi rất thích ngồi tòa giải tội. Tôi thường nói với người trẻ rằng: “Các bạn đừng sợ bí tích này. Các cha luôn lắng nghe và thay mặt Chúa tha tội cho các bạn.” Tôi cũng ngạc nhiên về sự tha thứ của Thiên Chúa. Ngài tha không giới hạn. Nhiều lúc tôi thấy cũng lạ, và muốn tìm hiểu thêm về sự tha thứ này. Một tài liệu hữu ích tôi đã đọc và muốn tóm tắt để quý độc giả hiểu thêm về bí tích Giao hòa này.

Tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế về: “Ăn Năn và Hòa Giải-Penance and Reconciliation -PR[1] (1982) là một bài nghiên cứu chi tiết về sự ăn năn và hòa giải trong Kitô giáo. Tài liệu nhấn mạnh lời kêu gọi ăn năn của Chúa Giêsu không thể tách rời khỏi Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Mc 1,15). Tin Mừng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã thể hiện sự đồng hành của tình yêu Thiên Chúa với sự đau khổ (PR số 11). Theo gương Chúa Giêsu, Giáo hội kêu gọi tín hữu ăn năn và đi xưng tội. Cụ thể tài liệu nói Giáo hội đang thực thi một sứ mạng quan trọng để truyền tải thông điệp cứu rỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa (x. 2 Cr 5,18-20).

  1. Bối cảnh nhân học của sự ăn năn

a. Bản chất của ăn năn

Chỉ nơi con người mới có sự ăn năn và hòa giải. Thiên Chúa đã đặt để trong con người tiếng nói lương tâm giúp gọi mời chúng ta trở về. Tài liệu gọi hành động này là „món quà của Thiên Chúa” (số 31). Hành động này bao gồm việc nhận biết tội lỗi, thay đổi cuộc sống và hướng về Thiên Chúa. Trong tài liệu này, ăn năn được hiểu như một hành động đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa về sự hòa giải, được thực hiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ăn năn vừa là món quà vừa là một hành động tự do và có trách nhiệm đạo đức của con người. Trong đó, con người thú nhận những hành vi xấu xa của mình: xưng tội (The confession). Đồng thời, hối nhân hy vọng sẽ thay đổi cuộc sống bằng một quyết định cá nhân và hướng nó về Thiên Chúa. Việc thú tội, dù chỉ từ quan điểm nhân bản, cũng giải thoát chúng ta và tạo điều kiện cho sự hòa giải với tha nhân. Qua việc thú tội, con người nhìn thẳng vào tội lỗi mình, nhận trách nhiệm và mở lòng mình với Thiên Chúa và Giáo Hội để có một tương lai mới (GLHTCG 1455). Tóm lại, hối hận và xưng tội để hướng đến một tương lai gần sự thánh thiện của Thiên Chúa.

b. Khủng hoảng hiện tại

Gọi là khủng hoảng vì nhiều người không tha thiết đến với tòa giải tội. Nói cách khác, tài liệu chỉ ra rằng thế giới ngày nay đang mất dần ý thức về tội lỗi và ăn năn. Nhất là trước trào lưu tục hóa (civilization) khiến nhiều người mất niềm tin vào Thiên Chúa và các giá trị nhân văn cơ bản (x. PR Phần A, số 2). Sự mất ý thức về tội lỗi dẫn đến sự mất ý thức về nhân phẩm con người và mục đích của đời sống con người. Tình trạng này không chỉ do các yếu tố bên ngoài Giáo hội mà còn do các yếu tố nội tại trong Giáo hội. Nhiều tín hữu cảm thấy thực hành ăn năn không còn ý nghĩa và hiệu quả từ góc nhìn của con người. Điều này có thể nhiều người rời bỏ thực hành bí tích này.

c. Phục hồi ý thức về con người

Trước hiện trạng trên, Giáo hội đang nỗ lực phục hồi ý thức về con người như một thực thể có trách nhiệm đạo đức và tôn giáo. Điều này bao gồm việc nhìn nhận tội lỗi và trách nhiệm cá nhân. Phẩm giá cá nhân của con người nằm ở tự do của họ, điều này bao gồm khả năng trở thành người có tội. Nhiệm vụ tự nhận thức bản thân là một phần của bản chất con người, và việc khôi phục lại ý thức này phải bắt đầu từ việc quay lại với Thiên Chúa và làm mới mối quan hệ với Ngài (x. PR Phần A, số 4)). Giáo hội, khi kêu gọi con người quay trở lại với Thiên Chúa, là dấu chỉ và bảo vệ sự vượt trội của con người (sign and protection of the transcendence of the human person, x. GS 21, GS 76).

  1. Nền tảng thần học của ăn năn

a. Kinh Thánh

Cả Cựu Ước và Tân Ước đều coi hoán cải là trung tâm trong mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Tội lỗi được xem như sự chống đối Thiên Chúa và xa rời sự thật của con người. Thông điệp Kinh Thánh về sự hòa giải vượt xa mọi mong đợi của con người. Ngôn ngữ Kinh Thánh diễn tả: “Thiên Chúa là Đấng xót thương-He is dives in misericordia” (PR phần B, số 1). Cựu Ước mô tả Thiên Chúa như một người chồng yêu thương vợ mình (x. sách ngôn sứ Hôsê). Tân Ước ghi nhận Thiên Chúa như người Cha với đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32). Chúa Giêsu cho rằng sự hòa giải là món quà của ân sủng Thiên Chúa, và việc quay trở lại với Thiên Chúa không phải là nỗ lực của con người mà là sự đáp lại tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa[2].

b. Kitô Học

Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của sự hòa giải. Bằng cuộc thương khó và cái chết, Ngài đã chuộc tội cho nhân loại. Do đó, ăn năn trong Kitô giáo là sự tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, theo ngôn ngữ của thánh Tôma Aquinas[3]. Tân Ước nhấn mạnh rằng sự hòa giải của Thiên Chúa với thế giới chỉ có thể hiểu đầy đủ qua Chúa Giêsu Kitô. Nghĩa là Chúa Giêsu đã hi sinh để chuộc lại những tội lỗi của loài người. Với biến cố phục sinh, Chúa Kitô đã đem đến một khởi đầu mới, và sự ăn năn Kitô giáo chính là sự tham gia vào cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài[4].

c. Giáo Hội Học

Giáo hội là dấu chỉ và công cụ của sự hòa giải. Dấu chỉ mang tính bí tích này (the sacramental sign) nói lên sự hòa giải và sự hiệp thông của toàn thể nhân loại với Thiên Chúa và của sự đoàn kết của toàn thể nhân loại (GLHTCG 152). Hơn nữa Giáo hội luôn trung thành loan báo và thực hiện sự hòa giải mà Chúa Kitô đã thực hiện. Điều này dễ nhận thấy qua các bí tích và các hoạt động của Giáo hội. Để thực hiện điều này, tài liệu khẳng định rằng đây là hoạt động của Chúa Thánh Thần (the action of the Holy Spirit)[5]. Giáo hội đón nhận điều này như món quà Thiên Chúa đã ban cho, qua Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Điều này được thực hiện qua lời rao giảng về sự ăn năn và hòa giải, qua bí tích hòa giải và qua toàn bộ mục vụ của Giáo hội (x. LG 11).

  1. Nền tảng giáo lý và thần học

a. Sự phát triển lịch sử

Trong suốt lịch sử, Giáo hội đã phát triển các thực hành và giáo lý về sự ăn năn và hòa giải, từ việc thú nhận công khai đến việc thú nhận riêng tư. Chẳng hạn Kinh Tin Kính: “tôi tin phép tha tội”. Lời này nói lên chiều kích cá nhân hóa của bí tích này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thú nhận tội lỗi cá nhân và nhận sự tha thứ từ Thiên Chúa qua Giáo hội. Điều này cũng cho thấy sự tự do của Giáo hội trong việc đổi mới thực hành bí tích để phù hợp với nhu cầu của tín hữu trong các thời đại khác nhau[6].

b. Đổi mới thực hành

Sau những phân tích, tài liệu mạnh dạn thúc đẩy sự đổi mới trong cách thực hành bí tích hòa giải. Trước là trong việc đào tạo linh mục, sau là nâng cao nhận thức của tín hữu. Việc đổi mới này cần phải làm rõ ràng hơn bản chất đối thoại của bí tích hòa giải, để giúp tín hữu hiểu rõ hơn và tham gia vào bí tích này một cách sâu sắc và ý nghĩa hơn. Các linh mục cần được đào tạo tốt hơn về mặt thần học và thiêng liêng để đáp ứng những yêu cầu mới trong việc giải tội và hướng dẫn tinh thần cho tín hữu. Đổi mới để làm sao cả linh mục và giáo dân cảm thấy nhận được niềm vui trong bí tích này. (như lời của Hồng Y Carlo Maria Martini)[7].

Kết luận

Dĩ nhiên, tài liệu trình bày rất chi tiết và học thuật ở những điểm trên. Chúng ta chỉ tóm tắt để hiểu những nỗ lực của Giáo hội đang làm. Nhất là Giáo hội muốn từng người thay đổi thành kiến sợ đi xưng tội. Bởi, bí tích hòa giải cần phải liên kết với thông điệp về Thiên Chúa nhân từ và tình yêu của Ngài. Giáo hội cần làm mới lại sự hiểu biết về phẩm giá con người và mối quan hệ giữa sự hòa giải với Thiên Chúa và với cộng đồng. Chỉ khi nhận ra Thiên Chúa luôn tha thứ, con người mới khám phá ra ý nghĩa thực sự của lẽ sống. Việc đổi mới này đòi hỏi phải xem xét các khía cạnh nhân học và mối liên hệ không thể tách rời giữa sự hòa giải với Thiên Chúa, Giáo hội và cộng đồng nhân loại.

Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người không còn thấy tòa giải tội là nơi phán xét, chỗ nguy hiểm. Nhưng trên hết, đó là nơi cho chúng ta thảo luận, nói chuyện với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót niềm nở trao cho ta giấy chứng nhận thứ tha. Nhờ đó, chúng ta được nhiều bình an trong tâm hồn, được nhiều ơn Chúa để tiếp tục sống hạnh phúc, sống tốt hơn mỗi ngày.

Để kết thúc, Đức Giáo hoàng Đức Phanxicô nói: “Việc xưng tội mang lại thời điểm đặc biệt của ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa”[8]. Vì thế, lời cuối trong tài liệu này nhấn mạnh: “Giáo hội phải làm chứng trong Chúa Thánh Thần và hiện thực hóa thông điệp hòa giải mà Thiên Chúa đã ban qua Chúa Giêsu Kitô.”[9]

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1995_teologia-redenzione_en.html

[2] x. Lk 6,35, 1 Cor 5,1-13, 2 Cor 2,5-11, 7,10-13

[3] (St. Thomas Aquinas, STh III, q. 49, a. 3 ad 6)

[4] x. 2 Cor 5,14, 17; Rm 8,3; Gal 3,13; 1 Pr 2,24

[5] X. PR Phần III, số 1

[6] Xem The doctrinal statement of the Council of Trent on the sacrament of penance: 1728, 3857.

[7] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/niem-vui-trong-bi-tich-hoa-giai-41544#_ftnref1

[8] https://dcctvn.org/duc-phanxico-viec-xung-toi-mang-lai-thoi-diem-dac-biet-cua-an-sung-va-su-tha-thu-cua-thien-chua/#

[9] Xem phần kết luận

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …